Miếu Phương Mỹ, xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên

04 01 2024

in trang

Miếu Phương Mỹ là một di tích kiến trúc nghệ thuật cổ, là công trình tưởng niệm được dựng trên một cù lao nhỏ nằm ở phía Đông thôn.


DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA MIẾU PHƯƠNG MỸ

XÃ MỸ ĐỒNG – THỦY NGUYÊN – HẢI PHÒNG

 

Miếu Phương Mỹ là một di tích kiến trúc nghệ thuật cổ, là công trình tưởng niệm được dựng trên một cù lao nhỏ nằm ở phía Đông thôn. Cù lao mang dáng dấp một bán đảo nhỏ hình mui rùa nổi giữa đầm Đông vết tích của dòng sông cổ. Không gian của di tích được tách khỏi không khí ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống đời thường, tĩnh mịch thâm u nhưng không quá xa cách và cô tịch. Công trình kiến trúc vẫn giữ được những đường nét cổ kính thấp thoáng dưới tán cây cổ thụ xanh um càng tăng thêm vẻ huyền bí của chốn linh thiêng. Cỏ cây, sông nước và cảnh quan thiên nhiên góp phần tô điểm cho kiến trúc và giữa chúng như hòa quyện vào nhau bổ sung cho nhau thành một thực thể hoàn chỉnh.

Miếu quay hướng Đông, bố cục kiểu hình chữ đinh đơn giản gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Miếu là một công trình kiến trúc vừa phải “Nho nhỏ xinh xinh” xa xa ngọn núi Sơn đào chạy chắn ngang như một bức tường thành của thiên nhiên che chở cho di tích và bốn mặt là đầm nước xanh trong in bóng công trình.

Miếu Phương Mỹ (miếu Đông) là nơi thờ đức Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi – một danh tường triều Mạc (1527-1677). Tương truyền ba vị Phạm Quảng, Quý Minh và Phạm Tử Nghi, xưa kia được thờ riêng ở các miếu Bắc, Tây và Đông của làng. Trong cuộc khánh chiến chống thực dân pháp xâm lược và quá trình phong sương vũ lộ của thời gian, Đình làng bị phá dỡ, các ngôi miếu trong làng bị hư hỏng, đổ nát nhân dân địa phương nghinh rước thờ 3 vị tại miếu Đông.

Đôi nét về tiểu sử, sự nghiệp thân thế của Đức thánh Quý Minh Đại Vương, Đức thánh Nam Hải Đại Vương:

- Quý Minh Đại Vương là một vị thần được tôn thờ ở nhiều nơi trên đất nước ta, về tiểu sử của ngài có nhiều dị bản khác nhau, gia thế và công trạng của ngài là anh em kết nghĩa với Cao Sơn đại vương và Tản Viên sơn thánh, cả ba vị đều là dũng tướng tài ba của vua Hùng Duệ vương (thứ 18) có công chống lại cuộc xâm lăng của Thục Phán, bảo vệ nhà nước Văn Lang chống lại cuộc xâm lăng của Thục Phán, vào trước năm Vĩnh Hựu thứ 3(1737) nói rõ hơn về ngài :…lại nói thời bấy giờ vua nước Thục (một nước láng giềng của Văn Lang) nghe tin Hùng Duệ Vương tuổi đã già, 20 hoàng tử đều vui cảnh non tiên, không người thừa kế, ý muốn đem quân đánh chiếm nước Văn Lang…Vua Duệ vương  Lấy Linh quang thần mỏ trao cho Quý Minh, Lĩnh đem ba vạn quân Thục 50 dặm, ông cho nổi trống khiêu chiến. Quân Thục nghe thấy liền xuất 30 vạn binh mã trong thành lại đánh, ông giả thua lui về Hồng Châu thuộc phủ Kinh Môn, lập doanh trại làm nơi đóng quân. Khi trận địa đã hoàn thành nhử quân Thục đuổi theo, lọt vào ổ phục kích, phục binh của ta đổ ra chắn đánh, quân Thục đại bại. Như vậy vùng đất Nhân Lý, Phương Mỹ hiện nay đã từng là nơi đóng quân của quân đội nhà Hùng, dưới sự chỉ huy của Qúy Minh đại vương. Khi ông mất “Nhân dân bản trang nhớ công đức bèn lập Từ thờ phụng và làm biểu tấu với triều đình. Vua vô cùng thương tiếc bậc công thần liền truyền cho các trang cung lập đền thờ phụng và ban cho bản trang (Nhân Lý) 330 quan tiền để sửa lễ xuân thu Quốc tế. Ban phong mỹ tự là Thượng đẳng phúc thần, Quý minh đại vương, chuẩn cho dân trang Nhân Lý, huyện Thủy Nguyên đường, phủ Kinh Môn là đệ lục cung chính sổ hương hỏa phụng thờ mãi mãi” và ông được coi là thần chủ của vùng đất Cao Nhân, Mỹ Đồng hiện nay.

- Nam Hải đại vương: Đức thánh nguyên là người làng Vĩnh Niệm, tổng An Dương, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Ngài họ Phạm tên húy là Thành, tên chữ là Tử Nghi, tương truyền ngài là trang kiệt tướng có sức khỏe phi thường, do hăng hái luyện tập võ nghệ. Khi trưởng thành phò giúp vua mạc với ý chí “Muốn đem người, ngựa, quân lính dưới quyền, tiến lên thu phục lại đất cũ của nước nhà để rửa cái hổ thẹn năm xưa. Ông làm quan tới chức thái úy, tước tứ đương hầu đáng tiếc rằng, sự giành giật quyền lợi và uy danh giữa những tập đoàn phong kiến đương thời, kể cả nội bộ vương triều Mạc sau khi Phúc Hải con cả Mạc Đăng Doanh chết năm Nguyên Hòa thứ 14 (1546). Phạm Tử Nghi đã không thực hiện được ý chí một cách chọn vẹn. Trong chiến dịch nhằm phá tan mưu đồ xâm lấn biên giới nước Việt của nhà Minh. Do không kiềm chế nổi quân của Phạm Tử Nghi, nhà minh đã hèn hạ lập kế hòa hoãn, rồi sát hại ông. Sau khi Phạm Tử Nghi mất, tương truyền ông rất linh ứng. Người Trung Quốc sợ hãi cho làm một hòn đá trong quan, ngoài quách đặt thủ cấp của ngài vào trong, rồi lấy công hầu mà tế đưa, phong cho ngài là Thượng đẳng thần của hai nước. Lại đặt cho hòn đá đó lên một cái bè nhỏ mà thả xuống dòng nước. Khi ấy Bắc triều là minh Vạn lịch (Qúy Dậu 1573). Các làng ở ven sông nơi bè chở quan tài ông đi qua nhân dân đều lập miếu thờ, quanh năm cúng tế. Phương Mỹ năm bên Trúc sông Trúc một chi lưu của sông Giá, tục truyền khi quan tài Phạm Tử Nghi trôi đến, một mảnh quách đá bị vỡ, dạt vào địa phận làng, chỗ khu vực miếu Đông thì dừng lại. Dân chúng địa phương vớt hòn đá đó lên và cho lập miếu thờ (Miếu đông) đến nay hòn đá vẫn còn.

Năm 1992 Miếu Phương Mỹ được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận cấp Bằng di tích lịch văn hóa cấp Quốc gia, trải qua năm tháng thăng trầm của lịch sử, mặc dù Ngôi Miếu cũng đã được tu bổ, nâng cấp nhiểu lần, song đến nay đã bị xuống cấp.

Thể theo nguyện vọng của Nhân dân, năm 2014 UBND xã Mỹ Đồng, Ban quản lý các di tích lịch sử, Hội đồng làng, Ban di tích Đình, Miếu Phương Mỹ khởi công xây dựng phục hưng Ngôi Đình phần đất nằm ngay cạnh Miếu Phương Mỹ, khu vực này trở thành quần thể di tích lịch sử Đình và Miếu Phương Mỹ xã Mỹ Đồng. Năm 2017 Ngôi đình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí 7,3 tỷ đồng. Sau khi Ngôi đình hoàn thiện, Ban quản lý các di tích lịch sử, Hội đồng làng, Ban di tích Đình, Miếu Phương Mỹ cùng Nhân dân nghinh rước Tam vị Đại Vương thờ tại Ngôi Đình mới và ngôi Miếu hiện tại thờ phiến đá thạch hiện thân Đức thánh Phạm Tử Nghi.

Hàng năm vào ngày 18 tháng giêng âm lịch, Ban quản lý các di tích lịch sử, Hội đồng làng, Ban di tích Đình, Miếu Phương Mỹ cùng Nhân dân trong làng tổ chức lễ hội truyền thống để ghi nhớ công lao to lớn của Đức Thánh Tam vị Đại Vương. Lễ hội được tổ chức trang trọng trong quần thể di tích Đình và Miếu Phương Mỹ. Việc tổ chức lễ hội là để nhân dân địa phương luôn phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn” đã được nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là đặc trưng văn hóa của người Việt Nam nói chung - Nhân dân làng văn hóa Phương Mỹ nói riêng./.

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke