ĐẤU TRANH CHỐNG TƯ TƯỞNG PHI MACXIT TRONG ĐẢNG THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

16 06 2022

in trang

Là nhà mácxít lỗi lạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng trên mặt trận tư tưởng. Người rất chú trọng đến việc bảo vệ tư tưởng của Đảng, đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm, tư tưởng lệch lạc, phi mácxít. Trong bài viết này, tác giả tập trung trình bày, phân tích làm rõ những quan điểm của Hồ Chí Minh về sự cần thiết, nội dung và các giải pháp đấu tranh chống lại các quan điểm, tư tưởng phi mácxít trong Đảng

Là nhà mácxít lỗi lạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng trên mặt trận tư tưởng. Người rất chú trọng đến việc bảo vệ tư tưởng của Đảng, đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm, tư tưởng lệch lạc, phi mácxít. Trong bài viết này, tác giả tập trung trình bày, phân tích làm rõ những quan điểm của Hồ Chí Minh về sự cần thiết, nội dung và các giải pháp đấu tranh chống lại các quan điểm, tư tưởng phi mácxít trong Đảng
1. Sự cần thiết của việc đấu tranh chống tư tưởng phi mácxít trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Theo quan niệm duy vật biện chứng, cơ sở vật chất cho sự hình thành và phát triển ý thức xã hội chủ nghĩa (trong đó nội dung cốt lõi là tư tưởng vô sản) là phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Song, với một nền kinh tế - xã hội lạc hậu, sản xuất nhỏ là phổ biến đi lên chủ nghĩa xã hội, có nghĩa chưa có được một nền đại công nghiệp phát triển cao với cơ sở vật chất to lớn và hiện đại hóa, tương ứng với nó là một giai cấp công nhân hiện đại, có ý thức tổ chức, kỷ luật và trình độ chuyên môn, trí tuệ cao sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sự tạo lập và phát triển ý thức xã hội chủ nghĩa.
Về phương diện tư tưởng, lý luận, chúng ta đồng thời tiến hành các nhiệm vụ, để tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, cần phảiđấu tranh khắc phục những tư tưởng, tâm lý, tình cảm lỗi thời phong kiến, tư tưởng lỗi thời tư sản, tư tưởng của người sản suất nhỏ, tiểu nông… Những tàn dư tư tưởng lỗi thời trên vẫn có điều kiện, môi trường tồn tại, thậm chí ăn sâu bám rễ trong mọi tầng lớp nhân dân, kể cả một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nó cản trở lớn đến quá trình xây dựng ý thức xã hội chủ nghĩa nói chung và đến tư tưởng của giai cấp công nhân nói riêng.
Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, hhi nói đến xây dựng tư tưởngvững mạnh trong hàng ngũ những người cộng sản Việt Nam, Chủ tich Hồ Chí Minh đề cập nhiều đến đấu tranh chống những tư tưởng phi mác-xít trong Đảng. Người quan tâm đến vấn đề này từ rất sớm. Ngay từ năm 1924, khi phê phán những biểu hiện tả khuynh trong hàng ngũ những người mácxít đã bị phân hóa, Hồ Chí Minh viết: “… bọn cải lương và các lãnh tụ Quốc tế thứ hai đã không dám đặt ngang hàng các dân tộc da trắng và các dân tộc thuộc địa các màu da khác, rằng Lênin đã bác bỏ sự bất bình đẳng đó và phá tan các chướng ngại ngăn chia những người nô lệ văn minh với những người nô lệ không văn minh của chủ nghĩa đế quốc”.
Người coi đấu tranh chống các tư tưởng phi vô sản là sự tất yếu trong quá trình tạo dựng sự thống nhất cao về tư tưởng, lý luận trong Đảng, làm nền tảng tư tưởng để giữ vững bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong lãnh đạo của Đảng. Người chỉ ra rằng: “Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng”. Theo Người, Đảng ta là một đảng có tính chất quần chúng, có hàng chục vạn đảng viên do đặc thù của Việt Nam với số đông đảng viên thuộc thành phần tiểu tư sản nênlập trường thiếu vững chắc, dễ dao động, mơ hồ về chính trị. Theo Hồ Chí Minh, mỗi khi gặp tình hình mới, nhiệm vụ mới… tư tưởng của một số đảng viên và cán bộ không khỏi bỡ ngỡ, lệch lạc, hoặc “tả” hặc hữu và “vì ảnh hưởng của tư tưởng tư sản mà lúc đầu có đảng viên lập trường thiếu vững chắc, quan điểm còn mơ hồ, tư tưởng thiếu đúng đắn”. Với cách nhìn biện chứng, Người cho rằng: “Trong thời kỳ cách mạng, tình hình biến đổi rất mau. Nếu sự hiểu biết không theo kịp thì khó mà đưa cách mạng đến thắng lợi. Thường có khi tư tưởng không theo kịp thực tế. Đó là vì sự hiểu biết của người ta bị điều kiện xã hội hạn chế”.
Theo Hồ Chí Minh, mục tiêu tồn tại và phát triển của Đảng là vừa nhằm tiêu diệt chế độ áp bức, bóc lột và mọi nguồn gốc gây nên áp bức, bóc lột, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, nên Đảng luôn luôn là đối tượng phá hoại quyết liệt của các thế lực thù địch.
2. Nội dung đấu tranh tư tưởng phi mácxít trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Để cán bộ, đảng viên thấy rõ bản chất nguy hại của tư tưởng phi mácxít Hồ Chí Minh chỉ rõ nội dung đấu tranh chống tư tưởng phi mácxít trên những khía cạnh sau:
Một là, chống tư tưởng hữu khuynh và “tả” khuynh
Với tư tưởng hữu khuynh và tả khuynh, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta chống lại sai lầm tả khuynh và hữu khuynh, vì nó trái với điều kiện lịch sử”. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Những người khuynh hữu. Tư tưởng của họ không theo kịp sự biến đổi của tình hình khách quan. Tình hình đã tiến lên, mà sự hiểu biết của họ cứ ở chỗ cũ, vì tư tưởng của họ xa rời thực hành. Họ cũng như những người không đi trước xe để hướng dẫn, lại chạy sau xe và trách xe chạy mau quá. Họ muốn gò xe lại, làm cho xe thụt lùi.
Với những người khuynh tả. Họ chỉ biết nói cho sướng miệng. Tư tưởng của họ nhảy qua những giai đoạn phát triển nhất định. Họ cho ảo tưởng là sự thật. Họ xa rời thực hành của đại đa số nhân dân. Họ không thiết thực. Họ hành động một cách liều mạng.
Vạch rõ bản chất tư tưởng hữu khuynh và “tả” khuynh, Hồ Chí Minh nêu cụ thể biểu hiện của nó là “những xu hướng hữu khuynh và “tả” khuynh đánh giá thấp vai trò của nông dân là quân chủ lực của cách mạng, là bạn đồng minh chủ yếu và tin cậy nhất của giai cấp công nhân, là lực lượng cơ bản cùng với giai cấp công nhân xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Hay, tả khuynh là “thấy thắng luôn, muốn đánh bừa, họ chỉ thấy cây mà không thấy rừng”, “Hữu khuynh thì bi quan tiêu cực, nhân nhượng vô nguyên tắc. Không tin tưởng vào lực lượng của dân, làm nhụt tinh thần phấn đấu của nhân dân. Quên tác phong gian khổ; chỉ mong muốn một đời sống yên ổn dễ dàng”.
Theo Hồ Chí Minh, do tư tưởng tả cũng như hữu đều “trái với điều kiện lịch sử”, “đều sẽ bị địch lợi dụng, đều có hại cho ta mà lợi cho địch”. Nên, cái thất bại tất yếu của loại tư tưởng này “sẽ bị cô lập, sẽ bị xa rời nhân dân ta và nhân dân thế giới, và sẽ thất bại”.
Trong các tác phẩm, các bài viết của mình, khi đề cập tới vấn đề “tả khuynh”, “hữu khuynh”, nhiều lúc Hồ Chí Minh sử dụng 2 cách viết về cụm từ “tả khuynh” với hai ý nghĩa khác nhau là tả khuynh và tả trong ngoặc kép “tả”. Với loại tả trong ngoặc kép là loại người mà thấy thắng luôn, muốn đánh bừa, “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”. Theo cách viết của Lênin thì đó là “tả” khuynh ấu trĩ mà Người phê phán trong tác phẩm Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào công nhân (tháng 5/1918). Theo Lênin, đó là những người cộng sản “tự cho mình là mácxít đúng đắn nhất. Những lý lẽ của phái đối lập đã chứng tỏ rằng, họ không hiểu những điều sơ đẳng nhất của chủ nghĩa Mác”.
Hai là, chống những tư tưởng lỗi thời, lạc hậu do xã hội cũ để lại
Trong lãnh đạo tư tưởng, Hồ Chí Minh thường nhắc đến ba loại kẻ địch: Giặc ngoại xâm; thói quen và tập quán lạc hậu; chủ nghĩa cá nhân. Cả ba kẻ địch này đều nguy hiểm như nhau. Kẻ địch bên ngoài tấn công chúng ta không chỉ về chính trị, quân sự mà còn về tư tưởng, lý luận hòng làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lung lay về lý tưởng và niềm tin. Sự sa sút, dao động về tư tưởng rất nghiêm trọng và nguy hiểm. Nhưng theo Hồ Chí Minh, những thói quen và tập quán lạc hậu cũng là một kẻ địch to, nó ngấm ngầm ngăn cản cách mạng tiến bộ. Vì đây là kẻ địch tiềm ẩn, “kẻ thù bên trong” chi phối mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng của mỗi con người đảng viên. Chúng ta đều biết rằng: Đảng ta ra đời trong lòng dân tộc, trưởng thành trong một đất nước với những điều kiện kinh tế - xã hội, tập quán, thói quen lạc hậu - tiến bộ đan xen với nhau, chế ước nhau. Trong tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên đều bị ảnh hưởng của thói quen, tập quán xấu đó. Người nói: “đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa, v.v... Những thói xấu đó có đã lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng… Nếu trong Đảng ta, một đảng mới từ trong xã hội cũ bước ra, nếu nó hoàn toàn không có những người xấu, việc xấu như thế mới là kỳ quái chứ”.
Những tư tưởng, nhận thức lỗi thời, lạc hậu của cán bộ, đảng viên mà nếu không được “cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, lâu dài” thì bước vào thời kỳ mới của cách mạng nó sẽ biến thành một lực lượng có sức ỳ rất lớn, níu kéo thậm chí phá hoại sự nghiệp cách mạng.
Những biểu hiện của các loại tư tưởng đó bao gồm tư tưởng giáo điều, thực dụng, bảo thủ… Theo Hồ Chí Minh, những tư tưởng đó không xa lạ trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận. Tư tưởng giáo điều nặng về vai trò của lý luận mà coi nhẹ thực tiễn, tách rời lý luận khỏi thực tiễn. Trong quan điểm của Hồ Chí Minh, tư tưởng giáo điều thường biểu hiện ở 3 dạng:
Một là, nắm lý luận một cách “sách vở”, chỉ dùng ở câu chữ theo kiểu “tầm chương trích cú”, thường mượn những lời của Mác - Lênin, dễ làm cho người ta lầm lẫn;
Hai là, luôn coi lý luận là bất biến mà không thấy được sức sống của lý luận ở chỗ cần phải thường xuyên bổ sung, phát triển trên cơ sở thực tiễn mới;
Ba là, vận dụng lý luận một cách máy móc, rập khuôn…
Xét về sự nguy hiểm của nó, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Cán bộ phải đi sát thực tế, thường xuyên đấu tranh chống tư tưởng lạc hậu và bảo thủ, phát huy tư tưởng tiên tiến”
Ba là, chống tư tưởng trung bình chủ nghĩa, tư tưởng bản vị
Hồ Chí Minh thường nhắc tới một loại tư tưởng tiêu cực - “tư tưởng trung bình chủ nghĩa”, “tư tưởng bản vị”. Đó là tư tưởng luôn coi bộ phận hoặc địa phương mình phụ trách như là một giang sơn riêng, kém tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa… Chỉ biết đến và bênh vực lợi ích của đơn vị, địa phương mình mà không kể đến lợi ích của các đơn vị, địa phương khác. Theo Hồ Chí Minh, nói đến xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận là nói đến trình độ lý luận, năng lực tư duy lý luận. Muốn xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận vững mạnh, nhất thiết trong Đảng phải có trình độ lý luận và năng lực tư duy lý luận cao và khoa học, tiêu biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến. Thế nhưng điều kiện của nền sản xuất nhỏ lại nảy sinh tư tưởng trung bình chủ nghĩa, ỷ lại, thiếu tính tích cực chủ động tìm tòi sáng tạo, dễ thỏa mãn với những hiểu biết cũ.
