MIẾU ĐÔNG, XÃ DU LỄ, HUYỆN KIẾN THỤY

26 04 2023

in trang

Di tích miếu Đông thuộc xã Du Lễ, thờ vị thành hoàng Vũ Hải, người có công tham gia cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên thời Trần hồi thế kỷ thứ XIII. Sau khi hy sinh, ông được vua Trần giao cho nhân dân Du Lễ lập miếu thờ và suy tôn là Thành hoàng làng.

Miếu Đông là kiến trúc có qui mô vừa phải, gồm 5 gian tiền đường và 1 gian hậu cung, vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng.

Trong miếu hiện còn lưu giữ được khá nhiều di vật quí có giá trị nghệ thuật như kiệu bát cống, long đình, chuông đồng tạo thời Tây Sơn, khám thờ sơn son thếp vàng và tấm bia đá ghi tục “gây quĩ nghĩa sương” để ủng hộ giúp đỡ những người gặp khó khăn. Đặc biệt, trong di tích hiện còn lưu giữ được 8 đạo sắc phong của các triều vua phong cho Thành hoàng Vũ Hải.

 

Qua nội dung các sắc phong và bản thần tích, vị thần Vũ Hải được thờ vốn là người trang Du Lễ, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương. Được tin vua Trần tuyển người hiền tài ra giúp nước đánh giặc ngoại xâm, Vũ Hải lên kinh đô ứng thí và được nhà vua phong cho chức Phó đô Trung lang tướng. Sau đó theo Thái sư Trần Quang Khải chặn đường tiến của Toa Đô từ Chiêm Thành đánh vào Nghệ An. Do chiến đấu dũng cảm, ông được phong chức Tả tham nghị và cùng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đánh tan quân Nguyên ở sông Nhị Hà. Đặc biệt trong trận Tây Kết, dưới sự chỉ huy của vua Trần, Vũ Hải đã cùng với các tướng sỹ giết và bắt sống nhiều quân giặc, chém được đầu Tòa Đô, Sau cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên xâm lược lần hai, Vũ Hải được phong tước Phó đô ngự sử. Đến cuộc kháng chiến lần 3, Vũ Hải được phong là Bạt Hải Hữu tướng quân và cho đốc suất một đạo quân thủy trấn giữ một vùng cửa sống trọng yếu. Ông chọn 40 trai tráng ở quê, giỏi nghề bơi lội bổ sung vào đội quân của mình. Trong đó có Vũ Định là người giúp việc gần gũi ông trong quân ngũ. Trong chiến trận, dù đã bị thương nhiều lần, ông vẫn anh dũng chiến đấu và đã hy sinh ở cửa biển Đại Bàng thuộc xã Bàng La (Đồ Sơn) và thôn Quần Mục (Đại Hợp ngày nay). Sau khi ông mất, vua Trần lệnh cho nhân dân Du Lễ lập miếu thờ trên nền đất tư dinh cũ của người và ban tặng sắc phong tặng là Bạt Hải Đại Vương.

Hội làng Du Lễ trước Cách mạng Tháng 8/1945 được tổ chức ở đình từ ngày 4 đến ngày 6 tháng chạp âm lịch hằng năm. Trong lễ hội có lễ mộc dục, rước bài vị các thánh thờ ở miếu Đông, miếu Đoài về ngôi đình chung của làng. Ngoài ra, đối với vị thần Vũ Hải, nhân dân Du Lễ còn tổ chức các ngày kỵ lệ như ngày sinh, ngày mất, thu hút đông đảo nhân dân địa phương đến tham dự.

Năm 1994, di tích miếu Đông được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng cấp Quốc gia.

Ngoài miếu Đông, ở một số địa phương khác cũng có đền thờ ông như: Tối Linh từ (Thạch Lựu, An Thái, An Lão); Xuân La (Thanh Sơn); Xuân Dương, Mai Dương (Ngũ Phúc)... Hải Phòng có một đường phố mang tên Vũ Hải ở phường Quang Trung quận Hồng Bàng, Hải Phòng.

Nhân dân Du Lễ đã làm nhiều hoành phi câu đối để thờ ngài tại miếu Đông.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke