Vai trò của Phóng viên, nhà báo cách mạng trong tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

27 05 2022

in trang

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam và là một nhà báo vĩ đại. 50 năm với tư cách là một nhà báo, làm chủ bút nhiều tờ báo và trực tiếp viết rất nhiều bài báo, Bác Hồ luôn nêu cao tinh thần của một nhà báo vô sản, cách mạng và chân chính. Nói về tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng, Người khẳng định: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự phát triển, lớn mạnh của báo chí có sự cống hiến, hy sinh to lớn của những người làm báo, đó là những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”.
Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị khóa XII “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của báo chí trong công tác xây dựng, bảo vệ Đảng. Đó là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên internet, các mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.
Có thể nói báo chí hiện nay nhận được sự quan tâm khá lớn từ người dân, đặc biệt các trang báo mạng, trang cá nhân,blog cá nhân của các phóng viên, nhà báo. Với các thiết bị smart phone, máy tính bảng, nhân dân dễ dàng trong việc tiếp cận với các thông tin. Việc tin tưởng, tìm và phản ánh vụ việc tới các phóng viên báo chí cũng nhiều hơn, dễ dàng hơn khi báo chí tham gia hoạt động xã hội rộng rãi hơn, đặc biệt trên mạng xã hội. Theo dõi lượng tương tác dưới các bài báo cùng với các trang mạng xã hội của các phóng viên báo chí, các nhà báo cách mạng cho thấy sức ảnh hưởng của báo chí nói chung và các phóng viên báo chí nói riêng khá là cao. Vậy, để nhân dân được tiếp cận các thông tin chính thống, các vấn đề nóng hổi về kinh tế - xã hội, tư tưởng - văn hóa, tại sao báo chí đặc biệt các nhà báo cách mạng chúng ta không tham gia mạnh mẽ hơn, bày tỏ các quan điểm, chính kiến của mình để đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước ta có hiệu quả cao hơn?
Như vụ việc cưỡng chế, thu hồi khu đất quốc phòng 9,2 ha bị lấn chiếm,xây dựng trái phép vào ngày 21/6/2021 tại Hải An, Hải Phòng. Ngoài sự chuẩn bị chu đáo từ chính quyền có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng báo chí. Thời điểm đó, báo chí đã thông tin khá dày về đối tượng lấn chiếm, về những sai phạm của nhiều phía,… thông tin được công khai rộng rãi và nhân dân được tiếp cận đầy đủ kịp thời. Do đó, không thế lực thù địch nào lúc đó chống phá, bày trò phá hoại được, cuộc cưỡng chế diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng và kết thúc tốt đẹp trong sự phấn khởi của người dân thành phố.
Tuy nhiên, cũng không phải vấn đề nào báo chí, các phóng viên, nhà báo cách mạng cũng lên tiếng. Còn rất nhiều vụ việc bị bỏ qua, không hẳn là bàng quan, họ có chính kiến đấy, có quan điểm đấy, phải chăng họ “ngại” đưa ra, ngại “va chạm” với dư luận với “đồng nghiệp”? Thời gian vừa qua vụ việc triển lãm tranh Điện Biên Phủ của Mai Duy Minh bị dừng trước giờ khai mạc. Có 3.650.000 kết quả cho ra trên google (trong đó lẫn các bài viết về bức tranh panaroma tại Bảo Tàng chiến thắng Điện Biên), một con số không nhỏ nhưng chủ yếu là thông tin chung chung, những tranh cãi xung quanh việc triển lãm bị dừng. Hiếm hoi có bài viết của tác giả An Khánh trong mục Suy ngẫm của Báo Nghệ An với tiêu đề “Nghệ thuật và sự hướng thiện” là dám nói lên suy nghĩ của mình khi là kẻ “ngoại đạo”. Trên mạng xã hội, khá nhiều thông tin trái chiều, người bênh người phê phán. Trong số những người bênh vực đó không ít người là cán bộ, đảng viên, là những người có sức ảnh hưởng với cộng đồng mạng. Họ cho rằng ngày đó làm gì có gì mà ăn,con người lúc đó da bọc xương như trong bức hình lột tả còn gì. Uhm, đồng ý là người gầy thế thật, nhưng thần thái của người chiến sĩ thì “ối giời ôi”. Nhìn vào bức tranh, ánh mắt thì gian và có chút gì đó sợ hãi, liên láo vậy mà bênh được. Khi đến thăm nhà tù Hỏa Lò, chúng ta bắt gặp lá cờ bằng một chiếc chăn màu hồng và ngôi sao vàng bằng vỏ bao xi măng các bạn ạ. Người chiến sĩ của chúng ta lúc đó, với sự chuẩn bị kỹ càng cho một trận chiến sống còn chắc cũng không thể cầm một lá cờ rách bươm vậy được. Mà dù có vậy cũng có cần vẽ lá cờ với màu đỏ tượng trưng của cách mạng, máu của các anh hùng và ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho năm tầng lớp tham gia cách mạng sĩ, nông, công, thương, binh cùng đoàn kết kháng chiến rách đến vậy không? Tại thời điểm đó, cũng thật hiếm hoi có phóng viên, nhà báo cách mạng nào dám viết lên quan điểm của mình về vấn đề này cũng như nhiều vấn đề dư luận quan tâm khác. Duy có một bài viết trên trang cá nhân của một trưởng đại diện văn phòng thường trú tại Hải Phòng bày tỏ khá rõ và sâu sắc quan điểm của mình với tiêu đề “Nghệ thuật “phá” cách trên niềm tự hào dân tộc.
Chúng ta những nhà báo cách mạng, những đảng viên mỗi cuối năm lại kiểm điểm với những câu như “Tuyệt đối trung thành với Đảng, có tư tưởng chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng của Đảng; có tinh thần trách nhiệm cao trong đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị; giữ gìn kỷ luật phát ngôn, bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước….” nhưng chúng ta đã tự hỏi “chúng ta đang ở đâu trên không gian mạng? chúng ta đã làm gì để bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa trước những chống phá từ các thế lực thù địch trong và ngoài nước ngày càng mạnh lúc này. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phòng, chống “diễn biến hòa bình” là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp. Các thế lực thù địch thường lợi dụng những sơ hở, sai sót của báo chí cách mạng để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, do đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải luôn đề cao tính thận trọng. Nói vấn đề gì, viết vấn đề gì; nói, viết vào thời điểm nào; ai viết, ai nói; viết, nói như thế nào... luôn là những yếu tố mà báo chí phải cân nhắc. Tuy nhiên, cần hiểu rằng để những quan điểm sai trái, những vấn đề xã hội chưa được hiểu đúng được nhìn nhận đúng đắn, chúng ta đâu cần căng thẳng, đôi co để giải quyết. Chúng ta, bằng những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, có sức thuyết phục, phản ánh chân thực, kịp thời, những quan điểm tích cực về sự vật, sự việc, những đề xuất, kiến nghị phù hợp… sẽ khiến vấn đề được giải quyết đơn giản hơn rất nhiều.
Báo chí cần tích cực, chủ động, dự báo sớm tình hình và có kế hoạch cụ thể cho việc khai thác, tìm tòi thông tin từ đó đưa ra những luận điểm,chiến lược hiệu quả trong đấu tranh, phản bác. Các cơ quan quản lý, định hướng báo chí luôn sẵn sàng hợp tác và cung cấp thông tin để chúng ta có tư liệu viết và chắc chắn rồi báo chí khi đó sẽ luôn được bảo vệ bởi 2 chữ “chính thống”. Báo chí cách mạng, các phóng viên, nhà báo cách mạng, chúng ta hãy bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa theo cách thông minh nhất, theo cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở và kỳ vọng ở những nhà báo cách mạng chân chính.
Trần Xuân Hương (Cửa Biển)

Admin

Thong ke