TỪ ĐƯỜNG HỌ NGUYỄN VĂN, PHƯỜNG BÀNG LA, QUẬN ĐỒ SƠN

22 03 2023

in trang

Từ đường dòng họ Nguyễn Văn tọa lạc tại Tổ dân phố Tiểu Bàng 2, phường Bàng La, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Từ đường được xây dựng hơn 200 năm trước và được tu sửa lại vào năm 1998. Nơi đây là nơi thờ tướng quân Nguyễn Quang Thức – một vị tướng thân cận của vua Quang Trung và là Tổ thượng của dòng họ Nguyễn Văn.


Dòng họ Nguyễn Văn nhưng Tổ thượng lại là tướng quân Nguyễn Quang Thức bắt nguồn từ năm Mậu Thân 1788, khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế - hiệu Quang Trung, vua Quang Trung ban cho các thân tướng, cận tướng chữ Quang làm tên đệm. Từ đó Tổ thượng dòng họ Nguyễn Văn lấy tên là Nguyễn Quang Thức.

Nguyễn Quang Thức, hiệu danh là Pháp Toàn sinh năm Đinh Sửu 1757 tại ấp Yên Thái, trại Tây Sơn, trấn Quy Nhơn. Từ nhỏ với tư chất thông minh, ham học hỏi lại được dìu dắt bởi thầy Đồ Hiến là người Bắc Hà vào ở ẩn nên khi trưởng thành Nguyễn Quang Thực văn võ song toàn. Sau khi tụ nghĩa dưới cờ Tây Sơn năm Quý Tỵ 1773, ông nhanh chóng trở thành một vị tướng tài ba, tâm phúc trong đạo quân của Nguyễn Huệ. Trong những năm theo phò tá vua Quang Trung, tướng quân Nguyễn Quang Thức đóng góp nhiều công sức, trí tuệ và góp lên nhiều chiến công hiển hách.

Theo sách sử “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” của Ngô Gia Văn phái, sau chiến thắng Kỷ Dậu 1789, mối quan hệ giữa nước ta và triều đình nhà Thanh được bình thường hóa. Triều Thanh cử xứ thần sang nước ta, phong vua Quang Trung là An Nam Quốc Vương sang chầu tiếp chỉ của vua Thanh. Vua Quang Trung chọn tướng quân Nguyễn Quang Thức đóng giả Vương để sang yết kiến vua Thanh. Khi “quốc vương” An Nam sang tới Yên Kinh (kinh đô của triều đình nhà Thanh), trước sự oai phong của Nguyễn Quang Thực, vua Thanh không thể nhận ra là vua Quang Trung giả, mừng rỡ, cho cùng ăn yến tiệc với các vương thần. Đến khi ông về nước, vua Thanh còn sai thợ vẽ truyền thần bức chân dung, ban cho ngựa, mũ, trụ, áo giáp vàng và một bộ nhung phục giống y hệt như một tướng lĩnh nhà Thanh trong đội hoàng kỳ.

Trong thời gian chỉnh trang lực lượng nhằm tiêu trừ Nguyễn Phúc Ánh ở phương nam dành lại giang sơn thì đột nhiên vua Quang trung lâm bệnh nặng và từ trần vào ngày 16 tháng 9 năm Nhâm Tý 1792. Ngay sau đó Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi nhưng không giữ nổi nghiệp cha vì triều chính bất hòa, lúc đó Nguyễn Phúc Ánh cấu kết cùng ngoại bang chiếm lại toàn bộ giang sơn. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hiệu là Gia Long, triều đình Gia Long trả thù quân tướng nhà Tây Sơn cực kỳ man dợ. Năm 1802, để giữ lòng son sắc với hoàng đế Quang Trung, tướng quân Nguyễn Quang Thức đã rời khỏi Thăng Long về ở ẩn tại vùng đất Đại Bàng (nay là phường Bàng La). Tại đây, tướng quân Nguyễn Quang Thức thay tên đổi họ, hòa nhập với một số dòng họ khác chinh phục thiên nhiên dựng lên vùng đất Bàng La ngày nay. Sau khi ông qua đời con cháu xây dựng bia mộ, từ đường trên chính mảnh đất nơi ông sinh sống. Cho tới ngày nay, phần mộ và hài cốt của tướng quân Nguyễn Quang Thức vẫn được đặt tại khu từ đường dòng họ Nguyễn Văn.

Từ đường được xây dựng trên diện tích hơn 400m2 với 2 phần chính là khu lăng mộ tướng quân Nguyễn Quang Thực và khu điện thờ chính. Hiện tại từ đường dòng họ Nguyễn Văn trở thành nơi sinh hoạt tinh thần, giáo dục truyền thống, lòng yêu quê hương đất nước của con cháu dòng họ Nguyễn Văn. Hơn 200 năm kể từ ngày tướng quân Nguyễn Quang Thực khởi nghiệp tại đất Bàng La, tới nay lớp hậu duệ thứ 11 đã ra đời.

Trải qua nhiều biến đổi thăng trầm nhưng chí khí của đức tổ vẫn sáng mãi trong các lớp hậu duệ dòng họ Nguyễn Văn. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, hàng chục con em trong họ lên đường bảo vệ đất nước, 10 người được Nhà nước truy tặng liệt sĩ và hơn 100 huân huy chương các loại được trao tặng con em dòng họ Nguyễn Văn.

Hàng năm, cứ đến ngày 25 tháng chạp là dòng họ có 1 cuộc họp trù bị cho ngày giỗ tổ mồng 10 tháng giêng năm sau.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử từ đường dòng họ Nguyễn Văn phường Bàng La, quận Đồ Sơn đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố ngày 25 tháng 8 năm 2011.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke