MÔ HÌNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG
05 11 2019
in trangMÔ HÌNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG
PHỤ LỤC I.
MÔ HÌNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG
(Ban hành kèm theo văn bản số: 1885/SGDĐT-VP
ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo)
1. Thông tin chung
Tài liệu này mô tả mô hình và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường phổ thông, giúp các nhà trường xác định được mục tiêu, nội dung ứng dụng CNTT trong các hoạt động giáo dục một các phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại hiệu quả đầu tư và ứng dụng CNTT một cách thiết thực trong trường học; giúp các cơ quan quản lý giáo dục trong việc hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển và đánh giá công tác ứng dụng CNTT trong nhà trường phổ thông một cách khoa học và thực tế.
Việc triển khai ứng dụng CNTT trong nhà trường cần đảm bảo một số nguyên tắc sau đây:
- Đáp ứng mục tiêu, yêu cầu về ứng dụng CNTT trong nhà trường.
- Tuân thủ các quy định về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, các hướng dẫn, thẩm định của các cơ quan quản lý giáo dục về ứng dụng CNTT trong trường học.
- Đảm bảo tính hiệu quả trong đầu tư và ứng dụng CNTT. Đối với những giải pháp công nghệ mới, cần có các bước thử nghiệm, thẩm định, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng triển khai.
Căn cứ mô hình và mức độ ứng dụng CNTT trong trường phổ thông được hướng dẫn trong tài liệu này, các địa phương và nhà trường phổ thông nghiên cứu xây dựng kế hoạch trung hạn (5 năm) và hàng năm về ứng dụng CNTT nhằm xác định rõ mục tiêu, nội dung, giải pháp, lộ trình và các nguồn lực đảm bảo tổ chức triển khai ứng dụng CNTT một cách thiết thực và hiệu quả.
Tùy theo yêu cầu thực tế, mô hình và mức ứng dụng CNTT trong trường phổ thông sẽ được cập nhật (bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An) sao cho phù hợp với các văn bản quy định của nhà nước và hợp với xu hướng ứng dụng CNTT trong GDĐT trên thế giới tại mỗi thời điểm.
2. Mô hình phân lớp ứng dụng CNTT trong trường học
Mô hình hiệu quả ứng dụng CNTT trong trường phổ thông gồm 8 lớp
2.1 Lớp người sử dụng
Lớp người sử dụng bao gồm các đối tượng người sử dụng hệ thống ứng dụng CNTT trong trường học, gồm:
- Phụ huynh học sinh, người dân và xã hội.
- Học sinh.
- Các cơ quan quản lý giáo dục cấp trên (gồm Phòng, Sở và Bộ GDĐT).
- Các cơ quan hữu quan khác.
2.2 Lớp giao tiếp (kênh giao tiếp)
Lớp giao tiếp gồm các công cụ để người dùng giao tiếp với hệ thống ứng dụng CNTT trong trường học gồm có:
- Giao tiếp thông qua website trường học.
- Giao tiếp thông qua mạng xã hội và các công cụ trực tuyến khác.
- Giao tiếp thông qua thư điện tử.
- Giao tiếp thông qua điện thoại.
- Giao tiếp trực tiếp tại nhà trường.
2.3 Lớp dịch vụ công trực tuyến
Lớp dịch vụ công trực tuyến cung cấp các ứng dụng CNTT để người dùng có thể thực hiện các dịch vụ công với nhà trường qua mạng Internet. Một số dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục có thể áp dụng trong trường phổ thông như sau:
- Dịch vụ giúp phụ huynh đăng ký tuyển sinh đầu cấp học.
- Dịch vụ phục vụ phụ huynh nhận thông tin (bằng hình thức điện tử) về quá trình học tập, rèn luyện học sinh trong nhà trường.
- Dịch vụ đăng ký nghỉ phép.
- Dịch vụ giúp học sinh đăng ký tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ trong nhà trường.
- Và các dịch vụ công trực tuyến thiết thực khác.
2.4 Lớp ứng dụng và cơ sở dữ liệu
Lớp ứng dụng và cơ sở dữ liệu (CSDL) cung cấp hệ thống các ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý điều hành, dạy và học trong nhà trường. Ứng dụng CNTT trong trường phổ thông được chia thành 3 nhóm chính như sau:
- Nhóm ứng dụng CNTT phục vụ quản lý điều hành gồm:
- Website trường học.
- Hệ thống thư điện tử.
- Hệ thống quản lý văn bản điều hành, lịch công tác (e-office).
- Hệ thống thông tin quản lý cán bộ công chức (PMIS).
- Hệ thống quản lý học sinh.
- Hệ thống sắp xếp thời khóa biểu/lịch học.
- Hệ thống quản lý tài sản.
- Hệ thống quản lý tài chính.
- Hệ thống quản lý thư viện.
