MIẾU – CHÙA TRUNG LĂNG
11 11 2024
in trang
1. Tên gọi di tích: MIẾU - CHÙA TRUNG LĂNG
2. Địa điểm di tích:
Khu 3, Khu 4 thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
3. Hiện trạng di tích: Đang sử dụng bình thường
4. Nhân vật được thờ:
QUỐC THƯỢNG HẦU TRÌNH ĐẠI VƯƠNG (Tên hiệu là Trần Quốc công) và CAO SƠN ĐẠI VƯƠNG.
GHI SỰ TÍCH VỀ VỊ QUỐC THƯỢNG HẦU TRÌNH ĐẠI VƯƠNG Ở TRIỀU TRẦN.
Tôn thần sống ở thời Trần (1225 - 1400), là một vị tướng giỏi, tên hiệu là Trần Quốc công, đánh giặc ngoài biển, khi thắng trận trở về thì mất tại địa phận của xã. Dân xã trình sự việc lên triều, tôn thần được truy phong là Quốc Thượng hầu, truyền lệnh cho nhân dân lập đền phụng thờ. Từ đó quốc đảo dân cầu, linh ứng hiển hiện, trải các triều vua đều được ban cấp sắc phong. Nhân dân từ già đến trẻ luôn nhờ cậy vào thần mà được khang trang yên ổn. Vì vậy dân trong xã hương đèn phụng thờ Ngài không bao giờ dứt.
BÀI TỰA VÀ BÀI MINH KHẮC TRÊN BIA GHI SỰ TÍCH VỊ
CAO SƠN ĐẠI VƯƠNG
Nghe rằng: buổi đầu bậc đế vương khởi dựng nhân nghĩa, cứu mệnh dân sinh, qui mô ấy lớn lao, khai mở cơ đồ lớn, công nghiệp không gì lớn bằng, là vì có đạo đức lớn, nên được trời giúp đỡ, thần minh phò tá, chứ đâu phải do ngẫu nhiên. Bởi vậy, Vũ Vương khi sáng lập nhà Chu, tất nhờ sự giúp đỡ của thần thiêng sông núi. Quang Vũ khi khôi phục cơ đồ nhà Hán, cũng nhờ vào sự ngầm giúp của vị thần linh là ông già mặc áo trắng. Nước Đại Việt ta, khi Thánh Tổ Cao Hoàng đế (Lê Lợi) mới khởi nghĩa, ắt cũng phải nhờ vào sự giúp đỡ rộng lớn của các thần linh, há chẳng phải trời đất giúp người chí nhân, quỷ thần giúp người có đức hay sao? Về sau miếu đền được dựng, ân lễ mở mang, điển chế sáng ngời, bốn mùa thờ cúng, đều là để báo đáp công thần mà cầu hưởng bình yên. Linh ứng tỏ rõ, từ xưa đến nay đều như thế.
Vậy mà gần đây Mẫn Lệ công (Lê Uy Mục) thất đức, dung túng bọn hung bạo thả sức lộng hành. Bên họ ngoại thì chuyên quyền, trong triều chính thì thao túng. Chúng đầu độc trăm họ, ruột thịt tông thất bị giết hại. Trời oán dân căm mà không biết; dân chúng phản lại, người thân xa lìa mà chúng cũng không hay.
Tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1509) vua ta (Lê Tương Dực) tỵ nạn ở Tây đô, mưu dựng nghĩa lớn để khôi phục cơ nghiệp của Cao Tổ, cứu vớt trăm họ. Khi đó có vị được phong tặng Dương vũ hiệp mưu, đồng đức hiệu trung, khai quốc công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Tán lý hiệu thuận, khai phủ nghi đồng tam ty, Bình chương quân quốc trọng sự, phụ quốc thừa tướng thượng tế, Thái phó Uy Quốc công Nguyễn Bá Lân là người thân thuộc của điện Trường Lạc; cùng vị Dực vận công thần, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Tả đô đốc, Kim Ngô vệ, Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ chưởng vệ sự, An Hoà hầu Nguyễn Hoằng Dụ hiệp với vị Quang tiến thận lộc Trấn quốc đại tướng quân. Tả kiểm điểm, Tham đốc hiệu lực, Tứ vệ quân vụ sự Nguyễn Văn Lữ cùng nhau phụng mệnh vua, đồng tâm gắng sức, tập hợp hào kiệt, chiêu tập dân binh, dựng cờ tiết, mang binh khí để cứu vớt dân thoát khỏi nỗi lầm than.
