MIẾU LÁC, THÔN QUÝ XUYÊN NỘI, XÃ GIANG BIÊN, HUYỆN VĨNH BẢO

17 03 2023

in trang

Từ Trung tâm huyện Vĩnh Bảo, theo quốc lộ 10 khoảng 7km về phía Đông, tới sát chân cầu Quý Cao, rẽ tay phải khoảng 500m ta bắt gặp ngôi miếu cổ có tên gọi miếu Lác, thuộc thôn Quý Xuyên Nội, xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo. Miếu nằm ngoài đê, soi mình xuống dòng sông Luộc quanh năm nước chảy hiền hòa.

Tương truyền, nơi đây chính là địa điểm dân làng Quý Xuyên tục gọi là làng Lác đã an táng Thành Hoàng và các tướng tâm phúc của ông. Căn cứ vào Bức Bình Phong những nguồn tư liệu như: văn bia, câu đối, đại tự, sắc phong do dân làng lưu giữ, sao lại năm Gia Long thứ 3 (1804), trong di tích cho biết:  

Lương Toàn sinh ngày 12 tháng 8 năm Bính Ngọ tại làng Dậu Xuyên huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng (tức xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo ngày nay).

Bố tên Bảo, mẹ là Trần Thị Huyền. Thuở nhỏ, được cha mẹ cho ăn học, tinh thông chữ nghĩa, tài đức vẹn toàn. Niên hiệu Trùng Hưng (1285) tướng giặc Ô Mã Nhi lại xâm chiếm bờ cõi nước ta. Vua Trần xa giả tiến quân đi đánh giặc Nguyên. Trên đường tiền đánh đại bản doanh giặc ở mạn sông Bạch Đằng, nghe nghĩa khí Lương Toàn nên trọng dụng, phong cho Lương Toàn chức Điển Hộ Quân, chu cấp binh, lương, đợi lệnh triều đình cất quân ra trận. Lương Toàn còn tự xuất của cải, vàng, bạc của nhà để chỉ dùng việc binh lương, lại mộ thêm 15 người ở bản trang làm gia thần cùng vua Trần xung trận. Khi cuộc kháng chiến thắng lợi, vua Trần xa giá hồi triều, khao thưởng quân sĩ. Lương Toàn được gia phong chức Thống lĩnh thuỷ bộ Chư Dinh Tổng Quản Nội, Ngoại Bình Chương Quân Vụ. Lương Toàn xin vua về bản quán (tức Dậu Xuyên Nội khu) lễ tạ tiên đường, phần mộ tổ tiên. Khi về đến bến sông quê nhà, bỗng trời mưa to gió lớn, sóng đánh ngập bờ, hết thảy thuyền bè đều bị đắm. Ông cùng các tướng lĩnh mất tại đó. Dân làng bèn rước thi hài ông về mai táng, biểu tâu triều đình. Vua Trần thương tiếc vị công thần, truy phong chức Đại nguyên soái, chuẩn y cho nội khu trang Dậu Xuyên hương hoả, phụng thờ.

