MIẾU DIÊM LA CÔNG CHÚA, XÃ ĐẠI HỢP, HUYỆN KIẾN THỤY

09 03 2023

in trang

Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích

 Miếu Diêm La công chúa là công trình tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng Thành hoàng làng của nhân dân tại thôn Đại Lộc 1, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thuỵ; là nơi linh thiêng tôn thờ Thành hoàng Diêm La Công chúa, một vị thuỷ thần luôn phù trì cho cuộc sống của người dân Đại Lộc được ấm no, hạnh phúc... là không gian thiêng để cộng đồng dân cư địa phương hướng về nguồn cội, tổ chức các tiết lệ tri ân, tưởng nhớ công đức của ngài Thành hoàng Diêm La công chúa. Những tư liệu lịch sử, bia ký còn lưu giữ tại địa phương cho thấy ngài Thành hoàng Diêm La công chúa luôn giúp đỡ, bảo hộ cho nghề nghiệp đi biển của người dân nơi đây được thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy khoang, từ đó đời sống được thịnh vượng, phát triển. Năm 1917, ngài Diêm La công chúa được nhà vua Khải Định ban tặng sắc phong, phong là Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng tôn thần.

Kiến trúc công trình được dựng theo kiểu thức truyền thống, cổ kính, phù hợp với chức năng của một ngôi miếu, quy mô kiến trúc vừa phải, đảm bảo đáp ứng tốt hoạt động đón tiếp nhân dân và du khách đến dâng hương, tổ chức các nghi lễ, nghi thức trong các ngày tiệc lệ hàng năm.

Miếu Diêm La Công chúa hiện còn lưu giữ các đạo sắc phong, bia ký, đôi thành bậc đá có niên đại trải dài từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20. Đây là nguồn sử liệu có giá trị, góp phần không nhỏ cho các nghiên cứu về kỹ thuật tạo tác và phong cách mỹ thuật thời Lê - Nguyễn.

 

Khảo tả di tích

Miếu Diêm La Công chúa toạ lạc trên một thửa đất rộng hơn 1000m2, quay hướng Đông Nam. Miếu có mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh truyền thống, xây kiểu tường hồi bít đốc, trụ biểu hiện.

Quy mô, kiến trúc miếu gồm ba gian Tiền tế và một gian Hậu cung, nền lát gạch men và cao hơn mặt sân 0.7m, cửa miếu được xây năm bậc tam cấp, ốp đá xanh để làm bậc lên xuống. Ngay sát hai đầu của hệ thống bậc tam cấp là hai cột trụ, đỉnh trụ đắp tứ phượng. Chim phượng là tượng trưng cho vũ trụ, cho sinh lực của trời đất... Tứ phượng hội tụ mang ý nghĩa hội tụ sinh khí cả bốn phương trời vào đầu trụ, truyền xuống cho đất và nước, tạo ra mưa móc tưới  nhuần cho cây cối thêm chồi non lộc biếc, muôn loài phát triển, sinh sôi.

Thành phần chịu lực của toà Tiền tế là bộ khung gỗ sến với cấu kiện hod chính là các bộ vì kiểu bốn hàng chân cột, một hàng cột cái, hai hàng cột quân tải và một hàng cột hiên. Các bộ vì ở toà Tiền tế được làm trốn một hàng cột cái, li điều này giúp mở rộng không gian của công trình, tạo sự thông thoáng trong quá trình sử dụng. Vì nóc làm kiểu “chồng rường biến thể giá chiêng”, vì tuổi nách làm kiểu “chồng rường”. Hoa văn trang trí trên các hệ vì chủ yếu chạm nữ khắc hoa sen, mây cụm, lá lật. Trang trí trên hệ mái Tiền tế là các đề tài mang Giá in tính truyền thống như lưỡng long chầu hổ phù, kìm nóc, đấu chữ T...

Hệ thống cửa của Tiền tế gồm ba gian cửa gỗ lim chắc chắn, mỗi gian bốn cánh kiểu bức bàn được bổ ô ghép ván trang trí các đề tài văn triện, hoa lá nub thiêng, tứ linh, tứ quý.

Hậu cung miếu gồm một gian, được nối với gian giữa toà Tiền tế tạo  thành mặt bằng hình chữ Đinh. Ba mặt còn lại của Hậu cung xây tường quây kín, vừa làm bộ khung chịu lực nâng đỡ hệ mái, vừa có chức năng làm thành phần bao che của Hậu cung.

Khoảng những năm 1964, 1965, miếu bị hư hỏng. Năm 2019, nhân dân địa phương bắt đầu trùng tu miếu, hoàn thành năm 2020. Miếu Diêm La Công chúa được xây dựng trên cơ sở kiến trúc truyền thống với nguyên liệu chính là gỗ sến, gỗ lim, đá xanh... có quy mô vừa phải nhưng chắc chắn, có thể bảo tồn lâu dài để phát huy giá trị văn hoá tâm linh, đời sống tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương nơi di tích tọa lạc.

Một số di vật, cổ vật, đồ thờ tự tiêu biểu thuộc di tích

Miếu Diêm La Công chúa hiện nay còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật:

- 04 sắc phong:

+ Sắc phong ngày 24 tháng 01 niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1879). Nội dung ghi “Sắc ban cho xã Hoè Thị, huyện Nghi Dương, tỉnh Hải Dương tiếp tục phụng thờ ngài Bản cảnh Thành hoàng Linh phù chi thần như trước. Nay đúng dịp lễ lớn mừng thọ Trẫm tròn 50 tuổi, bèn ban chiếu báu báo ơn, cho phép xã (Hoè Thị) phụng thờ. Hãy tuân sắc!”

+ Sắc phong ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924). Nội dung ghi “Sắc ban cho xã Hoè Thị, huyện Nghi Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An tiếp tục phụng thờ ngài Linh phù Dực bảo trung hưng Bản cảnh Thành hoàng như trước. Nay đúng dịp lễ lớn mừng thọ Trẫm tròn 40 tuổi, bèn ban chiếu báo báu báo ơn, cho phép xã (Hoè Thị) phụng thờ, thần hãy bảo vệ, che chở dân lành. Hãy tuân sắc!”

+ Sắc phong ngày 11 tháng 9 niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1902). Nội dung  ghi “Sắc ban cho xã Hoè Thị, huyện Nghi Dương, tỉnh Hải Dương tiếp tục  phụng thờ ngài Linh phù Dực bảo trung hưng Bản cảnh Thành hoàng chi thần như trước. Nay đúng dịp lễ lớn mừng Trẫm đăng cơ, bèn ban chiếu báu báo ơn, cho phép xã (Hoè Thị) phụng thờ. Hãy tuân sắc!”

+ Sắc phong ngày 18 tháng 3 niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917). Nội dung ghi “Sắc ban cho xã Hoè Thị, huyện Nghi Dương, tỉnh Kiến An phụng thờ Diêm La công chúa tôn thần. Thần có công bảo vệ đất nước, che chở nhân dân, sự linh ứng tỏ rõ. Nay, Trẫm gánh vác mệnh lớn, tưởng nhớ công lao to lớn của các thần mà trứ phong là Trịnh Uyển Dực Bảo Trung Hưng tôn thần, chuẩn cho phụng thờ, thần hãy bảo vệ cho dân lành. Hãy tuân sắc!”

03 bia đá:

- Bia đá 01: bia có tên “Trùng tu Linh Phúc Sài Sơn tự bi ký”, là loại bia dẹt khắc chữ hán 02 mặt. Bia được làm bằng đá xanh nguyên khối, được tạo có 3 phần gồm đế bia, thân bia và trán bia. Đế bia đã được bệ xi măng phủ kín; thân bia hình chữ nhật đứng, phần diềm bia xung quanh thân trang trí hình rồng, chim thiêng, hoa cúc, sóng nước ... Phần lớn diện tích của thân bia được khắc chìm minh văn bằng chữ Hán, chữ đã bị mờ mòn nhiều nên khó đọc; phần trán bia được tạo tác hình bán nguyệt, trong bán nguyệt chạm khắc trang trí hình lưỡng long chầu nhật và tên của bia. Niên đại khoảng thế kỷ 17.

- Bia đá 02 – 03: Cả hai bia đều được làm bằng đá xanh nguyên khối, một bia đã mờ hết chữ và hoa văn trang trí nên không còn đọc được; bia còn lại có tên “Sài Sơn tự bi ký”, là loại bia dẹt khắc chữ hán 02 mặt. Đế bia đã được bệ xi  măng phủ kín; thân bia hình chữ nhật đứng, phần diềm bia xung quanh thân tinh trang trí hình hoa lá thiêng ... Phần lớn diện tích của thân bia được khắc chìm minh văn bằng chữ Hán, chữ hầu như đã bị mờ mòn hết; phần trán bia được tạo tác hình bán nguyệt, trong bán nguyệt chạm khắc trang trí hình lưỡng long chầu nhật. Niên đại khoảng thế kỷ 17.

- Thành bậc đá: Số lượng 02, chất liệu đá. Một thành bậc hình sóc, một thành bậc hình hổ. Niên đại thế kỷ 17.

Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích

Hàng năm, tại miếu, bản miếu và nhân dân địa phương tổ chức tiết lệ vào ngày mùng 10 tháng Giêng. Trước đó, vào ngày mùng 9 tổ chức lễ tế cáo yết. Thực hiện các nghi thức, nghi lễ tế thánh do đoàn tế nữ quan đảm nhiệm. Ngày mùng 10 cúng lễ và tổ chức nghi lễ hầu đồng. Ngày 11 tế tạ.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, Miếu Diêm La Công chúa (Làng văn hoá Đại Lộc) xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố ngày 16 tháng 01 năm 2023, đáp ứng lòng mong mỏi của cán bộ nhân dân làng văn hoá Đại Lộc nói riêng và của cán bộ nhân dân xã Đại Hợp nói chung, tương lai sẽ phấn đấu trở thành điểm du lịch văn hoá cho du khách và nhân dân địa phương.

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke