MIẾU, CHÙA BẢO HÀ, XÃ ĐỒNG MINH, HUYỆN VĨNH BẢO
28 02 2023
in trangMiếu - Chùa Bảo Hà được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia cùng với đình Từ Lâm, Từ đường Hoa Duy Thành tạo thành một cụm di tích lịch sử và nghệ thuật tiêu biểu của huyện Vĩnh Bảo. Đây không chỉ là điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đầy ý nghĩa, niềm tự hào của dân làng mà còn là điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Bảo Hà là một trong 3 thôn thuộc xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, một vùng quê trù phú của ngoại thành Hải Phòng. Ngoài nghề nông, Bảo Hà còn là làng nghề điêu khắc, sơn mài nổi tiếng mà dân gian vẫn lưu truyền câu ca:
“Linh Động xứ Đông
Sơn Đồng xứ Đoài”
Xuất phát từ một làng nghề điêu khắc, nên cụm di tích miếu-chùa Bảo Hà có nhiều nét khá đặc biệt giống như bảo tàng điêu khắc cổ, được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng cấp Quốc gia năm 1991.
Miếu Bảo Hà còn gọi là miếu Ba Xã hay miếu Cả. Bởi lẽ xưa kia miếu là công trình tín ngưỡng chung của dân ba xã: Linh Động (sau đổi thành Bảo Động), Hà Cầu và Mai Yên. Sau này 3 xã sát nhập lại thành thôn Bảo Hà ngày nay. Tên gọi miếu Cả vì thôn Bảo Hà trước kia có tới 4 miếu nhưng miếu Bảo Hà là miếu chung và to nhất nên nhân dân thường gọi là miếu Cả. Miếu được xây dựng tại thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh là công trình tưởng niệm, ghi nhớ công đức của Linh Lang Đại Vương, người anh hùng có công dẹp giặc ngoại xâm giữ nước của dân tộc. Về tiểu sử vị Thành Hoàng, thư tịch cổ cung cấp: Linh Lang chính là Hoàng tử Hoàng Chân con vua Lý Thái Tông. Năm 1069, giặc Tống xâm lược nước ta, hoàng tử cầm quân chống giặc. Một lần, ngài hành quân tới trang Linh Động (nay là làng Bảo Hà) dựng đồn binh, luyện tập binh sĩ, mộ tuyển thêm quân. Khi ngài mất, dân làng xây miếu thờ ngay trên nền đồn binh xưa. Các triều đại sau như Cảnh Thịnh (1796), Tự Đức rồi Duy Tân, Khải Định đều phong sắc cho ngài là “Thượng Đẳng Thần”. Để tỏ lòng thành kính, dân làng tạc tượng thờ và tôn là Thành Hoàng làng.
Ngoài ra miếu còn thờ Nguyễn Công Huệ - ông tổ nghề tạc tượng, người có công khai nghiệp tạc tượng nổi danh. Người đời truyền ngôn rằng: “Thuở giặc Minh đô hộ nước ta, chúng bắt một số thanh niên trai tráng trong làng đi phục dịch rồi đưa sang Quan xưởng ở Trung Quốc, trong đó có Nguyễn Công Huệ. Thời gian ở đó, ông chú tâm học hỏi nghề chạm khắc, nghề sơn mài và nghề châm cứu.
Hằng năm, từ ngày 8 đến ngày 10 tháng giêng, cánh thợ tạc tượng, thợ sơn trong làng lại sửa lễ ra miếu Cả chiêm ngưỡng tổ sư, mọi người kính cẩn nhớ tới “Đức Tổ sư ta, khi nhỏ sống ở nước Nam, tin sùng đạo phật, khi lớn sang Bắc học được nghề tạc tượng, tài cao xuất chúng, nghề nghiệp tinh thông, về nước khai sáng nghề nghiệp”.
