Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới lề lối làm việc

10 09 2020

in trang

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: 'Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém. Đó là một chân lý nhất định'. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, người cán bộ, công chức không có phận sự nào khác ngoài phận sự phục vụ nhân dân, vì dân mà làm các việc và cũng phụ trách trước nhân dân.

Tháng 10 năm 1947, trong căn lán nhỏ giữa núi rừng ATK Định Hóa, với bút danh X.Y.Z Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc". Đây là một tác phẩm rất quan trọng, đề cập nhiều vấn đề lớn, vừa có tính lý luận vừa có tính chỉ đạo thực tiễn sâu sắc. Những lời dạy của Người về lề lối làm việc và nhân cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên cách đây 70 năm vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Ảnh: Tư liệu.

Đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định". Vì vậy, công tác giáo dục, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo Bác, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu, phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung, phải bổ sung cán bộ, giữ gìn cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới vì vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp. 

Để trở thành người cán bộ tốt, theo Bác không có gì khó mà trước hết là ở bản thân mỗi cán bộ. Nếu trong lòng mỗi người cán bộ chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì tất sẽ tiến đến chí công vô tư, sẽ trở thành những người có nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Đó chính là đạo đức cách mạng. Bác coi đạo đức là nền tảng của mọi thành công trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Chính vì vậy, rèn luyện đạo đức cách mạng là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong công tác bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ.

Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh X.Y.Z, viết trong tháng 10/1947.

Ngoài rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn nêu cao tinh thần học tập của bản thân mỗi cán bộ. Ngay trong phần đầu cuốn "Sửa đổi lối làm việc", Bác viết: "Cán bộ và đảng viên ta, vì bận việc hành chính hoặc quân sự, mà xao nhãng việc học tập. Đó là một khuyết điểm rất to. Khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa. Từ nay chúng ta cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có thể tiến bộ". 

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cán bộ là cái gốc của mọi công việc và việc bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Sau khi phân tích cụ thể những khuyết điểm của công tác bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ như: bồi dưỡng không phù hợp với yêu cầu  thực tế: "Huấn luyện cho cán bộ trong các cơ quan hành chính mà không đụng đến công việc hành chính" hoặc lan man, thiếu thực tế như "dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, rồi không dùng được", Bác đã chỉ ra những cách bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ có hiệu quả.

Đó là khi bồi dưỡng, huấn luyện nghề nghiệp "phải thực hành khẩu hiệu: làm việc gì học việc ấy", cán bộ làm việc ở lĩnh vực nào phải học thạo công việc ở lĩnh vực ấy. Trong học tập phải có điều tra, nghiên cứu tình hình thực tế, có truyền đạt kinh nghiệm và đặc biệt phải kết hợp cả lý thuyết và thực hành. Khi bồi dưỡng, huấn luyện về chính trị phải chú trọng hai vấn đề, đó là: thời sự và chính sách, đây là vấn đề rất quan trọng tuy nhiên tùy từng đối tượng cán bộ mà tập trung bồi dưỡng nhiều hay ít, không dàn trải, lan man.

Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội, tháng 7/960

Một vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tế. Nếu trong học tập chỉ đem lý luận khô khan, hô hào khẩu hiệu chung chung trong khi áp dụng kinh nghiệm vào thực tế lại qua loa thì đó chỉ là lý luận suông hoặc chỉ thực hành mà không có lý luận thì cũng như người có một mắt sáng, một mắt mù. Trong lúc học lý luận phải nghiên cứu công việc thực tế, biết khéo léo vận dụng kinh nghiệm vào hoàn cảnh thực tiễn, theo Bác, thế mới là lý luận thiết thực, lý luận có ích. 

Trong công tác bồi dưỡng cán bộ, Bác nêu mấy điểm cần chú ý "Hiểu biết cán bộ. Khéo dùng cán bộ. Cất nhắc cán bộ. Thương yêu cán bộ. Phê bình cán bộ". Có thể nói, các nội dung trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" đều toát lên tư tưởng của Người về lòng nhân ái, vì sự tiến bộ của mỗi cán bộ, đảng viên. "Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt, sửa bỏ những tính xấu". Theo Bác, cán bộ, đảng viên mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Mục đích phê bình là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa chữa cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, cốt để nội bộ thống nhất và đoàn kết hơn.

Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó, Hà Quảng (tháng 2/1961). ảnh: T.L

Để lựa chọn và trọng dụng cán bộ có hiệu quả, Bác chỉ rõ Đảng phải đặt đúng người vào đúng công việc thích hợp, phải biết tùy tài mà dùng người bởi vì "Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc". Theo Bác, mục đích khéo dùng cán bộ cốt để thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời chống được những căn bệnh như: ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho là họ chắc chắn hơn người ngoài; ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà tránh những người chính trực, tận tâm. Vì vậy, trong công tác cán bộ cần phải dùng đúng người, đúng chỗ, đúng việc thì mới đạt hiệu quả cao. 

Ra đời hơn 70 năm nay nhưng tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là một trong những văn kiện quan trọng trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Thấm nhuần những lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ trách nhiệm của mình, luôn luôn rèn luyện và phấn đấu để trở thành những cán bộ "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", xứng đáng là "người đầy tớ trung thành của nhân dân" như mong muốn của Người.

Nguồn: Sưu tầm

 

Admin

Thong ke