Bên cạnh đó, đi ngược lại tri thức cách mạng là những tư tưởng, nhận thức lạc hậu, bảo thủ như mê tín, dị đoan... rất cần phải loại bỏ khỏi đầu óc của mỗi người. Hồ Chí Minh chỉ rõ “Có đảng viên cũng ngồi đồng, để bùa, có đảng viên cũng rước kiệu. Như thế có đúng không? Một đảng viên hay một người đoàn viên vào Đảng, vào Đoàn là tin tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin, tin tưởng chủ nghĩa duy vật. Nói duy vật mà làm duy tâm là sai. Nếu chỗ nào có như thế thì các cô các chú phải giúp họ sửa chữa”.
3. Giải pháp đấu tranh tư tưởng phi mácxít trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Việc nâng cao tính chiến đấu, chủ động đấu tranh phê phán, bác bỏ những quan điểm, tư tưởng phản khoa học, ngăn chặn ảnh hưởng của chúng, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và quan điểm, đường lối của Đảng là yêu cầu cơ bản, có tính nguyên tắc đối việc củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng. Hồ Chí Minh đã sớm đề ra những luận điểm cơ bản mang tính chỉ đạo quyết liệt cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng chống những tư tưởng phản diện, tác động xấu đến dòng tư tưởng chủ đạo của Đảng là tư tưởng của giai cấp công nhân - chủ nghĩa Mác – Lênin.
Thứ nhất, phát huy tinh thần cách mạng tiến công của chủ nghĩa Mác - Lênin về tư tưởng, lý luận (tinh thần đấu tranh cách mạng để phát huy vai trò chủ đạo, nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tinh thần, tư tưởng của nhân dân Vì thế, giành thế chủ động trên mặt trận tư tưởng, lý luận là tiêu điểm đầu tiên trong quan điểm Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh cho rằng Đảng ta luôn luôn đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp vô sản và nhân dân, biết vận dụng lý luận Mác - Lênin vào tình hình thực tế đất nước. Đảng đề ra đường lối, chính sách đúng đắn là vì “Đảng ta không ngừng đấu tranh chống những khuynh hướng cải lương của giai cấp tư sản và những khuynh hướng manh động của tầng lớp tiểu tư sản trong phong trào dân tộc; chống luận điệu “tả” của bọn tơrốtxkít trong phong trào công nhân; chống những khuynh hướng hữu và “tả” trong Đảng”. Đồng thời, phải đẩy mạnh giáo dục tư tưởng, lý luận chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng, tạo sức đề kháng cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác lý luận nhằm cung cấp vũ khí lý luận sắc bén để chủ động khắc phục, phê phán những tư tưởng sai lầm trong Đảng.
Thứ hai, Đảng cần tăng cường thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình nghiêm túc trong sinh hoạt tư tưởng. Hồ Chí Minh nói Đảng ta có một vũ khí sắc bén để làm cho đảng viên tiến bộ về mọi mặt, làm cho Đảng ngày càng mạnh là tự phê bình và phê bình. “Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, để cùng nhau tiến bộ”. Đề cập tới vấn đề đấu tranh tư tưởng, khi đề ra 10 nhiệm vụ của đảng viên, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Thực hành tự phê và phê bình; kiên quyết đấu tranh với mọi tư tưởng và hành động ở trong Đảng và ngoài Đảng có hại đến lợi ích chung của Đảng, của cách mạng”. Theo Hồ Chí Minh, để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh tư tưởng vốn gay go, phức tạp thì trước hết, cán bộ, đảng viên cần phải biết “xây”, phải tự nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng của mình, “Phải thành khẩn tự phê bình tư tưởng và công tác của mình”. Hơn nữa, muốn nâng cao sửa chữa, khắc phục tư tưởng cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình, “Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ”. Để củng cố niềm tin với Đảng trong nhân dân, Đảng cần tiếp tục thực hiện tự phê bình, phê bình quyết liệt hơn nữa, xử lý nghiêm khắc cán bộ đảng viên vi phạm, có tư tưởng sai trái, lệch lạc. Quá trình tự nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên trong Đảng cũng hết sức quan trọng. Muốn hoạt động này hiệu quả, toàn Đảng nói chung, các tổ chức cơ sở Đảng nói riêng cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tư tưởng, hành động chính trị của cán bộ, đảng viên, coi đây là một trong những công việc then chốt của công tác cán bộ.
Thứ ba, nâng cao ý chí chiến đấu, niềm tin, bản lĩnhcủa cán bộ, đảng viên vào sự nghiệp cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng, tiền đồ của đất nước. Với tư duy mạch lạc và sự lạc quan cách mạng vô bờ, Hồ Chí Minh nói: “Cán bộ, đảng viên phải nâng cao chí khí chiến đấu, nâng cao lòng tin tưởng. Trong kháng chiến rất khó khăn nếu chí khí chiến đấu của bộ đội, cán bộ, nhân dân mà sụt thì sẽ thất bại… Muốn có chí khí chiến đấu thì trước hết phải có lòng tin tưởng: tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, tin tưởng vào sự cố gắng của bản thân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”. Muốn có lòng tin thì tư tưởng phải vững, lý luận phải chắc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng phải tiếp tục được đề cao, coi trọng, tránh tình trạng học hình thức và phải được thực hiện trên quy mô ngày càng được mở rộng, ngày càng chất lượng.
Thứ tư, phải biết phát huy vai trò của nhân dân trên mặt trận đấu tranh với những tư tưởng tả khuynh, hữu khuynh; những tư tưởng lỗi thời, lạc hậu. Vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm truyền thống dân tộc về sức mạnh và vai trò quyết định của quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở toàn Đảng cần phải biết dựa vào dân và “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”. Để đấu tranh thắng lợi mọi kẻ thù tư tưởng, Đảng phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Nhân dân là tai, mắt của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Và phải kéo cho được phong trào cách mạng của quần chúng tham gia vào đấu tranh với những tư tưởng bảo thủ, giáo điều, lạc hậu… thì hiệu quả mới cao được. Đấu tranh trên mặt trận tư tưởng bao giờ cũng gay go, quyết liệt và lâu dài, cho nên, nếu chỉ coi đó là công việc của bản thân Đảng thì chưa đủ, mà phải biết phát huy trí tuệ, phát huy lực lượng của toàn dân. Người cho rằng: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Để nhân dân cùng tham gia vào đấu tranh chống những tư tưởng phi mácxít, Đảng lại cần phải giáo dục lý luận chính trị cho nhân dân, làm dân tin, dân hiểu những giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Đảng không ngừng đấu tranh bằng khoa học, bằng lý luận và thực tiễn, chỉ ra, phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, giúp người dân không mơ hồ, không bị lôi kéo, lợi dụng.
Tóm lại, theo quan điểm Hồ Chí Minh, thống nhất vững chắc về tư tưởng, lý luận và phương pháp cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã giúp Đảng ta đứng vững trên lập trường, tư tưởng của giai cấp công nhân, đấu tranh khắc phục được những tư tưởng phi mácxít, hữu khuynh và tả khuynh, những tư tưởng lỗi thời, lạc hậu trong xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách cũng như trong tổ chức thực hiện. Người đã khẳng định: “Đảng ta không những đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng trong cả nước, mà còn giữ vững được quyền lãnh đạo đó trên mọi lĩnh vực và đạp tan được mọi âm mưu của giai cấp tư sản hòng tranh quyền lãnh đạo cách mạng với Đảng ta”. Mỗi cán bộ, đảng viên muốn góp phần đấu tranh với những âm mưu của thế lực thù địch, đập tan những luận điệu sai trái, phi mácxít thì cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để luôn là những tấm gương mẫu mực trong Đảng, trong nhân dân./.

Admin

Thong ke