Các ông tiến quân đến huyện Phụng Hoá, thấy núi rừng nơi đây rậm rạp, cảnh vật âm u, gặp một vực, tên là Lâm, rộng khoảng một mẫu, nước sâu thăm thẳm, cây cối mọc um tùm. Trên vực có một ngôi đền, mái lợp cỏ tranh. Trong đền dựng một tảng đá, đề chữ Cao Sơn đại vương. Các ông trông thấy đều kinh sợ, liền cung kính khấn rằng: "Vua Đoan Khánh là kẻ bạo tàn, nhân dân muôn phần cực khổ. Ý trời lòng người theo về người tài đức. Nay Hoàng Thượng ta là cháu Thánh Tông, là con của Kiến Vương Tân, nghĩ đến gian nan khi Thánh Tông khai sáng cơ nghiệp, thương cảnh cơ hàn của trăm họ đang chao đảo, vì xã tắc chấn hưng nên phải dẹp loạn trừ tàn. Chúng thần xin gắng sức giúp vừa sáng để vỗ về thiên hạ. Nếu thần có linh ứng xin phù giúp để khôi phục nghiệp lớn. Ngày thắng lợi xin tâu vua vinh phong nhằm biểu dương công ơn của thần".
Khấn xong, bèn chỉnh đốn quân ngũ xuất hành ngay. Thần dân bốn phương không hẹn nhưng cùng hội lại, mang thức ăn tới khao đón quân vua. Quân không phải vất vả đổ máu, dân vui mừng đón cảnh yên vui. Bọn hung đồ bị diệt, cung cấm trang nghiêm, chung đỉnh vạn năm còn mãi cùng thần thiêng thờ tại các đền. Tam cương cửu trù nhờ đó mà được chỉnh đốn. Phúc nước do vậy lại được bình yên. Chưa đầy mười ngày đã nhanh chóng thành công. Được như thế là do thánh vốn phù giúp, trời và người cùng hiệp ứng, mà quỷ thần cũng tương trợ chăng ?
Ngày mồng 2 tháng 12 năm đó, Hoàng Thượng lên ngôi báu. Vua rộng lòng vỗ về dân chúng, dựng đặt chính sự, ban phát điều nhân để ân sủng thấm khắp muôn họ. Vua liền theo điển lễ xét công nâng bậc biểu dương công trạng bách thần. Các ông Nguyễn Văn Lữ ngẩng trông công lao lớn đã thành, nghĩ đến công ơn của thần, bèn tâu sự việc lên triều. Vua ban sắc cho quan huyện của huyện Phụng Hoá đốc thúc quân dân dựng đền thờ thần. Sai bộ Công chọn đá khắc bia, sai bề tôi soạn bài văn bia lưu truyền về sau. Bề tôi nghĩ rằng, chúng thần đây là người nông cạn, sao đủ để tán dương sự thịnh trị công đức thánh hoàng, phát huy điều kỳ diệu trong sự cảm thông biến hoá của thần linh? Nhưng bề tôi Phụng theo chiếu báu, đâu dám chối từ?
Bề tôi kính nghĩ: Có đức ắt được mệnh trời, ấy là lý vốn có xưa nay. Kỳ diệu linh thiêng, ấy là đức tốt của quỷ thần. Dựng lên cơ nghiệp phi thường, vốn do đức của thánh vương, nhưng có cơ nghiệp phi thường như thế, cũng do sự giúp sức của thần linh. Âm dương chung một lý, cảm ứng lẫn nhau. Sự giao hoà giữa trời và người là ở chỗ đó. Vậy phải sửa sang đền miếu sáng tối hương đèn báo công cho thần ghi trong tự điển. Do vậy bèn khắc vào đá quí để phô bày linh ứng. Nghĩ rằng: Thần vốn là chính khí của trời đất, chung đúc bởi khí thiêng sông núi, ngầm giúp cơ đồ, tôn phù xã tắc luôn mãi bình yên mà hưởng phúc lâu dài đến vô cùng tận, thì núi này sẽ cùng trời đất trường tồn. Tốt đẹp lắm thay !
Vậy có bài Minh viết rằng (dịch nghĩa):
Núi ấy cao ngất,
Rừng cây rập rạp.
Khí thiêng chung đúc,
Góp hợp điềm lành.
Đầm sâu trong vắt,
Nước xanh sáng ngời.
Sâu thẳm khó dò,
Bàng bạc một màu.
Sẵn phương định hướng,
Thần vốn linh thiêng.
Bốn hướng tĩnh lặng,
Vũ trụ mênh mang.
Nhìn thấy trong vùng,
Có một ngôi đền.
Cỏ cây buông dủ,
Đề rõ trên bia.
Cao Sơn nổi danh,
Uy nghi hiển hiện.
Cầu được như ý,
Linh ứng dồi dào.
Bấy giờ gặp loạn,
Trời sinh minh quân.
Tiến từ Tây đô,
Trên dưới một lòng.
Tướng giỏi lớp lớp,
Nghĩa dân sắt son.
Cầu khấn thần linh:
Việc lớn hoàn thành,
Lễ cả đền đáp.
Lồng lộng trên cao,
Linh ứng mở ra.
Giúp dập vua ta,
Nhanh chóng hợp sức,
Tập hợp theo cờ.
Chẳng mấy thời gian,
Trời đất được yên.
Sức ấy ai giúp?
Tất bởi nhờ thần.
Báo đền công ấy.
Khẩn khoản tâu bày.
Linh thiêng từng giúp,
Công ấy không quên.
Trời lại đồng lòng,
Thịnh ý giúp thêm.
Rồi xem ngày tốt,
Chọn giờ khởi công.
Báo đáp tức thì,
Phụng theo chiếu chỉ.
Huy động nhân lực,
Dốc lòng mà làm.
Người thợ gắng sức,
Miếu đẹp dựng lên.
Cột kèo vững chãi,
Công trình hoàn hảo.
Miếu mạo tôn nghiêm,
Linh ứng tỏ rõ.
Hương đèn ngào ngạt,
Năm tháng cúng thờ.
Bèn thuật công lao,
Khắc vào đá quí.
Thu tế xuân thờ,
Giữ làm điển lễ.
Một phương sáng ngời,
Giúp nước tăng thọ.
Vạn năm hưởng phúc,
Phong tục bền vững.
Thờ thần lâu dài,
Biểu dương mãi mãi!
DỰNG BIA NGÀY TỐT THÁNG 8 NĂM CANH TÝ NIÊN HIỆU HỒNG THUẬN THÚ 2 (1510)
Quang tiến thận lộc đại phu, Thiếu bảo, Thượng thư bộ Lễ, Đông các đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, trông coi việc Kinh diên, bề tôi là Lê Tung soạn.
Hiển cung đại phu, Trung thư giám Trung thư xá nhân, bề tôi là Đỗ Như Chi phụng mệnh viết chữ.
SẮC PHONG
(Đạo sắc thứ nhất)
Sắc cho vị Cao sơn tôn thần, nguyên tặng (mỹ tự) Phù chính đôn tĩnh hùng tuấn Thượng đẳng thần. Thần giúp nước, che chở dân, linh ứng tỏ rõ, trải các tiết được ban tặng sắc phong, chuẩn cho việc phụng thờ. Nay trẫm nối thừa mệnh lớn, nghĩ đến công lao của thần, xứng đáng gia tặng là Phù chính đôn tĩnh hùng tuấn trác vĩ Thượng đẳng thần. Chuẩn định cho xã Trung Lăng, huyện Tiên Minh phụng thờ như cũ. Thần hãy che chở cho dân của Trẫm. Vậy ban sắc !
NGÀY 15 THÁNG 11 NIÊN HIỆU TỰ ĐỨC THỨ 3 (1850).
(Đạo sắc thứ hai).
Sắc cho xã Trung Lăng, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An phụng thờ vị Phù chính phu uy hùng tuấn trác vĩ dực bảo trung hưng Cao Sơn Thượng đẳng thần: vị Dực bảo trung hưng linh phù Phụ Trình Quận Thượng hầu; vị Hiển ứng phù vận chi thần (phong chung cho 3 vị thần). Trải các tiết các vị được ban cấp sắc phong cho phép thờ tự. Năm Duy Tân thứ nhất (1907) nhân có đại lễ lên ngôi vua, bèn ban chiếu báu, mở rộng ân huệ, làm lễ nâng bậc, đặc chuẩn cho việc phụng thờ như cũ để ghi nhớ ngày quốc khánh mà kéo dài việc thờ tự. Vậy ban sắc !
NGÀY 11 THÁNG 8 NIÊN HIỆU DUY TÂN THỨ 3 (1909)
(Đạo sắc thứ ba)
Sắc cho xã Trung Lăng, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An trước đây phụng thờ thần, nguyên tặng (mỹ tự) Linh phù dực bảo trung hưng Phụ Trình Quận Thượng hầu; cùng vị Hiển ứng phù vận tôn thần (phong chung cho 2 vị thần). Các thần giúp nước, che chở dân, linh ứng tỏ ngời, trải các tiết được ban cấp sắc phong, chuẩn cho việc thờ cúng. Nay Trẫm gặp tiết mừng tuổi tứ tuần, bèn ban chiếu báu, mở rộng ân huệ, làm lễ nâng bậc, gia tặng (cho hai vị) là Đoàn túc tôn thần. Cho phép được phụng thờ để ghi nhớ ngày quốc khánh mà kéo dài việc thờ tự. Vậy ban sắc !
NGÀY 25 THÁNG 7 NIÊN HIỆU KHẢI ĐỊNH THỨ 9 (1924)
Admin