CUỘC ĐẤU TRANH CỦA C. MÁC, PH. ĂNGGHEN, V.I. LÊNIN CHỐNG CHỦ NGHĨA CƠ HỘI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI ĐẢNG TA TRONG VIỆC PHÒNG CHỐNG NHỮNG TƯ TƯỞNG, BIỂU HIỆN CƠ HỘI CHỦ NGHĨA HIỆN NAY

28 09 2022

in trang

​Kỳ 2: Bài học kinh nghiệm đối với Đảng ta trong việc phòng chống tư tưởng, biểu hiện cơ hội chủ nghĩa hiện nay

​​Trong Đảng ta hiện nay, chưa có những trào lưu tư tưởng, học thuyết cơ hội chủ nghĩa, nhưng đã xuất hiện những tư tưởng, biểu hiện cơ hội chủ nghĩa với những mức độ và tính chất khác nhau, dưới dạng cơ hội chính trị và cơ hội thực dụng. Qua việc tìm hiểu cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội của C. Mác và Ph. Ăngghen, chúng ta không chỉ học tập tinh thần cách mạng và phương pháp khoa học trong việc phê phán chủ nghĩa cơ hội mà cần chú trọng vận dụng những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc đấu tranh đó trong công tác xây dựng Đảng hiện nay:

​Thứ nhất, luôn nhìn thẳng vào sự thật, có thái độ đấu tranh dứt khoát, kiên quyết, triệt để, không khoan nhượng với những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội.

Trên tinh thần chỉ rõ thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cơ hội, thực dụng của một bộ phận cán bộ, đảng viên; Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngặn chặn tình trạng trên như Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị 05 – CT/TW ngày 15/05/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Đại hội XIII xác định: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, tr.183).

​Thứ hai, giữ vững nguyên tắc tính Đảng mác xít trong đấu tranh với những biểu hiện cơ hội chủ nghĩa trên mặt trận tư tưởng, lý luận.
Luôn luôn phải giữ vững tính đảng, tính chiến đấu trong cuộc đấu tranh chống những tư tưởng biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, tuyệt đối trung thành với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ trung thành, hiểu đúng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà cần vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn phát triển, phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm của đất nước. Tránh rơi vào tư tưởng tả khuynh, nóng vội, vô nguyên tắc cũng như giáo điều, bảo thủ, trì trệ trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị ở tất cả các cấp, các ngành. Trong công tác nghiên cứu lý luận, cần tiếp tục làm rõ những luận điểm nào của Mác – Lê nin trước kia đúng, bây giờ vẫn đúng và về sau vẫn đúng; luận điểm nào cần bổ sung, phát triển do điều kiện lịch sử không còn phù hợp; luận điểm nào mà chúng ta hiểu không đúng hoặc hiểu theo cách hiểu của người khác. Có nắm vững những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin mới có thể bảo vệ, không hoang mang, không dao động, không hùa theo những tư tưởng cơ hội chủ nghĩa.

​Thứ ba, xác định rõ đối tượng, phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp, hiệu quả với các biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cơ hội trong từng giai đoạn.

Thực tế cho thấy, ranh giới giữa suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từ cơ hội thực dụng sang cơ hội chính trị là rất mong manh. Biểu hiện của cơ hội chính trị thể hiện trên những vấn đề về suy thoái chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư khóa XII đã chỉ rõ. Đó là quá trình biến đổi từ bên trong theo hướng tiêu cực, mất dần các chuẩn mực của người cộng sản, xa rời các nguyên tắc, quan điểm mác xít, suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Biểu hiện của cơ hội thực dụng thực chất chính là sự suy thoái về đạo đức, lối sống, không có lý luận, chỉ tìm cách “thích nghi” và luồn lách nhằm mưu lợi cá nhân. Có thể chia phần tử cơ hội thành mấy loại sau: Loại thứ nhất là những kẻ ra mặt, công khai chống Đảng, loại này dễ nhận biết. Loại thứ hai là những phần tử không ra mặt chống đối mà có ý đồ sâu xa, lâu dài, tìm cách vào Đảng, nhân danh Đảng, khoác áo những người hăng say, tích cực, nói rất hay, làm cho nhiều người tin và theo để “chui sâu, leo cao”. Khi đã có đủ quyền lực và lực lượng thì khuynh đảo đường lối, chính sách của Đảng. Loại thứ ba là những đảng viên không có quan điểm rõ ràng, ngả nghiêng, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, “dĩ hòa vi quý”, không động chạm đến ai. Đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện cơ hội đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên không được lơ là, chủ quan, thỏa hiệp và đặc biệt, cần nhận diện mầm mống của tư tưởng, biểu hiện cơ hội chủ nghĩa ở mọi lĩnh vực để nó không có điều kiện phát triển thành chủ nghĩa cơ hội. Cần tìm ra những biện pháp, hình thức cụ thể phù hợp, linh hoạt để chủ động chống những tư tưởng, biểu hiện cơ hội chủ nghĩa với nhiều màu sắc, cấp độ khác nhau, đặc biệt chú trọng tổ chức đấu tranh trên không gian mạng xã hội.

​Ngay từ giai đoạn đầu của phong trào cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, C. Mác và Ph. Ăngghen đã tiến hành cuộc đấu tranh triệt để chống lại chủ nghĩa cơ hội làm trong sạch nhận thức của giai cấp vô sản khi đó, giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, từ đó, đưa phong trào công nhân quốc tế đi đúng hướng. Cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cơ hội của các ông không chỉ khẳng định tính đúng đắn, khoa học của hệ tư tưởng vô sản mà còn góp phần tạo nên những thắng lợi của các cuộc cách mạng vô sản sau này. Người kế tục sự nghiệp vĩ đại của C. Mác và Ph. Ăngghen là V. I. Lênin đã đấu tranh không mệt mỏi với những quan điểm chủ nghĩa cơ hội trong Quốc tế II và trong phong trào công nhân Nga lúc đó. Cuộc đấu tranh của V. I. Lênin đã khẳng định chống chủ nghĩa cơ hội trở thành quy luật tồn tại, phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Những bài học kinh nghiệm để lại từ cuộc đấu tranh của các ông vẫn có tính thời sự, là những chỉ dẫn quý báu cho các Đảng Cộng sản cầm quyền trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay./.
Nguyễn Vương Long (Cửa Biển)

Admin

Thong ke