QUẦN THỂ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐỀN THỜ TRẠNG NGUYÊN LÊ ÍCH MỘC, HUYỆN THỦY NGUYÊN

07 02 2024

in trang

     Xã Quảng Thanh nằm ở phía Tây Bắc huyện Thuỷ Nguyên, phía Đông tiếp giáp xã Chính Mỹ và xã Cao Nhân, phía Nam tiếp giáp xã Hợp Thành, phía Tây tiếp giáp xã Phù Ninh và phía Bắc tiếp giáp xã Kỳ Sơn. Quảng Thanh xưa có tên gọi là làng Ráng, sau đó đổi là Thanh Lãng có xuất xứ cách đây trên 2.000 năm lịch sử. Đây là miền trung du bán sơ địa, có núi sông ruộng đồng bát ngát, sơn thuỷ hữu tình, cảnh quan tuyệt đẹp; có phố xá, có chợ, có quốc lộ 352 kết nối Hải Phòng đi Quảng Ninh, Hải Dương... là nơi giao lưu chính trị, kinh tế văn hoá của 08 xã miền Bắc huyện Thuỷ Nguyên. Quảng Thanh bao gồm 2 thôn Thanh Lãng và Quảng Cư vốn nổi tiếng với câu ngạn ngữ: “Thanh Lãng Quảng Cư, Hàm Ngư Ngọc Địch”. Hợp với Thuỷ Nguyên là nguồn nước, là vùng đất nguyên sơ ban đầu. Từ xa xưa thì Quảng Thanh (với Quảng và Thanh) đã được coi là hàm cá tiết ra ngọc dịch Quỳnh tương thơm ngọt hấp dẫn cho Thuỷ Nguyên, cho thành phố hoa phượng đỏ. Xã Quảng Thanh nằm kiêu hãnh giữa tam giác kinh tế Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - với non xanh nước biếc nổi bật lên như một viên ngọc xanh giữa các xã phía Tây Bắc huyện Thuỷ Nguyên. Từ thuở xưa nơi đây đã có một mạng lưới giao thông thuỷ, nối xã này với các trung tâm văn hoá rực rỡ như Luy Lâu (Thuận Thành - Hà Bắc), Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ), Thăng Long ... Từ lâu đã âm vang câu ca dao:

Giếng Thanh Lãng vừa trong vừa mát

Đường Thanh Lãng sỏi cát dễ đi”

     Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, xã Quảng Thanh nói riêng và huyện Thuỷ Nguyên nói chung luôn là địa bàn chiến lược, nơi đầu sóng ngọn gió, phải đương đầu với muôn vàn biến động lịch sử, mà hiện tại còn mãi soi gương quá khứ. Dấu ấn của thời gian đã qua còn in đậm trong mỗi cái tên của từng ngọn núi, cánh đồng và dòng sông của Tổ quốc. Cũng chính tại nơi đây, trong buổi đầu dựng nước đã sản sinh ra những vị anh hùng có công giúp vua lãnh đạo nhân dân chống giặc Ân phương Bắc, từ thời vua Hùng thứ sáu, đó là anh em Vũ Hồng cùng em gái Vũ Thị Lê Hoa mà tên tuổi của họ sống mãi với lịch sử huyền thoại về thần Phù Đổng Thiên Vương đánh đuổi giặc Ân. Chính nghĩa cử cao đẹp của anh em họ Vũ đã đặt nền móng xây lên truyền thống yêu nước bất khuất cùng phẩm giá tốt đẹp của lớp lớp thế hệ sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này.

     Đến cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, trên mảnh đất này lại sản sinh ra một con người mà tài năng của người ấy cũng lẫy lừng như những huyền thoại, đó là Trạng nguyên Lê ích Mộc, Trạng nguyên đầu tiên của mảnh đất Hải Phòng, một người nổi tiếng thần đồng, học cao hiểu rộng; một người con kiệt xuất của Thanh Lãng, người đã đỗ Trạng nguyên tại khoa thi đình năm Nhâm Tuất 1502, được phong chức Tả Thị Lang. Trước khi đỗ Trạng nguyên ông là một đạo sỹ, vì vậy khi ra làm quan, ông đã có những đóng góp nhất định để đạo Phật thời nhà Mạc phát triển trở lại. Với quê hương, ông có công truyền bá kiến thức, đào tạo nhân tài xây dựng lên nền tảng truyền thống và phát triển văn hoá quê hương. 

     Theo con đường tỉnh lộ 352 đến sân vận động xã Quảng Thanh, rẽ phải, du khách sẽ tới thăm Đình Bắc nằm ở giữa thôn Thanh Lãng, nép mình dưới chân núi Vang, đình thờ anh em Vũ Hồng, Vũ Thị Lê Hoa. Đình Bắc là một công trình văn hoá lịch sử được Bộ văn hoá Thông tin xếp hạng bảo tồn. Rời Đình Bắc, du khách đến thăm khu di tích mang dấu ấn của Trạng nguyên Lê Ích Mộc, đó là chùa Lốt ở xóm trại, với cái tên cổ kính Đông Linh Tự, ngôi chùa duy nhất còn lại trong ba ngôi chùa có tên chung là Diêu Phúc tự. Trước khi mất, Trạng nguyên Lê Ích Mộc đã đến đây trực tiếp hưng công xây dựng chùa. Chùa Lốt lưng tựa vào núi Lốt, các cụ cao tuổi ở địa phương cho đó là dựa vào hàm của một con thần ngư có đuôi vẫy đến núi Táu, hướng ra sông Bạch Đằng. Những mái ngói vẩy rồng, những hình phượng múa, hình long mã hí cầu kỳ, tinh vi sống động từ thời nhà Nguyễn với một quả chuông - Diên Phúc tự chung - đúc năm Cảnh Thịnh 3 (1795) đời Tây Sơn.
     Được cấp bằng công nhận di tích lúc đó còn có lăng mộ, Từ đường của Trạng nguyên Lê ích Mộc. Lăng mộ của người nằm trên núi Táu, vốn xưa là sinh phần của Trạng nguyên, là dấu tích còn lại của rừng lim quan Trạng thuộc xóm Sỏi, thôn Thanh Lãng. Mộ đặt quay hướng Tây Nam trên thế đất được gọi là đắc địa theo quan niệm phong thuỷ của người xưa. Lăng mộ quan Trạng đã trải qua hàng trăm năm trường tồn luôn được bảo vệ tôn tạo và trở thành một di sản văn hoá vượt khỏi khuôn khổ của một dòng họ, của một làng, một xã mà trở thành tài sản của đất nước.

     Từ lăng mộ Trạng nguyên ra tỉnh lộ 352 đi tiếp chừng 500 mét, chúng ta đến thăm Từ đường quan Trạng ở chân núi Táu. Trước kia, đây là một quần thể các di tích văn hoá lịch sử gồm Từ đường quan trạng, đền Diên Phúc, chùa Diên Phúc và trường học với bốn bề quang cảnh là rừng cây xanh tốt tạo thành một vùng tập trung đông dân cư và sầm uất. Do bị giặc Pháp phá dỡ, sau này nhân dân địa phương tôn tạo lại chỉ còn một ngôi miếu với diện tích 300m2 xây dựng tại địa điểm Đền, Chùa xưa. Đồng thời, nhân dân mở chợ thông thương buôn bán, tạo bố cục truyền thống thường thấy ở các nơi có kiến trúc tôn giáo xưa - là một trung tâm sinh hoạt văn hoá của một vùng rộng lớn nước ta thuở xưa, như chùa Cổ Lễ (Nam Định), chùa Thầy (Hà Tây).

     Quảng Thanh thực sự là một vùng đất địa linh nhân kiệt, có đầy đủ mọi yếu tố thiên thời địa lợi nhân hoà: “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” một quần thể di tích lịch sử văn hoá cổ kính được xếp hạng với những nét văn hoá cổ truyền sinh động, đáng chú ý với những danh nhân, nhất là Trạng nguyên Lê Ích Mộc có vị trí quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Do vậy xã Quảng Thanh có tiềm năng phát triển du lịch, một điểm sáng trong chuỗi du lịch của thành phố Hải Phòng.

THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP

TRẠNG NGUYÊN LÊ ÍCH MỘC (1458-1538)

      Mùa xuân năm Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502), triều đình mở hội thi kén người tài. Khoa thi Đình năm ấy, vua Lê Hiến Tông lấy đỗ 61 người, Lê Ích Mộc vượt lên đỗ Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ nhất danh (tức Trạng Nguyên). Trong lễ xướng danh, Vua sai ông tuyên đọc lời chế thư, bưng lư hương ra trước, hương cháy bỏng tuột cả bàn tay mà không biết.

     Trong bài “Tiểu sử Thiền sư chùa Thanh Lãng” soạn năm 1597, sinh đồ Lê Tuấn Mậu viết: "Dưới triều Lê Thánh Tông ở làng Ráng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương có một gia đình nối nghiệp Nho, người chồng họ Lê tên Quang, vợ là Nguyễn Thị Lệ, cửa nhà thanh bần, kính sư sùng Phật, hay giúp đỡ người nghèo khó. Một đêm kia, người vợ nằm chiêm bao thấy Quan Âm Bồ Tát cho một đóa hoa sen và bài thơ: “Phật cho Lê Thị một bông sen; Hiển hách nghìn thu dậy tiếng khen; Đích xác sang năm sinh quý tử; Danh lừng tam giáo gọi ơn trên”. Từ ngày ấy, bà Nguyễn Thị Lệ mang thai và sinh hạ được một người con trai mặt vuông, tai lớn đặt tên là Lê Ích Mộc.

       Tục truyền, thuở nhỏ Lê Ích Mộc là một cậu bé thông minh, ham học. Hàng ngày, sau những buổi phụ giúp cha mẹ, cậu bé Lê Ích Mộc thường hay tới chùa Ráng nghe nhờ văn sách. Cảm động trước tấm lòng hiếu học của cậu, các nhà sư đã thay nhau chỉ bảo dạy dỗ. Lê Ích Mộc thường lấy cát đổ lên mâm xoa phẳng, dùng ngón tay viết chữ lên để đọc, ghi nhớ rồi xoá đi.

       Được các vị cao tăng dốc lòng dạy dỗ, trong khoảng 5 năm, Lê Ích Mộc đã thông hiểu cả Tứ thư, Ngũ kinh lẫn giáo lý nhà Phật. Sách “Đại Việt đỉnh nguyên Phật lục” ca ngợi tài học của Lê Ích Mộc là: “Tam Đông túc học chỉ Kim Cương” - nghĩa là 3 năm tu học đã thấu triệt tinh thần của kinh Kim Cương.

      Kỳ thi Đình năm 1502, tự tay vua Lê Hiến Tông ra đề thi về đạo trị nước của bậc đế vương. Bẳng những hiểu biết sâu sắc của gần 30 năm đèn sách, Lê Ích Mộc trình bày một cách mạch lạc, trôi chảy trên 25 trang giấy về niềm khát vọng chấn hưng Phật giáo, hiến nhiều kế sách về đạo trị nước của các bậc đế vương. Văn ông ý tứ dồi dào, đầy ký ức, không bỏ sót ý nào. Khi duyệt bài của ông, vua Lê Hiến Tông sửng sốt mà thốt lên rằng: “Bài văn của Lê Ích Mộc hơn hẳn mấy tầm so với bạn đồng khoa, Trẫm rất hài lòng duyệt cho người ấy xứng bậc khôi nguyên”. Lê Ích Mộc đỗ Trạng nguyên - năm ấy ông 44 tuổi.

Sắc phong của Trạng nguyên Lê Ích Mộc



     Ông làm quan trong giai đoạn thịnh trị của triều Lê Sơ không còn nên xin trí sĩ tại quê nhà. Nhà Mạc thay nhà Lê, giai đoạn đầu Vương triều Mạc có nhiều cải cách, tiến bộ trên nhiều lĩnh vực, được nhân dân ủng hộ, bạn đồng khoa khích lệ, tiến cử, Lê Ích Mộc một lần nữa ra làm quan với mong muốn tiếp tục thực hiện ý nguyện của mình là góp phần cho quốc thái dân an. Dưới triều Mạc, ông làm tới chức Tả Thị Lang. Tiếc thay, khi Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh qua đời, mâu thuẫn trong nội bộ nhà Mạc trở nên gay gắt, triều đình bắt đầu suy vi. Bất bình với triều đình phong kiến lúc bấy giờ, Lê Ích Mộc một lần nữa trao ấn từ quan về ẩn cư tại quê nhà.

     Nhớ thủa hàn vi, ông bỏ tiền ra tu sửa, mở mang chùa Ráng và mở trường dạy học. Thanh Lãng nhờ có Lê Ích Mộc mà trở thành trung tâm đào tạo nhân tài và giáo hóa của cả một vùng rộng lớn. Ông cùng với dân làng Ráng khai phá vùng đầm lầy ven sông, trồng cây gây rừng. Ông còn đích thân trồng một rừng lim xanh tốt, địa danh rừng Lim Quan Trạng còn trường tồn mãi với thời gian. Năm 1538, Trạng nguyên Lê Ích Mộc qua đời tại làng Ráng, hưởng thọ 80 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên là tấm gương sáng cho các thế hệ sau phấn đấu học tập.

 Lễ dâng hương tưởng niệm hàng năm của các đồng chí lãnh đạo huyện         
     Nhằm tôn vinh, bảo tồn các di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Lê Ích Mộc, trong nhiều năm qua, khu di tích Tưởng niệm Trạng nguyên gồm Nhà Tưởng niệm, Từ đường, Lăng mộ, đền Quảng Cư, chùa Lốt và chùa Vang luôn được gìn giữ, tôn tạo, tu bổ đã tạo thành một quần thể kiến trúc vừa có ý nghĩa tâm linh vừa mang giá trị lịch sử nhân văn sâu sắc. Hàng năm, vào ngày 14, 15 tháng 2 (Âm lịch), Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Trạng nguyên Lê Ích Mộc nhằm tưởng niệm, tri ân công lao của Trạng nguyên và khơi dậy truyền thống hiếu học, tinh thần vượt khó chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học của nhân dân Thủy Nguyên.

     Nhìn vào tấm gương Trạng nguyên Lê Ích Mộc, chúng ta tự hào về tinh thần tự học, ý chí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

     Trải qua gần 5 thế kỷ, những đóng góp của Trạng nguyên đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo; việc giảng pháp và chấn hưng Phật giáo; khuyến nông, khuyến lâm và làm thủy lợi... vẫn còn nguyên giá trị. Trạng nguyên Lê Ích Mộc mãi mãi xứng đáng là niềm tự hào, biểu tượng cho truyền thống hiếu học của nhân dân Thủy Nguyên nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung, góp phần viết nên trang sử vàng chói lọi về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.
     Một số hình ảnh hoạt động văn hóa, thể thao của khu di tích:

 

Admin

Thong ke