CUỘC ĐẤU TRANH CỦA C. MÁC, PH. ĂNGGHEN, V.I. LÊNIN CHỐNG CHỦ NGHĨA CƠ HỘI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI ĐẢNG TA TRONG VIỆC PHÒNG CHỐNG NHỮNG TƯ TƯỞNG, BIỂU HIỆN CƠ HỘI CHỦ NGHĨA HIỆN NAY

23 09 2022

in trang

Cuộc đấu tranh không khoan nhượng của C. Mác, Ph. Ăngghen và V. I. Lênin chống lại chủ nghĩa cơ hội là một mẫu mực về tinh thần cách mạng khoa học, triệt để, góp phần xây dựng và phát triển phong trào công nhân quốc tế.

Kỳ 1: Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội

Cuộc đấu tranh không khoan nhượng của C. Mác, Ph. Ăngghen và V. I. Lênin chống lại chủ nghĩa cơ hội là một mẫu mực về tinh thần cách mạng khoa học, triệt để, góp phần xây dựng và phát triển phong trào công nhân quốc tế. Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội là quy luật vận động, phát triển của các chính đảng và phong trào công nhân. Nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để lại đã trở thành những định hướng đúng đắn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh chống lại những tư tưởng, biểu hiện cơ hội chủ nghĩa trong Đảng ta hiện nay.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, tư tưởng cơ hội chính trị cùng với những biểu hiện cơ hội thực dụng đã xuất hiện dưới nhiều hình thức đa dạng và mức độ biểu hiện khác nhau. Nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ trở thành mối đe dọa đến sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, xa rời mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Cuộc đấu tranh chống lại những biểu hiện, tư tưởng cơ hội chủ nghĩa là được xác định là nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết số 37- NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) “về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến 2030” xác định: “Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội và các tư tưởng thù địch dưới mọi màu sắc” nhằm “bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc”. Do vậy, việc nghiên cứu cuộc đấu tranh của C. Mác, Ph. Ăngghen, V. I. Lênin chống chủ nghĩa cơ hội và những bài học kinh nghiệm rút ra là nhiệm vụ cần thiết góp phần bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhận diện chủ nghĩa cơ hội

Chủ nghĩa cơ hội ra đời cùng với quá trình hình thành và phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong thời kỳ 1864 khi quốc tế I được thành lập đến 1914. Chủ nghĩa cơ hội từ một vài xu hướng, bè phái cơ hội như Frudong, Baculin đã phát triển thành một lực lượng chính trị đáng kể trong các Đảng chủ chốt của quốc tế II, dẫn tới sự phân liệt sâu sắc phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cuối cùng dẫn tới sự phá sản của quốc tế II. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế vừa phải tập trung đấu tranh chống lại giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản để thực hiện mục tiêu cuối cùng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, vừa phải tiến hành cuộc đấu tranh rất quyết liệt, phức tạp và lâu dài với một loại kẻ thù bên trong giấu mặt, trá hình giả danh chủ nghĩa Mác, chống lại chủ nghĩa Mác, phản bội lại phong trào cách mạng đó là chủ nghĩa cơ hội.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa ““Chủ nghĩa cơ hội”: 1. Quan điểm, chủ trương lợi dụng cơ hội, mưu cầu những lợi ích trước mắt và cục bộ, bất kể việc làm đúng hay sai. 2. Khuynh hướng tư tưởng - chính trị trong phong trào công nhân, chủ trương chính sách tùy thời, thỏa hiệp.”

Sinh thời, C. Mác và Ph. Ăngghen mặc dù đấu tranh phải liên tục đấu tranh với nhiều trào lưu cơ hội chủ nghĩa nhưng hai ông chưa đưa ra định nghĩa chủ nghĩa cơ hội. Sau này, V.I. Lênin đã đưa ra quan niệm về chủ nghĩa cơ hội từ việc nghiên cứu di sản lý luận của C. Mác và Ph. Ăngghen và từ thực tiễn đấu tranh chính trị tư tưởng trong phong trào công nhân Nga: “Chủ nghĩa cơ hội là sự hy sinh lợi ích căn bản của quần chúng cho lợi ích tạm thời của một số hết sức ít công nhân, nói cách khác tức là sự liên minh giữa một bộ phận công nhân với giai cấp tư sản để chống lại quần chúng vô sản”.

​Chủ nghĩa cơ hội gồm khuynh hướng cơ hội tả khuynh, hữu khuynh, chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa biệt phái. Nhìn bề ngoài, chúng có vẻ đối lập nhau, song đều giống nhau là những trào lưu tư tưởng, chính trị đối lập, thù địch với chủ nghĩa Mác, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bởi rằng, về mặt lý luận và thực tiễn, những người theo chủ nghĩa cơ hội luôn bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản và chống lại giai cấp vô sản, bằng cách và tìm cách sửa chữa chủ nghĩa Mác, lấy từ chủ nghĩa Mác những điều mà giai cấp tư sản có thể chấp nhận được, nhưng vứt bỏ nguyên lý cách mạng, linh hồn của chủ nghĩa Mác. V.I.Lênin chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa cơ hội: “Khi nói đến đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội thì không bao giờ được quên đặc điểm của tất cả chủ nghĩa cơ hội hiện đại trong mọi lĩnh vực là: nó mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không thể nào hiểu nổi được. Do bản chất của mình, phái cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt các vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát; bao giờ cũng tìm con đường trung dung, quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau và "tìm cách “thoả thuận” với cả quan điểm này lẫn quan điểm kia, vì nó quy những sự bất đồng ý kiến của mình lại thành những điều sửa đổi nhỏ nhặt, những sự hoài nghi, những nguyện vọng thành tâm và vô hại, v.v...”

​Như vậy, bản chất của chủ nghĩa cơ hội là sự phản bội chủ nghĩa Mác – Lê nin và lợi ích của giai cấp công nhân, đầu hàng trước hệ tư tưởng tư sản, song hình thức biểu hiện của nó ở mỗi giai đoạn có sự khác nhau, vì vậy, trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội cần phải nhận diện bản chất, tư tưởng, biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội.

C. Mác và Ph. Ăngghen đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội

​Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, C. Mác và Ph. Ăngghen liên tục đấu tranh chống lại chủ nghĩa cơ hội trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế với nhiều màu sắc khác nhau như Đuyrinh, Bacunin, Látxan, Pruđông. Các ông đã chỉ ra chủ nghĩa cơ hội là một khuynh hướng tư tưởng nảy sinh trong nội bộ chính đảng vô sản, thoát ly và phản bội lại những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, đi ngược lại với quan điểm, lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân nhằm làm suy giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các Đảng Cộng sản, kéo lùi phong trào công nhân ở các nước.

​Thứ nhất, đấu tranh chống chủ nghĩa Pruđông

​Chủ nghĩa Pruđông là chủ nghĩa cải lương và trào lưu vô chính phủ lưu hành trong phong trào công nhân Pháp từ những năm 40 đến những năm 90 của thế kỷ XIX, đại biểu là Pie Giôdép Pruđông (1809-1865). Đứng trên lập trường của tầng lớp tiểu tư sản, Pruđông đả kích chế độ sở hữu lớn tư bản chủ nghĩa, phản đối chủ trương xã hội hóa sở hữu, cải tạo xã hội bằng cách mạng và đưa ra tư tưởng cải cách dần dần từ bên trên. Đặc biệt khi bàn về vấn đề đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội, bản chất cơ hội chủ nghĩa của ông ta được bộc lộ rõ nhất. Pruđông kịch liệt phản đối đấu tranh kinh tế và nhất là đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân chống lại chế độ tư bản vì cho rằng “những công nhân dự định dựa vào những liên minh để cưỡng bức sự độc quyền, thì đó là điều mà xã hội không thể cho phép được”.“Cách mạng xã hội” theo quan điểm của của Pruđông, không nhất thiết phải phát động đấu tranh chính trị, kể cả việc đấu tranh đòi giờ làm việc bình thường của người công nhân cũng cần phải gạt bỏ khỏi phong trào công nhân. Mác đã chỉ ra sự ảo tưởng trong việc cải tạo xã hội một cách hòa bình và chứa đầy mâu thuẫn về mặt lý luận trong tư tưởng của Pruđông: “một mặt, Pruđông phê phán xã hội theo quan điểm và thông qua cặp mắt của người tiểu nông Pháp, nhưng mặt khác, ông ta lại ứng dụng vào xã hội cái thước đo mà ông ta mượn của những người xã hội chủ nghĩa”. Trong khi phê phán Pruđông, C. Mác đã lập luận học thuyết đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản. Đó là sự thống nhất giữa đấu tranh kinh tế và đấu tranh chính trị nhằm cải thiện đời sống sinh hoạt vật chất tiến tới giải phóng bản thân, lật đổ nền thống trị của giai cấp tư sản. Mác đã chỉ rõ nhiệm vụ của phong trào công nhân là tập hợp giai cấp công nhân thành tổ chức, thúc đẩy họ đoàn kết trong đấu tranh, tổ chức thành giai cấp rồi từ đó tổ chức thành chính đảng lớn mạnh, tiến tới giành chính quyền. Nhận diện rõ những biểu hiện cải lương, cơ hội của Pruđông, Mác đã phê phán: “Ông ta muốn bay lượn trên cả những nhà tư sản lẫn những người vô sản; kỳ thực, ông ta chỉ là người tiểu tư sản, luôn ngả nghiêng giữa tư bản và lao động, giữa khoa kinh tế chính trị và chủ nghĩa cộng sản mà thôi.”

​Thứ hai, đấu tranh chống chủ nghĩa Látxan

​Chủ nghĩa Látxan hình thành ở nước Đức vào những năm 60 của thế kỷ XIX, là trào lưu cơ hội chủ nghĩa mà đứng đầu là Phécđinăng Látxan (1825-1864) - lãnh đạo của Hội liên hiệp công nhân toàn Đức (một trong hai tổ chức hợp nhất thành Đảng dân chủ xã hội Đức). Một trong những nội dung Mác đặc biệt phê phán là quan điểm về nhà nước của Lát xan, Mác cho đây là quan điểm tai hại, phản động bởi nó phủ nhận sự cần thiết phải thiết lập chuyên chính vô sản. Nó cổ súy cho cái gọi là “nhà nước tự do” và đem thuyết “nhà nước tự do” thay cho học thuyết về chuyên chính vô sản. Thực chất “nhà nước tự do” mà phái Lát xan đưa ra chính là sự sùng bái nhà nước tư sản, trong khi mục đích của chủ nghĩa cộng sản không phải là thiết lập nên “nhà nước tự do” mà là xóa bỏ nhà nước. Theo Mác, “nhà nước tự do” là khái niệm hoàn toàn mâu thuẫn “Vì Nhà nước chỉ là thiết chế nhất thời mà người ta sử dụng trong đấu tranh, trong cách mạng để dùng bạo lực đè bẹp các kẻ thù của mình, cho nên nếu nói đến nhà nước nhân dân tự do thì đó chỉ là điều phi lý thuần túy: chừng nào giai cấp vôsản còn cần đến nhà nước, thì giai cấp ấy cần đến nó không phải vì lợi ích của tự do, mà vì lợi ích của việc đè bẹp các đối thủ của mình, còn khi nào có thể nói đến tự do thì nhà nước, với tính cách là như thế sẽ thôi tồn tại”. Mác cũng phê phán quan điểm của phái Látxan khi cho rằng chỉ có giai cấp vô sản là cách mạng, phủ nhận khả năng tham gia cách mạng của giai cấp nông dân, tầng lớp tiểu tư sản, xem họ là một khối phản động. C. Mác đã vạch ra sự xuyên tạc trắng trợn của Látxan với quan điểm của các ông rằng “trong tất cả các giai cấp đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng” trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848). Sự xuyên tạc này làm lẫn lộn ranh giới giữa bạn và thù, phủ nhận tính cách mạng của giai cấp nông dân và tầng lớp tiểu tư sản. C. Mác đã chỉ ra các tầng lớp trung gian, đặc biệt là quần chúng nhân dân vốn có tiềm lực cách mạng vô cùng to lớn, trong đấu tranh cách mạng, giai cấp vô sản phải liên minh với giai cấp nông dân. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội Látxan của C. Mác thể hiện tính nguyên tắc trong việc tổ chức chính đảng của giai cấp vô sản, không thể sáp nhập tổ chức một cách tùy tiện và vô nguyên tắc, không được nhân nhượng một sự phản bội nào về lý luận, tư tưởng và tổ chức trong quá trình xây dựng đảng của giai cấp vô sản.

​Thứ ba, đấu tranh chống chủ nghĩa vô chính phủ Bacunin

​Chủ nghĩa Bacunin là một trào lưu tư tưởng chính trị tiểu tư sản và chủ nghĩa vô chính phủ có ảnh hưởng rộng rãi nhất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vào những năm 70 của thế kỷ XIX. Nó biểu lộ tâm trạng bất mãn, tuyệt vọng của tầng lớp thợ thủ công, tiểu tư sản thành thị và của nông dân đã bị phá sản trong hàng ngũ vô sản. Chủ nghĩa Bacunin gần gũi với chủ nghĩa Pruđông là cùng đi theo con đường vô chính phủ. Chủ nghĩa Pruđông dùng lời lẽ cải lương còn chủ nghĩa Bacunin cố làm ra vẻ cách mạng. Bacunin đòi xoá bỏ mọi hình thức chính quyền, kể cả chuyên chính vô sản bằng các cuộc bạo động có tính chất âm mưu; khước từ mọi hoạt động chính trị của giai cấp công nhân; chủ trương thực hiện nguyên tắc cá nhân ngự trị hoàn toàn với khẩu hiệu ''Tất cả vì cá nhân'', cho rằng giải phóng cá nhân là điều kiện để giải phóng quần chúng. Bacunin cho rằng xoá bỏ quyền thừa kế là biện pháp thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, phất lên ngọn cờ vô chính phủ, đưa ra khẩu hiệu “Bình đẳng giữa các giai cấp'', đi tìm lực lượng của cách mạng trong tầng lớp lưu manh... Cuộc đấu tranh của C. Mác và Ph. Ăngghen chống lại tư tưởng cơ hội tiểu tư sản và vô chính phủ của Bacunin được đưa lên hàng đầu trong Quốc tế. C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ ra tư tưởng của Bacunin là “sai lầm về mặt lý luận và phản động về mặt thực tiễn” và dẫn giai cấp công nhân đi theo chủ nghĩa cải lương. Các ông chỉ ra rằng không thể thủ tiêu chủ nghĩa tư bản bằng việc xóa bỏ quyền thừa kế mà phải sử dụng chuyên chính vô sản để đảm bảo cho việc “xóa bỏ điều kiện áp bức hiện tồn bằng cách chuyển toàn bộ tư liệu lao động cho người lao động do đó mỗi cá nhân có thể lực thích hợp đều phải làm việc để bảo đảm việc sinh sống của mình, chúng ta sẽ xóa bỏ được cơ sở duy nhất của sự thống trị giai cấp và áp bức giai cấp”. Phê phán luận điệu sai trái về việc vứt bỏ đấu tranh chính trị, Ph. Ăngghen đã chỉ ra: “Chúng ta muốn xóa bỏ các giai cấp. Phương tiện duy nhất là quyền lực chính trị trong tay giai cấp vô sản; thế mà chúng ta không nên làm chính trị ư?”. Thông qua sự đấu tranh quyết liệt của mình, các ông đã đánh bại chủ nghĩa Bacunin và loại ông ta ra khỏi Quốc tế

