Báo điện tử đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, phản động trên mạng xã hội hiện nay

08 08 2021

in trang

Trong kỷ nguyên thông tin, các thế lực thù địch không từ bất cứ thủ đoạn nào, triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Việt Nam trên nhiều mặt trận. Báo điện tử đã phát huy thế mạnh nổi trội, và ngày càng xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân.

Hiện nay trong kỷ nguyên thông tin, các thế lực thù địch không từ bất cứ thủ đoạn nào, triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Việt Nam trên nhiều mặt trận, nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Đáp lại những luận điệu xuyên tạc, hệ thống báo điện tử đã tận dụng ưu thế đưa tin nhanh, đa phương tiện, để trở thành vũ khí sắc bén tuyên truyền, đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái; đồng thời, là diễn đàn huy động được đông đảo lực lượng tham gia vào cuộc đấu tranh này bằng sự tương tác đa chiều với bạn đọc. Có thể nói, trên mặt trận đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, báo điện tử đã phát huy thế mạnh nổi trội, và ngày càng xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân.

Những chiêu trò nguy hiểm của các thế lực thù địch trên mạng xã hội

Việt Nam hiện có hàng trăm loại mạng xã hội khác nhau. Hầu hết các mạng xã hội lớn tại Việt Nam đều là các mạng xã hội của các công ty nước ngoài, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào nước ta. Facebook vẫn là mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, tiếp đến là Zalo, Youtube, Facebook Messenger, TikTok, Instagram, Mocha, Google+, LINE, Flickr, Pinterest. Bên cạnh đó còn có các ứng dụng nhắn tin có độ bảo mật cao (Telegram, Mocha, Viber, Skype, Whatsapp).

Lợi dụng internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch đã lập hàng nghìn trang web, blog, hàng trăm loại báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh truyền hình có chương trình tiếng Việt (như “Tiếng nói thống nhất dân chủ”, “Hồn Việt”…), tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước… để xuyên tạc, nói xấu chế độ. Chúng núp dưới chiêu bài “nhân quyền”, “dân chủ”, “dân oan”, “dân tộc”, “tôn giáo”, “chủ quyền lãnh thổ”, cổ xúy đa nguyên, đa đảng... để xúi giục, kích động, gây nghi ngờ, tâm lý bất mãn, bức xúc trong dân chúng, làm mất ổn định xã hội, tiến tới bạo loạn, lật đổ chính quyền.

Qua theo dõi từ thực tế và đấu tranh của báo điện tử chống các luận điệu sai xuyên tạc, thù địch trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, chúng tôi thấy các lĩnh vực mà những thế lực phản động, chống đối thường tập trung khoét sâu là:

•        Xuyên tạc và phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin. Xuyên tạc hình ảnh lãnh tụ và tư tưởng Hồ Chí Minh.

•        Xuyên tạc các chính sách liên quan về tôn giáo.

•        Xuyên tạc các vấn đề dân chủ, nhân quyền.

•        Xuyên tạc các vấn đề về dân tộc.

•        Lợi dụng một số sai sót, yếu kém trong quản lý, điều hành của chúng ta để khoét sâu, thổi phồng rồi phủ định sạch trơn đường lối, chính sách của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

•        Giả mạo các tài khoản của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để tung tin xấu độc, tạo khoảng trống niềm tin trong dư luận.

•        Bịa đặt, tung tin giả gây chia rẽ nội bộ, mất ổn định xã hội.

Theo thống kê, đã có hàng nghìn hội nhóm phản động mới xuất hiện trên mạng xã hội, đáng chú ý là: “Việt Tân”, “Dân Luận”, “Pháp luân công”, “Hóng biến”, “Việt Nam Cộng hòa”; các trang phản động, như: Người Việt Online, “Nhật ký yêu nước”, “Dân làm báo”… Trung bình 1 tháng, các thế lực thù địch phát tán hơn 130.000 bài viết, video xuyên tạc lên internet, mạng xã hội (tin giả, xấu độc chiếm trên 50%). Trong đó, có hơn 80.000 bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook, chiếm 67% và khoảng 40.000 bài viết, video xuyên tạc từ các kênh mạng xã hội Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động.

