MIẾU ĐÔNG, PHƯỜNG ĐỒNG HÒA, QUẬN KIẾN AN

20 03 2024

in trang

Miếu Đông là công trình tín ngưỡng mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của người dân Đồng Hoà. Mặc dù quy mô kiến trúc không rộng lớn, bề thế nhưng miếu còn lưu giữ được một số cổ vật, di vật có giá trị lịch sử, văn hóa và mỹ thuật. Miếu là nơi tôn thờ vị Thành hoàng Cao Sơn quốc chủ đại vương, một người học rộng tài cao. Năm Khánh Lịch thủ 6 ngài đỗ tiến sĩ đệ nhị, được phong làm Thừa Tướng. Sau khi qua đời ngài được phong là Cao Sơn quốc chủ đại vương, Thụy là Trưng Trinh, ban lệnh khắp thiên hạ lập đền thờ, bốn mùa hương khói để biểu dương công đức của Ngài. Việc thờ cúng nguyện cầu thật linh ứng.

1. Tên gọi di tích

Miếu Đông - công trình tâm linh, tín ngưỡng quan trọng của người dân làng Đống Khê, phường Đồng Hoà, quận Kiến An, là nơi linh thiêng tôn thờ ngài Thành hoàng Cao Sơn quốc chủ đại vương.

Tên gọi thống nhất trong hồ sơ di tích là: Miếu Đông, phường Đồng Hoà, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng.

2. Phân loại di tích

 Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009,

Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu về di tích để phân loại di tích theo quy định tại Điều 11, Nghị Định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bô sung một số điều của Luật Di sản văn hóa xác định Miếu Đông, phường Đồng Hoà, quận Kiến An thuộc loại hình Di tích lịch sử.

Quyết định số 4320/QĐ-UBND ngày 14/12/2023 Công nhận Miếu Đông di tích lịch sử cấp thành phố.

3. Nhân vật, sự kiện lịch sử, đặc điểm của di tích

3.1. Nhân vật

 Căn cứ Bản kê khai Thần tích - Thần sắc làng Đống Khê, tổng Đống Khê, phủ Kiến Thuỷ, tỉnh Kiến An năm 1938 (Ký hiệu: TT-TS FQ 4018/X,64) lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội cho biết: Miếu thờ nhân vật tên là Hiển, tên chữ là Văn Trường, ngài họ Cao ở làng Bảo Sơn, quận Quảng Nam, nước Đại Minh. Hiệu ngài là Kim Sơn, tên huý Hiển, ngài là nhân thần.

Bản thần tích Cao sơn quốc chủ đại vương cho biết: Ngài người Bảo Sơn, quận Quảng Nam, nước Đại Minh. Họ Cao tôn huý là Hiển, tên chữ là Văn Trường. Tuổi trẻ đã có chí lớn, thông thạo các sách sử bác học. Đặc biệt giỏi về ngũ kinh, đến 29 tuổi trúng tuyển kỳ thi hương, vào niên hiệu Khánh Lịch thứ 6 đỗ tiến sĩ đệ nhị, được phong làm làm Thừa Tướng, gia phong Nguyên Soái, ngài gánh vác việc nước đến năm 78 tuổi, vua cho về hưu trí, Sống thọ tới 103 tuổi thì mất.

Sau khi qua đời, Ngài được phong là Cao Sơn quốc chủ đại vương, thụy là Trung Trinh, được lập đền thờ ở nhiều nơi. Việc thờ cúng nguyện cầu thật linh ứng. Trải các đời, Ngài đều được các vua triều Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong vào các năm Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Thành Thái nguyên niên (1889), Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924), cho phép nhân dân xã Đống Khê hương khói phụng thờ lâu dài cùng đất nước.

Hiện nay, tại phường Đồng Hòa, bên cạnh di tích Miếu Đông, còn có di tích đình Đổng Khê, tôn thờ Ngài Cao Sơn làm Thành hoàng, đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố năm 2011.

Ngoài ra, theo thần tích của xã Đống Khê thì từ xưa ở xã Tam Đội, huyện Phụng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cũng có một ngôi đền cổ thờ Ngài Cao Sơn quốc chủ đại vương.

 3.2 Sự kiện lịch sử

Ngày mùng 5 tháng 8 năm 1948, tại địa điểm đình Đống Khê, thành lập chi bộ Đảng Đống Khê (tiền thân của Đảng bộ Đồng Hoà), do đồng chí Phan Lượng làm bí thư chi bộ. Sau đó ông Vũ Hữu Thèo (Bí danh Bá Tước) làm bí thư. Ông Thèo là người địa phương nên thấy rõ được địa thế, sự hoang vắng, rậm rạp, hiểm trở của Miếu Đông, nên đã lấy nơi đây làm địa điểm liên lạc cùng các ông Thanh Xuân, Lê Nam, bà Bùi Thị Mái (tức Thanh Phương)... Tại miếu Đông có hầm bí mật cất giấu vũ khí, tài liệu. Chính nơi đây một thời gian dài là đầu mối hoạt động và chỉ huy của ta vùng ven thành Hải Phòng.

 Trong Lịch sử Đảng bộ xã Đồng Hoà thời kỳ chống Pháp ghi rõ: Chi bộ Đảng Đống Khê do ông Vũ Hữu Thèo có bí danh là Bá Tước làm bí thư, đã lợi dụng sự vắng vẻ và cây cối rậm rạp của Miếu Đông làm nơi hoạt động bí mật.

Theo lời kể của Ông Bùi Đức Gắn, nguyên là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Đồng Hoà cho biết: Hầm bí mật chứa cán bộ ở Miếu Đông có lúc lên đến 6 người, ông Gắn còn nhớ rõ, đó là các ông Thanh Xuân, Lê Nam, Trịnh Đình Hoành... Nơi đây là đầu mối hoạt động và chỉ huy của cách mạng vùng ven thành phố. Tháng 3 năm 1953, chi bộ đảng Đống Khê đã tổ chức vận động vợ lính đóng ở đình Đống Khê giao nộp 3 súng tiểu liên, súng trường và một hòm đạn cho cách mạng. Ngoài ra còn vận động được 6 lính bỏ ngũ theo ta về với vùng kháng chiến Tiên Lãng. Ông Bùi Đức Gắn còn cho biết thêm hai bố con, cụ Bùi Đức Tuynh, con là Bùi Đức Thái là người liên lạc và tiếp tế lương thực, cơm nước cho các cán bộ nằm vùng của ta. Năm 1949, ông Thái làm giao liên đưa tài liệu, vũ khí từ Miếu Đông đến đình Khúc Trì (thuộc phường Ngọc Sơn hiện nay) cho du kích Kiến An. Bản thân ông Bùi Đức Gắn cũng làm liên lạc cho cán bộ hoạt động ở miếu.

Dưới đây là một số xác nhận của các nhân chứng:

Giấy xác nhận của ông Nguyễn Văn Sắt (1936), phường Đồng Hoà, quận Kiến An xác nhận “Miếu Đông là nơi liên lạc, hoạt động của các đồng chí cán bộ xã Đồng Hoà. Một thời gian dài từ 1948 -1953, là nơi có hầm bí mật cất giấu tài liệu, vũ khí trong kháng chiến chống Pháp”.

Giấy xác nhận của ông Bùi Đức Hạnh (1930), phường Đồng Hoà, quận Kiến An xác nhận “Miếu Đông là cơ sơ hoạt động của chi bộ Đảng Đống Khê 1948 – 1951".

 Giấy xác nhận của ông Bùi Đức Gắn (1936) xác nhận “Miếu Đông là cơ sở hoạt động bí mật của chi bộ Đảng Đống Khê trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Các đồng chí Thanh Xuân, Lê Nam, Trịnh Đình Hoành đã về lãnh đạo hoạt động ở đây. Trong miếu có hầm bí mật bảo vệ cán bộ và cất giấu tài liệu cùng vũ khí. Cơ sở ở đây đã thu được vũ khí của địch, phá tề, trừ gian và nhiều chiến công khác. Bản thân ông cũng làm liên lạc cho cơ sở Miếu Đông”.

 Giấy xác nhận của ông Bùi Đức Thái (1932) xác nhận “Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Miếu Đông là một cơ sở hoạt động cách mạng của Tổ chức chi bộ Đảng Đống Khê – Đồng Hoà. Năm 1949, bản thân ông làm giao thông liên lạc cho tổ chức Đảng ở Miếu Đông. Có lần nhận vũ khí và tài liệu bí mật từ Miếu Đông chuyển đến đình Khúc Trì giao cho du kích Kiến An”.

 3.3 Đặc điểm của di tích

 Miếu Đông có lịch sử hình thành từ lâu đời. Theo truyền ngôn, sau khi tân tạo đình Đống Khê vào niên hiệu Tự Đức thứ 32 (1879), các chức sắc và hào phú trong làng cho xây dựng 3 miếu để trấn trạch các hướng của làng, trong đó có Miếu Đông nằm ở hướng Đông.

Năm 1960, chủ trương thành lập hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng, cấp trên giao cho ban quản trị hợp tác xã lấy khu đất Miếu Đông là trụ sở ban quản trị và nhà kho, sân kho, nhà mẫu giáo, trạm y tế, nên Miếu Đông tạm thời bị dỡ bỏ.

 Năm 2014, thể theo nguyện vọng của toàn thể nhân dân trong xóm, chi hội người cao tuổi Đồng Tâm đã mở hội nghị trưng cầu ý kiến, ý tưởng khôi phục Miếu Đông đã được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng cao, tự nguyện đóng góp công sức, kinh phí khôi phục lại Miếu Đông.

 

 

4. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích

 Trước đây, vào dịp tổ chức lễ hội truyền thống (lễ hội mùa Xuân) ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch, dân làng thường rước chân hương từ miếu về đình dự tế. Sau lễ hội lại rước trở về miếu an vị.

Hiện nay, vào dịp sinh nhật thánh ngày 16 tháng 3 âm lịch và ngày hoá 12 tháng 10 âm lịch, bản miếu và nhân dân địa phương sửa soạn lễ nghi gồm có thủ lợn, mâm xôi để thành kính dâng lên Ngài. Đây cũng là dịp để người dân bày tỏ sự tôn kính, ngưỡng vọng Ngài và đồng thời vọng cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, thuần phong mỹ tục của xóm làng, cùng bài trừ những tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh cộng đồng.

5. Khảo tả di tích

 Miếu Đông quay hướng Tây Bắc, toạ lạc trên một khu đất rộng 879.5 m2. Phía trước miếu có khu dân cư đông đúc, phía sau là cánh đông rộng mênh mông giúp cho không gian quanh di tích đảm bảo được sự hài hoà, gần gũi giữa kiến trúc tín ngưỡng và cảnh quan môi trường xung quanh.

 Miếu có bố cục mặt bằng hình chữ Đinh truyền thống gồm Tiền tế và Hậu cung, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói đỏ, kiến trúc công trình chủ yếu được xây dựng bằng vật liệu hiện đại xi măng cốt sắt. Tòa Tiền tế có mặt băng hình chữ nhật với ba gian, nền được lát bằng gạch men và cao hơn mặt sân 0,5m. Thành phần chịu lực chính của tiền tế gồm hai bộ vì kèo bằng gỗ lim kiểu “cột trốn chồng rường giá chiêng”, các cột được thay thế bằng hệ thống tường bao che xây bằng gạch, vữa xi măng rất chắc chắn. Hoa văn trang trí trên các hệ vì được chạm khắc hình hoa sen, mây cụm, lá lật.

Hậu cung Miếu Đông thiết kế kiến trúc một gian, được xây tường bao bưng kín xung quanh. Tường bao này vừa là thành phần bao che của công trình vừa có chức năng thay thế các hệ cột để nâng đỡ bộ mái của toà Hậu cung.

Hệ thống cửa miếu gồm một gian bốn cánh làm bằng gỗ lim chắc chắn kiểu thượng song hạ bản, trên cửa chạm khắc trang trí các đề tài tứ linh, hoa lá thiêng...

Xét tổng thể, kiến trúc Miếu Đông có quy mô vừa phải nhưng chắc chắn, có thể bảo tồn được lâu dài để phát huy giá trị văn hoá tâm linh, đời sống tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương.

6. Một số di vật, cổ vật tiêu biểu thuộc di tích

 Miếu Đông hiện nay còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật như:

- Bát hương: Chất liệu đá xanh. Bát hương chia làm ba phần chính gồm chân đế, thân và tai. Chân đế bát hương kiểu sập thờ chân quỳ dạ cá được đục giật cấp và soi chỉ lòng máng ở phía trên; thân bát hương đáng hình thang cân loe dần về phía miệng, xung quang đục chạm trang trí hình rồng, mây cụm, hoa lá thiêng; phần tai bát hương đã bị gãy và được đắp lại bằng xi măng. Niên đại thế kỷ XIX.

- Tượng thành hoàng: tượng được tạc theo phong cách tượng tròn; chất liệu gỗ; kích thước trung bình. Tượng đầu đội mũ cánh chuồn có trang trí rồng, hoa cúc. Tượng có khuôn mặt tròn đầy phúc hậu, mặc áo chùng dài chỉ để lộ hai bàn tay, tay phải cầm quạt, tay trái úp trên đầu gối trái; chân đi hia. Áo tượng chạm rồng mây, hổ phù... trên nền sơn thếp nâu đỏ. Tượng có niên đại cuối thế kỷ XX.

 - Long ngai: chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng, trên cùng là tay ngai ôm lấy lưng rồi chạy ra hai bên phía trước, tay ngai như thân của đôi rồng, đầu tay ngai được chạm hai đầu rồng trong tư thế vươn cổ ra phía trước. Thân ngại có sáu trụ con tiện chia đều hai bên để đỡ tay ngai. Bệ ngại tạo kiểu chân quỹ giật tam cấp thót dần lên, trong các cấp bệ được chạm khắc các đề tài chim thiêng, hoa cúc, hổ phù. Niên đại cuối thế kỷ XX.

7. Giá trị của di tích

 Miếu Đông là công trình tín ngưỡng mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của người dân Đồng Hoà. Mặc dù quy mô kiến trúc không rộng lớn, bề thế nhưng miếu còn lưu giữ được một số cổ vật, di vật có giá trị lịch sử, văn hóa và mỹ thuật. Miếu là nơi tôn thờ vị Thành hoàng Cao Sơn quốc chủ đại vương, một người học rộng tài cao. Năm Khánh Lịch thủ 6 ngài đỗ tiến sĩ đệ nhị, được phong làm Thừa Tướng. Sau khi qua đời ngài được phong là Cao Sơn quốc chủ đại vương, Thụy là Trưng Trinh, ban lệnh khắp thiên hạ lập đền thờ, bốn mùa hương khói để biểu dương công đức của Ngài. Việc thờ cúng nguyện cầu thật linh ứng.

 Miếu Đông là cơ sở hoạt động bí mật của chi bộ Đảng Đống Khê trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Các đồng chí Thanh Xuân, Lê Nam, Trịnh Đình Hoành đã về lãnh đạo hoạt động ở đây. Trong miếu có hầm bí mật bảo vệ cán bộ và cất giấu tài liệu cùng vũ khí. Cơ sở ở đây đã thu được vũ khí của địch, phá tề, trừ gian và nhiều chiến công khác.

 Trong kháng chiến chống Mỹ sân miếu là nơi tập trung dân quân du kích tập luyện sẵn sàng chiến đấu, nơi tập trung thanh niên lên đường nhập ngũ, nơi được sử dụng làm kho lương thực chiến lược để tránh máy bay địch oanh tạc...

Như vậy, Miếu Đông vừa là nơi lưu giữ, trao truyền và thực hành những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng Đống Khê, vừa là địa chỉ đỏ trong những năm tháng chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước.

Các cổ vật, di vật hiện còn trong di tích Miếu Đông như bát hương, long ngai, bài vị, tượng thành hoàng... là những tư liệu quan trọng cung cấp thông tin hình thành và tồn tại của di tích; là những vật chứng quan trọng giúp người dân đời sau hiểu thêm về lễ nghi và đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của cha ông xưa...

 

Một số hình ảnh tại di tích:

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke