TRẢI LÒNG CỦA CÁC BÁC SĨ ĐÓN ĐỒNG BÀO VỀ TỪ GUINEA XÍCH ĐẠO
04 08 2020
in trangKhoang máy bay hẹp, số lượng ca mắc Covid-19 lớn khiến độ đậm đặc của virus trong không khí tăng lên. Bác sĩ Thân Mạnh Hùng xác định ông và đồng nghiệp có thể trở thành bệnh nhân.
5 ngày sau khi hoàn thành chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về nước, ê-kíp y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn tiếp tục công việc điều trị người mắc Covid-19.
Trước chuyến đi, ThS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, cho biết đây là chuyến bay đầu tiên "giải cứu" bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Ông lo lắng vì sức khỏe của người bệnh và nguy cơ lây nhiễm đối với phi hành đoàn, các nhân viên y tế.
Sau khi đưa bệnh nhân trở về an toàn, ông thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ.
30 TIẾNG TRÊN BẦU TRỜI
8h ngày 28/7, chuyến bay đón 219 công dân Việt Nam tại Guinea Xích Đạo cất cánh. 15h10 ngày 29/7, đoàn đến sân bay Nội Bài (Hà Nội). Trong 30 tiếng trên bầu trời, 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng phải làm việc liên tục.
Trên chuyến bay, 15 người xuất hiện triệu chứng sốt và 5 bệnh nhân bị khó thở. May mắn, ê-kíp của khoa Cấp cứu đều có kinh nghiệm xử trí và cấp cứu bệnh nhân. Trước khi nhận nhiệm vụ, họ thường xuyên thao tác những kỹ thuật khó, đòi hỏi tính chính xác cao.
Những bệnh nhân sốt nhanh chóng được các bác sĩ điều trị bằng thuốc và yêu cầu uống nước bổ sung. Với 5 người bị khó thở, các bác sĩ phải nhanh chóng kiểm soát thông số cơ thể, kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. May mắn, họ không cần sử dụng máy thở.
Các bác sĩ nhận định tình trạng khó thở này có thể do hiện tượng áp suất thay đổi kết hợp với việc đeo khẩu trang liên tục trong thời gian dài.
Để đảm bảo sự an toàn trong khi bay, các y bác sĩ phải chuẩn bị và đưa ra nhiều kịch bản để tìm cách ứng phó. Trong đó, việc xử lý không khí là vấn đề đặc biệt quan trọng.
Theo bác sĩ Hùng, số lượng người mắc Covid-19 lớn trong khoang máy bay hẹp khiến độ đậm đặc của virus trong không khí tăng lên nhiều lần. Vì vậy, luồng không khí này phải đi qua hệ thống lọc trước khi quay lại khoang chứa.
"GIA ĐÌNH LO LẮNG NHƯNG ĐỒNG CẢM VỚI CÔNG VIỆC CỦA TÔI"
May mắn khi được sự ủng hộ của gia đình, bác sĩ Thân Mạnh Hùng chia sẻ: "Khi tôi thông báo sẽ nhận nhiệm vụ sang Guinea Xích Đạo, gia đình lo lắng nhưng rất đồng cảm với tính chất công việc của tôi. Tôi cố gắng động viên cả nhà và họ cũng chính là những người tiếp thêm động lực cho tôi hoàn thành nhiệm vụ".
Đây không phải lần đầu tiên các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Khi Việt Nam ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên, khoa Cấp cứu là đơn vị đã tiếp xúc với loạt bệnh nhân từ Vũ Hán trở về. Bởi vậy, các bác sĩ hiểu rằng khi lựa chọn công việc này, cha mẹ, vợ con của họ đều có thể gặp rủi ro.
Không giống bác sĩ Hùng, T.V.T., điều dưỡng trên chuyến bay, lại chọn cách giữ bí mật với vợ con về nhiệm vụ này.
"Tôi chỉ nói vợ rằng mình phải tiếp tục chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại viện, cần cách ly với bên ngoài một thời gian dài", T. cho biết. 4 năm làm việc tại khoa Cấp cứu, lần đầu tiên, nam điều dưỡng phải trải qua đại dịch lớn.
Nói về tâm trạng trước chuyến bay, T. tâm sự: "Tôi rất lo lắng và hồi hộp. Không biết liệu mọi chuyện có diễn ra theo đúng kịch bản hay không. Tôi chỉ sợ xảy ra sự cố ngoài ý muốn, chúng tôi không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến phi hành đoàn và các bệnh nhân. Bởi điều kiện làm việc trên máy bay không thể bằng dưới mặt đất". May mắn, mối lo ngại của T. đã không xảy ra.
"Chuyến bay may mắn diễn ra đúng theo kịch bản. Trước khi đi, tôi gặp khá nhiều áp lực. Khi về tới quê hương, mọi người đều thoải mái hơn rất nhiều. Xuống sân bay, tôi gọi điện báo cáo tình hình cho ban lãnh đạo bệnh viện và cũng không thể quên nhắn về cho vợ, mẹ ở nhà", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Nguồn ZING
Admin