V.I. Lênin đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội

​Tiếp nối sự nghiệp của C. Mác và Ph. Ăng ghen, V.I. Lênin và những người Bôxêvich Nga đã đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội của Bécxtranh và Cauxky trong phong trào công nhân giai đoạn 1895 – 1924, giúp các đảng công nhân loại trừ những phần tử cơ hội chủ nghĩa trong Đảng.

​Trong tác phẩm Bàn về thuế lương thực; khi đề cập đến lợi ích của giai cấp công nhân, ông cho rằng nếu chỉ chú ý đến lợi ích trước mắt, lợi ích nhất thời mà quên đi lợi ích lâu dài của giai cấp là đi theo con đường khác: “Vì đi theo một con đường khác thì có nghĩa là đặt lợi ích phường hội của công nhân lên trên lợi ích giai cấp của họ; có nghĩa là nhìn lợi ích trước mắt, lợi ích nhất thời, lợi ích cục bộ của công nhân mà hy sinh lợi ích của toàn thể giai cấp công nhân.” Ở một khía cạnh khác, khi bàn về vai trò tiên phong của Đảng, V. I. Lê nin cho rằng Đảng chỉ có thể làm tốt vai trò của mình khi phải “đuổi ra khỏi đảng những kẻ gian xảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược và những người men-sê-vích, tuy “bề ngoài” đã được phủ một lớp sơn mới, nhưng trong tâm hồn thì vẫn là men-sê-vích”.

Trong tác phẩm Chủ nghĩa cơ hội và sự phá sản của Quốc tế II, V.I. Lênin nêu rõ bản chất của chủ nghĩa xã hội – sôvanh là chủ nghĩa cơ hội hoàn chỉnh, là “sự liên minh” công khai và thô bạo “với giai cấp tư sản và với bộ tổng tham mưu” và chỉ ra nội dung chính trị của nó chính là truyền bá tư tưởng hợp tác giai cấp, từ bỏ cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản. Hai loại chủ nghĩa cơ hội được V.I.Lênin nói đến: Một là chủ nghĩa cơ hội công khai và hai là chủ nghĩa cơ hội giấu mặt, nguỵ trang hay “ngay thật”. Chủ nghĩa cơ hội công khai (Bécxtanh và bè lũ) – một thứ chủ nghĩa cơ hội mà quần chúng công nhân mới thấy đã ghê tởm ngay thì không đáng sợ và ít tai hại; còn chủ nghĩa cơ hội giấu mặt (Cauxky và bè lũ) – thứ lý luận trung dung, lý luận dùng những câu kệ mácxít để biện hộ cho thực tiễn cơ hội chủ nghĩa, dùng một loạt những lời nguỵ biện để chứng minh rằng hoạt động cách mạng là không hợp thời…thì nguy hiểm hơn đối với phong trào công nhân. V.I. Lênin chỉ ra chủ nghĩa xã hội - sôvanh của bọn phái giữa chỉ khác với chủ nghĩa cơ hội của bọn xã hội - sôvanh ra mặt ở những biện pháp đạt tới một mục đích chung. Người chỉ ra rằng, so với chủ nghĩa cơ hội ra mặt thì chính sách của phái Cauxky, một thứ chính sách phái giữa, còn có hại và nguy hại cho giai cấp công nhân nhiều hơn gấp trăm lần. Qua cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội của mình trong Quốc tế II, cũng như ở nước Nga, Người đã cho thấy quy luật phát triển của phong trào là phải đấu tranh không khoan nhượng chống bọn cơ hội, xét lại dưới mọi màu sắc.

Vương Long (Cửa Biển)

Admin

Thong ke