Đến đời Lê Nhân Tông (1443-1459), Nguyễn Công Huệ được trở về, ông mang tâm sức mở nghề, lập nghiệp, truyền dạy cho dân làng và được mọi người suy tôn là tổ sư nghề tạc tượng. Miếu Bảo Hà được xây dựng khá sớm và đã trải qua nhiêu lần tu sửa, tôn tạo. Theo các già làng kể lại, kiến trúc Miếu trước đây bố cục kiểu năm “Tiền nhất hậu đinh”, gồm ba tòa nhà là: tiền đường (cung nhất) 7 gian, đại bái (cung nhì) 5 gian và 2 gian hậu cung. Trong kháng chiến chống Pháp, tòa tiền đường cùng một số đồ thờ, tượng quý bị đốt cháy. Đến 2004, nhân dân đóng góp tiền của xây lại tòa tiền đường, mở rộng sân và khuôn viên của miếu.
Miếu Bảo Hà có không gian kiến trúc không lớn nhưng dân làng còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, trong đó có 50 hiện vật thuộc đồ mộc tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc của bao lớp thợ người Linh Đông, Hà Cầu xưa. Ngôi miếu được xem như một bảo tàng điêu khắc cổ, nơi bảo tồn tài hoa nghệ thuật của làng nghề tạc tượng, rối cạn, sơn mài nổi tiếng. Một số pho tượng bảo lưu tại đây có thể được liệt vào hàng “kinh điển” trong nền nghệ thuật dân tộc như tượng Thánh Linh Lang, tượng Tổ Nguyễn Công Huệ, tượng Tố Nữ, tượng Quan Văn, Quan Võ, tượng Phỗng, tượng Quan Quận... Độc đáo nhất là pho tượng Thành Hoàng (Tượng Linh Lang Đại vương) tương truyền do cụ Nguyễn Công Huệ tạc. Tượng cao bằng người thật, nét mặt thanh tú, khôi ngô, đầu đội mũ, mình mặc quần áo lụa. Chân và tay pho tượng có nhiều khớp chốt đanh gỗ theo kỹ thuật tạo con rối nên tượng có thể đứng lên ngồi xuống được. Pho tượng đã để lại ấn tượng và sự khâm phục về tài năng, kỹ thuật tạc tượng của vị Thánh sư.
Ngoài pho tượng Thành hoàng độc đáo trong miếu còn 13 pho tượng khác, mỗi pho một vẻ. Đó là 3 pho tượng Tố Nữ (cao 100cm) rất đỗi dịu dàng, khỏe khoắn, môi chúm chím trái đào, tóc buông dài, vạt áo cài lệch cố ý để lộ ra khoảng cổ cao trắng ngần, quyến rũ. Tượng Chân Thân tổ nghề Nguyễn Công Huệ tương truyền do Tô Phú Vượng tạc. Tượng cao 61cm ngồi trên ngai, thể hiện một cụ già râu tóc bạc phơ, khuôn mặt đầy đặn, trán cao, mắt sáng, trông rất thông minh và phúc hậu. Tượng quan văn, quan võ, tượng phỗng, tượng Quan quận... tất cả là một hệ thống
tượng mô phỏng triều đình thu nhỏ gồm vua, quan tứ trụ, cung nữ, và gia nô phục dịch. Phải chăng các nghệ nhân Bảo Hà đã lấy mẫu ở ngay những con người đang sống thời đại mình rồi hóa thân vào những pho tượng. Do đó các pho tượng ở đây thực sự là những tác phẩm điêu khắc giàu sức sông, đậm đà tính hiện thực và góp phần làm phong phú thêm đời sống tâm hồn của người Việt Nam.
Tại Bái đường có giếng bán nguyệt và mạch nước thiêng thông ra trước cửa. Khi thả quả Bưởi xuống đó khoảng 10 phút sau mạch nước thiêng sẽ kéo quả Bưởi ra ao ngoài cửa miếu cách xa gần 20 mét tạo thêm sự ngạc nhiên, thú vị và đê lại nhiều ấn tượng cho du khách. Tham quan miếu Bảo Hà, du khách còn được nghe rất nhiều câu chuyện kể về những bàn tay khắc gỗ nên vàng của những Kỳ tài hầu, Diệu nghệ bá, Cục phó nam tước,... thưởng thức chương trình múa rối cạn với các tích trò: Trương Viên, Viên ngọc lưu ly, Thạch Sanh, Quan âm Thị Kính... thật kịch tính và đặc sắc.
Hội làng Bảo Hà xưa diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15/2 (âm lịch). Trong những ngày này, khắp xóm thôn náo nhiệt không khí hội hè, tế lễ thánh được tổ chức trong miếu rất trang nghiêm. Phần hội có múa lân, rối cạn, hát nhà trò, hát chèo, đánh cờ... nhưng vui nhất là lễ rước lợn Hỗng. Hàng năm, làng luân phiên cắt cử người nuôi lợn Hỗng làm lễ vật tế thần. Những người được nhận vinh dự này phải là các bậc cao niên, những người danh vọng, có uy tín và điều kiện kinh tế. Trước ngày hội mở ba ngày, lợn Hỗng được chăm sóc bằng chế độ đặc biệt: cho ăn trứng gà, mía cây, hàng ngày tắm bằng nước thơm, chuồng trại sạch sẽ... Lễ rước lợn Hỗng khởi hành từ nhà gia chủ, đi quanh làng rồi về dự lễ tế thánh ở miếu. Người được cử mang cái này, vác cái kia trong lễ rước thường là các đỉnh không tang trở, chay tịnh. Lợn Hồng được đặt trong cũi, trang trí giấy hồng điều. Sau lễ tế thánh là nghi thức chấm điểm. Lợn Hỗng được cân, nếu có trọng lượng cao hơn lợn Hỗng năm trước thì gia chủ được nhận giải của làng. Phần thưởng thường là một sào nhất đẳng điền. Những năm tiếp theo, nếu không có lợn Hồng nào vượt trọng lượng lợn Hồng năm trước thì ngôi quán quân vẫn thuộc người có lợn Hồng trọng lượng cao nhất. Đây là tục lệ đẹp, một hình thức khuyến khích chăn nuôi phát triển của cư dân vùng nông nghiệp.
Cách miếu không xa là chùa Miễu (tên chữ là Linh Miếu Tự). Đây là ngôi chúa có kinh, cảnh đẹp thanh bình. Tương truyền chùa được xây dựng từ đời Trần do Đô đốc quận công Hoa Duy Thành cùng một vị quan đại phu người cùng làng xây dựng. Chùa nằm biệt lập giữa cánh đồng làng gồm chùa chính, nhà tổ, nhà khách và mộ tháp.
Đây là một trong những ngôi chùa còn giữ được nhiều tượng Phật có giá trị, toàn bộ được tạc bằng gỗ mít, có niên đại trải dài từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Trong đó nổi tiếng là các pho Đức Ông Cảnh Cừ, tượng Ngọc Hoàng, tượng Thánh Tăng, tượng A Di Đà, tượng Hộ Pháp...
Nhà tăng có tượng Đức Tổ và 12 vị sư trụ trì chùa. Đây là những tượng chân dung hết sức độc đáo, được tạc theo thế ngồi kiết già, ấn “tam muội”, kích thước gần giống người thật, vẻ mặt sinh động, nhân hậu, không nét xa cách.
Hệ thống tượng trong chùa vô cùng đẹp, đậm tính nhân bản, chau chuốt, mộc mạc chứa đầy sức sống phản ánh rõ tài năng sáng tạo của những người thợ Bảo Hà, những nghệ sĩ tạo hình dân gian trong việc phản ánh hiện thực của xã hội bấy giờ.
Ngoài hệ thống tượng pháp, còn rất nhiều cổ vật khác như: bát hương đá (thế kỷ XVIII), chuông đồng (thế kỷ XIX) và 7 tấm bia đá (thời Lê)... là những di sản văn hóa vô giá chứng minh tầm vóc của chùa. Những tấm bia với nội dung rõ ràng bằng chữ Hán ghi nhận công lao của vị Quận công cùng nhân dân cung tiến tiền của, nhân chứng về những lần trùng tu, tôn tạo ngôi chùa.
Miếu - Chùa Bảo Hà được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia cùng với đình Từ Lâm, Từ đường Hoa Duy Thành tạo thành một cụm di tích lịch sử và nghệ thuật tiêu biểu của huyện Vĩnh Bảo. Đây không chỉ là điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đầy ý nghĩa, niềm tự hào của dân làng mà còn là điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Thành đoàn Hải Phòng