MIẾU, CHÙA TRUNG HÀNH - NƠI LƯU GIỮ NÉT XƯA CỔ KÍNH
15 03 2023
in trang
Miếu và chùa Trung Hành tọa lạc tại phường Đằng Lâm, Quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Tương truyền ở Trung Hành có tứ vật gồm ngôi cổ miếu, chùa, đình và cả văn chỉ hàng huyện. Cho dù một trong 4 báu vật ấy đã mất đi do sự tàn phá của chiến tranh và thiên nhiên nhưng vẫn là những di sản quý. Đây là các di tích văn hoá đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 57 VH/QĐ ngày 18/01/1993. Cụm di tích này tọa lạc trong một khuôn viên rộng rãi và đẹp, nằm cạnh tuyến đường lớn Lê Hồng Phong nối liền sân bay Cát Bi với trung tâm thành phố. Khu di tích là nơi lưu giữ nét xưa cổ kính, mang nhiều giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.
Quang cảnh phía trước chùa Trung Hành
Xưa kia là vùng đất Ngô Quyền đóng quân và huy động sức người, sức của, đánh quân xâm lược Nam Hán năm 938, mở đầu kỷ nguyên độc lập lâu dài của đất nước. Là một trong số 17 làng, xã có hệ thống bố phòng, tích chứa quân lương của Ngô Quyền, nên Trung Hành được các triều đại kế tiếp phong sắc, công nhận việc thờ tự Ngô Vương. Đặc biệt Trung Hành vốn nổi tiếng là vùng đất địa linh, nhân kiệt - nhiều người đỗ đạt, nhiều văn quan, võ tướng có tài, hiện còn được ghi lại trên văn bia, gia phả các dòng họ. Ngạn ngữ có câu: “An Dương - Trung Hành, Kim Thành - Quỳnh Khê, thế ngôn chi đa sĩ”, nghĩa là: làng Trung Hành, huyện An Dương, làng Quỳnh Khê huyện Kim Thành đời truyền có nhiều quan.
Cổng Tam quan - chùa Trung Hành
Mặt trước của Miếu Trung Hành
Miếu Trung Hành thờ Ngô Quyền có quy mô vừa phải. Miếu được trùng tu lớn vào khoảng thế kỷ 17 mà dấu vết còn để lại trên 4 cây cột cái sơn son tại tòa bái đường.
Những điểm nổi bật của di tích là sự hợp lý, liên hoàn của toàn bộ khuôn viên di tích. Miếu có quy mô khép kín, được bố cục theo kiểu nội công ngoại quốc gồm: cổng tam quan, toà bái đường, hai bên giải vũ và tòa hậu cung (cung trong và cung ngoài). Nhưng lại tạo ra một không gian mở bởi 2 bên nhà giải vũ đứng song hành nơi bái đường với thềm hiên cung ngoài.
Ngôi chùa cổ in hằn dấu vết của thời gian
Trong miếu còn lưu giữ được 5 bản sắc phong có niên đại từ 1889 đến 1924 (trong đó có 3 sắc phong cổ) và nhiều cổ vật quý khác có niên đại vào thế kỷ 19.
Nằm ngay bên cạnh miếu là chùa Trung Hành, tên chữ là Hưng Khánh Tự. Theo truyền ngôn chùa được khởi dựng từ khá sớm khoảng thời Lý - Trần. Song dấu vết vật chất còn để lại có niên đại sớm nhất là thời nhà Mạc (thế kỷ 16).
Chùa có quy mô khá lớn, có bố cục kiến trúc truyền thống: tam quan - gác chuông, toà Phật điện, nhà thờ tổ, vườn bia, mộ tháp. Có thể nói chùa Trung Hành còn bảo lưu khá hoàn chỉnh về bố cục các công trình kiến trúc và quy hoạch không gian của một ngôi chùa làng thời Mạc điển hình ở Hải Phòng.
Dưới mái chùa cổ kính này, đang bảo lưu nhiều pho tượng Phật quý bằng gỗ, mang đậm phong cách dân gian với các đồ án trang trí nghệ thuật được thờ tại toà phật điện như các pho tượng phật : Tam Thế, A Di Đà, Văn Thù, Phổ Hiền, Hộ Pháp,…
Đặc biệt tại đây còn lưu giữ pho tượng vị hoàng đế nhà Mạc. Tượng hoàng đế tạc bằng đá, pho tượng được đặt ở cuối Phật điện, toàn thân phủ một lớp sơn dày, trông thoáng qua giống như tượng gỗ.
Tượng thờ Đức vương Ngô Quyền
Lễ hội ở Trung Hành diễn ra từ ngày 16 - 18 tháng giêng âm lịch. xưa có tục múa roi, diễn lại khí thế xung phong diệt giặc của quân ta và sở trường dùng roi của quân đội thời Ngô Quyền. Lễ hội ngày càng thu hút nhiều du khách và phật từ khắp mọi miền tổ quốc về dâng hương, hành lễ, là một phần không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Ngoài việc cầu cho quốc thái dân an thì lễ hội còn gợi lại cho con cháu về thời oanh liệt ông cha dựng nước và giữ nước, giúp thế hệ mai sau tiếp tục kế thừa và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc..
Trải qua biến thiên của lịch sử, chùa Trung Hành
vẫn giữ được các công trình kiến trúc cổ xưa.
Thành đoàn Hải Phòng