TƯ TƯỞNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

05 09 2022

in trang

Trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài, đăng trên Báo Cứu quốc, số 147, ra ngày 21/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào... Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “học hành” là một trong những điều căn cốt để giải phóng sức lao động, giải phóng con người. Cũng theo Người, để việc “học hành” của mọi người dân có hiệu quả, giáo dục - đào tạo giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng.

Trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài, đăng trên Báo Cứu quốc, số 147, ra ngày 21/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào... Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “học hành” là một trong những điều căn cốt để giải phóng sức lao động, giải phóng con người. Cũng theo Người, để việc “học hành” của mọi người dân có hiệu quả, giáo dục - đào tạo giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng.
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của giáo dục – đào tạo, nên ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu vấn đề giáo dục, chống giặc dốt là nhiệm vụ cấp bách của chính quyền mới. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Sau đó năm ngày - Ngày 08/9/1945, Người ký ba sắc lệnh quan trọng về giáo dục: thành lập Nha Bình dân học vụ; quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền. Trong Bài phát biểu tại Lớp học chính trị của giáo viên cấp II và cấp III toàn miền Bắc, ngày 13/9/1958, Người khẳng định: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”...
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục - đào tạo giúp cho người học có kiến thức về văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới, giữ vững được nền độc lập dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín, tầm ảnh hưởng của quốc gia, dân tộc đối với khu vực và thế giới. Trong Bài viết “Chống nạn thất học” đăng trên Báo Cứu quốc, số 58 ra ngày 04/10/1945, Người kêu gọi: “Quốc dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giầu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Trong Bài nói chuyện với các đại biểu nhân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, ngày 20/02/1947, Người nói: “Đồng bào bây giờ phải biết chữ hết để trả lời cho thế giới biết nước ta là nước văn minh, ai cũng biết chữ”. Trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Trong Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961, Người khẳng định: “Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì nhất định phải có học thức”...
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền giáo dục mới có vai trò dạy và học theo hướng phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân: “Học để làm việc, để làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và Nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” . Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc dạy và học phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn cuộc sống. Trong Bài nói chuyện tại Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc, ngày 23/3/1956, Người khẳng định: “Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”. Trong thư gửi các cháu lưu học sinh Việt Nam học ở Mát-xcơ-va, ngày 19/7/1955, Người căn dặn: “Các cháu học kỹ thuật và học tiếng Nga cần nhận rõ mình học cốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”...
Vai trò của giáo dục – đào tạo được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam. Nền giáo dục Việt Nam là một nền giáo dục vì con người, cho con người và hướng tới việc xây dựng con người mới - con người XHCN. Tháng 9/1945, trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người khẳng định nền giáo dục mới sẽ “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Trong Thư gửi cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa, ngày 31/8/1960, Người viết: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất”. Trong Bài nói chuyện tại Đại hội Liên hoan Thanh niên tích cực ngày Đường sắt, ngày 25/7/1956, Người nói: “Nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà... Nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi”...
Tiếp thu, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của giáo dục - đào tạo không chỉ giúp cho chúng ta đặt đúng vị trí của giáo dục - đào tạo trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội, mà còn giúp chúng ta hoạch định đúng những chủ trương, đường lối, nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục - đào tạo, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh, toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
Ngọc Điền (Cửa Biển)

Admin

Thong ke