- Các ứng dụng quản lý nội bộ khác.
- Nhóm ứng dụng CNTT đổi mới nội dung, phương pháp dạy học gồm:
- Phân mềm công cụ soạn bài giảng (authoring tools).
- Phần mềm mô phỏng, phần mềm thí nghiệm ảo.
- Hệ thống học tập trực tuyến (e-learning).
- Kho tài liệu, giáo án, bài giảng, học liệu điện tử.
- Hệ thống kiểm tra đánh giá sử dụng CNTT.
- Hệ thống kết nối, hỗ trợ dạy học có tính tương tác cao.
- Các ứng dụng hỗ trợ dạy – học và kiểm tra, đánh giá khác.
- Nhóm ứng dụng CNTT phục vụ liên thông, tích hợp dữ liệu gồm:
- Hệ thống liên thông văn bản điện tử các cấp.
- Hệ thống thông tin phổ cập giáo dục và chống mù chữ.
- Hệ thống thông tin quản lý giáo dục (EMIS).
- Hệ thống tích hợp vào cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục và đào tạo.
- Các hệ thống liên thông, tích hợp dữ liệu khác được triển khai bởi Phòng GDĐT, Sở GDĐT và Bộ GDĐT.
Ngoài ra, tùy từng điều kiện thực tế, nhà trường có thể xây dựng những cơ sở dữ liệu dùng riêng nhằm lưu trữ và khai thác sử dụng thông tin có hiệu quả.
2.5 Lớp dịch vụ chia sẻ và tích hợp
Lớp dịch vụ chia sẻ và tích hợp gồm các chuẩn thông tin, chuẩn giao tiếp kết nối và chia sẻ dữ liệu và các giải pháp kỹ thuật khác được sử dụng trong việc trao đổi dữ liệu điện tử giữa các hệ thống thông tin quản lý trong nội bộ nhà trường và kết nối liên thông với hệ thống thông tin quản lý của ngành GDĐT.
2.6 Lớp hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực ứng dụng CNTT
Lớp hạ tầng kỹ thuật bao gồm các trang thiết bị CNTT và hạ tầng kết nối mạng nhằm triển khai ứng dụng CNTT trong các hoạt động của nhà trường có hiệu quả. Lớp hạ tầng kỹ thuật bao gồm các hệ thống, thiết bị như sau:
- Kết nối mạng Internet.
- Hệ thống mạng LAN, mạng không dây (wifi), mạng WAN (đối với nhà trường có khuôn viên trải rộng).
- Hệ thống lưu trữ, máy chủ phục vụ nội bộ (nếu cần).
- Phòng máy tính.
- Phòng học bộ môn có ứng dụng CNTT.
- Phòng sản xuất học liệu điện tử (studio).
- Các thiết bị phục vụ ứng dụng CNTT trong dạy học trên lớp học.
- Các thiết bị CNTT phục vụ quản lý, điều hành.
- Hệ thống họp, hội nghị trực tuyến.
- Hệ thống giám sát.
- Các thiết bị, giải pháp dạy học có tính tương tác cao.
- Các giải pháp và thiết bị kỹ thuật khác.
Nguồn nhân lực sử dụng CNTT là nhân tố có vai trò quyết định đến sự thành công của ứng dụng CNTT trong trường học. Nguồn nhân lực ứng dụng CNTT trong một nhà trường gồm:
- Cán bộ quản lý.
- Giáo viên.
- Nhân viên.
- Học sinh.
2.7. Lớp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin
Lớp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin bao gồm các thiết bị, giải pháp kỹ thuật và dịch vụ CNTT về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin nhằm triển khai ứng dụng CNTT trong các hoạt động của nhà trường được diễn ra an toàn, hiệu quả.
2.8 Lớp quản lý, chỉ đạo điều hành
Lớp quản lý, chỉ đạo điều hành bao gồm các công cụ pháp chế (các quy chế quản lý, khai thác và sử dụng ứng dụng CNTT trong nhà trường), các văn bản hướng dẫn kỹ thuât đảm bảo việc tổ chức ứng dụng CNTT trong trường học được diễn ra chặt chẽ theo đúng các quy định của nhà nước.
3. Mức độ triển khai ứng dụng CNTT trong trường phổ thông
Hai mức độ triển khai ứng dụng CNTT trong trường phổ thông gồm:
- Mức cơ bản: là yêu cầu ứng dụng CNTT tối thiểu trong các hoạt động quản lý và giáo dục mà một nhà trường cần đạt được.
- Mức nâng cao: ngoài việc đạt được các yêu cầu ứng dụng CNTT ở mức cơ bản, tùy theo điều kiện và nhu cầu thực tế, nhà trường áp dụng giải pháp ứng dụng CNTT hiện đại, có tính sáng tạo cao, tiếp cận với những công nghệ tiên tiến trên thế giới để nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản lý và đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.
Admin