Ngoài ra, các tổ chức phản động còn triệt để khai thác tính năng “phát trực tuyến” của Youtube và Facebook làm công cụ phát tán thông tin xấu độc. Chúng sử dụng các đối tượng phản động tại chỗ, hoặc cử người đến địa bàn có vụ việc “nóng” xảy ra, để đăng tải video trực tiếp lên mạng xã hội với nội dung xuyên tạc thông tin, gây hoang mang trong dư luận. Các tổ chức phản động còn tổ chức theo dạng Group Facebook, lợi dụng các tính năng cộng đồng, tính bảo mật để xây dựng lên các diễn đàn trao đổi, phát tán thông tin phản động hay tạo các nhóm bí mật để liên lạc, lên kế hoạch biểu tình, chống phá chế độ. Đáng chú ý, cứ “đến hẹn lại lên”, mỗi khi chuẩn bị diễn ra Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội thì sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng quyết liệt, trắng trợn hơn.

Báo điện tử với cuộc chiến chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến 31/12/2020, cả nước có 112 báo có hoạt động báo điện tử; 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử và 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 Tạp chí điện tử). Ý thức được tầm quan trọng của cuộc “đấu tranh chống các luận điệu sai trái” trên mặt trận thông tin - tuyên truyền, nhiều báo điện tử đã lập một nhóm phóng viên theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình thời sự để đấu tranh thông tin, phản bác quan điểm sai trái, thù địch bằng mọi thủ đoạn “diễn biến hoà bình”.

Để đấu tranh chống lại những thông tin xấu trên mạng xã hội, nhiều tờ báo, tạp chí đã mở các chuyên mục như “Bình luận-phê phán” (Báo Nhân Dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân), “Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái thù địch” (Tạp chí Cộng sản), “Chống diễn biến hòa bình” (Quân đội Nhân dân, VietnamPlus, Công an Nhân dân)… Các chuyên mục này đề cập nhiều nội dung đa dạng, phong phú, trong đó  nổi bật là các bài phân tích, bình luận, phê phán các thông tin không đúng sự thật, bịa đặt, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị; phản bác những lời nói, hành động thiếu thiện chí, nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với quần chúng; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; phản bác sự vu cáo về việc Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo; phê phán những quan niệm lệch lạc về phát triển kinh tế, văn hóa-văn nghệ, đạo đức lối sống, thông tin sai lệch về dịch COVID-19...

Lấy dẫn chứng về tuyến tin định hướng, phản bác luận điệu sai trái trên Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN), với hàng nghìn tin, bài mỗi năm. Trong đó, có nhiều tuyến tin được xây dựng bài bản, công phu như: Bảo vệ chủ chủ quyền biển đảo, chống diễn biến hòa bình, chống tin giả… Về tuyến tin bảo vệ chủ quyền biển đảo, VietnamPlus luôn chú trọng thông tin chính xác, nhanh nhạy, đủ liều lượng, có lợi cho cuộc đấu tranh của ta và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trước các động thái của phía Trung Quốc, từ động thái về truyền thông thông tin hay các hành động thực tế trong vùng khai thác dầu khí, khai thác hải sản, xây cơ sở hạ tầng tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam..., thay vì tránh đề cập, coi đó là một “vùng cấm”, VietnamPlus đã kịp thời đăng tải thông tin về những hành động sai trái, vô lối đó để vạch trần tham vọng bá quyền của Trung Quốc, đồng thời lồng ghép các thông tin tái khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển.

Chuyên mục “Biển đảo Việt Nam” (VietnamPlus) đến nay đã đăng tải 429 bài viết, với dẫn chứng về hiện vật, tư liệu quý về Hoàng Sa, Trường Sa, “32 năm cuộc chiến bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma: Bài học lịch sử bằng máu”, “Quần đảo Hoàng Sa - máu thịt của Tổ quốc Việt Nam”, “25 năm Việt Nam thực thi ‘Hiến pháp đại dương”; hay lên án hoạt động sai trái trên Biển Đông: “Hoạt động ở Trường Sa mà không được Việt Nam cho phép là vô giá trị”, “Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam”, “Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm vùng biển Việt Nam”, “Hành vi của Trung Quốc đã vi phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam”… Đồng thời kêu gọi các nước tôn trọng chủ quyền, bảo vệ lãnh hải: “Việt Nam kêu gọi các bên có trách nhiệm duy trì hòa bình ở Biển Đông”, “Kiên quyết giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo Luật quốc tế”, “Vấn đề Biển Đông: Các nước cần nỗ lực thiện chí, thượng tôn pháp luật”…

Chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình” (VietnamPlus) với 94 bài viết, trong đó có các loạt bài phê phán có tính thuyết phục cao như: “Triều đại Việt” lôi kéo những đối tượng nhận thức mơ hồ về chính trị”, “Tuyên án thành viên của nhóm kín “'Hiến Pháp” về tội phá rối an ninh”, “Xuyên tạc thành công của Việt Nam: Sự thật là câu trả lời đanh thép”, “Vụ Đồng Tâm: Cần tỉnh táo, có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội”, “Những chiêu trò của tổ chức khủng bố Việt Tân có gì mới?”, “Vạch trần những âm mưu của tổ chức khủng bố Việt Tân”, “Ngăn chặn kịp thời hành vi chống phá của tổ chức khủng bố Việt Tân”, “Việt Nam phản ứng trước thông tin là quốc gia hàng đầu về rửa tiền”….

Cuộc chiến chống COVID-19 đang là cuộc chiến cam go của toàn Đảng, toàn dân ta, và đã giành thắng lợi bước đầu, được thế giới khâm phục. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những luồng thông tin bôi xấu, nghi ngờ cách chống dịch của Đảng, Chính phủ. Những thông tin thất thiệt đó về tình hình dịch bệnh gây hoang mang dư luận. Trước tình hình đó, chuyên mục “Cuộc chiến với Fake News” (VietnamPlus) đã đăng tải 203 bài tạo thành luồng thông tin chính thống phản bác thông tin thất thiệt, sai sự thật, gây tâm lý sợ hãi, hoảng loạn trong cộng đồng xung quanh dịch COVID-19, như tin thất thiệt “đã có người đầu tiên ở Việt Nam tử vong vì COVID-19”; hay rêu rao uống nước tỏi, ăn trứng gà, cật dê… chữa được COVID. Hoặc vừa qua, một số thế lực xấu đã lợi dụng cắt ghép, chỉnh sửa đoạn video phát biểu Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm tung lên YouTube, nói rằng “hiện có 43.000 ca nhiễm và hơn 1.000 người tử vong”….

Trên phương diện thực hiện chức năng, nhiệm vụ của báo chí nói chung và trên mặt trận chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch nói riêng, báo chí điện tử vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa thật sự tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi của tình hình thực tiễn, nhất là trong những sự kiện “nóng” hoặc những vấn đề “nhạy cảm”. Vẫn còn không ít các cơ quan báo chí điện tử còn chưa thực sự chủ động, nhạy bén, sắc sảo trong đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Nhiều báo điện tử, có lượng truy cập cao song không chú trọng nhiều đến mảng thông tin phản bác, định hướng mà chạy theo xu hướng, nhu cầu độc giả. Chưa có nhiều tác phẩm báo chí có chiều sâu về lý luận và thực tiễn để đấu tranh trực diện với những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch. Vì thế, ở một số sự kiện, tính định hướng và sức lan tỏa từ các báo và tạp chí điện tử chưa cao.

Chủ động, linh hoạt trong đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái trên mạng xã hội

Dự báo hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường, vì thế, báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng cần:

- Thứ nhất, thường xuyên cập nhật và nắm vững quan điểm thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước mà trước hết và quan trọng nhất là hiểu rõ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước,  bám sát sự chỉ đạo và định hướng thông tin của cấp trên. Tuy nhiên, các báo không nên thụ động chờ sự chỉ đạo mà cần linh hoạt, chủ động định hướng thông tin trong nội bộ để phản bác, hoặc đề xuất xin ý kiến với cấp có thẩm quyền để kịp thời đưa thông tin phản hồi, chỉnh hướng hoặc bác bỏ thông tin sai lệch.

Mới đây, trong Chỉ thị số 12/CT-TTg ban hành ngày 12/5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới; có biện pháp đấu tranh hiệu quả trên mạng xã hội xuyên biên giới vào Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan chủ động cung cấp thông tin nhằm định hướng dư luận, đẩy lùi thông tin, văn hóa xấu độc, nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

- Thứ hai, cần phải chủ động, kịp thời; tổ chức thông tin tốt: Trong cuộc đấu tranh về mặt tư tưởng, các tòa soạn phải chủ động khắc phục được tình trạng “điểm trắng”, “vùng trắng” về thông tin; triệt tiêu khả năng, cơ hội chiếm lĩnh cạnh tranh của các thông tin độc hại ngoài luồng đối với các thông tin chính thống của báo chí trong nước. Đây là phương thức hữu hiệu nhất ngăn chặn, đẩy lùi một cách chủ động các thông tin sai trái của kẻ thù.

