MIẾU TRÀNG, XÃ CỔ AM, HUYỆN VĨNH BẢO

13 03 2023

in trang

Miếu Tràng còn gọi là miếu Cây Xanh, tên gọi quen thuộc của tòa cổ miếu ở thôn Tràng Thọ, xã Cổ Am. Đây là một trong những tòa miếu đẹp đẽ bậc nhất trong số các miếu thờ trong vùng, được xây dựng trang trí đẹp bằng cả tài nghệ kỹ thuật bản năng và nguồn cảm hứng tạo nên một nét rất riêng mà ta ít gặp. Nơi đây, tôn thờ 3 nhân vật lịch sử là: Tô Hiến Thành, Tống Thái Hậu, Khổng Tử.

Tương truyền, vào thời Lý Cao Tông (1162), thái uý Tô Hiến Thành- một vị quan thanh liêm, người Đan Phượng (Hà Tây) được triều đình cử đến khu vực Cổ Am ngày nay để xem xét việc đắp đê ngăn mặn, bảo vệ sản xuất. Ông đã góp nhiều công sức xây dựng phát triển kinh tế vùng này. Về sau, dân làng nhớ ơn công đức đã lập đền thờ và phong làm Thành Hoàng tại khu vực Tràng Thọ, hiện ngai và bài vị của ngài thờ tại miếu.

Tống Thái Hậu là người phụ nữ trung liệt. Khi quân Mông Cổ sang xâm lược đất đai nhà Tổng, không chịu sống dưới gót giày của kẻ thù, bà đã cùng vua Tông nhảy xuống sông tự vẫn để bảo vệ khí tiết. Thi hài bà trôi vào cửa Càn Hải tức cử Cờn (Nghệ An), dân địa phương đã chôn cất rồi lập đền thờ. Còn mớ tóc dạt vào cửa biển Ngải Am, xứ Hải Dương. Nghe nói, sau này bà còn âm phù cho vua Trần, vua Lý thắng trận nên cả hai vua đều ban sắc phong. Vì thế, nhân dân nhiều vùng ven biển đã lập miếu thờ bà. Tại miếu Tràng dân làng dựng tượng thờ và tôn bà là Thánh Mẫu. Đức Khổng Tử xưa thờ tại Văn Chỉ, sau do nơi này hỏng nát nên đưa về thờ tại miếu.

Miếu Tràng là di tích có kiến trúc khá độc đáo. Kể từ khi xây dựng đến nay đã hơn 100 năm, tuy phủ bao lớp rêu phong cổ kính, dãi nắng, dầm mưa nhưng miếu vẫn đứng uy nghi nổi trội giữa một khu vực dân cư đông đúc, đường xá tấp nập người qua lại. Mở đầu cho tổng thể cộng trình là lớp cổng ngoài được xây dụng kiểu tam quan. Cổng giữa trang trí đắp vẽ xây cất theo lối thân cột trụ, nốc đèn lồng, nghê toạ, gắn nhiều câu đối vịnh cảnh miếu. Cổng phụ hai bên là 2 tòa 2 tầng 8 mái, đao cong mềm mại tạo sự cân đối và đẹp mắt.

Qua sân rộng và con đường lát gạch nghiêng sạch sẽ là lớp cổng trong cũng được xây cất đối xứng, gần giống như cổng ngoài tạo không gian sâu tôn nghiêm và tăng phần cổ kính nơi cổ tự. Đặc biệt, khi bước vào trong cảnh quan thật ngoạn mục. Xung quang hồ nước, cỏ cây, hoa lá cùng nhiều tác phẩm thiên tạo như: núi non bộ, sấu đá, hổ phục, voi chầu... đắp vẽ công phu, sống động. Tất cả còn nguyên vẹn, khoe mình dưới tán cây cổ thụ mấy trăm năm tuổi. Từ lâu đây đã là điểm đến của các già làng ngắm cảnh bình thơ, nơi của các học trò ôn bài đọc sách.

Ấn tượng đặc sắc và khó quên là kiến trúc chính của miếu. Tổng thể công trình liên hoàn kiểu chữ Công. Nổi bật nhất là tòa bái đường với hai khối nhà cổ 5 gian. Mặt tiền xây cất kiểu tam quan tạo thành một thể đối xứng từ ngoài vào trong; bố cục, đắp vẽ tỷ lệ hợp lý. Tất cả nghệ thuật trang trí được tập trung cao ở tòa tam quan “chồng diêm nóc các” gồm 2 tầng 8 mái đạo cong. Tòa chính cao xấp xỉ 8m. Hai tòa tả, hữu cao gần 7m.

