Tư Tưởng Hồ Chí Minh nghĩa là phải sống và làm việc tốt hơn

05 07 2018

in trang

Nhân cách Hồ Chí Minh là nhân cách của một vĩ nhân không chỉ ở tầm dân tộc, mà ở tầm thời đại, tầm nhân loại. Chính vì thế, Người đã được thế giới tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa. Trong thế giới biến động như hiện nay thì nhân cách trong sáng, thanh tao của Hồ Chí Minh lại càng nổi cao vời vợi.

Những năm 20 của thế kỷ XX (1925 - 1927) khi mở lớp tập huấn cho cán bộ đầu tiên - những hạt giống cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã mở đầu bằng bài nói về Tư cách một người cách mệnh. Và cả sau này, khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, thì với Người, chủ đề nổi bật trong giáo dục, rèn luyện cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể, quân đội vẫn là vấn đề đạo đức cách mạng. Từ "Thư gửi các UBND các bộ, tỉnh, huyện và làng" (tháng 10/1945), "Sửa đổi lối làm việc" (tháng 10/1947) đến "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" (3/2/1969) cho đến Di chúc, Người đã ân cần nghiêm khắc nhắc nhở "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất sớm nguy cơ tha hóa của người cán bộ, đảng viên khi ở vào vị trí quyền lực. Người thường xuyên nhấn mạnh: Cái tạo nên sức mạnh của Đảng là ở nơi mỗi cán bộ đảng viên biết thực hiện lời nói đi đôi với việc làm, tự mình nêu gương trước từ việc lớn đến việc nhỏ, lúc gian khổ khó khăn cũng như khi thành đạt. Trong lần nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp khóa thứ 5. Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Bác nói:

"…Mình phải làm gương cho đồng bào, phải siêng năng, hăng hái. Tôi lấy thí dụ như trong việc cứu nạn đói, mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tì tì thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm, mình lại ngủ thì sao được?".

Những ai đang dầm mình trong đam mê quyền lực, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, bỏ rơi lý tưởng cách mạng hoặc lý tưởng chỉ còn trên đầu lưỡi, che đậy cho tham vọng thấp hèn, tội lỗi hãy nhớ lại cuộc sống của Bác, lời dạy của Bác về tư cách đạo đức của người cách mạng để suy ngẫm, soi xét mình, tăng thêm nghị lực cho cái thiện chiến thắng cái ác trong mỗi con người.

Tham ô, buôn lậu đã trở thành quốc nạn không chỉ gây nên thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế, mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào chế độ, vào Đảng, Nhà nước. Bác chỉ rõ: "Tham ô là trộm cướp... Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám... Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như đánh giặc trên mặt trận...

Tham ô, lãng phí, quan liêu là một "thứ giặc ở trong lòng". Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình...

Năm 1962, trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, Bác lại nói: "Tham ô là lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư...

Nếu nhà ai bị mất cắp, mất trộm, thì hô hoán lên và cả xóm, cả làng đuổi bắt kẻ trộm. Khi của công bị mất cắp, mất trộm thì mọi người đều có trách nhiệm vạch mặt kẻ gian và đưa nó ra trước pháp luật, vì mọi người đều có nghĩa vụ giữ gìn của công… Tham ô của công tức là xâm phạm đến lợi ích chung của nhân dân, tức là kẻ địch của nhân dân…".

Bác chỉ rõ: kẻ địch gồm có ba loại: Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm. Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to... Loại thứ ba là chủ nghĩa cá nhân".

Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.

Hồ Chí Minh cho rằng, chống chủ nghĩa cá nhân không phải là "giày xéo lợi ích cá nhân", nhưng trong chủ nghĩa xã hội thì "mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội. Cho nên lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể...".

Chúng ta đang nghiên cứu để hiểu sâu hơn di sản Tư tưởng, Đạo đức Hồ Chí Minh nhằm kế thừa, vận dụng và phát triển vào hoàn cảnh hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện đổi mới và mở cửa... Có thế nói, nhiều người trong chúng ta, kể cả một số cán bộ, đảng viên và người có chức, có quyền, đã thực hiện không tốt, thậm chí lãng quên nhiều bài học vỡ lòng cơ bản mà Hồ Chí Minh nêu lên ngay từ những ngày đầu sau khi cách mạng Tháng Tám thành công và không ngừng nhắc lại cho đến khi Người sắp qua đời. Học lại và nhất là thực hiện cho tốt những bài học ấy là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đạo đức của tất cả chúng ta từ các đồng chí Trung ương đến mọi người dân bình thường, để khẩu hiệu "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại" không phải là một câu sáo rỗng.

Theo Tạp chí xây dựng Đảng

 

Admin

Thong ke