Tạo môi trường lành mạnh, giúp thanh niên lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

23 10 2017

in trang

Ngày 21/10, Trại giam Xuân Nguyên tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân lần thứ I, năm 2017. Tới dự chương trình có các đồng chí: Thiếu tướng Phạm Văn Thế - Cục trưởng Cục giáo dục tái hòa nhập cộng đồng, Tổng cục VIII (Bộ Công an), Nguyễn Quang Diện - Phó Bí thư Thành đoàn Hải Phòng, Lương Văn Lịch - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Hải Phòng, Đại tá Lều Quang Hòa - Giám thị Trại giam Xuân Nguyên.

Mở đầu Hội nghị là chương trình văn nghệ vô cùng ấn tượng và đầy xúc động, mang nhiều thông điệp ý nghĩa do chính các phạm nhân đến từ Trại giam trình bày.

Chị Lương Thị Thắm, sinh năm 1974 quê ở Ngọc Xuân, Cao Bằng là một phạm nhân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của trại đang chấp hành mức án chung thân (tội danh tàng trữ mua bán trái phép ma túy) trải lòng: Vì ma lực của đồng tiền mà tôi phạm vào tội lỗi. Được cán bộ Trại giam tuyên truyền giáo dục, tôi sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để bản án được giảm và nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Tại Hội nghị gia đình phạm nhân trại giam Xuân Nguyên lần thứ I, có 40 gia đình phạm nhân được tham dự cùng người thân. Cán bộ Trại giam Xuân Nguyên đã thông tin đến người thân và phạm nhân trại những chính sách giáo dục của trại, sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ trại giam đối với phạm nhân cũng như quá trình cải tạo của các phạm nhân. Đồng thời, Ban Giám thị Trại giam cũng tiếp nhận những ý kiến phản hồi, chia sẻ từ thân nhân, gia đình và phạm nhân. 

Thanh niên chậm tiến, thanh niên vi phạm pháp luật là gánh nặng của gia đình và là nỗi lo chung của toàn xã hội. Tiếp cận, giáo dục, cảm hóa thanh niên chậm tiến là việc làm khó, nhưng các cấp bộ Đoàn, Hội trong toàn thành phố đã có những cách làm hiệu quả, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội.

Hiện nay, tình trạng phạm tội trong thanh, thiếu niên có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Đặc biệt, một số thanh niên sau khi chấp hành xong án phạt tù lại tiếp tục quay về con đường phạm pháp do bị xã hội phân biệt, kỳ thị dẫn đến không có việc làm ổn định. Trước thực tế đó, Thành đoàn- Hội LHTN Việt Nam thành phố xác định công tác tiếp cận, hướng nghiệp, dạy nghề, giúp đỡ và tạo cơ hội cho thanh niên chậm tiến được tái hòa nhập cộng đồng là hết sức quan trọng. Vì vậy, Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam thành phố đã ký kết kế hoạch với Trại giam Xuân Nguyên “Phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng” ngay từ những năm 2011.

Ban Thường vụ Thành đoàn - Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam thành phố đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Hội tổ chức cho đoàn viên, thanh niên ký cam kết không vi phạm pháp luật, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thanh, thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật và để cộng đồng chia sẻ với đối tượng này, nhất là những thanh niên mới mãn hạn tù trở về địa phương. Cùng với đó, các cơ sở đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như thăm hỏi, động viên, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của gia đình và thanh niên sau khi ra tù, giúp họ xóa bỏ mặc cảm và giới thiệu việc làm phù hợp nếu có nhu cầu, Tổ chức diễn đàn “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, “Thắp sáng ước mơ vì ngày mai tươi sáng”, giới thiệu các doanh nghiệp trẻ thuộc Hội Doanh nhân trẻ thành phố tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên  chấp hành hình án phạt tù giúp họ có công ăn việc làm sau khi trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng…

Đồng chí Nguyễn Quang Diện - Phó Bí thư Thành đoàn chia sẻ: Cảm hóa thanh, thiếu niên chậm tiến là việc làm khó và cần một quá trình lâu dài. Vì vậy, trong thời gian tới Thành đoàn, Hội LHTN Việt Nam thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn đưa công tác cảm hóa thành việc làm thường xuyên với quyết tâm và sự vào cuộc mạnh mẽ, gắn với sơ kết, tổng kết, nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến; sáng tạo, mềm dẻo, khéo léo trong cách tiếp cận, cảm hóa từng đối tượng thanh, thiếu niên chậm tiến để hoạt động cảm hóa ngày càng có hiệu quả và thực chất, giúp họ nhận thức được hành vi của mình, thay đổi lối sống theo hướng tốt đẹp. Bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức Đoàn, Hội thì vai trò của gia đình cũng rất quan trọng. Vì vậy, các gia đình cần quan tâm, nhắc nhở, động viên để con em mình không sống cách biệt và không tái phạm trở lại.

Thiếu tướng Phạm Văn Thế - Cục trưởng Cục giáo dục tái hòa nhập cộng đồng, Tổng cục VIII (Bộ Công an) cho rằng chính bản thân phạm nhân mới là người quyết định mình là người được ra khỏi trại giam hay không chứ không phải là giám thị hay người thân giúp. Không có con đường nào khác để phạm nhân khỏi quay lại trại giam ngoài chính bản thân họ phải chấp hành tốt nội quy của trại giam để được đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn... và không tái phạm sai lầm dẫn đến phạm tội. 

Nhân dịp này, các phạm nhân và thân nhân cũng được lắng nghe chia sẻ về kinh nghiệm, nghị lực phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng của người đã từng là phạm nhân của trại, sau khi hết án đã làm kinh doanh thành công. Qua những chia sẻ, những lời đầy tâm huyết sẽ tiếp thêm nguồn động lực và có cái nhìn hướng tới tương lai tươi đẹp cho các phạm nhân tại trại để họ cố gắng cải tạo, rèn luyện, phấn đấu sớm được trở về với gia đình và tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã được lắng nghe những ý kiến chia sẻ từ thân nhân, đại diện các phạm nhân để từ đó nắm bắt tâm tư, tình cảm của gia đình, phạm nhân nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý, cải tạo phạm nhân.

Admin

Thong ke