Không để lòng yêu nước bị lợi dụng

09 09 2021

in trang

Thực tế đã chứng minh, tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng, nhất trí của cả dân tộc, cộng đồng luôn là nguồn lực quan trọng, là điều kiện cần thiết giúp các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước triển khai hiệu quả, đạt được nhiều thành tựu.

Nhận thức rõ điều này nên nhiều năm qua các tổ chức, cá nhân thù địch, thiếu thiện chí ở trong nước và ngoài nước đã thường xuyên thực hiện nhiều âm mưu thâm độc nhằm mưu đồ phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có thủ đoạn tạo dựng các hội, nhóm để chống phá chế độ, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và Chính phủ.

Công an quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Phan Hữu Ðiệp Anh, về hành vi tung tin xuyên tạc đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Thời gian qua, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, tâm lý bất mãn của một số cá nhân, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí luôn tìm mọi thủ đoạn hòng lôi kéo, dụ dỗ người dân, hình thành một số hội, nhóm dưới mục đích nghe qua có vẻ trong sáng dễ cảm thông nhưng về bản chất là để thực hiện hành vi chống phá. Nếu không tỉnh táo nhận diện người dân rất có thể sẽ vô tình trở thành người tiếp tay cho tội phạm, và đến khi phát hiện ra thì mọi việc đã muộn. Như sự việc xảy ra ngày 27/8/2021 tại xóm trọ nghèo trên đường Bưng Ông Thoàn (phường Phú Hữu, quận 9, TP Hồ Chí Minh). Theo người dân kể lại, một thanh niên lạ mặt ngoài 30 tuổi xuất hiện tại xóm trọ, lân la, dò hỏi nhóm thợ hồ sau khi bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì cuộc sống ở đây thế nào, gặp khó khăn, bất cập ra sao. Ðáng chú ý, trong khi tiếp xúc, người này thường đưa ra thông tin có tính chất kích động, xúi giục mọi người cần lên phường đấu tranh đòi quyền lợi cá nhân để khỏi bị thiệt thòi, đồng thời cho biết sau khi kéo lên phường khiếu nại, gây sức ép với chính quyền, nhiều người dân ở nơi khác đã nhận được trợ cấp ngay lập tức. Một số lao động cả tin, đã vội nghe theo lời của kẻ lạ mặt, rủ nhau đi. Tuy nhiên ngay hôm sau, trên mạng xã hội lập tức xuất hiện video clip có nội dung "người dân đấu tranh đòi quyền sống giữa đại dịch". Bỗng dưng thấy mình xuất hiện trong clip, ông Nguyễn Hữu Lợi cũng như một số người dân đang sinh sống tại phường Phú Hữu hết sức bất ngờ, bức xúc. Họ càng phẫn nộ hơn trước thông tin bịa đặt được người thanh niên lạ mặt mô tả trong clip là: "Hàng nghìn người tham gia biểu tình, tuần hành phản đối chính quyền, kéo lên phường cướp kho gạo vì bị bỏ đói hơn tuần nay" vì thực tế không ai trong số những người dân ở đây đói ăn hay đi biểu tình, tuần hành hay cướp kho gạo cả. Mặc dù nội dung phản ánh không đúng sự thật, nhưng video clip này đã được nhanh chóng chia sẻ rộng rãi trên một số trang mạng của các tổ chức, cá nhân vốn có thái độ thù địch, chống đối chính trị, thiếu thiện chí.

"Tát nước theo mưa", ngày 29/8 trên trang mạng của tổ chức khủng bố "Việt tân" có bài viết hùa theo, với nội dung xuyên tạc: "Dân đã bắt đầu biết xuống đường đấu tranh bất bạo động… "Con giun xéo lắm cũng quằn", dân không phải là giun nên không thể cách ly kiểu giam lỏng người dân cả tháng trời mà không cung cấp cho họ đủ sức cầm cự là coi như tiêu...". Ngày 30/8, Ðài châu Á tự do (RFA) đăng tải lại đoạn video clip trên, không nêu nguồn gốc, xuất xứ, nhưng vẫn tùy tiện kết luận: "TP Hồ Chí Minh: Kéo hàng trăm người biểu tình, hơn 100 hộ dân được hỗ trợ ngay sau đó". Dưới mấy bài viết này, các phần tử cực đoan, cơ hội chính trị thi nhau nhảy vào bình luận với nội dung có tính chất công kích, bôi nhọ cho rằng: "Ðảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam bỏ mặc người dân gặp khó khăn", "chính quyền ăn chặn tiền của dân", từ đó hô hào người dân xuống đường biểu tình, bạo loạn với lý lẽ có tính kích động: "Có đòi mới trả", "Ai chưa nhận được hỗ trợ hãy làm như họ, xuống đường ngay và luôn"...

Cũng với thủ đoạn, cách thức này, trong suốt thời gian cả nước, nhất là TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam phải gồng mình chống dịch Covid-19, các tổ chức, cá nhân thù địch, thiếu thiện chí ở cả trong và ngoài nước thường xuyên đăng tải thông tin bịa đặt, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch, về số người tử vong, tuyên truyền "công an quân đội vào trấn áp dân", xuyên tạc chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người gặp khó khăn, xuyên tạc phát ngôn của một số lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, đại diện chính quyền địa phương, ban, ngành... Các đối tượng này cố tình khoét sâu vào các hạn chế, khó khăn, bất cập về điều kiện ăn ở, đi lại, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh... của nhân dân, thậm chí dựng ra những câu chuyện cá nhân đầy thương tâm nhưng không hề có thật, nhất là về người nghèo, lao động thất nghiệp để dựng lên bức tranh bi thảm về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam. Không chỉ gây tâm lý hoang mang, lo lắng, ngờ vực, chia rẽ vùng miền, khiến nhân dân mất lòng tin đối với Ðảng, Nhà nước và Chính phủ, mà qua cách làm này họ còn kết nối, tập hợp những người dân nhẹ dạ, thiếu thông tin; mua chuộc, dụ dỗ một số phần tử bất mãn, quá khích vào các hội, nhóm có tư tưởng chống đối, hận thù, từ đó thực hiện các kế hoạch và hoạt động theo sự giật dây của họ. Thay vì động viên người dân yên tâm ở tại khu cách ly theo quy định thì họ lại kêu gọi người dân phá rào, tấn công lực lượng chức năng, tràn ra ngoài vì nếu ở lại sẽ "nhiễm bệnh mà chết"; lập hội nhóm kín kêu gọi lao động ngoại tỉnh đồng loạt "thông chốt" về quê, bất chấp quy định phòng, chống dịch. Giữa lúc dịch bệnh rất căng thẳng, họ kêu gọi người dân xuống đường biểu tình phản đối việc giãn cách xã hội. Họ lờ đi thực tế là không chỉ Việt Nam mới buộc thực hiện giãn cách, phong tỏa (lock down), hạn chế các hoạt động đông người và các dịch vụ, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, phức tạp để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, bảo vệ an toàn sinh mạng và sức khỏe cho người dân. Chưa kể, trước làn sóng lây lan nhanh và mạnh như vừa qua ngay cả ở những nước giàu có, tình trạng người thất nghiệp, cần hỗ trợ cũng không ngừng gia tăng. Và để giải quyết tình trạng đó cần phải có thời gian. Song khi các vấn đề này nảy sinh tại Việt Nam thì họ lại xuyên tạc, thổi phồng, gây bức xúc trong dư luận.

Không phủ nhận là đã có thời điểm, vì phải đối phó với một đại dịch nguy hiểm, chưa từng xảy ra nên một số địa phương, bộ, ban, ngành còn gặp một số vướng mắc, lúng túng nhất định. Tuy nhiên từ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn coi tính mạng của nhân dân là ưu tiên hàng đầu, đồng thời bảo đảm sinh kế, kịp thời triển khai các gói hỗ trợ, chỉ đạo sâu sát để người dân không thiếu ăn, thiếu mặc, không để ai bị bỏ lại phía sau, kết hợp với tấm lòng, nghĩa cử của cả cộng đồng với tinh thần "thương người như thể thương thân", "lá rách ít đùm lá rách nhiều" chúng ta đã từng bước vượt qua đại dịch. Thế nhưng, những việc làm hết sức tốt đẹp, nhân văn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của cả đất nước, cộng đồng luôn chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc kiên cường vượt qua mọi khó khăn, dịch bệnh sớm trở lại cuộc sống bình thường mới đã bị các thế lực thù địch, thiếu thiện chí phủ nhận, xuyên tạc, thực hiện các hành vi chống phá.

Trên thực tế, thủ đoạn, cách thức trên đã được chúng tiến hành từ nhiều năm qua. Tiêu biểu như sự việc xảy ra hồi trung tuần tháng 6/2018, tại các địa phương như: Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Khánh Hòa... Một số phần tử chống đối, phá hoại, đã lợi dụng tình yêu nước của một số người dân cũng như sự lôi kéo, kích động một số người dân nhẹ dạ, cả tin hoặc thiếu thông tin, hiểu biết để tham gia biểu tình tự phát nhân danh cái gọi là "thể hiện lòng yêu nước". Hệ quả là đã tạo ra đám đông hung hãn, quá khích tụ tập, gây mất an ninh trật tự, thậm chí gây bạo động, đập phá trụ sở công, tài sản của tổ chức, cá nhân. Trước đó, tại một số địa phương, các đối tượng phản động cũng thường xuyên lợi dụng các vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm để kêu gọi người dân thực hiện các hành vi chống đối, bạo loạn, biểu tình, như vụ việc Công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm biển miền trung, dự án thay thế cây xanh của Hà Nội, các vấn đề Biển Ðông...; và hiện nay là công tác phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam.

Phác thảo trên đây phần nào cho thấy âm mưu, thủ đoạn chống phá thâm độc của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí. Trong nhiều trường hợp, lòng yêu nước chân chính của nhân dân đã bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, từng bước bị dẫn dắt để hành động theo ý đồ đen tối của họ. Ðáng lưu ý là thủ đoạn này luôn kết hợp chặt chẽ với các hoạt động trên kênh truyền thông, trang mạng của các tổ chức phản động và phần tử chống đối. Chúng thường xuyên đăng tải thông tin có nội dung xấu độc, sai lệch, khoét sâu vấn đề đang được quan tâm, hoặc trong đó có chứa đựng sự băn khoăn, lo lắng, bức xúc nhất định... khiến đám đông cảm tính dễ bị nhiễu thông tin, từ đó bị dẫn dắt, lừa mị. Kết quả là một số người đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tạo nên một số điểm nóng trong xã hội, khiến dư luận bất bình, kịch liệt phản đối.

Ðặc biệt, trong các hoạt động chống phá nổi lên thời gian qua, có thể thấy rõ sự xuất hiện một số phần tử cực đoan với vai trò "phát động phong trào", kêu gọi người dân với hứa hẹn ảo tưởng, phi thực tế nhằm chia rẽ người dân với Ðảng và Nhà nước; dựa vào ý kiến của một số người bị lừa bịp, dẫn dắt để dựng lên cái gọi "tiếng nói người dân", "người dân lên tiếng", "diễn đàn dân chủ"… mà bản chất là thực hiện mưu đồ chống phá Ðảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, rắp tâm và cố gắng gây dựng "cách mạng đường phố" để lật đổ chế độ. Thực hiện mưu đồ đó, họ thường nhân danh quyền và lợi ích của "số đông" do chính họ dựng lên, coi đó vừa là chiêu bài, vừa là công cụ nhằm gây dựng phong trào chính trị chống đối, dựa vào đó để gây sức ép lên hệ thống chính trị, tấn công chế độ. Vì thế, quyền và lợi ích của "số đông" đã bị lợi dụng để hình thành nên tấm bình phong che giấu những mục đích đen tối.

admin

Thong ke