ĐẤU TRANH PHẢN BÁC NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH PHỦ NHẬN CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

22 08 2022

in trang

Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại” . Chính có sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, dân tộc đã giành được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc, ấm no như ngày hôm nay. Tuy nhiên, ngay cả khi “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay” thì các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá, phủ nhận thậm chí muốn xóa bỏ con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại” . Chính có sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, dân tộc đã giành được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc, ấm no như ngày hôm nay. Tuy nhiên, ngay cả khi “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay” thì các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá, phủ nhận thậm chí muốn xóa bỏ con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Điều này đặt ra đối với cán bộ đảng viên phải nhận diện đúng và kiên quyết đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc.
1. Nhận diện một số luận điểm sai trái, thù địch phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta
Đi lên CNXH đối với Việt Nam đã được khẳng định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930 của Đảng như sau: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” . Hơn 90 năm qua, CNXH luôn là mục tiêu, lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.
Tuy vậy, các “thế lực thù địch” với “âm mưu” hòng “xóa bỏ thành quả cách mạng” của nhân dân Việt Nam, nhất là “con đường phát triển” của đất nước, đã tìm mọi cách “công kích, chống phá”. Đặc biệt, từ sau khi CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, phong trào công nhân và phong trào cộng sản thế giới có sự thoái trào, ở nước ta đã xuất hiện khá nhiều ý kiến trái chiều đòi xem lại tính khách quan của con đường đi lên CNXH. Một số người ra sức tung hô luận điệu: Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự áp đặt của cá nhân Hồ Chí Minh vào Việt Nam? Một số kẻ khác cho rằng: vì đi theo “con đường xã hội chủ nghĩa” nên chúng ta chậm phát triển, giá đi con đường khác thì Việt Nam đã giàu có? Hoặc có quan điểm muốn xét lại lịch sử, lập luận: “chủ nghĩa Mác-Lênin” là phương tiện, “độc lập dân tộc” là mục đích, nay đã đạt được mục đích rồi thì đất nước phải chọn lựa con đường khác thì mới phát triển...
Những luận điệu trên rất thâm độc, hàm chứa những mưu đồ đen tối, nguy hiểm, thực chất là nhằm phủ nhận, bôi đen những căn cứ khoa học, khách quan, đúng đắn con đường phát triển đi lên của đất nước.
2. Luận cứ “đấu tranh, phản bác” những luận điệu “xuyên tạc, sai trái, thù địch” về việc lựa chọn “con đường đi lên CNXH” ở nước ta
Một là, đi lên CNXH là “tất yếu khách quan”, sự “lựa chọn của lịch sử” dân tộc không phải là sự áp đặt của Hồ Chí Minh, điều này được thể hiện cả mặt lý luận và thực tiễn:
Về lý luận: Học thuyết khoa học, cách mạng chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra quy luật vận động, phát triển của lịch sử xã hội loài người: “Sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên” và sự ra đời của “hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa” là hoàn toàn tất yếu mang tính khách quan. Điều này có nghĩa là: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội” . Từ quan điểm của C.Mác, Ph.Ănghen và V.I.Lênin có thể khẳng định tiến lên CNXH, CNCS đó là quy luật phát triển tất yếu của xã hội loài người.
Thực tiễn thế giới cũng đã chứng minh nhất định loài người sẽ đi lên CNXH. Chế độ chiếm hữu nô lệ tồn tại hơn 10 thế kỷ nhưng rồi vẫn phải nhường chỗ cho chủ nghĩa phong kiến ra đời. Bản thân chế độ phong kiến để khẳng định vị thế của mình cũng mất hơn 300 năm quá độ. Chế độ phong kiến cũng tồn tại hơn 10 thế kỷ, nhưng rồi cũng phải nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản để khẳng định vị thế của mình cũng mất hơn 200 năm quá độ. Do vậy, chủ nghĩa xã hội để khẳng định được vị thế của mình chắc hẳn không thể nhanh chóng được. Nhưng tất yếu chủ nghĩa xã hội sẽ ra đời. Dù hiện tại còn nhiều khó khăn, thậm chí thất bại tạm thời, nhưng CNXH vẫn là đích đến của loài người, là kết quả tất yếu khách quan của sự phát triển kinh tế TBCN. Chính từ việc tổng kết thực tiễn lịch sử nhân loại, Đảng ta vững tin khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” .
Thực tiễn lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là duy nhất đúng đắn.
Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Việt Nam là nước thuộc địa nửa phong kiến, với chính sách cai trị và bóc lột hà khắc của thực dân, phong kiến, “đời sống nhân dân vô cùng khổ cực”. Với mong muốn giúp dân tộc thoát khỏi cảnh lầm than, cơ cực, nhiều “phong trào đấu tranh yêu nước” đã diễn ra theo các khuynh hướng khác nhau như phong trào Cần Vương (theo tư tưởng phong kiến); phong trào của cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh (theo tư tưởng tư sản); phong trào của Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính tổ chức… Tuy nhiên, các phong trào này đều thất bại, bị thực dân Pháp đàn áp và “dìm trong biển máu”. Con đường “cứu nước, cứu dân” ở Việt Nam rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Tất Thành đã ra đi “tìm đường cứu nước”. Người đã đi qua “khắp đất tự do, khắp trời nô lệ”, qua các nước “tư bản phát triển” và các “nước thuộc địa” trên thế giới. Trong hành trình đó, Người đã bắt gặp “chủ nghĩa Mác - Lênin”, nghiên cứu Cách mạng vô sản Tháng Mười Nga (1917) và Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” ; và “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Chính nhờ đó, Người đã tìm được lời giải cho những bế tắc của con đường cứu nước ở Việt Nam khi đó: cách mạng Việt Nam do ai lãnh đạo? Lực lượng tham gia cách mạng là ai? Cách mạng thành công thì dân tộc sẽ đi đến đâu?...Những lời giải ấy đã được hiện thực hóa bằng việc “sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam” (2/1930).
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã “lãnh đạo cách mạng Việt Nam” giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc, lần đầu tiên Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới. Đảng đã lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giành độc lập trọn vẹn cho dân tộc và đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Từ năm 1986 đến nay, Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới làm cho: “… nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” . Như vậy đi lên chủ nghĩa xã hội là “phù hợp với thực tiễn Việt Nam”, sự lựa chọn “khách quan của lịch sử” không phải là áp đặt của cá nhân Hồ Chí Minh.
Hai là, lịch sử đã trải qua không có từ “giá như”, nhưng có thể khẳng định rằng chỉ có đi lên CNXH, độc lập dân tộc mới giữ vững và có được thành tựu như ngày hôm nay.
Gắn “độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội” là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở niềm tin vào quy luật khách quan rằng, nhân loại nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội, Đảng ta quyết tâm đi theo và thực hiện “tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Lý luận và thực tiễn, lịch sử và hiện tại trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã chứng minh, “độc lập dân tộc” là điều kiện, cơ sở, tiền đề để “xây dựng chủ nghĩa xã hội” và “chủ nghĩa xã hội” là sự “bảo đảm” vững chắc cho “độc lập dân tộc”. Hơn nữa, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới là cách thức tổ chức xã hội tốt nhất làm cho dân tộc - quốc gia trường tồn, phát triển, con người trong dân tộc - quốc gia đó được phát triển toàn diện; quan hệ giữa cá nhân - tập thể - xã hội, giữa giai cấp và dân tộc được hài hòa. Cho nên, để độc lập dân tộc được bền vững, trường tồn thì nhất định phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chỉ có đi lên chủ nghĩa xã hội, thì độc lập dân tộc mới trở thành thực tế và bền vững. Bàn về vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đảm lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.
Thực tiễn thế giới cũng đang chứng tỏ một thực tế rằng: những “quốc gia, dân tộc” sau khi giành được “độc lập” lại lựa chọn con đường phát triển phi CNXH, tuy kinh tế có tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất của nhân dân có được cải thiện nhưng lại không có được độc lập đúng nghĩa, trọn vẹn; rất nhiều vấn đề xã hội đặt ra và không được giải quyết. Trái lại, trong khi các nước đang khủng hoảng thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu năng lượng, thiếu nguyên, nhiên liệu… thì Việt Nam vẫn đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo các điều kiện cho sản xuất và phát triển; kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt “Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước” . Trong quan hệ hợp tác quốc tế, Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng” . Trên thế giới, chúng ta có quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia, không phân biệt thể chế chính trị, điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Chúng ta cũng đóng góp tích cực vào “an ninh, hòa bình” và phát triển của thế giới đó là việc cử quân tình nguyện tham gia lực lượng “gìn giữ hòa bình quốc tế”. Việt Nam đăng cai tổ chức các hội nghị, các sự kiện mang tầm quốc tế như Hội nghị Apec năm 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019; đảm nhận cương vị quan trọng như: Chủ tịch Asean năm 2020, ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020 -2021; đăng cai tổ chức thành công SEA Games 31 năm 2022…. Tất cả những thành công đó cho thấy “thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao” . Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: “phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản có cùng mức phát triển kinh tế…,“ ngày nay, “xét trên nhiều phương diện”, người dân Việt Nam có cuộc sống tốt hơn so với các thời kỳ trước đây”.
Do đó, kẻ nào đó nói rằng “giá như Việt Nam đi con đường khác thì giàu có” là suy diễn tầm thường, thực chất là muốn lái con đường phát triển đất nước theo tư bản chủ nghĩa.
Ba là, đi lên chủ nghĩa xã hội là xu thế phát triển của thời đại, bởi vì CNXH không chỉ là khát vọng, mục tiêu cao cả “của nhân dân Việt Nam” mà “nhân loại tiến bộ” luôn hướng tới, do vậy, không thể có con đường khác.
Lý luận và thực tiễn đã chứng minh thời đại ngày nay “là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới”. Đảng ta đã khẳng định: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” .
Thắng lợi của Cách mạng vô sản Tháng mười Nga, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã ra đời, đánh dấu bằng sự ra đời của nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới - Nhà nước Xô Viết. Lần đầu tiên kể từ khi xã hội có giai cấp, “nhân dân lao động” đã được tự tay cầm lá phiếu đi bầu ra những người đại diện cho mình vào bộ máy nhà nước; được thực hiện những quyền “tự do, bình đẳng của con người” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những thành tựu hết sức to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, quốc phòng, đối ngoại của Liên xô và một số nước XHCN từ 1917 - 1991 là không thể phủ nhận. Nó “trở thành tấm gương, động lực thúc đẩy hàng loạt các dân tộc, quốc gia làm cách mạng đánh đổ ách áp bức, bóc lột, giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội” , góp phần giải phóng hàng tỷ người trên trái đất. Thậm chí những thành tựu vĩ đại đó còn là một trong những nguyên nhân buộc CNTB hiện đại phải tìm cách điều chỉnh về một số mặt như: chế độ sở hữu, an sinh xã hội, nếu như muốn tiếp tục tồn tại.
Ngày nay, chủ nghĩa xã hội hiện thực không còn với “tư cách là một hệ thống”, nhưng “giá trị thời đại” và “sức sống” của nó vẫn tiếp tục được khẳng định trong “sự nghiệp đổi mới” ở Việt Nam, Lào, cải cách ở Trung Quốc, cập nhật mô hình hóa ở Cu Ba… Do vậy, dù rằng, CNXH đang đứng trước nhiều “khó khăn, thách thức”, nhưng “tất yếu, loài người sẽ đi tới CNXH”, bởi đây là một xã hội thực sự “giải phóng triệt để cho con người”, đem lại cuộc sống “độc lập, hòa bình, hữu nghị và hợp tác bình đẳng” cho các dân tộc. Hồ Chí Minh rất sâu sắc khi kết luận rằng: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” .
“Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ… Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó” . Trong lòng CNTB, các cuộc khủng hoảng vẫn diễn ra. Các mâu thuẫn, xung đột, bạo lực dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, biểu tình, bãi công…đặt ra những thách thức vô cùng lớn không chỉ đối với CNTB mà đối với sự “ổn định và phát triển của xã hội loài người”. Do vậy, “Nhân dân Việt Nam không cần một xã hội đầy rẫy bất công” và “không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái”…, một xã hội “vì lợi nhuận mà chà đạp lên phẩm giá con người”…, gia tăng “khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”…, “cá lớn nuốt cá bé”, vì “lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và phe nhóm”….. “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người…”
Đối với nhân dân Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ là phương tiện giành độc lập dân tộc mà với bản chất khoa học, cách mạng, hướng đến xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, dân chủ, tiến bộ, vì con người “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” . Nếu từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin là từ bỏ điều quan trọng và thiêng liêng nhất đối với Đảng. Bởi đây là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”, là “nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam” cho hành động của Đảng, là “trí khôn”, “bàn chỉ nam” của Đảng. Xa rời nó, Đảng sẽ mất phương hướng. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn:
“Ðảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Ðảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” . Bảo vệ giá trị cao quý đó của Đảng là trách nhiệm thiêng liêng của những người Cộng sản.
Đấu tranh mạnh mẽ, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành tựu của chủ nghĩa xã hội trong hơn nửa thế kỷ mà chúng ta xây dựng, đấu tranh trên các phương tiện thông tin, truyền thông, trên mạng xã hội hoặc phê phán trực tiếp những người nhận thức chưa đúng về con đường này… là một cuộc đấu tranh gay go, phức tạp, đòi hỏi người cán bộ đảng viên phải có “bản lĩnh chính trị vững vàng”, có “tri thức khoa học”, có “niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng” và luôn “nêu cao trách nhiệm” trước yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
3. Muốn bảo vệ được con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận con đường đó cần phải làm gì?
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung,“con đường đi CNXH” ở Việt Nam nói riêng.
