TỪ LƯƠNG XÂM - DI TÍCH LỊCH SỬ VINH DANH VÀ THỜ PHỤNG VUA NGÔ QUYỀN
18 01 2023
in trang
Trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có một địa danh sông núi Việt Nam đã trở thành biểu tượng thiêng liêng gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của người anh hùng dân tộc, đó là khu di tích lịch sử văn hóa Từ Lương Xâm- đại bản doanh trong trận chiến Bạch Đằng lịch sử năm 938 của Đức vương Ngô Quyền, tọa lạc trên địa bàn phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Từ Lương Xâm là một trong ba “linh từ”nổi tiếng của quận Hải An, được suy tôn là “Từ Cả”- nơi đứng đầu phụng thờ Đức Vương Ngô Quyền, là chứng tích lịch sử còn lưu giữ lại về một trận Bạch Đằng giang “vang dội đến nghìn thu” với nhiều giá trị lịch sử lớn lao để lại cho hậu thế ngày nay.
Từ Lương Xâm tọa lạc trên một khu đất rộng, cao ráo, ở phía Đông Bắc của phường Nam Hải. Mặt chính của di tích nhìn về phía Đông trông ra cửa biển Bạch Đằng. Tương truyền để chuẩn bị cho trận Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền đã chọn nơi đây làm nơi chứa lương thảo, nơi đóng đại bản doanh để quan sát và chỉ huy trận Bạch Đằng lịch sử. Ông đã chọn một vị trí thuận lợi để trực tiếp chỉ huy việc xây dựng bãi cọc, bố trí lực lượng, tổ chức trận địa mai phục sẵn sàng tiêu diệt quân xâm lược Nam Hán. Nơi đây vẫn còn vết tích của đường vành Kiệu thuở ấy. Đó là một thành đất đắp trên gò cao cách cửa biển Bạch Đằng không đầy 3 km. Thành có hình giống như vành kiệu nên nhân dân quen gọi là thành Vành Kiệu. Thành Vành Kiệu có chu vi khoảng 1.700m. Trải qua thời gian, mưa nắng và biến động của thiên nhiên vùng biển, thành đã bị phá hủy nhiều đoạn, có đoạn không để lại dấu tích gì, có đoạn dài đến gần 400m trong thời nhà Mạc thế kỷ 16 đã được san ra làm đường nhà Mạc. Riêng phần còn lại, dấu vết rõ rệt có hình giống như vành kiệu dài gần 1.300m, bề rộng trung bình 1m, có chỗ rộng đến 7m, cao khoảng 0,8m, chỗ cao nhất 1,6m.
Nhìn vào kiến trúc của ngôi đền hiện nay thì di tích lịch sử văn hóa Từ Lương Xâm được xây vào thời Hậu Lê và được trùng tu vào thời Nguyễn. Toàn bộ kiến trúc hiện mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, chỉ có một số cấu kiện kiến trúc như đầu dư là mang phong cách nghệ thuật thời Lê.
Nhìn toàn cảnh, ngôi từ bố cục theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, liên hoàn khép kín. Từ ngoài cổng đi vào là 2 giếng nhỏ ở 2 bên, được gọi là “giếng mắt rồng” có nước ngọt quanh năm. Tương truyền khi Ngô Quyền đóng quân ở đây đã sai quân lính đào hai giếng này để lấy nước sinh hoạt. Phía sau, ở hai bên hậu cung cũng có hai giếng nhỏ và nông hơn, nhưng không bao giờ có nước. Trước kia, xung quanh đền được bao bọc bởi những hàng rào cây duối và có nhiều cây cổ thụ như cây đa, cây gạo có niên đại hàng trăm năm tuổi tạo bóng mát và tạo nên sự linh thiêng, cổ kính cho cho ngôi đền.
Từ cổng chính đi vào qua một sân gạch rộng chừng 200m2 là tới nhà Tiền đường. Nhà Tiền đường với bộ mái đao cong lợp ngói mũi hài của kiến trúc cổ Việt Nam đã tạo nên nét cổ kính cho di tích. Nóc mái đền được trang trí, đắp vẽ các đề tài như lưỡng long chầu nhật, kìm, nghê tạo cảnh rồng chầu, phượng mớm, kỳ lân túc trực đôi bờ dải tạo nên vẻ trang nghiêm. Nhà Tiền đường dựng thời Nguyễn, gồm có 5 gian. Trước đây, 3 gian giữa đều lát ván gỗ cao chừng 60 cm. Các đầu dư và đòn bẩy đều được chạm khắc hình hoa lá, long, ly, quy, phượng theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Bên trong nhà Tiền đường, ở chính giữa là ban Công đồng, hai bên bài trí các đồ thờ tự quý như: long đình, bát bửu, chấp kích, câu đối và các đồ thờ tự khác chạm khắc đề tài tứ quý, tứ linh.
Nối nhà Tiền đường với Hậu cung là nhà Thiêu hương, đặt cỗ kiệu bát cống. Nhà Thiêu hương có kết cấu đơn giản, phía trên hai mặt Bắc và Nam có những chấn song gỗ được gọi là sơ; hai mặt Đông, Tây có gỗ bưng kín gọi là mật, trên mặt gỗ có chạm khắc hình rồng và hoa lá.
Ở hai bên nhà Thiêu hương là 02 nhà Giải vũ. Nhà giải vũ bên trái của di tích đang lưu giữ 03 chiếc cọc là chứng tích của trận địa cọc Bạch Đằng. Trong trận này, Ngô Quyền đã dùng kế sách cắm cọc nhọn đầu bịt sắt ở cửa biển, lợi dụng con nước thủy triều tạo nên một trận địa cọc tiêu diệt quân Nam Hán làm nên chiến thắng lưu danh sử sách. Năm 2008, Bảo tàng Hải Phòng đã tiến hành giám định và kết luận 3 chiếc cọc tại nhà Giải vũ ở từ Lương Xâm có niên đại từ thế kỷ X. Cọc thứ nhất dài 220cm, chu vi 50cm, cọc 2 dài 147cm, chu vi 39cm, cọc 3 dài 206cm, chu vi 55cm, đầu cọc nhọn. Nhà Giải Vũ bên phải có thờ một chiếc thuyền rồng, biểu tượng cho trận thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng năm 938.
Tiếp theo nhà Thiêu hương tới gian Hậu cung. Hai bên gian ngoài Hậu cung là ban Tiên công và ban Tiên phối. Ngoài ra, hai bên còn có ban thờ vọng Ngô Quyền trên có treo ảnh đền, lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) và ban thờ áo, mũ của Ngài. Ở gian giữa nhà Hậu cung đặt 02 pho tượng quan hầu mặc xiêm y triều phục, tay trái cầm gươm, tay phải đặt trước ngực, tượng đứng trong tư thế phụng hầu. Tương truyền đó chính là Đào Nhuận và Nguyễn Tất Tố - 2 vị tướng trẻ người làng Gia Viên có công giúp Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán. Trong hậu cung có treo đôi câu đối tạo năm 1898 đời vua Thành Thái với nội dung:
“Kế Lạc sơ tam đế thống
Lịch Trần Lê Hậu nhất linh từ”
Dịch nghĩa:
“Kế Lạc Long, Hùng Vương, nối ba đời hoàng đế
Trải Trần, Lê sau có một linh từ”
Trong cùng gian Hậu cung là cung cấm, là nơi thâm nghiêm đặt tượng Đức Vương Ngô Quyền. Trước cửa cung cấm có một bức đại tự với dòng chữ Hán: “Thánh cung vạn tuế”. Thần tượng Đức Vương Ngô Quyền ngồi trên long ngai, đặt trong long khám sơn son thếp vàng trong tư thế thiết triều, đầu đội vương miện, thân khoác áo long bào đỏ thêu rồng phượng.
Trước cửa cung cấm có đôi câu đối chạm nổi tạo năm 1916, đời vua Duy Tân:
“Thụy khấu tân lang thiên khải thánh
Công thâm Đằng Hải địa truyền thần”
Dịch nghĩa:
“Mộng thấy buồng cau, trời sinh thánh
Công cao Đằng Hải mãi ơn thần”.
Câu đối chứa đựng nội dung gắn với sự tích ra đời của Đức vương Ngô Quyền, được ghi chép trong ngọc phả: Thân mẫu của Ngô vương trong một đêm mơ thấy một thần nhân cho một buồng cau tươi tốt nhiều quả và nói rằng sau bà sẽ sinh ra quý tử. Đúng như giấc chiêm bao, sau đó bà sinh ra Đức thánh Ngô Vương Quyền.
Truyền thuyết dân gian kể lại rằng: Ngô Quyền cắm cọc từ vùng Lương Xâm đến vùng cửa Nam Triệu, sau khi Ngài qua đời, một hôm có cây gỗ trầm hương trôi đến xã Lương Xâm, nhân dân các làng Bình Kiều, Hạ Đoạn, Lương Xâm, Xâm Bồ kéo nhau ra vớt cây gỗ và cắt ra làm 3 đoạn đem về tạc tượng Ngô Quyền, làng Lương Xâm được chia đoạn gốc nên tạc tượng Ngô Quyền to và đẹp hơn.
Phía bên trái khuôn viên mở rộng của Từ Lương Xâm là tượng đài Đức Vương Ngô Quyền được dựng vào năm 2010. Kích thước tượng là 9,27m x 5,64m x 3,92m. Chiều cao bệ tượng: 2,1m. Chiều cao tượng + bệ: 11,37m. Chất liệu xây dựng bằng đá đúc Granit phủ đồng điện phân. Tượng nhìn về phía Đông, phía cửa sông Bạch Đằng - nơi diễn ra trận Bạch Đằng lịch sử năm 938. Tượng đứng trong tư thế như đang chỉ huy trận chiến, tay phải chỉ thẳng về phía cửa sông Bạch Đằng như đang điều hành trận đánh, tay trái đặt lên chuôi gươm. Công trình xây dựng tượng đài Đức Vương Ngô Quyền có ý nghĩa lớn đối với nhân dân quận Hải An, đó là biểu tượng về lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết và tự hào dân tộc.
Trong đền còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự, tế khí quý được xếp vào loại cổ vật, di vật. Trong đó có những cổ vật có giá trị lớn như nhang án, kiệu bát cống và đặc biệt tại đây còn lưu giữ được 25 đạo sắc phong gốc và hơn 20 sắc phong được sao lại, có niên đại từ năm 1522 đến năm 1924, của các triều đại Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn. Trong các sắc phong đó, nhiều triều đại suy tôn Đức Vương Ngô Quyền là “Thượng đẳng tối linh đại vương”, là “Ngô Vương Thiên tử” và nhiều mỹ tự. Năm 1986, di tích Từ Lương Xâm đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Năm 2016, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 288/QĐ- UBND công nhận di tích lịch sử văn hóa Từ Lương Xâm là điểm tham quan tuyến du lịch nội thành Hải Phòng.
Lễ hội Từ Lương Xâm
Hàng năm, tại di tích lịch sử văn hóa Từ Lương Xâm diễn ra nhiều hoạt động tế lễ nhằm tưởng nhớ công ơn của Đức Vương Ngô Quyền như ngày Sóc, Vọng hàng tháng, ngày 16 đến 18 tháng Giêng (âm lịch) tưởng nhớ ngày mất của Ngô Quyền, ngày 12 tháng 3 (âm lịch) kỷ niệm ngày sinh của Ngô Quyền và ngày 14 tháng 8 (âm lịch) là ngày kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng. Trong đó, lễ hội chính diễn ra vào 03 ngày từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng được tổ chức long trọng với sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận Hải An và thành phố.
Hiện nay, trên địa bàn quận Hải An có 22 di tích và lễ hội thờ Ngô Vương Quyền, những lễ hội tưởng nhớ Ngài được tổ chức vào cùng một thời gian là từ 16-18 tháng Giêng âm lịch nhằm tưởng niệm ngày mất của Ngô Quyền. Ở mỗi di tích đều diễn ra các nghi lễ và hoạt động riêng, nhưng cùng tiến hành rước kiệu về Từ Lương Xâm và làm lễ dâng hương tại đây. Theo lệ, từ Lương Xâm được coi là “Từ Cả” trong hệ thống các di tích thờ Ngô Quyền ở Hải Phòng nên bao giờ ở đây cũng mở hội trước từ ngày 16 tháng Giêng, sau đó từ ngày 17 tháng Giêng trở đi, các làng xã khác mới được mở hội.
Lễ hội từ Lương Xâm là lễ hội thờ Đức vương Ngô Quyền có quy mô lớn nhất trên địa bàn quận Hải An. Từ năm 2008, lễ hội tưởng nhớ Đức vương Ngô Quyền được nâng cấp tổ chức với quy mô cấp quận. Lễ hội diễn ra trong 03 ngày Trong lễ hội, có 07 đoàn rước gồm Lương Xâm, Xâm Bồ của phường Nam Hải, đoàn rước phường Đông Hải 2, Đằng Hải, Đằng Lâm, Đông Hải 1 và Tràng Cát. Mỗi đoàn gồm khoảng 100 người, trong đó phân công thành từng đội hình: ban nhạc rước công, đội múa, đội hình cầm cờ Tổ quốc, cầm cờ hội, chấp kích, bát bửu thường do đại diện của Hội cựu chiến binh và Hội phụ nữ các phường đảm nhận, việc rước long đình, kiệu bát cống, lọng và các đồ lễ vật khác do Đoàn thanh niên đảm nhận. Những người được chọn vào đội hình rước, đặc biệt là rước kiệu thánh phải là những người có tư cách đạo đức tốt. Ngoài ra, trong đội rước còn có sự tham gia đông đảo của nhân dân các phường. Nhân dân tại các làng xã khác cùng thờ phụng Ngô Quyền cũng như các nhánh tộc họ Ngô trong và ngoài địa bàn thành phố cũng cử các đoàn đại biểu về dâng hương và dự hội. Ngoài ra, nhiều nơi thờ Ngô Quyền ở Hải Phòng khác tuy không tham gia rước xách nhưng cũng đến di tích Từ Lương Xâm để thắp nhang, tỏ lòng thành kính trước vị thần mà họ tôn thờ. Từ đó có thể thấy không gian của lễ hội từ Lương Xâm đã lan tỏa rộng rãi không chỉ trên phạm vi quận Hải An mà cả thành phố Hải Phòng.
Ngày hội chính diễn ra từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng âm lịch, song Quận ủy- Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân quận Hải An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Từ Lương Xâm, các ngành liên quan chuẩn bị chu đáo kịch bản, chương trình từ nhiều ngày trước, phân công cụ thể từng đầu việc cho từng ngành thường trực. Trước ngày lễ hội, công tác chuẩn bị, trang trí khánh tiết, vệ sinh môi trường xung quanh khu vực di tích được thực hiện khẩn trương, chu toàn. Đến ngày 13, 14 tháng Giêng, các lễ vật, hương hoa cũng phải bày biện xong; nhang án và đồ tế khí được đưa ra ngoài sân chính để làm lễ tế. Các cụ trong ban khánh tiết làm lễ mộc dục, rước Thánh ra ngoài cung cấm để nhân dân làm lễ dâng hương. Ngày 15 tháng Giêng, Quận ủy- Hội đồng nhân dân- Ủy ban nhân dân quận cùng các ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các phường làm lễ tế hàng quận.
Ngày 16 tháng Giêng được coi là chính hội. Hoạt động chính trong ngày này là lễ rước truyền thống, lễ khai mạc và lễ dâng hương. Tham gia vào lễ rước là các đoàn rước của làng Lương Xâm, Xâm Bồ của phường Nam Hải và đoàn rước của các phường cùng thờ Ngô Quyền thuộc quận Hải An như Đằng Lâm, Đằng Hải, Đông Hải 1, Đông Hải 2, Tràng Cát. Đây là hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và là một phần không thể thiếu trong lễ hội, thể hiện tấm lòng tri ân của nhân dân trong vùng đối với vị thánh Đức Vương Ngô Quyền. Lễ rước cũng góp phần tạo nên không khí sôi động cho lễ hội.
Từ sáng sớm, các đoàn rước đã tiến hành rước từ các đền, miếu, đình đến tập trung tại khu vực bãi trống trên đoạn đường 100m gần Từ Lương Xâm. Đúng 8 giờ, các đoàn rước lần lượt tiến vào khu vực từ Lương Xâm. Đi đầu là đoàn múa lân rồng của câu lạc bộ Vovinam thành phố. Đoàn rước đầu tiên là đoàn rước của làng Lương Xâm, sau đó là các đoàn rước khác. Đi đầu mỗi đoàn rước có một người cầm biển hiệu của đơn vị, sau đó đến người cầm cờ Tổ quốc. Phía sau của các đoàn rước là đầy đủ các nghi lễ của lễ rước truyền thống như: cờ ngũ sắc, cờ hiệu tượng trưng cho uy thế của Đức Ngô Vương Quyền. Tiếp theo là đội chiêng, trống, phường bát âm, người mang bát bửu, chấp kích, đồ tế khí, đoàn múa xênh, đoàn khiêng long đình, trên có hương hoa, ngũ quả, lễ vật; đoàn khiêng kiệu bát cống. Có đoàn còn rước cả những cây cọc nhọn đầu, thuyền rồng, ngựa bằng nhựa, tre, giấy gợi lại thế trận Bạch Đằng năm 938. Đi sau cùng là các bô lão, nhân dân trong phường và du khách thập phương. Mọi người tham gia trong đoàn rước đều phải mặc trang phục trang trọng, lịch sự. Riêng các đoàn rước cờ, kiệu, đồ tế khí phải mặc những trang phục lễ hội truyền thống.
Điểm nổi bật trong lễ rước là đoàn người khiêng kiệu bát cống khi đi đến trước tượng đài Đức vương Ngô Quyền, họ sẽ dừng lại xoay kiệu một vòng. Sau khi xoay kiệu, đoàn rước sẽ chạy thật nhanh, đưa kiệu lên cao và hô thật to, mô phỏng lại hình ảnh kiệu bay. Theo truyền thuyết nhân dân trong vùng kể lại thì trong một lần lễ hội từ xưa, khi khiêng kiệu đến gần ngôi đền thì kiệu tự bay vào trong đền. Dân làng xem đó là điềm may mắn, báo trước sự phù hộ của Đức Vương cho cuộc sống bình an, no ấm. Hình ảnh kiệu bay cũng thể hiện khí thế hào hùng của đại quân Ngô Quyền trong trận đánh Bạch Đằng năm 938. Vì vậy, màn biểu diễn kiệu bay đã làm cho không khí lễ hội thêm náo nhiệt.
Lần lượt các đoàn rước sẽ đem cờ kiệu và các đồ tế khí đặt ở hai bên sân của từ Lương Xâm theo vị trí đã quy định, sau đó đem lễ vật vào trong từ dâng lên thần rồi đi ra khu vực sân khấu phía trước mặt của từ để tham dự lễ khai mạc.
Trong mỗi một lễ hội, một phần không thể thiếu bên cạnh phần lễ là phần hội, chính là các sinh hoạt văn hóa và các trò chơi dân gian. Theo hồi tưởng lại của những người cao tuổi, đã từng được tham dự lễ hội thời xưa hoặc được nghe ông cha kể lại, trong lễ hội trước đây diễn ra rất nhiều các trò chơi dân gian sôi nổi như: đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm, tam cúc điếm, đu tiên, cầu tùm, kéo co, chọi gà, đập niêu và văn nghệ thường có hát chèo, hát chầu văn. Hiện nay, tuy phần hội đã có sự biến đổi: một số trò chơi dân gian không còn được duy trì, thay vào đó là những hình thức sinh hoạt thể thao, văn nghệ hiện đại, nhưng nhìn chung phần hội trong lễ hội từ Lương Xâm vẫn được tổ chức đa dạng và hấp dẫn.
Lễ hội Từ Lương Xâm thực sự là dịp để nhân dân trong vùng hướng về cội nguồn, hướng về những truyền thống quý báu của dân tộc. Là dịp thể hiện lòng thành kính biết ơn người anh hùng dân tộc Đức Vương Ngô Quyền. Thông qua lễ hội Từ Lương Xâm nhân dân muốn thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với Ngài. Đó là truyền thống hướng về cội nguồn lịch sử, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tôn vinh những người anh hùng dân tộc. Giá trị của di tích lịch sử văn hóa Từ Lương Xâm còn được thể hiện qua văn hóa vật chất tinh thần ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử- văn hóa, hướng đến các thế hệ trẻ, biết rằng nơi đây chính là cội nguồn tạo nên một sự đoàn kết, hướng con người đến những điều thiện, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho cộng đồng hăng say lao động sản xuất. Lễ hội Từ Lương Xâm đã trở thành truyền thống - nét bản sắc văn hoá đặc trưng đi vào tiềm thức của người dân Hải An.
Ủy ban nhân dân quận Hải An đã triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Từ Lương Xâm, mở rộng diện tích từ 3ha lên 6,4ha; huy động các nguồn lực tập trung trùng tu, tôn tạo đưa di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Từ Lương Xâm được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt trong thời gian tới.
Thành đoàn Hải Phòng