MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA TIÊU CỰC TỪ MẠNG XÃ HỘI ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

02 02 2023

in trang

Trong những năm qua, các nhà trường đều dành nhiều sự quan tâm tới việc quản lý hoạt động sử dụng mạng xã hội trong học sinh, sinh viên. Nhiều học sinh, sinh viên xem các trang MXH là nơi trao đổi kiến thức, kinh nghiệm học tập cũng như nơi cung cấp các thông tin thời sự cấp thiết được liên tục cập nhật, đáp ứng nhu cầu hiểu biết, tìm kiếm tư liệu; là không gian để học viên giao lưu, chia sẻ sở thích, quan điểm sống và bàn luận về các đề tài quan tâm chung. Nhiều nhóm sinh viên đã hoạt động tích cực chuyển từ “mạng ảo” vào “đời thực” như các tổ chức sinh viên tình nguyện, các nhóm hoạt động lành mạnh như nhóm quan tâm đến các vấn đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, diễn đàn trao đổi tranh luận quanh các vấn đề chính trị - xã hội, hay vấn đề về lịch sử văn hóa Việt Nam, thực hiện hợp tác quốc tế với các nước.

1. Những tác động tiêu cực từ sử dụng mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên.

Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định: Mạng xã hội (MXH) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ, lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác. MXH là một nền tảng trực tuyến, là nơi mà mọi người có thể xây dựng các mối quan hệ ảo với những người có chung tính cách, sở thích, nghề nghiệp hoặc với cả những người có mối quan hệ ngoài đời thực. Ngày nay, MXH đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Tính đến tháng 9 năm 2022, Việt Nam có trên 72,1 triệu người sử dụng Internet, gấp đôi số người sử dụng năm 2011, tương ứng với hơn 73,3% dân số, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 6 Châu Á và thứ 12 trên thế giới. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet thì xuất hiện ngày càng nhiều trang mạng xã hội, công cụ tìm kiếm như Google, Tiktok, Facebook, Twitter, Instagram, Zalo, Viber…

Trong những năm qua, các nhà trường đều dành nhiều sự quan tâm tới việc quản lý hoạt động sử dụng mạng xã hội trong học sinh, sinh viên. Nhiều học sinh, sinh viên xem các trang MXH là nơi trao đổi kiến thức, kinh nghiệm học tập cũng như nơi cung cấp các thông tin thời sự cấp thiết được liên tục cập nhật, đáp ứng nhu cầu hiểu biết, tìm kiếm tư liệu; là không gian để học viên giao lưu, chia sẻ sở thích, quan điểm sống và bàn luận về các đề tài quan tâm chung. Nhiều nhóm sinh viên đã hoạt động tích cực chuyển từ “mạng ảo” vào “đời thực” như các tổ chức sinh viên tình nguyện, các nhóm hoạt động lành mạnh như nhóm quan tâm đến các vấn đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, diễn đàn trao đổi tranh luận quanh các vấn đề chính trị - xã hội, hay vấn đề về lịch sử văn hóa Việt Nam, thực hiện hợp tác quốc tế với các nước. Nhiều phong trào mang ý nghĩa lớn được tổ chức như tuyên truyền về biển - đảo Việt Nam, hiến máu nhân đạo, phòng chống ma túy, bạo lực học đường… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, MXH và thông tin trên MXH nói chung cũng bộc lộ nhiều tiêu cực. MXH đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để thế lực thù địch lợi dụng tiến hành phá hoại tư tưởng trong học sinh, sinh viên. Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động đã lập ra và sử dụng hàng nghìn tài khoản MXH vào các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường để chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ, lôi kéo một bộ phận học sinh, sinh viên vào những hoạt động sai trái, chống đối…

