Văn hoá, văn nghệ tham gia góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

18 05 2022

in trang

Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học nghệ thuật là một bộ phận của hoạt động đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” luôn được Đảng và Nhà nước ta đề cao bởi nó tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp Nhân dân và sự tồn vong của chế độ.

Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học nghệ thuật là một bộ phận của hoạt động đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” luôn được Đảng và Nhà nước ta đề cao bởi nó tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp Nhân dân và sự tồn vong của chế độ.
Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc xâm lược, bên cạnh những nhà chính trị, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã sản sinh ra những nhà văn hoá lớn, những trí thức trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật mang tầm thời đại tiêu biểu đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hoá thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc người được biết đến với những tác phẩm thơ ca bất hủ (Bản án chế độ thực dân Pháp, Nhật ký trong tù, Tuyên ngôn Độc lập, Không có gì quý hơn độc lập tự do, Di chúc). Ngoài ra còn kể đến những nhà văn, nhà thơ, nhà văn hoá tiêu biểu như: Tố Hữu, Sóng Hồng, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Văn hóa Cứu quốc được thành lập đã quy tụ các văn nghệ sĩ yêu nước tự nguyện chiến đấu cho độc lập dân tộc, những hội viên nhà văn đầu tiên là Học Phi, Như Phong, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao... Ở mảng đề tài chiến tranh cách mạng, nhiều tác phẩm hội họa của trong thời kỳ này đã phản ánh đa dạng công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, lao động sản xuất, sinh hoạt và đời sống của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến. Các tác phẩm đầu tiên: “Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ Phủ” (Tô Ngọc Vân); “Xuống đồng” (Trần Văn Cẩn); “Chợ Bờ” (Nguyễn Văn Tỵ); “Lớp bình dân” (Dương Bích Liên), “Góc phố Hàng Bút” (Phạm Văn Ðôn), Tượng Hồ Chủ tịch (Nguyễn Thị Kim), chân dung Hồ Chủ tịch (Vũ Cao Ðàm), họa sĩ sống tại Pháp, khi Bác sang dự hội nghị Fontainebleau 1946... Đặc biệt những tên tuổi lớn như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng… đã làm nền hội hoạ mỹ thuật Việt Nam nổi bật đầy sức sống, cho thấy những chuyển biến rõ rệt từ mỹ thuật phục vụ cái đẹp sang mỹ thuật phục vụ cách mạng, mỹ thuật phản ánh hiện thực rộng lớn góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành công cuộc giải phóng miền Nam tiến đến giải phóng hoàn toàn đất nước, thu non song về một mối.
Trong thời kỳ kháng chiến, sau những cuộc chiến đấu oanh liệt, những ca khúc cách mạng lại được hát vang lên như một lời động viên tinh thần, lời cảm ơn đến các chiến sĩ ngày đêm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của các nhạc sĩ, hay cũng chính là các chiến sĩ cùng một thời lửa đạn hào hùng. Những ca khúc cách mạng đó cho đến ngày nay vẫn còn được đón nhận một cách chân thành và mãi đi cùng năm tháng. Đó là các nhạc sĩ: Văn Cao, An Thuyên, Đỗ Nhuận, Phạm Tuyên, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Tý, Lê Thương, Đoàn Chuẩn… Đây là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời cầm bút của những người làm công tác văn hoá, văn nghệ phục vụ kháng chiến, những con người quả cảm, chân chính hết lòng vì cách mạng, mang hơi thở, tình yêu âm nhạc, văn học nghệ thuật để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân.
Trong giai đoạn hiện nay, đại bộ phận văn nghệ sĩ có thái độ chính trị tốt, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy tinh thần yêu nước, đồng hành cùng dân tộc và sự nghiệp đổi mới của Đảng, phấn đấu cho một nền văn hoá, văn nghệ tinh thần phong phú, đa dạng đậm đà bản sắc dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng đất nước, quê hương ngày càng phát triển, văn minh và giàu đẹp. Trong bối cảnh kinh tế thị trường với nhiều tác động mặt trái tiêu cực, cuộc sống của một số văn nghệ sĩ tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn hoàn thành tốt công việc và trách nhiệm của mình trong công tác sưu tầm, nghiên cứu lý luận, phê bình, sáng tác, quảng bá tác phẩm, xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng tài năng trẻ, giữ vững bản sắc dân tộc, đồng thời thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng cùng với xu thế chung của thời đại. Tuy nhiên, đâu đó vẫn xuất hiện những cái tên gắn với “Văn đoàn độc lập” như Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A, Bùi Tín, Hoàng Hưng, Hoàng Dũng, Bùi Minh Quốc… hoặc những kẻ lợi dụng danh tiếng nhà giáo, nhà nghiên cứu như: Nguyễn Xuân Diện, Thái Bá Tân, Mạc Văn Trang, Nguyễn Thông … có những ý đồ xấu gây cản trở cho nền văn hoá, văn nghệ nước nhà gây ảnh hưởng xấu đến mối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc lịch sử làm ảnh hưởng đến dư luận trong quần chúng Nhân dân.
Trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ văn nghệ sĩ cần đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, lên án các hành vi tiêu cực; đồng thời, phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các phong trào cách mạng của địa phương; tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tuyên truyền về kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, phản ánh người tốt, việc tốt... Đội ngũ văn nghệ sĩ cần đóng vai trò quan trọng đấu tranh chống các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch; vạch trần, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch lợi dụng vấn đề xã hội nhạy cảm chống Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Âm mưu của các thế lực thù địch, phản động là nhằm tác động, chuyển hóa tư tưởng, nhận thức của đội ngũ văn nghệ sĩ, từ đó sử dụng chính tri thức, ngòi bút và tầm ảnh hưởng của văn nghệ sĩ để quay lưng với đất nước, với Nhân dân, chống lại con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đã lựa chọn.
Mỗi người văn nghệ sĩ hơn lúc nào hết hãy luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân, cần ý thức rõ về vị trí, vai trò của mình trên con đường truyền bá những giá trị tinh hoa đời sống tinh thần và góp phần xây dựng hệ tư tưởng cộng đồng xã hội; tích cực sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới của thành phố và đất nước. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; nhận diện và chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác luận điệu xuyên tạc, thù địch, không mất cảnh giác để bị lừa, bị kích động, bị lôi kéo vào hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia thông qua lợi dụng hoạt động văn học, nghệ thuật. Tích cực tham gia đấu tranh, ngăn chặn với các âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, móc nối, kích động chống phá đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; khuyến khích, động viên quần chúng Nhân dân tích cực tham gia sáng tạo, hoạt động và hưởng thụ văn học, nghệ thuật để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố mới, tài năng tiêu biểu, tạo điều kiện để phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ luôn tiền phong gương mẫu, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật ngày càng phát triển lên tầm cao mới xứng tầm với tiềm năng của một vùng đất vốn có truyền thống văn hóa, văn học, nghệ thuật phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, mang tính đặc thù riêng của thành phố Cảng.
Phạm Đức Mạnh (Cửa Biển)

Admin

Thong ke