Nhận thức là điều rất quan trọng bởi có nhận thức đúng thì mới có hành động đúng. Do đó, cần đưa nội dung “Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” vào sinh hoạt chi bộ để mỗi cán bộ, đảng viên hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như nội dung bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng, phê phán, lên án, đấu tranh trước những luận điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch. Từ việc hiểu đúng đắn, cán bộ đảng viên sẽ nâng cao nhận thức, có trách nhiệm, có hành động thiết thực trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, bảo vệ con đường đi lên CNXH ở Việt Nam nói riêng.
Trách nhiệm của đảng viên với Đảng là thực hiện lời thề (lời tuyên thệ) khi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Giây phút thiêng liêng trong buổi lễ kết nạp Đảng đó là đứng trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đảng viên đã thề, điều đầu tiên là “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng”. Do đó, người đảng viên chân chính phải có trách nhiệm, hành động thiết thực thực hiện lời hứa bảo vệ mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc và CNXH.
Công tác “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” là “lâu dài, phức tạp”, bởi các “thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá chúng ta”. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên có “nhận thức đúng đắn”, “tư tưởng thông suốt”, “bản lĩnh vững vàng”, “hành động quyết liệt”, “quyết tâm lớn” thì chắc chắn chúng ta sẽ “bảo vệ được nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” của Việt Nam.
Hai là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Các “cấp ủy Đảng từ trung ương đến cơ sở”, các ban đảng, từng cán bộ, đảng viên là chủ thể nòng cốt trong việc “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “đấu tranh, phản bác” trước các luận điệu “sai trái, thù địch”. Vì vậy, cần trang bị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nền tảng lý luận vững chắc. Cán bộ, đảng viên cần được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng. Khi có trình độ lý luận vững vàng, họ mới có cơ sở khoa học, năng lực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trong đó có “quan điểm phủ nhận con đường đi lên CNXH” ở Việt Nam.
Để nâng cao “trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên”, các cấp ủy Đảng cần “tạo điều kiện về thời gian”, “hỗ trợ về kinh phí” để cán bộ đảng viên được tham gia các lớp “đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị”. Cần có hình thức khen thưởng đối với cán bộ, đảng viên tích cực học tập; đồng thời có hình thức kỷ luật đối với những người “lười học”, “ngại học” lý luận chính trị. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần “tích cực, chủ động, tự giác” trong học tập nâng cao trình độ mọi mặt trong đó có trình độ lý luận chính trị.
Trách nhiệm “đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên” cơ sở thuộc về các trường Chính trị cấp tỉnh. Do vậy, giảng viên trường Chính trị phải “đổi mới phương pháp giảng dạy”, “áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực”, giảng dạy phải “gắn lý luận với thực tiễn” để “trang bị cho cán bộ, đảng viên” kiến thức “lý luận vững vàng”; “kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra”; “có thái độ tích cực” trong việc “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”. Các trường Chính trị cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng - nơi cử cán bộ, đảng viên tham gia “học tập, bồi dưỡng” để có đánh giá khách quan về kết quả học tập, có thể coi là một “cơ sở để đánh giá cán bộ, đảng viên” hàng năm, hoặc một “tiêu chí để bổ nhiệm cán bộ”.
Ba là, tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận trong đó có lý luận về “chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội” . Do đó, cần tăng cường công tác “nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn”, bổ sung những vấn đề lý luận mới rút ra từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam “làm cho lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin có thêm “sinh lực mới”,“hơi thở của thời đại”.
Công tác “tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận” là công việc khó, đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học và những cán bộ lãnh đạo giỏi. Những người đó phải “sâu sát với thực tiễn”, có kiến thức “lý luận chắc chắn”, có “tư duy khoa học”, có khả năng “phân tích, tổng hợp” các vấn đề, trong đó có kiến thức về “chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”. Để làm tốt công tác này thì hệ thống trường Đảng: từ các” trường Chính trị cấp tỉnh” đến Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các trường đại học; các Học viện nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị cần đào tạo đội ngũ chuyên gia; các nhà khoa học thường xuyên tham gia nghiên cứu đề tài khoa học các cấp. Cần cử đội ngũ cán bộ, chuyên gia đi “nghiên cứu thực tế tại cơ sở” để tăng cường khả năng “tổng kết thực tiễn”, bổ sung, làm rõ những “vấn đề lý luận còn thiếu, còn bất cập”.
Có thể khẳng định rằng: “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam là phù hợp thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”. Những quan điểm phủ nhận hoặc hoài nghi về con đường này đều là luận điểm sai trái, thù địch. Những người cộng sản cần có trách nhiệm bảo vệ và đóng góp công sức xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Dương Thị Kim Toan (Cửa Biển)

Admin

Thong ke