Bên cạnh đó, MXH phát triển làm gia tăng nguy cơ xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc. Khi MXH phát triển thì dòng chảy của những tác động văn hóa trở nên mạnh mẽ hơn về cường độ, mở rộng về quy mô, tác động đến hầu hết các cá nhân, nhất là đến hơn 20 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước. Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên MXH đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng học sinh, sinh viên. Điều này tạo nên những tiêu cực trong cộng đồng học sinh, sinh viên khi mà không ít học sinh, sinh viên sử dụng MXH thiếu khả năng phân tích và nhận định thông tin. Đáng chú ý, MXH đang trở thành công cụ, môi trường “màu mỡ” để tội phạm lợi dụng hoạt động. Với đặc tính ảo, MXH thường xuyên được các đối tượng phạm tội về hình sự, kinh tế, ma túy lợi dụng để hoạt động với các thủ đoạn như tạo tài khoản ảo để bán hàng, kết bạn, làm quen sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản; tiến hành đánh cắp mật khẩu, chiếm giữ quyền kiểm soát tài khoản trái phép để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những thông tin bí mật về tài chính, từ đó tìm cách đánh cắp, trục lợi. Một số đối tượng còn sử dụng MXH làm công cụ liên lạc trong quá trình mua bán, vận chuyển các loại hàng cấm, ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các hoạt động phạm tội khác. Giới trẻ nói chung, sinh viên nói riêng đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng của tội phạm mạng trên MXH.

2. Thực tiễn phòng, chống tiêu cực từ mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên các nhà trường.

Để phòng, chống tiêu cực từ mạng xã hội đối với học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục, các nhà trường đã ban hành nhiều quy định, quy tắc sử dụng mạng xã hội. Cụ thể, học sinh, sinh viên khi tham gia các trang MXH phải thể hiện được nếp sống văn minh, lịch sự, tri thức, khoa học của cá nhân học viên và truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam. Sinh viên không được đưa hình ảnh, thông tin, lời bình ảnh hưởng uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân; không đăng nhập các trang MXH trong thời gian học tập trên lớp, thời gian nghiên cứu tự học… Theo đó, giáo viên chủ nhiệm lớp chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc sử dụng các trang MXH của học sinh, sinh viên. Khi phát hiện học sinh, sinh viên vi phạm nhà trường tiến hành lập hồ sơ xử lý kiểm điểm, thậm chí kỷ luật.

Hiện nay, Đoàn Thanh niên tại các nhà trường, các cơ sở giáo dục trực tiếp tham mưu lãnh đạo trong việc tổ chức, chỉ đạo toàn bộ công tác quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên theo đúng quy chế, quy định. Cán bộ, giáo viên và Đoàn Thanh niên thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cho học sinh, sinh viên sử dụng MXH một cách hiệu quả, nhắc nhở học sinh, sinh viên về những quy định của nhà trường khi tham gia các trang MXH, yêu cầu học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm túc quy định, nội quy của nhà trường. Đồng thời, có nhiều kế hoạch tổ chức, hướng dẫn học sinh, sinh viên tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về các văn bản, quy định của cấp trên và của nhà trường về sử dụng MXH cũng như đối với các hoạt động khác; khuyến khích học sinh, sinh viên đóng góp bổ sung ý kiến về các văn bản của nhà trường trong sử dụng MXH, nhằm phát huy những mặt tích cực mà mạng xã hội mang lại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động học tập, rèn luyện.

Ngoài ra, tại các nhà trường đều thành lập tổ quản lý, theo dõi việc sử dụng MXH của học sinh, sinh viên nhằm quản lý, hướng dẫn các hoạt động học tập, tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu trên MXH, khuyến khích sử dụng MXH như một công cụ học tập hữu ích. Đa số các nhà trường đều thành lập các diễn đàn trên Trang thông tin điện tử của trường. Các diễn đàn này là nơi cung cấp đầy đủ, chính xác cho học sinh, sinh viên những tin tức, sự kiện của nhà trường, các hoạt động của ngành giáo dục, cũng như các sự kiện thời sự nóng hổi và có khả năng giải quyết kịp thời các vướng mắc của học sinh, sinh viên. Diễn đàn thông tin đều mang tính định hướng cao dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường, sự quản lý cán bộ, giáo viên chủ nhiệm và sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn, hội, câu lạc bộ. Đồng thời, đó còn là không gian để học sinh, sinh viên tham gia giao lưu, kết bạn, chia sẻ tâm tư, tình cảm, thể hiện sở thích, quan điểm sống của mình. Xây dựng “văn hóa mạng xã hội” lành mạnh là một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý giáo dục.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc quản lý sử dụng MXH trong học sinh, sinh viên các nhà trường vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót như: Việc quản lý MXH trong các nhà trường hiện vẫn thiếu chặt chẽ đã khiến một bộ phận học sinh, sinh viên sao nhãng học tập cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa. Quỹ thời gian tự học của học sinh, sinh viên giảm đi do dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động trên các trang mạng. MXH còn tiềm ẩn nguy cơ khi những thông tin, nội dung, hình ảnh riêng tư được đưa lên mạng để chia sẻ với người thân, bạn bè... vô tình bị kẻ xấu lợi dụng và sử dụng vào mục đích xấu, hoặc là người sử dụng mạng xã hội chưa có ý thức, vô trách nhiệm trong việc đưa thông tin xấu lên mạng gây ảnh hưởng không tốt đến học viên. Tất cả những vấn đề này có tác động tiêu cực đến đời sống và việc học tập của học sinh, sinh viên. Tình trạng một số học sinh, sinh viên vi phạm nội quy, quy định của nhà trường về sử dụng MXH và đã phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật vẫn còn phổ biến. Trung bình hằng năm có khoảng 0,5-2% sinh viên bị kỷ luật, trong số này có một số sinh viên tham gia cá độ trên mạng bị lừa đảo, rơi vào nợ nần, buộc phải thôi học. Một số ít còn đăng tải những bài bình luận, nhận xét có nội dung không lành mạnh, thiếu văn hóa, văn minh, lịch sự.

3. Một số giải pháp tăng cường công tác quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên trên MXH.

Thời gian tới, để phòng, chống tác động tiêu cực từ sử dụng MXH đối với học sinh, sinh viên cần thực hiện tốt một số nội dung giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; của ngành Giáo dục và các địa phương. Tuyên truyền, giáo dục tới học sinh, sinh viên về Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng Internet, MXH và các loại hình truyền thông khác trên Internet, các nội dung về đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử trong trường học; kỹ năng nghề nghiệp, việc làm, khởi nghiệp; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường... qua các hoạt động nhằm tự điều chỉnh hành vi tương tác của cá nhân trên môi trường MXH theo hướng tích cực, hiệu quả. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục như: xây dựng chuyên trang, chuyên mục, hình ảnh, video clip tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng đối với sinh viên trên mạng xã hội, website của trường, các khoa, phòng, ban chức năng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Thứ hai, phát triển và quản lý các trang thông tin điện tử của các nhà trường về giáo dục chính trị, tư tường đối với học sinh, sinh viên trên môi trường MXH. Theo đó, cần thành lập các chuyên mục diễn đàn trên Internet dành cho học sinh, sinh viên trên Trang thông tin điện tử (website) nhà trường; xây dựng và phát triển các trang thông tin (Fanpage), nhóm (Group, Confession) trên MXH; kết nối thông tin tuyên truyền, giáo dục giữa trang thông tin của nhà trường với các trang thông tin của các khoa, phòng, ban, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các nhóm, diễn đàn trên MXH có số đông học sinh, sinh viên tham gia. Duy trì cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong nhà trường và giữa nhà trường với các cơ quan, chính quyền địa phương và nhân dân nơi trường đóng chân để nắm bắt tình hình tư tưởng của học sinh, sinh viên trên môi trường MXH, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, phòng ngừa, ngăn chặn các website, trang thông tin giả mạo.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý học sinh, sinh viên, cán bộ đoàn tâm huyết và giỏi chuyên môn để quản lý hoạt động sử dụng MXH về an ninh thông tin. Tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ Đoàn tâm huyết, giỏi chuyên môn để nắm bắt tình hình tư tưởng của học sinh, sinh viên trên môi trường MXH. Tham mưu xử lý theo thẩm quyền những vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của học sinh, sinh viên. Phối hợp đấu tranh, phản bác những thông tin sai trái, xuyên tạc, kích động, thù địch, góp phần bảo vệ chủ trương, đường lối, quan diêm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ uy tín của ngành Giáo dục và các nhà trường.

Thứ tư, hoàn thiện quy chế phù hợp để quản lý học sinh, sinh viên nói chung, quản lý hoạt động sử dụng MXH về an ninh thông tin trong học sinh, sinh viên các nhà trường nói riêng. Theo đó, cần hoàn thiện, bổ sung Quy chế quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0). Quy chế cần quy định rõ các yêu cầu, quy định khi sử dụng MXH, phòng, chống các thông tin xấu, độc. Đồng thời, chủ động xây dựng cơ chế quản lý, giải quyết của nhà trường, các cơ quan, đơn vị chức năng với các vi phạm liên quan đến hoạt động MXH.

admin

Thong ke