TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH MẠNG TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
21 04 2023
in trang
Thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng đã mang lại những lợi ích to lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi diện mạo mới của nhiều quốc gia, đem lại những thành tựu vượt bậc cho nhân loại. Tuy nhiên, với tính toàn cầu và khả năng kết nối vô hạn của không gian mạng có thể nói không bị giới hạn bởi không gian, thời gian và bản chất xã hội của không gian mạng cũng đặt ra nhiều thách thức rất lớn đối với an ninh của các quốc gia trên thế giới như: chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin, khủng bố mạng, tội phạm mạng…vấn đề phát triển và làm chủ không gian mạng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, bảo đảm an ninh mạng đang là ưu tiên hàng đầu được thể hiện rõ trong các quan điểm, chiến lược và hành động cụ thể của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Bộ Công an cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao toàn quốc đã phát hiện, khởi tố 474 vụ án, 1.071 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Trong đó, nổi lên là tội phạm đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”...
Trong thời gian gần đây, tình hình thế giới với diễn biến phức tạp và ngày càng nhiều vấn đề xung quanh các hoạt động trên không gian mạng như: nhiều vụ tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng của các quốc gia; tấn công hệ thống giám sát điều khiển công nghiệp SCADA (Supervisory Control and Data Acquisition); các chiến dịch tấn công lây nhiễm, cài cắm mã độc APT (Advanced Persistent Threat); chiếm đoạt, đánh cắp thông tin cá nhân và dữ liệu người dùng để sử dụng vào mục đích chính trị, an ninh, quốc phòng, thậm chí tác động tới tiến trình, kết quả bầu cử của một số quốc gia.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực vẫn còn tiếp dục diễn biến những căng thẳng phức tạp. Trong nước, lợi dụng tình hình xử lý công tác phòng, chống tham nhũng của một số lãnh đạo, cán bộ Đảng viên bị xử lý các thế lực thù địch không ngừng tuyên truyền, xuyên tạc gây kích động đồng thời gia tăng các hoạt động chống đối, phá hoại, tiềm ẩn các nguy cơ phức tạp về an ninh mạng quốc gia, TTATXH trên địa bàn thành phố.
Trước những thách thức đó các lực lượng chuyên trách về bảo vệ an toàn, ANM cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, đơn vị đặc biệt là người đứng đầu, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 30 về Chiến lược ANMQG, bảo đảm sự lãnh đạo chỉ đạo của thành phố, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân khi thực hiện NQ số 30, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hôi với nhiệm vụ bảo vệ ANQG, TTATXH.
- Tiếp tục cụ thể hoá và thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 177 ngày 29/5/2019 về thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW về “Chiến lược An ninh mạng quốc gia” của BTV Thành uỷ và Kế hoạch số 271 ngày 12/8/2019 UBND TP để tổ chức thực hiện Kế hoạch số 177 ngày 29/5/2019 của Ban Thường vụ Thành uỷ về thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị tiến tới tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị.
- Quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết số 03 về Chuyển đổi số Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 284 của UBNDTP về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Thường vụ Thành uỷ.
- Cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và cá tổ chức CT-XH cần tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ có hiệu quả Nghị quyết số 30 tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của cán bộ Đảng viên, Nhân dân trên địa bàn quận về vị trí, tầm quan trọng của ANM với nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước trong đó có lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị.
admin