Miếu Lác là hiện thân của một công trình kiến trúc cổ, được xây dựng từ lâu đời và luôn luôn được nhân dân địa phương đầu tư công sức, tiền của để bảo vệ, trùng tu ngày thêm khang trang, đẹp đẽ. Không gian miếu thoáng rộng, có nhiều cây cổ thụ quanh năm toả bóng, làm chốn cổ miếu thêm linh thiêng, huyền ảo. Ngay trước sân miếu là trác môn lớn. Hai bên trác môn dựng cột đồng trụ, đỉnh cột đắp nghê chầu, giữa thể hiện tấm bình phong hình cuốn thư, trên đắp nổi “lưỡng long chầu nguyệt”. Hai bên trác môn là đôi voi chầu nằm phủ phục. Giữa bức bình phong dựng ban thờ ngũ hổ hình dáng kiểu núi non bộ nhấp nhô ngoạn mục. Tòa miếu xưa nghe nói có bố cục kiểu “tiền nhất hậu đinh” gồm 5 gian cung ngoài, 5 gian cung trong và 3 gian hậu cung. Sau dỡ bỏ cung ngoài. Tòa trong và hậu cung được cất giấu trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày hòa bình lập lại, miếu Lác được phục hồi với tòa kiến trúc hình chữ Đinh như hiện nay. Miếu có kiểu dáng thấp, tường xây mái ngói rêu phong cổ kính. Hiện miếu được bó bằng các phiến đá lớn, mài nhẵn, giật một cấp lên xuống. Kiến trúc gỗ tòa tiền đường chủ yếu bào trơn, đóng bén. Trang trí nghệ thuật không đáng kể. Trên thân những cột cái tại tiền đường còn những chữ Hán khắc chìm ngày, tháng và tên tuổi những người cúng tiền, vật liệu cho việc tu sửa miếu. Tòa hậu cung không lớn nhưng ở các bộ phận kiến gỗ như: giang, ván lá gió... đều được chạm trổ các đồ án trang trí như: hoa lá, đao mác, “lưỡng long chầu nguyệt”, “cúc mãn khai”. Đặc biệt, có một bộ vì còn giữ được khá nguyên vẹn kiểu thức kiến trúc thế kỷ XVII. Những con rồng ở đây được thể hiện thân uốn khúc, mập mạp, đầu to, đao mác lớn, miệng ngậm hạt minh châu chầu mặt nguyệt. Các bức chạm khắc thời Lê (thế kỷ XVII) thể hiện trong kiến trúc tòa hậu cung của miếu Lác rất dễ dàng nhận biết nhờ những đao mây mũi mác. Các nhóm mây lửa được xếp đặt trật tự đóng vai trò tiết tấu, giữ nhịp điệu cho bức chạm. Các mũi mác thường nằm trên diện cao nhất, thân rồng uốn lượn, nhiều diện, nhiều sắc độ mà bố cục chung của mảng chạm vẫn vững vàng, không bị phá thế. Thân rồng lúc ẩn, lúc hiện thả sức vẫy vùng. gây một ấn tượng ảo như rồng đang bay về phía trước. Qua bộ vì và các bức chạm giúp chúng ta có thể hình dung phần nào về quy mô, phong cách kiến trúc của ngôi miếu xưa. Một điều đáng chú ý là ngôi cổ tự này còn hàm chứa rất nhiều báu vật về lịch sử danh nhân, về mảnh đất và con người. Việt Nam trong quá khứ. Vào những năm 1953, 1954 nhân dân đã phát hiển 20 chiếc mộ chum táng ngay sau hậu cung miếu. Nghe nói đó chính là nơi an táng các tướng sĩ dưới quyền chỉ huy của danh tướng Lương Toàn đã anh dũng hy sinh. Hệ thống cổ vật của miếu còn khá phong phú

Trong tòa hậu cung có tượng Lương Toàn đặt trong khám sơn son thếp vàng cùng nhiều đồ thờ tế tự quý như: cuốn thư nền gấm, long ngai (thế kỷ XIX), nhang án, sắc phong, câu đối lòng máng (đầu thế kỷ XX), bài vị (thế kỷ XVIII) có chữ đề “Thống lĩnh Đại vương kiêm Thái uý Quốc công”. Tại tòa tiền đường là các bức đại tự lớn, chạm khắc tinh xảo đề tài tứ linh, vân tản, tùng, cúc, trúc, mai... với nội dung ca ngợi cõi linh của tòa cổ miếu như: “Tối linh từ”; “Hiển tích như xuyên”; “Trần triều danh thắng”. Đặc biệt miếu còn lưu giữ một sập thờ bằng đá (niên đại thế kỷ XIX) làm theo kiểu “chân quỳ dạ cá”. Sập cao 0.7m, dài 1.4m, rộng 0.8m. Chính giữa khắc chữ “Thọ”. Thân chia làm 2 diềm trang trí nổi. Diềm trên chạm “lưỡng long chầu nguyệt”, hình âm dương. Xung quanh là các tua hình hoa 4 cánh. Diềm dưới chạm đồ bát bửu gồm pho sách, cuốn thư, lẵng hoa, bầu rượu, đàn tì bà, như ý... Ván dạ cá chạm long mã chầu hổ phủ. Ngoài ra còn 2 bia đá là những văn bản Hán Nôm quý giá. Một bia hậu thần “vạn đại lưu truyền” niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700). Một bia tu tạo miếu vũ niên hiệu Bảo Đại 14 (1940). Lễ hội Miếu Lác hàng năm được tổ chức vào ngày 12/8 (âm lịch) là ngày sinh thần. Ngoài nghi lễ tế thần, dân làng còn tổ chức rước nước từ ngã ba sông Luộc về miếu, tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, hát múa chèo, tổ tôm điếm... Đó là những nghi lễ tưởng nhớ người có công với dân, với nước đồng thời là hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.

Việc bảo tồn di tích và nghiên cứu lịch sử danh nhân, làm sáng tỏ lịch sử và minh chứng cho tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục truyền thống rất lớn cho các thế hệ mai sau. Hơn thế, di tích miếu Lác còn là một tiêu bản cho việc nghiên cứu về kiến trúc nghệ thuật Việt Nam.

Với những ý nghĩa trên, miếu Lác đã được xếp hạng cấp Quốc gia vào ngày 18/01/1993 theo Quyết định số 57/VHQĐ của Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke