Những bữa ăn giản dị của Bác

08 07 2019

in trang

Nhiều người nghĩ rằng vị lãnh tụ tối cao lại tuổi già sức yếu như Bác chắc phải ăn uống rất đặc biệt để bảo vệ sức khỏe. Ý nghĩ đó kể ra không có gì sai vì chăm lo đến bữa ăn của Bác sao cho tốt để bảo vệ sức khỏe cho Người là rất quan trọng. Nhưng thực ra, những bữa ăn hằng ngày của người lại rất giản đơn thanh đạm.​

Năm 1945 khi ở Bắc Bộ phủ, Bác cùng ngồi ăn chung với các đồng chí Trung ương và các đồng chí bảo vệ, phục vụ.

Sau khi thành lập chính phủ liên hiệp, một số tên Quốc dân Đảng có chân trong chính phủ cũng đến đây ăn cơm. Thấy tình hình phức tạp, sợ chúng có âm mưu đen tối, Trung ương đề nghị Bác về ăn cơm ở nhà riêng.

Anh Cử (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng) và anh Thọ chọn một người nấu bếp giỏi đến nấu ăn cho Bác. Người này trước kia đã từng nấu ăn cho Pháp và đã từng ở tù với các anh.

Được về nấu ăn cho Bác, người đó rất sung sướng, đem hết tài năng ra để chuẩn bị các bữa ăn thịnh soạn theo kiểu Âu – Á. Trước những món ăn tốn kém như vậy, Bác tỏ ra không bằng lòng, nên sau đó nhân ngày toàn quân kháng chiến, Trung ương chuẩn bị lên chiến khu, Bác cho gọi người nấu bếp lên nói:

- Bây giờ toàn quốc kháng chiến, Bác lên chiến khu, ở đó không có điều kiện nấu nướng như trước nữa, vậy chú vui lòng đi nhận nhiệm vụ khác.

Mãi sau này, Bác mới nói:

- Chú ấy quen nấu bếp cho Tây rồi, nấu gì cũng làm to, tốn kém, nhiều tiền của quá, chẳng tiết kiệm gì cả.

Bác quyết định giao việc nấu nướng cho chúng tôi.

Chúng tôi nấu ăn rất vụng, thỉnh thoảng có con gà, con cá, tí thịt chỉ biết luộc, kho và rán là hết mức. Tuy thế mà Bác vẫn khen:

- Các chú nấu khéo đấy, ăn ngon lắm.

Bữa ăn nào có thịt gà, Bác không ăn một mình bao giờ. Bác dặn chúng tôi đến xem có bao nhiêu người ăn, chặt đúng bằng ấy miếng và Bác chia đều cho mọi người. Có hôm cả 15 người chúng tôi có mặt ở nhà, cũng phải chặt 15 miếng chia đều. Thấy làm như thế ảnh hưởng đến sức khỏe của Bác, chúng tôi tìm đủ mọi cách để Bác ăn nhiều hơn, nhưng Bác không đồng ý và còn phê bình chúng tôi không nghe ý kiến của Bác. Bác không những đồng cam cộng khổ với anh em mà còn ăn uống hết sức tiết kiệm. Có lần chúng tôi dành cho Bác một hộp sữa để Bác ăn sáng. Bác ăn đúng một tuần, mỗi sáng Bác tự pha sữa lấy, và pha rất loãng, không để cho ai pha bao giờ, vì Bác sợ pha quá tay sẽ nhanh hết, không dùng được lâu. Một món ăn đặc biệt và thường xuyên là món “muối Việt Minh”, đó là món ăn của Bác bảo chúng tôi làm. Cứ 1 kg thịt, 1 kg muối và khá nhiều ớt trộn lẫn với nhau rang thật khô bỏ vào lọ ăn dần. Mỗi bữa một người chỉ cần một đầu ngón tay là ăn đủ. Bác và chúng tôi ăn món đó độ khoảng một năm. Bác thích nhất là món cà muối và dưa muối. Ngày ở chiến khu cũng như khi về Hà Nội, trong nhà Bác bao giờ cũng có vại cà và liễn dưa muối nhỏ.

Trong kháng chiến, mỗi bữa ăn của Bác chỉ cần vài con cá, vài quả cà hoặc ít dưa và bát canh nhỏ, những thứ này chúng tôi tăng gia, tự túc được cả. Rau thì trồng quanh năm, cá thì câu ở suối, chỉ có mất tiền đong gạo. Vì vậy suốt chín năm kháng chiến, anh Cả đưa cho chúng tôi 20 vạn đồng (tiền tài chánh cũ) để nấu ăn cho Bác, chúng tôi chỉ tiêu hết 10 vạn đồng, còn trả lại cho anh Cả 10 vạn đồng. Nấu ăn cho Bác chỉ được nấu vừa đủ, không được nấu thừa. Cứ mỗi lần ăn cơm, còn thừa món gì là Bác bắt chúng tôi phải ăn cho bằng hết. Nhiều lần vì nấu thừa tôi phải ăn đến tức bụng. Ăn xong chỉ biết ngồi mà thở.

Bác thường nói:

- Các chú cố gắng ăn nhiều cho khỏe, lấy sức đánh giặc lâu dài, để thừa nó phí.

Sau bữa ăn Bác thường tự tay thu dọn bát đĩa gọn ghẽ rồi mới để chúng tôi bưng đi rửa.

Tôi còn nhớ có lần Bác hỏi tôi:

- Bác thấy nhân dân ở đây người ta làm mứt dứa ngon lắm. Chú thử làm một ít, Bác cháu ta cùng ăn xem sao.

Tôi không biết làm mứt dứa thế nào đành thưa:

- Thưa Bác! Cháu không biết làm mứt dứa thế nào cả.

Bác chỉ dẫn:

- Bác thấy họ cho dứa vào thắng với đường

Vì không biết cách làm, chính ra phải bổ dứa phơi khô rồi mới đi thắng với đường, chúng tôi cứ bổ ra rồi nấu với đường, nấu cho xong lỏng bỏng như canh, khi ăn với Bác vừa cười vừa nói:

- Đây gọi là “mứt dứa ông Kháng”.

Một lần khác Bác lại bảo chúng tôi:

- Người ta làm nộm cà ngon lắm, các chú làm mà ăn.

Chúng tôi cắt cà nhỏ, bóp với muối, chẳng có rau thơm gì cả, nước thì cho khá nhiều, mặn chát, khi ăn Bác nói vui:

- Đây là cà muối chứ không phải nộm các chú nhỉ.

Thấy cứ kéo dài tình trạng nấu ăn theo kiểu “nghiệp dư” như chúng tôi thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của Bác, chúng tôi cử ra một đồng chí chuyên nấu ăn cho Bác. Đồng chí này lúc thì đến chị Trần Duy Hưng, lúc thì đến chị Hai Sóc học cách nấu nướng.

Từ đó món ăn của Bác có ngon lành hơn, nhưng vẫn đơn giản như trước.

Một lần đi đâu xa, Bác thường bảo gói cho Bác nắm cơm, một khúc cá kho, mấy quả ớt. Đến địa điểm. Bác cháu giở nắm cơm ra cùng ăn. Bác không để cơ quan hoặc nhân dân đón tiếp linh đình. Bác dặn:

- Bất cứ đi đâu cũng không được làm phiền nhân dân, tiếp đón linh đình vừa mất thời giờ, vừa tốn kém tiền bạc của nhân dân.

Cứ nhìn những bữa ăn đạm bạc, đậm đà hương vị dân tộc của Bác, chúng tôi lại xúc động và càng thấm thía lời Bác dạy về đạo đức cách mạng và tác phong sinh hoạt của người chiến sĩ cách mạng.

                                                                                                                                                                             Theo sách Cận vệ Bác Hồ, NXB công an nhân dân

                                                                                                                                                                                                     Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ​

 

 
 

Admin

Thong ke