TỪ ĐƯỜNG HỌ HOÀNG HỮU, XÃ HÒA BÌNH, HUYỆN VĨNH BẢO

06 04 2023

in trang

1. Tên Điểm du lịch: Di tích lịch sử Từ đường họ Hoàng Hữu, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
2. Địa chỉ: Thôn 6 (Nay là thôn Đông Hàm Dương), xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

3. Lịch sử nhân vật được thờ

Theo các lư liệu như sắc phong, thần phả và nhiều bài viết đươc công bố tại hội thảo khoa học về dòng họ Hoàng Hữu ở Hàm Dương thì đây là nơi tôn thờ các vị thuỷ tổ của dòng họ này. Xin được khái quái vài nét về tiểu sử và sự nghiệp của các vị như sau:

Theo tộc phả còn lưu trữ lại từ đường họ Hoàng Hữu làng Hàm Dương, xã Hoà Bình huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng, vào khoảng thế kỷ thứ XVI, Hoàng Thứ Lang con thứ 4 của 1 viên quan triều Lê Sơ đã từ thanh Oai về đất Hàm Dương lập nghiệp. Là người thuộc dòng dõi thế gia nhưng lại có tính cần cù siêng năng nên dù đến đây lập nghiệp muộn hơn so với các dòng họ khác, nhưng đến đời thứ 3 họ Hoàng Hữu đã có những sản nghiệp như ruộng vườn để lại cho con cháu và người kế nghiệp là Hoàng Hữu Trí.

Do thông minh và tài trí hơn người, Hoàng Hữu Trí đã được dân bầu làm xã trưởng Hàm Dương thời Lê Trung Hưng. Đây là thời kỳ mà theo như ghi chép của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là nước đã có vua mà còn có cả chúa. Cho lên chính sự rối bời, lòng dân ly tán, khắp nơi trong nước, nông dân nổi lên chống lại triều đình. Ở tổng Ngãi Am, phủ Hạ Hồng lúc bấy giờ có một đội quân hành nghề cướp biển lấy hiệu là Ứng Thiên nổi dậy cướp phá, cướp đoạt tài sản của dân, chống lại triều đình. Nhà vua đã cử trấn thủ Hải Dương đem quân đi đánh dẹp nhiều lần nhưng không được. Ban ngày chúng hoà lẫn với ngư dân ra tận ngoài khơi. Ban đêm tụ tập lực lượng đột nhập vào đất liền. Là xã trưởng Hàm Dương, Hoàng Hữu Trí đã dâng kế “mưu phạt lâm công”, nghĩa là đánh vào lòng người, được quan trấn thủ Hải Dương ủng hộ, ông đã lập mưu bắt sống tên tướng cướp giải nộp triều đình. Với chiến công này, ông đã được vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị ban sắc khen tặng và cho giữ chức vụ trong Ty Khuyến nông. Sau 10 năm nhậm chức khuyến nông, Hoàng Hữu Trí đã chiêu dân lập ấp, khai phá đất hoang, đào mương dẫn thuỷ nhập điền, chỉ bảo dân cày cấy, nuôi tằm, dạy nghề canh cửi. Do vậy ông đã được vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hoà ban tiếp sắc phong tặng là Tướng sỹ lang chức Ngục Thừa Hạ Tuyển tại sở Thư Ngục Ty Tán Trị Thừa chính sứ các xứ thuộc Thái Nguyên. Sau nghỉ hưu về trí sỹ tại Hàm Dương.

Nhân vật thứ hai được thờ lại từ đường họ Hoàng Hữu là Hoàng Tông Thư. Bản gia phả cho biết vào giữa thế kỷ XVIII, hậu duệ của Hoàng Hữu Trí là
Hoàng Tông Thư học hành thông minh nhưng không đi thi mà chỉ làm sinh đồ. Vua Lê Cảnh Hưng vì mến tài đức bèn cho tuyển vào triều đình và bổ nhiệm chức Thị Nhung Thám Quan Thư Nghĩa, được vua nhận làm con nuôi và giao cho việc chuyên trông coi việc thông chính trong triều. Do làm việc cần mẫn, xứng bậc trung thần nên đã được Vua ban sắc tặng vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32 (1770). Sau 5 năm giữ chức vụ và đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao, nhà vua đã cho tham kiến trong triều. Đến năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) lại được ban sắc, gia phong chức Thiếu khanh. Trong suốt cuộc đời làm quan, Hoàng Tông Thư luôn tỏ rõ lòng trung quân ái quốc, làm việc tận tụy, giàu lòng nhân nghĩa, thanh liêm. Khi về quê trí sỹ đã đem một phần lộc điền cúng tiến cho làng, làm nhiều việc mang lại nguồn lợi về kinh tế thủy sản cho nhân dân trong làng xã nên đã được dân làng tín nhiệm, kính trọng.

Như vậy, Từ đường họ Hoàng Hữu thôn 6 làng Hàm Dương (nay là thôn Đông Hàm Dương), xã Hòa Bình huyện Vĩnh Bảo là nơi tôn thờ các vị tổ của dòng họ nhưng đều là những người đã từng làm quan trong triều thuộc triều đại Lê Trung Hưng, có nhiều công lao đóng góp không chỉ đối với vương triều mà còn đối với cả quê hương Hàm Dương.

. Các di vật đáng quan tâm.

Một trong số những di vật đáng quan tâm nhất hiện còn lưu trữ lại từ
đường họ Hoàng Hữu là 4 bản sắc phong của các triều vua thời Hậu Lê
phong cho các vị được thờ tại ngôi từ đường này là:

          1- Sắc Xã trưởng Hàm Dương huyện Vĩnh Lại là Hoàng Hữu Trí có công bắt tên giặc cướp biển hiệu là Ứng Thiên giải nạp. Đã có chỉ phê chuẩn cho chức khuyến nông. Vậy nay được phong Tướng sỹ lang làm việc ở Ty khuyến nông, phủ Quỳ Châu. Ngày 24/12 niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ nhất (1676).

          2- Sắc phong cho tướng sỹ lang là Hoàng Hữu Trí giữ chức tại Ty khuyến nông, Phủ Quỳ Châu. Nay có chỉ phê chuẩn thăng nhậm chức ngục thừa tại Sỡ thủ ngục các xứ Thái Nguyên. Ngày 23/3 niên hiệu Chính Hoà thứ 7 (1686).

          3- Sắc phong cho Hoàng Tông Thư, người xã Hàm Dương, huyện Vĩnh Lại giữ chức Thị nhung Thám quan thư nghĩa, có công dâng tiền của dùng vào việc nước. Ngày 11/6, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32 (1770)

4- Sắc cho Hoàng Tông Thư làm Tá Lang, làm việc đã lâu ngày, lại rất chuyên cần, nhiều lần hoàn thành tốt công việc. Bởi vậy đáng được phong chức Thiếu Khanh, trật điện Thừa Hoa. Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1775).

Trên đây là nội dung sơ lược của 4 đạo sắc mà từ đường họ Hoàng Hữu còn lưu giữ được. Đó là những sắc phong có niên đại thời Hậu Lê, giúp cho người đời sau hiểu được thân thế, sự nghiệp của hai vị Hoàng Hữu Trí và Hoàng Tông Thư.

          5- Ngoài ra trong di lích còn 5 đôi câu đối bằng gễ mang nội dung ca ngợi dòng họ có những người làm quan to, luôn trung thành với nhà vua, giữ đúng đạo nhà, kỷ cương phép nước, được hậu thế mãi ca tụng.

          6- Sập thờ: Một chiếc. Kích thước, rộng: 1,8m. Cao: 0,7m. Sập thờ được làm theo kiểu chân quỳ dạ cá. Trang trí hoa văn hai lớp gồm phần trên chạm thủng trong ô đề tài hoa lá. Phần dưới chính giữa chạm nối hình hổ phù. Niên đại nghệ thuật thời Nguyễn.

          7- Ỷ ngai: 3 chiếc, niên đại, thời Nguyễn.

          8- Kiếm thờ: 3 chiếc, chất liệu gỗ. Niên đại thời Nguyễn.

          9- Hộp sắc: l chiếc, chất liệu gỗ.

          10- Bát biểu: một bộ, 10 chiếc.

          11- Tam sự đổng: Một bộ, 3 chiếc.

          12- Mâm bồng gỗ: Một chiếc

5. Sinh hoạt văn hóa và lễ hội truyền thống.

Hàng năm cứ mỗi độ đông về, trời se lạnh, mùa màng đã thu hoạch gọn gàng, bà con trong tộc họ Hoàng Hữu lại chuẩn bị cho ngày giỗ tổ 15/11 âm lịch. Các cụ cao niên cho biết, ở Hàm Dương, chỉ có họ Hoàng Hữu mở lễ tế các vị thủy tổ của dòng họ là quan triều đình. Các thủ tục chuẩn bị cho tế lễ được chuẩn bị chi đáo, cờ hoa trang hoàng lộng lẫy. Sau nghi thức thắp hương mộ tổ, buổi tế lễ ở từ đường mới bắt đầu. Tiếng trống, tiếng chiêng vang lên giòn giã, gợi lại khí thế ca ngợi công lao của tổ tiên. Ngày hôm sau là tế tạ. Trưởng tộc nhắc nhở mọi người trong họ về bề bậc để tiện xưng hô.

Một trong những sinh hoạt mang tính truyền thống cũng thường xuyên diễn ra tại di tích từ đường họ Hoàng Hữu đó là tế sản ngư. Lễ tế sản ngư bắt nguồn từ nguyên nhân sau khi Hoàng Tông Thư về quê nghỉ hưu, ông đã cho đào mương dẫn nước vào đồng. Ngoài việc dẫn nước, cá từ sông đã theo vào và mang thêm một nguồn lợi thủy sản lớn cho nhân dân địa phương khi việc mở cống khua đầm diễn ra vào tháng 5, lúc vụ lúa chiêm đã xong. Vì vậy, sau khi ông mất, mọi người đã dành một con cá to nhất để dâng lên trong ngày giỗ tổ họ Hoàng Hữu như một sự ghi nhớ công ơn to lớn của Hoàng Tông Thư đối với dân làng.

6. Những sự kiện lịch sử cách mạng và kháng chiến diễn ra tại di tích.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từ đường họ Hoàng Hữu là nơi diễn ra nhiều sự kiện liên quan đến lịch sử địa phương.

 Sự kiện đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1946, Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam Trịnh Thủy (gồm Trấn Dương – Tiên Am – Hòa Bình) được tách ra và thành lập Chi bộ Đảng xã Hòa Bình. Từ đường họ Hoàng Hữu lúc này được sử dụng làm nơi hội họp đầu tiên của chi bộ và là nơi tập trung huấn luyện của đội du kích xã.

Trong tháng 12/1949, thực dân Pháp đã mở các cuộc càn quét, thôn Hàm Dương đã rơi vào vùng tạm chiếm. Từ đường đã trở thành địa điểm bí mật thường trực liên lạc của chi bộ Đảng. Trong hậu cung, một hầm bí mật đã được xây dựng để nuôi dấu cán bộ về nằm vùng chỉ đạo phá tề.

Tháng 11/1951, khi biết một số đảng viên từ ngoài vùng căn cứ du kích Thụy Anh, Thái Bình về địa bàn hoạt động, địch đã nhanh chóng ập đến vây bắt. Được sự giúp đỡ của dòng họ, các cán bộ cao cấp đã ẩn nấp trên mái hiên từ đường và không bị phát hiện. Mặc dù bị địch tra tấn dã man song bà con trong tộc họ kiên quyết không khai báo đã bảo vệ kháng chiến.

Cuối năm 1954, chi bộ Đảng xã Hòa Bình đã họp tại từ đường quyết định lãnh đạo toàn dân nổi dậy phá tề, mở rộng du kích. Để chuẩn bị tung cán bộ vào vùng địch để hoạt động, lớp chỉnh huấn của ty công an Kiến An do đồng chí Trần Đông phụ trách đã được tổ chức tại đây.

Tháng 3/1954, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, cuộc tập kích đánh sân bay Cát Bi đã nổ ra, từ đường họ Hoàng Hữu đã được đặt làm điểm đón thương binh đưa về phẫu thuật và điều trị.

Ngoài ra các thế hệ trọng tộc Hoàng Hữu đã có nhiều cá nhân lập được nhiều thành tích, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc.

7. Giá trị của di tích.

Từ đường của dòng họ Hoàng Hữu chứa đựng những giá trị lịch sử và văn hóa khá tiêu biểu. Trước hết về nhân vật lịch sử, danh nghĩa là nơi tôn thờ các vị tổ của dòng họ Hoàng Hữu song lại là những người có công lao động đóng góp phần rất quan trọng đối với một vùng quê phía Đông huyện Vĩnh Bảo hồi thế kỷ XVII vốn lam lũ vì nạn đói, vì nhũng nhiễu của những tên cướp biển. Hoàng Hữu Trí dâng kế tiễu trừ giặc cướp đem lại bình yên cho xóm làng. Hoàng Tông Thư dù đã trí sỹ về quê hương nhưng vẫn một lòng tìm cách mưu sinh cho dân làng thoát khỏi nghèo đói, đào mương dẫn thủy. Ở thời điểm lịch sử đó, công lao của các vị tổ dòng họ Hoàng Hữu rất quan trọng, đáng được người đời sau thờ phụng tri ân.

Dưới góc độ của một di sản văn hóa, thông qua những sắc phong tặng còn được lưu giữ tại đây giúp chúng ta hiểu thêm về nhiều điều về xã hội phong kiến Việt Nam thời Hậu Lê thế kỷ XVII, XVIII mà trong đó có thể hiểu rằng những người có công, có cống hiến cho dân, cho nước đều được ghi nhận như những tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau về tình yêu thương đồng loại, đạo lý làm người trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào. Những sắc phong loại này hiện tương đối hiếm ở nước ta, rất có giá trị nghiên cứu, tìm hiểu.

Trong tâm thức và tình cảm của người dân Hàm Dương xã Hòa Bình ngôi từ đường họ Hoàng Hữu là nơi chứa đựng những câu chuyện mang tính nhân văn sâu sắc, xứng đáng được truyền tụng.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke