MIẾU LƯƠNG QUY, THÔN LƯƠNG QUY, XÃ LÊ LỢI, HUYỆN AN DƯƠNG

25 10 2023

in trang

Miếu Lương Quy thuộc thôn Lương Quy, xã Lê Lợi. Tên gọi ngôi miếu mang ngay tên địa danh làng Lương Quy, nơi cộng đồng dân cư đã xây dựng lên nó. Miếu Lương Quy được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2004.


Miếu Lương Quy thuộc thôn Lương Quy, xã Lê Lợi. Tên gọi ngôi miếu mang ngay tên địa danh làng Lương Quy, nơi cộng đồng dân cư đã xây dựng lên nó. Miếu Lương Quy được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2004.

Từ trung tâm thành phố Hải Phòng theo tuyến đường phố khác nhau, du khách đi về thị trấn An Dương, huyện An Dương. Từ đây theo đường Quốc lộ 17B xuôi về phía Tây Nam của huyện, đi khoảng 5 km, nhìn về phía bên trái thấy cổng làng văn hóa Lương Quy, qua cổng một đoạn đường ngắn là đến di tích cần tìm. Hoặc đi từ điểm cầu Trạm Bạc bắc qua sông Lạch Tray rẽ về phía huyện An Dương, theo Quốc lộ 17B khoảng 4 km, nhìn bên phải đường thấy cổng làng Lương Quy, qua cổng một đoạn đường ngắn là đến di tích. Du khách có thể đến Ủy ban nhân dân xã Lê Lợi (UBND xã Lê Lợi nằm bên Quốc lộ 17B), từ đây hỏi thăm về di tích, chúng ta sẽ được chỉ dẫn tới miếu Lương Quy. 

Miếu Lương Quy tọa lạc ở xóm Ngoài của làng và nằm bên trục đường liên xã. Hệ thống giao thông từ các ngả đường về miếu Lương Quy đều thuận tiện, dễ dàng bằng các phương tiện cơ giới và thô sơ.

Lương Quy (良規), theo Hán tự nghĩa là quê hương có nếp sống khuôn phép, tốt đẹp. Lương Quy là vùng đất cổ, hình thành trang ấp từ trước khi đất nước Vạn Xuân ra đời, tức là trước năm 544. Bởi trong cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, năm 542, ấp Lương Quy đã có hai chị em Ngài Hoàng Thị Lãng và Hoàng Công Thanh tham gia cuộc khởi nghĩa giải phóng đất nước do Lý Bí lãnh đạo, sau này là hai vị Thành hoàng làng Lương Quy.

Miếu Lương Quy thờ hai vị Thành hoàng làng, Hoàng Thị Lãng và Hoàng Công Thanh là hai chị em người quê hương Lương Quy. Ngôi miếu như một tượng đài tưởng niệm vị chiến tướng Hoàng Công Thanh - người có công với dân, với nước.

Cùng với ngôi miếu đình làng Lương Quy thờ vị liệt nữ Hoàng Thị Lãng, bà tuy không là nữ tướng nơi chiến tuyến, nhưng bà Hoàng Thị Lãng là một nữ tướng nơi hậu phương, công sức, tiền của do bà đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước được vua ghi công, nhân dân nhớ ơn phụng thờ. Làng Lương Quy với sự nghiệp của hai vị Thành hoàng là hai chị em đã đánh dấu những đóng góp to lớn của nhân dân An Dương trong giai đoạn lịch sử hình thành và xây dựng đất nước Vạn Xuân, một nhà nước ra đời rất sớm của dân tộc Việt Nam.

Miếu Lương Quy được khởi dựng từ thế kỷ VI, tức là sau khi ông Hoàng Thanh mất. Trước năm 1945, miếu Lương Quy có mặt bằng kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh gồm 5 gian tiền bái, 3 gian trung đường và 3 gian hậu cung. Toàn bộ móng miếu được xây bằng đá xanh tự nhiên. Miếu có sân, vườn, có hồ rộng tới 1 mẫu Bắc Bộ. Do biến đổi thăng trầm của lịch sử, năm 1957, miếu bị dỡ ba gian trung đường lấy gỗ làm cột truyền thanh cho xã, năm 1971, miếu bị dỡ tiếp 5 gian tiền bái, sau đó dỡ tiếp cả hậu cung lấy vật liệu xây trường cấp 2 của xã. Thần tượng và khám thờ chuyển về chùa. Năm 1982, một số người dân địa phương đã xây dựng một gian hậu cung miếu trên nền đất cũ. Từng bước theo thời gian, đến năm 2010 và đến nay đã xây dựng ngôi miếu khang trang, to đẹp.

Miếu Lương Quy hiện nay tuy gọi là miếu, nhưng là một công trình kiến trúc có kích thước khá to lớn và bề thế. Miếu có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ nhị, 5 gian tiền bái, 3 gian hậu cung và cũng là cung cấm. Trên các cấu kiện kiến trúc như: thuận, đầu xà, đầu kẻ, câu đầu... đều được trang trí đắp đề tài truyền thống lá guột. Các đấu kê thuận, trụ trốn, được đắp hoa văn hoa sen cách điệu. Hệ thống các bộ vì của tòa tiền bái miếu được liên kết chặt với nhau qua hệ thống xà thượng, xà hạ, xà lòng chắc khỏe, các xà đều tạo dáng vỏ măng trông khá thuận mắt. Từ tòa tiền bái vào tòa hậu cung là thiên tỉnh (giếng trời), nhưng ở miếu Lương Quy đã sáng tạo thành một khoảng nội thất rộng, mái được đổ bê tông. Tòa hậu cung ba gian, hệ thống khung chịu lực làm bằng bê tông cốt sắt, gồm bộ vì, vì ba hàng chân cột, kiểu xà đinh trốn hàng cột cái trước, cột quân nằm trong tường bao che. Hai bộ vì hồi nằm trong tường hồi, được đắp nổi nửa phần khung vì ra mặt tường. Các bộ vì cấu trúc đơn giản, trên cấu kiện đắp trang trí lá lật, mang tính điểm xuyết.

Miếu Lương Quy trải qua thăng trầm của lịch sử, binh lửa chiến tranh, nhưng đến nay vẫn bảo tồn được khá nhiều cổ vật, tư liệu có giá trị về lịch sử, mỹ thuật. Miếu Lương Quy là công trình kiến trúc tuy làm bằng vật liệu mới, nhưng vẫn thể hiện được phong cách kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke