MIẾU NGÀ, THÔN LIỄU KINH, XÃ VIỆT TIẾN, HUYỆN VĨNH BẢO

17 03 2023

in trang

Miếu Ngà thuộc thôn Liễu Kinh, xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo. Đây là một làng cổ, tên gọi là Kênh Trang. Đến thời Lê, được đổi thành Liễu Kinh, tên nôm là Làng Ngà. Tên Ngà còn được gắn với các công trình văn hóa, tín ngưỡng ở địa phương như: chợ Ngà, chùa Ngà, miếu Ngà.

Miếu Ngà là công trình kiến trúc cổ được nhâ dân xây dựng để tôn thờ Nguyễn Chính – nhân vật lịch sử thời Trần (thế kỷ XIII). Theo thần phả địa phương: nơi công trình tọa lạc trước kia là chốn quân doanh của vị Thành Hoàng họ Nguyễn. Về lai lịch và công lao của ông, thần phả cho biết: Nguyễn Chính quê ở đạo Kinh Bắc, có nhiều gắn bó với Trang Kênh. Từ nhỏ được học hành, lớn lên là người nổi tiếng văn võ toàn tài. Khi vua Trần Thánh Tông (1258-1278) mở khoa thi tìm người hiền tài giúp nước, ông trảy kinh ứng thi và được bổ nhiệm chức “Từ Hàn”, giúp việc Triều Đình. Lúc làm quan ở Hồng Châu (vùng Hải Dương, Hải Phòng ngày nay), ông cho lập hành cung ở Trang Kênh. Trong trận hành chiến trên sông Bạch Dằngdo Quốc Công tiết chế Trần Hưng Đạo chỉ huy chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ III (1278-1288), Nguyễn Chính cùng với một số tướng khác ở khu vực Vĩnh Bảo như: Hoa Duy Thành, Vũ Đăng Dũng, Lương Toàn… lập nhiều công lao đánh tan quân giặc. Sau chiến thắng Bạch Đằng, Nguyễn Chính được nhà vua ban thưởng và phong thêm chức tước. Ông trở về Trang Kênh xây dựng xóm làng. Sau khi ông mất, nhân dân địa phương ghi nhớ công ơn, lập miếu thờ phụng đến ngày nay.

Miếu Ngà được xây dựng khá sớm, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Mặt tiền quay hướng Bắc. Phía trước xưa kia có dòng sông Giếc được đào từ thời nhà Mạc chảy qua, nay là hồ rộng, nước trong veo. Theo thuyết phong thủy, đó là nơi tụ thủy, kết phúc của làng. Kiến trúc miếu trước đây theo miêu tả của các bậc cao niên địa phương cho thấy, đây là một công trình kiến trúc khá đồ sộ. Tất cả gồm 13 gian (5 gian cung  ngoài, 5 gian cung trong và 3 gian cung cấm), từng được suy tôn là một trong những cõi linh nổi tiếng của vùng Vĩnh Lại xưa (Vĩnh Bảo ngày nay). Trong những năm kháng chiến chống Pháp, miếu là chỗ dừng chân, che chở cán bộ hoạt động bí mật, là địa điểm làm việc của Ủy ban kháng chiến địa phương. Có thời kì là nơi đóng quân của các đơn vị bộ đội chủ lực… Cũng vì trở thành cơ sở kháng chiến như vậy mà 2 tòa miếu trong và miếu ngoài bị giặc Pháp phá hủy hoàn toàn, chỉ lưu lại nền móng nhấp nhô, ghi dấu quy mô xưa của công trình.

Miếu Ngà hiện nay có diện tích khá rộng, cảnh quan thoáng đẹp, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian cung cấm tạo thành bố cục kiểu chữ Đinh. Tòa bái đường mới được địa phuong tu bổ, tôn tạo năm 2008 bề thế và vững chắc. Mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp vẽ theo đúng khuôn thước trang trí trên các công trình văn hóa cổ. Tại đây bài trí đồ thờ cùng các bức cuốn thư, câu đối, nhang án, khám thờ, kiệu rước,… sơn son thếp vàng rực rỡ tỏ lòng thành kính đức Thành Hoàng và uy linh nơi thờ tự. Tieu biểu phải kể đến một số di vật như khám thờ (niên đại đầu thế kỷ XIX) được thể hiện như một ngôi lầu nhỏ, tạo dáng “chân quỳ dạ cá”, diềm quanh chân chạm “lưỡng long chầu hổ phù”, “phượng hàm thư”: viền của là những vách gỗ cong gồm 2 lớp chạm thủng “lão trúc, lão lựu hóa long”, “rùa đội lá sen”, cuốn thư, tứ quý… Thứ hai phải kể đến là nhang án tiền, mặt ngoài chạm khắc long mã tinh xảo đồ án “phượng hàm thư”, “long mã hý cầu”, “hổ ngậm chữ thọ”, “hoa cúc mãn khai”… Tiếp theo là bức cuốn thư treo tại gian giữa tòa tiền đường, tạo hình cuốn sách mở, hai đầu cuộn tròn như ống quyển, chính giữa đắp nổi bài minh gồm 37 chữ Hán. Nền hai bên trang trí hoa văn liếp đan và cánh sen dẹo. Đỉnh trán chạm thủng “lưỡng long chầu hoa cúc mãn khai”, “lão cúc hóa rồng”. Đội cuốn thư là hổ phù ngậm cữ Thọ.

Cung trong, nơi an tọa của thần vị đặt 2 bộ long ngai và bài vị được làm giống hệt nhau. Thân ngai được tạo bởi tay ngai cong hình cánh cung, hai bên tạo đầu rồng. Nối tay ngai với mặt đế là những chấn song con tiện thể hiện những chân rồng uốn quanh. Lưng quai là vách gỗ cong hình lòng thuyền chạm thủng “lưỡng long chầu nguyệt”, “phượng múa”, “long mã”, “rùa đội lá sen”. Đế 3 tầng lầm kiểu “chân quỳ dạ cá”. Bài vị đặt trong làm kiểu đế trụ đấu thắt giữa, thân 2 diềm tạo đao lửa, giữa khắc chữ “Đương cảnh Thành Hoàng Chính Tín cư sĩ Đại vương”. Tại đây, còn đôi chóe (niên đại thế kỉ XVIII) thân phình, dáng quả bồng, có 4 tai hình hổ phù, men lam, trang trí long phượng, hoa cúc, điệp chữn “phượng vĩ thanh mỹ”. Đây là những hiện vật hết sức có giá trị minh chứng cho ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các thế hệ người dân địa phương.

Ngoài công trình kiến trúc chính, khu miếu còn có các công trình mới được xây dựng như nhà khách, hồ nước, tam quan,… tạo nên một không gian đẹp, liên hoàn hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên của một vùng quê thanh bình, yên ả.

Lễ tiết hàng năm tại miếu gồm các ngày: sinh nhật Tướng công (10/9 âm lịch): ngày hóa (12/3 âm lịch): ngày khánh hạ (12/12 âm lịch). Song, hội chính được tổ chức vào 3 ngày (từ 10 tháng 3 đến hết ngày 12 tháng 3 âm lịch). Trong suốt những ngày này, dân làng tổ chức nghi thức tế thần, có rước kiệu. Trai làng được tuyển chọn vào phụng nghinh phải chay tịnh, không vướng tang trở. Trang phục đội rước đồng nhất, con trai quần trắng, áo nâu; con gái vấn khăn đuôi gà màu đỏ, mặc áo tứ thân; các cụ cao tuổi đội khăn xếp, áo chùng lương. Đám rước nghi vệ Thành Hoàng là một tập âm thanh của nhạc cụ dân tộc: nhị hồ, sáo, chiêng, trống, tù và mang màu sắc riêng biệt của một làng quê nông nghiệp có nguồn gốc từ lâu đời. Xưa hội còn tổ chức khảo văn thi thơ, hát đối, hát ví, đấu quyền, đấu vật. Không khí rộn ràng, náo nhiệt của hội làng đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong trí nhớ của nhân dân hàng xã, hàng tổng với những câu truyền miệng “trai Ngà gái Đợn” nổi tiếng một thời.

Trải qua bao năm tháng, ngôi miếu cùng những phong tục hội hè đã đi vào đời sống tâm linh, trở thành một nét đẹp văn hóa rất riêng của quê hương Việt Tiến. Đến tham quan nơi đây, chúng ta càng thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về quê hương, về các di sản văn hóa mà cha ông ta đã làm nên, để lại cho con cháu muôn đời mai sau.

Từ những giá trị nêu trên, di tích miếu Ngà đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 3211/QĐ-BT ngày 12/12/1994.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke