MIẾU THÀNH HOÀNG, XÃ PHỤC LỄ, HUYỆN THỦY NGUYÊN
21 03 2023
in trang
Miếu thờ Thành Hoàng xã Phục Lễ ngày nay là một Miếu cổ có từ lâu đời. Miếu nằm trên gò đất cao, bên bờ sông bến nước xưa, phía trước có Hồ bán nguyệt (gọi là hồ rối) nay không còn nữa. Phía sau có hồ nước ngọt nơi dân làng lấy nước để ăn, uống, miếu còn là nơi đắc địa, có nhiều cây cổ thụ như cây gạo cao mấy chục mét toả bóng mát. Cây duối đôi, hàng chục cây gỗ lim xanh kéo dài suốt theo chiều dọc của Miếu. Những bụm tre Tràng Ngà xen trùm thẳng tắp, cây ăn quả toả bóng mát xum xuê quanh năm, tạo cho cảnh vật linh thiêng, thần bí.
Miếu được xây dựng từ lâu, trước còn nhỏ bé, được tạo dựng lại vào đầu thế kỷ thứ 18. (Đời vua Lê Dụ Tông -niên hiệu Vĩnh Thịnh 1711) có nhà bái đường 5 gian bằng gỗ lim, phía sau có hậu cung thờ Thần. Hai bên đầu sân có nhà giải văn, giải vũ, mỗi nhà 3 gian sân rộng để làm Lễ tế. Cấu trúc văn hoá đời Trần - Lê với trên 300 năm, thời gian làm phong hoá dần, đã bị hư hỏng nhiều. Chính quyền và nhân địa phương (các thời kỳ) đã nhiều lần quyên góp, công đức tiền của tu bổ phục dựng lại và giữ gìn còn được tới như ngày nay.
Từ cổ xưa miếu thờ 3 vị Thành Hoàng đều có sắc phong của các triều đại nhà vua: Thần Quý Minh Đại Vương (họ Cao tên Tuấn chữ là Quý Minh) - một tướng giỏi của đời vua Hùng Vương thứ 18, đã đóng quân, đánh giặc và mở hội mừng công trên mảnh đất này và đặt tên "Trang Dụ Lễ" cho quê hương Tổng Phục Lễ ngày nay. Thần Trần Hộ và Trần Độ - hai ông là người Châu Ái, Thanh Hóa - hai ông đều văn võ toàn tài, làm quan thời Trần, khi quân Nguyên vào xâm lược nước ta lần thứ 3 (1288) cả hai người đã tuyển quân giúp Trần Hưng Đạo tham gia trận phục kích đoàn thuyền rút chạy của Ô Mã Nhi ở sông Bạch Đằng. Thần Phạm Tử Nghi - tướng quân đời nhà Mạc, trước năm 1955 thờ tại Miếu ba xã (Nơi đồng Miếu Ngói - Cái Thờ hiện nay) do 3 xã Phục - Phả - Lập thờ cúng.
Tới năm 1955 bão lụt, Miếu bị đổ nát, nhân dân xã Phục Lễ đã rước bài vị ngài về thờ chung tại Miếu Thành Hoàng Làng. Trong Miếu thờ hiện nay còn đầy đủ các đồ thờ cúng tôn nghiêm các bản sắc phong thần của các triều vua như: Long ngai bài vị các thần, bát biểu, giáp kích, tàu lọng, nhang án... cùng các bức đại tự câu đối từ xưa; Một bức đại tự treo phía trên các bài vị (trong hậu cung) đề 4 chữ "Vạn Cổ Anh Linh". Một bức đại tự trên giữa hậu cung (nơi để hòm sắc phong) đề hai chữ "Lịch Phong". Một bức đại tự treo trước cửa Long Cung đề 4 chữ "Thượng Đẳng Tôn Thần". Một bức đại tự treo chính giữa (Phía trong 5 gian bái đường) đề 4 chữ "Tam Linh Hiệp Quyến". Bức này do hiếu nghĩa môn tứ tài Phạm Hữu Chí ở thôn Nam cúng tiến đời Duy Tân 1912. Một đôi câu đối treo trước cửa long cung với 2 vế: "Anh Linh Thiên Cổ Tại - Phát Phúc Vạn Niên Trường".
Thần tích Thánh Quý Minh Đại Vương: Theo tài liệu trên bia đá viết bằng chữ Hán, còn lưu giữ tại Đình Làng Đoan Lễ (Xã Tam Hưng). Qua tham khảo lịch sử huyện Thuỷ Nguyên - Bách Khoa Thư Hải Phòng, cùng truyện Lưu Ngôn các cụ xưa và bia ghi tại chùa Phục Lễ - vào đời Vua Hùng Vương thứ 18 (257 - 207 trước Công Nguyên) có một người họ Cao tên Tuấn (Tự là Quý Minh) là Quốc Vương thứ 2 ở núi Tản Viên là một trong tám tướng giỏi của đời Vua Hùng thứ 18. Thời đó có Thục Phán (tức An Dương Vương), đem quân đánh Vua Hùng Duệ Vương để cướp ngôi. Hùng Duệ Vương đã chạy về Trang Dãng Động (xã Minh Tân ngày nay). Thần Quý Minh đã đem 3 vạn quân phò tá Vua Hùng thần đã về đóng quân tại bãi đất ven sông Bạch Đằng (Tức vùng đất ở Tổng Phục Lễ ngày nay) lúc bấy giờ chỉ là xóm chài nhỏ chưa có tên. Từ đất này thần đã đem quân đi đánh quân Thục trên sông Thiên Đức (tức sông Đuống) và tại sông Vân Cừ (tức sông Bạch Đằng ngày nay). Quân Thục thua chạy - Thần đã mở hội mừng công tại đây và gọi dân làng tới dự ban thưởng cho 5 quan tiền và đặt tên cho xóm chài nơi đây là Trang Dụ Lễ (sau đó: vùng đất này thành xã Dụ Lễ là Tổng Dụ Lễ trên Chùa bia đá còn nghi rõ rồi là Tổng Phục Lễ gồm các làng Phục - Phả - Lập - Du - Nghi - Đoan như ngày nay). Đánh giặc xong Thần xin Vua về nghỉ tại quê nhà rồi hoá thân ở đó, mộ Ngài đặt trên núi Ngọc Chúc tỉnh Phú Thọ. Nhà Vua thương cảm nên đã chiếu chỉ cho các trang ấp nơi thần từng đến đóng quân, đánh giặc lập đền thờ phụng và ban cho mỗi nơi 300 quan tiền để tế lễ hàng năm. Vua phong cho Thần tước vị "Thượng Đẳng Phúc Thần Quý Minh Đại Vương".
Thần tích thần Phổ Hộ, Phổ Độ: Vua Thành Thái năm thứ nhất phong vào tháng 11 ngày 18 năm 1889 tỉnh Hải Dương có nội dung sắc phong "Phổ Hộ rực bảo trung hưng linh phù chư thần". Vua Khải Định năm thứ 9 phong tháng 7 ngày 25 năm 1925 "Đại Vương Tôn Thần Rực Bảo Trung Hưng Linh Phù Phổ Hộ Đại Vương Tôn thần tỉnh Kiến An". Phổ Độ được Vua Khải Định năm thứ 9 phong tháng 7 ngày 25 năm 1925 "Rực Bảo Trung Hưng Linh Phù Phổ Độ Đại Vương Tôn Thần"; Vua Thành Thái năm thứ nhất phong tháng 11 ngày 18 năm 1889, nội dung như sau: "Rực bảo trung hưng linh phù Phổ Độ đại vương tôn thần"
Thần tích ngài Phạm Tử Nghi: Ngài Phạm Tử Nghi người làng Đôn Niệm xã Niệm Nghĩa (Quận Lê Chân Hải Phòng). Ngài có công huy động nhân dân đắp đê ngăn mặn trên sông Lạch Tray. Nay là đường Thiên Lôi, quận Lê Chân - Hải Phòng. Là người văn võ song tài ra giúp nhà Mạc (Từ năm 1527 đến năm 1592) lập được nhiều công lao. Ngài được phong chức Đô úy rồi Thái úy được giao trấn giữ vùng Duyên Hải. Năm 1546 do bất bình với triều đình về việc truyền ngôi kế vị của nhà Mạc ngài đã phò tá Thái Tử (Con thứ Vua Mạc Đăng Dung) đem quân ra giữ vùng An Quảng (tức Quảng Yên ngày nay) rồi sang sứ Thanh Viễn (tức Quảng Đông Trung Quốc). Vua nhà Minh Trung Quốc buộc phải chấp nhận để quân ngài cư trú, còn phong chức tước cho ngài cùng trấn thủ vùng Quảng Đông và vùng An Quảng (Quảng Ninh ngày nay). Sau ngài bị nhà Minh sát hại, quan quân đã đưa thi hài ngài về quê (xã Vĩnh Niệm ngày nay) để mai táng. Trên đường về bằng Đường Thủy có đi qua đoạn sông ba xã (Phục - Phả - Lập) đã dừng lại nghỉ ở khu Đượng Cao ven sông tại khu đồng Cái thờ Miếu Ngói (xóm Nam bây giờ). Nhân dân Phục Lễ, Phả Lễ kính trọng ngài đã đem lễ vật ra úy nạo quan quân và cùng tế ngài. Sau đó lập miếu để thờ vọng ngài tại đó. Tới thời vua Khải Định 1911- 1925 nhân dân 3 xã (Phục - Phả - Lập) đã quyên góp công của tạo dựng thành Miếu lớn: Nhà gỗ lim 3 gian bái đường và một gian hậu cung khang trang tôn kính. Xung quanh cây cối xanh tươi rậm rạp, tạo nên cảnh thiên nhiên linh ứng. Từ đó, cứ sau ngày kết thúc lễ tế ở Miếu Thành Hoàng ngày mồng 6 thì ngày mồng 7 tháng Chạp chức dịch và nhân dân 3 xã lại xuống Miếu để tế lễ Ngài. Xong đó các xã mới giã đám. Miếu 3 xã hiện nay không còn nữa. Trận bão lụt 1955 đã làm đổ nát nền đất nơi đó đã được gạt thành ruộng. Long Ngai, Bài vị ngài đã được chính quyền và nhân dân xã Phục Lễ rước về miếu Thành Hoàng cùng thờ chung như hiện nay. Đời vua Khải Định năm thứ 9 phong ký ngày 25 tháng 7 năm 1925 "Rực Bảo Trung Hưng - Linh Phù Tôn Thần, Nam Dương Đông Nguyên Súy - Kiến Lưỡng Quốc Tiết Chế Thủy Lục các xứ Phụ Mão Đô úy, Thái úy". Đền thờ chính của ngài hiện nay tại làng Đôn Niệm xã Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, Hải Phòng.
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn,cùng đạo lý đền ơn đáp nghĩa mà tục lệ bao đời nay ông cha ta để lại, với tấm lòng tôn kính thờ phụng Thành Hoàng là những thần hộ mệnh của làng xã, mong được sự che trở phù hộ để dân xã luôn được an khang hạnh phúc. Từ xa xưa đã thành tục lệ, hàng năm cứ từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 6 tháng Chạp, chính quyền làng Tổng cùng các chức dịch, các dòng họ địa phương, tổ chức lễ hội dâng hương Thành Hoàng (Tế lễ, tri ân, nghinh dâng phẩm vật) cầu mong Thành Hoàng phù hộ cho năm tới làm ăn phát đạt, bình an no đủ hơn... Trải qua mấy chục năm (từ 1953 tới mấy năm gần đây) do xã hội có nhiều thay đổi, cùng với chiến tranh kéo dài, kinh tế khó khăn nên việc phục hồi phong tục ý thức tâm linh và văn hóa truyền thống quê hương còn bị sao nhãng.
Ngày nay được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã. Ban quản lý DTLSVH xã Phục Lễ tổ chức ngày lễ vào một ngày mùng 1 tháng chạp hàng năm.
Thành đoàn Hải Phòng