“Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là tổ chức của bản thân Đảng” - Một luận điểm sai trái

06 02 2023

in trang

Hiện nay, có ý kiến cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là tổ chức của bản thân Đảng, cùng lắm là của giai cấp công nhân, chứ không phải là Đảng của nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam, nên không xứng danh với trách nhiệm lãnh đạo đất nước”. Thực chất, đây là thủ đoạn xuyên tạc bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nhằm hạ thấp, xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta, cần vạch trần và đấu tranh bác bỏ.

Quá trình ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua cho thấy, vấn đề “đảng của ai” được Đảng ta diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, gắn với hoàn cảnh cụ thể ở từng thời kỳ. Ngay trong các Văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng (03/02/1930), Đảng ta đã khẳng định: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp”1, “Đảng là đội tiên phong của đạo quân vô sản”2. Về sau, quan điểm “đảng của ai” được đề cập đến với phạm vi rộng hơn; đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam. Khẳng định đó xuất phát từ sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta của Đảng.

Cuối năm 1945, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới thành lập đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; đất nước lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Lợi dụng tình hình đó, bọn phản động cả trong và ngoài nước không từ một thủ đoạn nào hòng xuyên tạc, nói xấu và chống lại Đảng, đả kích sự lãnh đạo của Đảng đối với chế độ mới, tìm mọi cách phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các đảng phái đối lập, như: Việt Cách (Việt Nam Cách mệnh đồng minh), Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân đảng),… lộ rõ bộ mặt phản quốc khi dựa vào các thế lực ngoại bang đang rình rập cơ hội, trực chờ xâu xé nước ta để hạ bệ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Tình thế đó đặt ra yêu cầu cần phải củng cố và phát triển mạnh hơn nữa lực lượng cách mạng và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong giai đoạn mới. Đặc biệt, thời gian này, dưới sự ủng hộ của quân đội Tưởng Giới Thạch, nhiều đảng phái đối lập ở trong nước hoạt động mạnh, đòi hỏi Đảng cần có giải pháp tập hợp lực lượng rộng rãi hơn nữa. Trước tình thế đó, ngày 11/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Thông cáo “tự ý giải tán”. Việc này, ngoài là một biện pháp giải quyết tình huống, còn “Để tỏ rằng: những đảng viên cộng sản là những chiến sĩ tiền phong của dân tộc, bao giờ cũng hy sinh tận tụy vì sự nghiệp giải phóng của toàn dân, sẵn sàng đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của giai cấp, hy sinh quyền lợi riêng của đảng phái cho quyền lợi chung của dân tộc. Để phá tan tất cả những điều hiểu lầm ở ngoài nước và ở trong nước có thể trở ngại cho tiền đồ giải phóng của nước nhà”. Đây là việc làm kịp thời, góp phần bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch rằng: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ của Đảng Cộng sản, Đảng đã “tiếm quyền” lãnh đạo đất nước của các lực lượng chính trị khác. Tháng 01/1946, trả lời các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô”4. Nhất quán quan điểm đó, Đại hội II của Đảng (tháng 02/1951) nhấn mạnh: “Đảng Lao động Việt Nam phải là người lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, của nhân dân Việt Nam, để đoàn kết và lãnh đạo dân tộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, để thực hiện dân chủ mới. Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”.

Điều lệ Đảng hiện hành khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”. Việc gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp vô sản hoặc của giai cấp công nhân đến việc gọi Đảng là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam là một quá trình phản ánh tư duy mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta ứng với hoàn cảnh cụ thể của đất nước Việt Nam – một nước vốn là thuộc địa nửa phong kiến, một nước nông nghiệp lạc hậu, nơi có số lượng công nhân rất ít so với dân cư, số công nhân đại công nghiệp lại càng ít. Vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng nước ta, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: bản chất giai cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam là bản chất giai cấp công nhân. Vì vậy, cần phải phân biệt rõ bản chất giai cấp và cơ sở xã hội của Đảng, tránh nhầm lẫn bản chất giai cấp của Đảng với vấn đề “đảng của ai”.

Việc chỉ rõ bản chất giai cấp và cơ sở xã hội của Đảng như trên là bước phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, hoàn toàn phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Ngoài việc khẳng định bản chất giai cấp công nhân, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng cơ sở “nhân dân lao động” cũng như “toàn dân tộc”. Quá nhấn mạnh, tuyệt đối hóa Đảng “của dân tộc” thì sẽ làm méo mó vấn đề bản chất giai cấp công nhân của Đảng; ngược lại, không thấy yếu tố nhân dân, dân tộc thì cũng không đúng với quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về cơ sở xã hội của Đảng. Những cách nhìn tuyệt đối hóa từng mặt riêng biệt đều không đúng với tính biện chứng, trái với quan điểm của Đảng ta. Những người cố tình lợi dụng vấn đề này để đặt điều, xuyên tạc đều đi ngược lại lợi ích dân tộc. Sự kết hợp khéo léo theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà Đảng ta diễn đạt, nhấn mạnh mặt này hay mặt khác chính là để phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Thực tế cho thấy, quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về biên độ tập hợp lực lượng cách mạng rất rộng, bao gồm tất cả những người yêu nước, những giai tầng yêu nước; trong đó, cốt lõi, nền tảng vững chắc là sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, mà đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Qua mỗi thời kỳ cách mạng, dù hình thức, tên gọi có khác nhau, song, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn tuân thủ theo những nguyên tắc, hoạt động cơ bản của đảng kiểu mới của giai cấp công nhân; lợi ích của Đảng thống nhất với lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc và nhân dân Việt Nam, với những đặc trưng xuyên suốt là: (1). Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; (2). Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng; (3). Đảng được xây dựng theo các nguyên tắc xây dựng Đảng của chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó nguyên tắc cơ bản là tập trung dân chủ; (4). Mục tiêu hoạt động của Đảng là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng xã hội, đưa đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa, giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa. Vậy mà, một số luận điệu vẫn cố tình xuyên tạc, rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là tổ chức của bản thân Đảng, cùng lắm là của giai cấp công nhân, chứ không phải là Đảng của nhân dân lao động và cả dân tộc.

Chúng ta không lạ gì với những thủ đoạn mà các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị kêu gọi xây dựng “nhà nước phi giai cấp”, “nhà nước toàn dân”,… để thực hiện mưu đồ phủ nhận thành quả lãnh đạo cách mạng của Đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng ta đối với Nhà nước và xã hội. Họ càng điên cuồng chống phá, thì càng chứng tỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta càng lớn, càng có ý nghĩa quyết định đến thành bại của cách mạng Việt Nam như thế nào. Trong quá trình xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” hiện nay, Đảng không có lợi ích riêng, mà Đảng là tổ chức đại diện cho lợi ích toàn dân tộc theo đúng tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin: trong tiến trình cách mạng, để giải phóng mình, xây dựng xã hội mới, giai cấp công nhân “trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc” và “Chúng ta tin tưởng ở đảng, chúng ta nhìn thấy ở đó trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”8. Điều đó đặt ra nhiệm vụ then chốt là: “phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.

Thực tiễn tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam trong hơn 90 năm qua chính là minh chứng khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị không những là đội tiên phong của giai cấp công nhân, mà còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành cho lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân và toàn dân tộc. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam được đại đa số nhân dân thừa nhận, trìu mến gọi là “Đảng ta” và là đại biểu trung thành cho lợi ích của mình.

Đảng luôn đồng hành cùng dân tộc và mang bản chất giai cấp công nhân, cho dù mang tên như thế nào và cách thể hiện “đảng của ai” ra sao. Với ý nghĩa đó, chúng ta khẳng định một cách chắc chắn rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với vị trí cầm quyền, vai trò lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, “vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu”10, mà không có một tổ chức chính trị nào khác thay thế được. Những ý kiến nhằm xuyên tạc, phủ nhận điều đó và xuyên tạc, phủ nhận bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta là phi khoa học, phi thực tế, không lừa bịp được ai, sẽ bị vạch trần, bác bỏ.

QPTD

admin

Thong ke