Đặc biệt, các tòa soạn báo điện tử phải tổ chức thông tin tốt, thực hiện vai trò “nhạc trưởng” chỉ đạo, gợi ý, hướng dẫn, lên kế hoạch, tổ chức tuyến thông tin sao cho hiệu quả, phù hợp nhất trong điều kiện cụ thể về nhân lực, vật lực và yêu cầu đòi hỏi khách quan của cuộc sống, của việc thực hiện nhiệm vụ ở mỗi tòa soạn. Việc tổ chức thông tin cũng giúp cho dòng chảy thông tin của các cơ quan báo chí được liên tục, không đi chệch “đường ray”, không bỏ sót, bỏ lọt sự kiện và cũng hạn chế được tình trạng “đánh với, đuổi theo” sự kiện, làm ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng thông tin.

- Thứ ba, cần phải linh hoạt. Sự linh hoạt đảm bảo cho hệ thống báo chí điện tử khắc phục tính máy móc, kém hiệu quả trong việc sử dụng sức mạnh của công luận đấu tranh chống các luận điệu sai trái; đồng thời, ứng phó thành công với các thủ đoạn của các thế lực thù địch. Sự linh hoạt thể hiện cụ thể ở việc sử dụng, phát huy có hiệu quả nhất ưu thế nhanh nhạy và tính đa phương tiện của báo điện tử; xác định rõ, khi nào cần huy động cả hệ thống, khi nào chỉ huy động một bộ phận; khi nào cần sự tham gia của báo chí Trung ương, khi nào chỉ cần sự tham gia của báo chí địa phương; khi nào cần báo chí trong nước, khi nào cần và bằng cách nào để có thể khai thác, tranh thủ báo chí hải ngoại, báo nước ngoài để đưa thông tin có lợi cho ta, tăng cường khả năng thuyết phục với công chúng ngoài nước và các quốc gia trên thế giới.

- Thứ tư, cần quan tâm đến liều lượng, tính toán thời điểm một cách hợp lý: Kinh nghiệm cho thấy, nhiều trường hợp, hiệu quả đấu tranh của báo chí phụ thuộc vào việc phân tích, đánh giá từng tình huống cụ thể cũng như khả năng chuyển hoá của đối tượng trong các thời điểm cụ thể, trên cơ sở đó điều chỉnh liều lượng thông tin một cách hợp lý. Mọi sự máy móc, cực đoan, thiếu nhạy cảm, thiếu sự nhìn nhận biện chứng trong đấu tranh sẽ không mang lại hiệu quả, thiếu tính thuyết phục, mà còn bỏ lỡ cơ hội thuyết phục, tranh thủ, lôi kéo, thức tỉnh đối tượng, nhất là những người vốn chỉ bị kích động, lừa gạt, lợi dụng, nhận thức được lẽ phải, từ đó từ bỏ những hoạt động sai trái của mình.

- Thứ năm, chủ động trong việc phân tích và dự báo tình hình: Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả, nâng cao tính chiến đấu và sức thuyết phục của thông tin, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan chức năng cần chủ động hơn trong việc phân tích, dự báo tình hình, chỉ đạo nhạy bén, kịp thời để cơ quan báo chí phản ứng nhanh nhạy, làm chủ thông tin trên mặt trận đấu tranh với thông tin, quan điểm sai trái, mang tính vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Dự báo tốt tình hình, dự báo các sự kiện sẽ xảy ra, dự báo dư luận, dự báo nhu cầu thông tin của xã hội, dự báo xu hướng phát triển các phương tiện truyền thông, dự báo khả năng, khuynh hướng và thủ đoạn hoạt động tuyên truyền xuyên tạc của các phần tử bất mãn với chế độ, các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta… sẽ tạo lợi thế khi tuyên truyền, phản bác thông tin sai lệch. Chỉ khi làm tốt công tác dự báo mới có đủ cơ sở dữ liệu để xây dựng các kế hoạch thực hiện tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng và bác bỏ thông tin sai lệch một cách phù hợp, đồng thời giành được thế chủ động, tránh bị động, lúng túng, dẫn đến tình trạng “đánh vớt” không hiệu quả thường thấy trong thực tế hoạt động báo chí của ta.