Cấu trúc các đầu đao mái ở 2 tầng được cách điệu bởi cách thức “rồng chầu, phượng mới”, “lá guột hóa long”. Bờ nóc đắp đôi kìm chầu mặt nguyệt. Ngay đỉnh lầu giữa là tên hiệu của di tích “Tràng Thọ Linh Từ”; lầu bên tả có tên Ngọc Khánh (trong treo khánh), bên hữu có tên Kim Chung (trong treo chuông). Ba tòa lầu nối liền với nhau thành một lan can hình hoa triện viền trên 5 khối cửa vòm lớn. Vì nóc mái nhấp nhô kiểu “Trùng thềm điệp ốc” gần gũi với phong cách nhà cổ ở Hội An (Quảng Nam).

Gian hậu cung luôn đóng kín bởi lớp cửa gỗ chạm thủng hình chữ Thọ hết sức công phu, tinh tế.

Hai tòa giải vũ 10 gian còn nguyên vẹn. Nền lát gạch chỉ, cột đá vuông tạo gờ nổi. Mái lợp ngói mũi hài truyền thống tạo nên một khuôn viên khép kín hoàn chỉnh của di tích.

Nét khác biệt và độc đáo của miếu không chỉ ở kiến trúc và cảnh quan mà còn ở cả sự bài trí bên trong. Ở đây không có sự hoành tráng của các ngôi đình lớn nhưng lại giống như một tòa cung cấm của cung vua, phủ chúa đầy ắp những di vật lộng lẫy vàng son. Tất cả có gần 300 di vật, cổ vật. Đặc biệt hệ thống câu đối, ỷ ngai, bài vị, cửa võng, cuốn thư đều được chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ, không nặng nề mà rất thanh thoát. Cũng là long, là phượng nhưng long, phượng ở đây đã được hóa thân, cách điệu uyển chuyển. Đề tài chiếm đa số là phượng múa, rồng bay, rùa hàm thư, đội sách, bút nghiên và tứ quý... Hầu hết còn vẹn nguyên như thuở ban đầu (đời vua Thành Thái thứ 4-1893) và là những mảng chạm khá điển hình, nhiều sáng tạo với các hình thức chạm nổi, chạm lộng, bong kênh... Mỗi bức chạm trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc gỗ cuối thế kỷ XIX, thể hiện các ý niệm cầu mong muôn thuở của cha ông cho cuộc sống viễn dung.

Bên cạnh đó là rất nhiều đồ thờ tự, là các di vật, bộ sưu tập cổ vật rất giá trị như: đỉnh đồng, bát hương, lục bình, nậm rượu, bài vị, sắc phong... Đây thực sự là một phòng trưng bày sáng giá của nghệ thuật và kiến trúc Miếu - Đình Việt Nam.

Cùng với chùa Mét, đình Phần, miếu Tràng tạo thêm cho Cổ Am nét nên thơ, cổ kính, ghi đậm dấu ấn tài hoa của các nghệ nhân xưa đồng thời phản ánh sinh động truyền thống lịch sử, văn hóa tâm linh của một vùng quê văn hiến. Hằng năm, lễ hội của di tích diễn ra vào ngày mồng 7 tháng Giêng (âm lịch), tiết Thanh Minh. Lễ hội đình Thượng xưa kia được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 (âm lịch) nay cũng tổ chức tại khu miếu. Ngoài những lễ hội trên, ở Cổ Am còn duy trì ngày “Hội lão”, một nét đẹp văn hóa truyền thống, nhằm giữ gìn thuần phong mỹ tục của quê hương. Vào ngày này, những người con của Cổ Am đi xa, về gần tấp nập ghé thăm miếu Tràng thắp nén nhang tỏ lòng thành kính trước các bậc tiền nhân.

Với vùng đất địa linh nhân kiệt, thiên địa nhân hoà, di tích miếu Tràng (Cổ Am) lung linh huyền ảo của thế giới người xưa, gắn liền với truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học, sẽ là một địa danh, một điểm hẹn di tích văn hóa hấp dẫn của huyện Vĩnh Bảo. Miếu Tràng được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1999.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke