Chủ tịch Hồ Chí Minh - tầm nhìn vượt thời gian

13 09 2022

in trang

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sáng con đường cách mạng Việt Nam, “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”; “tổng công trình sư”, vừa “thiết kế”, vừa “thi công” cho sự ra đời của Đảng ta. Tìm về với tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là tìm về với những giá trị truyền thống nhân bản, nhân văn, tìm về với mạch ngầm văn hóa dân tộc để mỗi ngày “nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sáng con đường cách mạng Việt Nam, “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”; “tổng công trình sư”, vừa “thiết kế”, vừa “thi công” cho sự ra đời của Đảng ta. Tìm về với tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là tìm về với những giá trị truyền thống nhân bản, nhân văn, tìm về với mạch ngầm văn hóa dân tộc để mỗi ngày “nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”. Và cũng trong quá trình tìm về với Bác ấy, nhiều lần ta ngỡ ngàng, giật mình tự hỏi: Bộ não thiên tài ấy của Người có bao nhiêu ngăn? Ta không biết, chỉ biết rằng dường như mọi việc, mọi lĩnh vực của đời sống, của sự nghiệp cách mạng hôm nay đều đã được Bác lo toan, dự liệu chu toàn. Và càng ngạc nhiên hơn nữa khi với những hiểu biết còn hết sức hạn hẹp của mình, ta phát hiện ra: Bác còn luôn luôn là người “khai mở”, đặt những viên gạch đầu tiên cho rất nhiều vấn đề của thực tiễn hôm nay. Và một điều rất kỳ lạ nữa: Những ý tưởng, tư duy vượt tầm thời đại ấy thường lại phát lộ trong những thời điểm hết sức cam go, khắc nghiệt.

Người đặt nền móng cho đường lối hội nhập quốc tế

Cách nay trên 100 năm, với tư duy độc lập, tự chủ, khả năng phân tích sắc sảo và tầm nhìn vượt trước; chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã thể hiện bản lĩnh riêng mình, chủ động “hội nhập quốc tế” với tư cách cá nhân để tìm đường cứu nước, cứu dân. Để rồi sau đó, với sự trải nghiệm của một người từng bôn ba "năm châu, bốn biển", trên nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; trong những ngày ráo riết chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám và ngay sau ngày tuyên ngôn lập quốc mồng 2 tháng 9 năm 1945; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là người đầu tiên đặt nền móng cho đường lối hội nhập quốc tế của Đảng và đất nước. Một điều đáng ngạc nhiên là: vượt lên giữa ngổn ngang bộn bề những ngày “nước rút” cho cách mạng tiến đến thắng lợi; giữa khi thế nước mong manh như “chỉ mành treo chuông”, “tam tặc” hoành hành dữ dội; Bác đã nghĩ đến những vấn đề chiến lược cho sự phát triển bền vững của đất nước: “Mở cửa”, “hội nhập và phát triển”. Ngày 14-1-1946, lần đầu tiên thay mặt Nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh gửi điện yêu cầu các nước lớn và Liên hợp quốc công nhận nền độc lập và kết nạp Việt Nam vào Liên hợp quốc. Thuật ngữ “mở cửa”, “hợp tác” quốc tế lần đầu tiên được Người sử dụng khi đề xuất những định hướng lớn: “Đối với các nước dân chủ, Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường xá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc…”. Chủ động và nhiệt thành, chỉ trong vòng hơn 1 năm sau ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tám lần gửi thông điệp, thư, điện cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ; dốc tâm tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ đối với nền độc lập non trẻ của Việt Nam và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia.

Người Việt Nam đầu tiên nêu ra lý luận về phát triển hợp tác xã

Cũng trong những ngày đầu độc lập, Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Ðông-Nam Á vừa ra đời đã phải tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt cho sự tồn tại của mình. Khó khăn chồng chất khó khăn với những nhiệm vụ cấp bách phải giải quyết: diệt giặc đói, giặc dốt tiến hành đồng thời với những bước tiến lùi linh hoạt để tranh thủ thời gian, chuẩn bị lực lượng trước dã tâm trở lại xâm lược của thực dân Pháp và cùng với đó là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Vậy mà, thật lạ lùng, khi giữa những trọng trách lớn lao, đại sự và cấp bách phải giải quyết ấy, trí tuệ thiên tài của Bác vẫn có những ngăn riêng để tích lũy những tri thức khoa học, để tư duy lo liệu những vấn đề căn cơ cho phát triển đất nước lâu dài. Ngay trong những ngày đầy thử thách ấy, cùng với việc đưa ra những tư tưởng nền móng cho đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế; Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đầu tiên nêu ra lý luận về phát triển hợp tác xã và thường xuyên quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã. Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11-4-1946, Người viết: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”. “Hợp tác xã” – thuật ngữ kinh tế hoàn toàn mới với Việt Nam trong những ngày đầu tiên ấy được Bác giải thích một cách thuần phác, đơn giản: “Nói tóm lại, hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều”. Đây cũng chính là nội dung rất thời sự mà Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa thông qua với Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới vừa được ban hành.

“Dân ta phải biết sử ta” - chỉ giáo quan trọng về giáo dục lịch sử

Thời gian vừa qua, việc Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa môn lịch sử bậc Trung học phổ thông thành môn học lựa chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã làm dấy lên những băn khoăn, lo ngại trong dư luận xã hội và làm nóng nghị trường kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Giữa những ồn ào ấy, tìm về với tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, chúng ta lại có những chỉ giáo mang tính khoa học và chân lý mà Bác đã đưa ra từ cách nay hơn tám mươi năm. Và cũng lại ngạc nhiên hơn nữa khi trở lại với bối cảnh lịch sử cụ thể ra đời tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục lịch sử dân tộc.
Ngày 28-1-1941, Bác trở về Tổ quốc sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong những ngày tháng đầu tiên đầy cam go, hiểm nguy, thử thách ấy, giữa những hoạt động khẩn trương, tích cực và đầy sáng tạo cùng với Trung ương Đảng đưa ra những quyết sách nhằm thúc đẩy cách mạng Việt Nam; Bác vẫn dành thời gian để dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Nga, làm tài liệu huấn luyện cán bộ cũng là để đúc rút những bài học kinh nghiệm quý áp dụng cho cách mạng Việt Nam. Cũng chính trong những ngày sôi sục đó, giữa bộn bề công việc hết sức khẩn trương để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, năm 1941 Bác đã viết cuốn “Lịch sử nước ta” theo thể lục bát với 208 câu thơ. Và tháng 2-1942, Bác viết bài “Nên học sử ta” (bằng văn xuôi). Cả hai tác phẩm đều được mở đầu bằng hai câu thơ lục bát “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” nhằm động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết, để đánh thắng ngoại xâm. Đây không đơn thuần chỉ là lời kêu gọi mà còn là chân lý, là khoa học, là mỹ học. Bác nói “cho tường” nôm na nhưng thật sâu sắc: Phải biết lịch sử một cách tường tận, rõ ràng, cụ thể; để rồi từ đó biết nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Sử ta dạy cho bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây-Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do”.

Tìm về với tư tưởng Hồ Chí Minh là tìm về với nguồn cội văn hóa dân tộc; cũng là tìm về với những chỉ dẫn định hướng cho tư tưởng và hành động của mỗi con người cũng như đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc trong hiện tại và tương lai. Và trong tư tưởng của Bác luôn lấp lánh những giá trị mang tính “khai mở”, thể hiện bề dày tri thức, chiều sâu tư duy, tầm cao trí tuệ và độ vượt trước trong tầm nhìn của một thiên tài. Để mỗi lần tìm về với tư tưởng của Bác là thêm một lần thấy lòng an, tâm tĩnh với một niềm tin tuyệt đối, vô bờ./.
Ngọc Mai (Cửa Biển)

Admin

Thong ke