- Thứ sáu, rèn luyện nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho phóng viên, biên tập viên: Để nâng cao chất lượng và số lượng của tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch, điều trước tiên là phải rèn luyện, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, sự nhạy bén nghề nghiệp cho mỗi phóng viên, biên tập viên.

Đối với đội ngũ biên tập viên khi được giao trách nhiệm biên tập, xử lý các tin bài nói chung, các tin, bài thuộc tuyến thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch cũng cần có lập trường tư tưởng vững vàng, là những người am hiểu về vấn đề mà phóng viên đề cập. Nói một cách cụ thể, mỗi biên tập viên phải góp phần làm cho thông tin mà phóng viên đề cập trở nên “sáng, sắc, sâu và chuẩn xác hơn”. Đối với các tin, bài thuộc tuyến thông tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch, càng đòi hỏi mỗi biên tập viên phải cẩn trọng, cân nhắc từng từ ngữ cho phù hợp, chính xác nhất, phản ánh đúng bản chất sự kiện, đáp ứng sự quan tâm, mong mỏi của công chúng.

-Thứ bảy, xây dựng hệ thống cộng tác viên tin cậy: Để có thể nâng cao số lượng và chất lượng của tuyến tin phản hồi, chỉnh hướng, bác bỏ thông tin sai lệch, mỗi tòa soạn cần xây dựng được hệ thống cộng tác viên tin cậy, gắn bó, am hiểu tình hình, tạo được mối quan hệ mật thiết với cơ sở, với các đầu mối cung cấp thông tin ngay tại chỗ. Để tăng tính chuyên sâu, mỗi cơ quan báo chí cũng cần thường xuyên tăng cường phối hợp với các nhà quản lý, lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học ở các viện nghiên cứu để tổ chức tuyến bài đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái.

- Thứ tám, hiểu rõ phương thức hoạt động của các phương tiện truyền thông, các đối tượng, các nguồn thường tung ra các thông tin thù địch, thông tin phiến diện, sai sự thật, hoặc không chính xác, hoặc sai định hướng để xây dựng phương thức đấu tranh thông tin phù hợp. Khi hiểu rõ phương thức hoạt động của các đối tượng này, sẽ giành được thế chủ động trong đấu tranh thông tin.

- Thứ chín, tăng cường trao đổi, xây dựng cơ chế phối hợp thông tin với các cơ quan báo chí của Đảng và Nhà nước và các lực lượng vũ trang nhân dân, trước hết là báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Quân đội Nhân dân, báo Công an Nhân dân, báo Điện tử Chính phủ, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam… Cơ chế hợp tác cần được thể chế hóa thông qua các thỏa thuận được ký kết giữa các bên có liên quan. Việc triển khai thực hiện các thỏa thuận đã ký cũng cần được đôn đốc, kiểm tra, bàn bạc, trao đổi để bảo đảm hợp tác có hiệu quả thực sự, tránh hình thức.

Trong cuộc chiến chống tin giả về COVID-19, cũng không thể không nói tới vai trò hợp tác của các tập đoàn công nghệ như Microsoft Corp, Facebook, Google và Twitter, từ gỡ bỏ những thông tin giả mạo tới chia sẻ những thông tin chính thống.

-Thứ mười, tổ chức rút kinh nghiệm từng đợt thông tin hoặc từng giai đoạn. Việc rút kinh nghiệm phải thực hiện sâu sát đến từng sản phẩm, có so sánh, đối chiếu với những tác phẩm hoặc vấn đề đã rút kinh nghiệm lần trước để tránh lặp lại các sai sót. Việc tổ chức rút kinh nghiệm cần được thực hiện nghiêm túc, tránh làm hình thức và phải tổ chức lưu trữ hồ sơ về các đợt rút kinh nghiệm này. Khâu tổ chức rút kinh nghiệm, nếu được làm tốt, không chỉ có tác dụng nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyến thông tin phản hồi, chỉnh hướng và bác bỏ thông tin sai lệch mà quan trọng hơn, giúp nâng cao tay nghề của các nhà báo được giao thực hiện tuyến tin này./.

 

Ban Tuyên giáo Thành đoàn

Thong ke