MIẾU BA VUA, XÃ VINH QUANG, HUYỆN VĨNH BẢO

11 03 2023

in trang

Miếu Ba Vua là một trong những di tích lịch sử văn hóa tôn thờ các nhân vật lịch sử thời Hùng Vương và thời Lý, luôn được nhân dân bảo vệ và giữ gìn để tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công nào chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông gấm vóc từ nghìn đời. Đó là một hoạt động có ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với toàn thể nhân dân, là động lực tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, cùng cố niềm tin cho cộng đồng cùng nhau hướng tới tương lai xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh, to đẹp hơn.


Miếu Ba Vua hay còn gọi là miếu Nhân Giả nằm tại thôn Nhân Giả xã Vinh Quang huyện Vĩnh Bảo. Cùng với Đình Thượng Điện, miếu Ba Vua được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng quốc gia năm 1999. Đây là vinh dự, niềm tự hào của đảng bộ và nhân dân xã Vinh Quang.


Nhân Giả là miền quê trù phú. Người dân nơi đây lấy nghề nông là nghề chính của mình. Bản chất chân thực, cần cù của nhân dân Nhân Giả đã mang lại cuộc sống khá ổn định cho họ.
Trước đây, Nhân Giả có khá nhiều công trình kiến trúc cổ như Đình làng thờ Ba vị thành hoàng ( Ba Vua) và 3 miếu: miếu Cả thờ Phùng Lực; Miếu giữa thờ Lý Cương; miếu Hậu thờ Lý Bảo. Trải qua chiến tranh và thời gian hầu hết những công trình nói trên bị tàn phá, chỉ còn lại ngôi miếu Giữa. Ngày nay, 3 vị Thành Hoàng đều thờ ở miếu Giữa, tức Miếu Ba Vua.

Căn cứ vào thần phả, hệ thống câu đối, đại từ, sắc phong cho biết:
Phùng Lực quê ở làng Thôn Xá huyện Đông An (Đông Yên), phủ Khoái Châu, đạo Sơn Nam nay thuộc huyện Châu Giang tỉnh hưng Yên. Cha là Phùng Văn Đăng làm thuốc chữa bệnh giúp đỡ dân làng. Mẹ là Lưu Thị Tuấn là người tu nhân, tích đức. Đến khi tuổi cao, ông bà mới sinh Phùng Lực. Năm 16 tuổi, Phùng Lực có sức khỏe hơn người “cử đỉnh bạt núi”, văn võ tinh thông. Khi Phùng Lực 20 tuổi cha mẹ đều mất. Sau khi chịu tang xong, Phùng Lực đi khắp nơi tìm thầy, kết bạn, kết nghĩa anh em với Tản Viên Sơn Thánh và được làm quan trong triều. Phùng Lực được giao nhiệm vụ giúp nhân dân trong nước giữ gìn thuần phong mỹ tục, giúp đỡ nhau làm ăn, trong đó có trang Cá Chử, huyện Tứ Kỳ (nay là thôn Nhân Giả, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo). Ông dạy dân cày cấy, trồng dâu nuôi tằm,, Khuyên dân sống thuận hoàng nhân nghĩa, giữ gìn thuần phong mỹ tục, được dân làng vô cùng kính mến.
Khi có giặc Ai Lao sang quậy phá, Phùng Lực được cử đi đánh giặc cùng nhiều tướng lĩnh khác. Ông trở về đất Cá Chử lấy thêm quân, mỗi họ vài chục người xin đi theo đánh giặc. Sau chiến thắng, ông xin vua về Cá Chử an dưỡng tuổi già. Khi ông mất, nhân dân Cá Chử lập miếu thờ phụng.

Lý Cương Lý Bảo là hai anh em sinh đôi của gia đình họ Lý ở Châu Hoan nay thuộc Nghệ An. Khi nhà Lý mở khoa thi, anh em Lý Cương, Lý Bảo về Thăng Long ứng thi và đều trúng tuyển. Nhà vua phong Lý Cương là Tả Đô Đài, Lý Bảo là Hữu Đô Đài. Khi nhà Tống đem quân xâm lược nước ta, anh em Lý Cương, Lý Bảo chiến đấu dưới sự chỉ huy của tướng Lý Thường Kiệt. Chiến thắng giặc Tống, Anh em Lý Cương, Lý Bảo được nhà vua cho phép đi chu du thiên hạ, xem xét dân tình. Khi đến đất Cá Chử, trang Kê Sơn, huyện Vĩnh lại, Hồng Châu nay thuộc xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo hai anh em ở lại giúp đỡ nhân dân làm ăn ngày một khá giả.


Thần phả còn ghi, hai ông đã hộ giá vua Lý đi bình phạt Chiêm Thành lập nhiều công lớn. Hai ông hy sinh tại mặt trận Ái Châu (Nghệ An ngày nay) vào 10/10 âm lịch. Vua phong sắc chỉ, truy tặng Lý Cương, Lý Bảo tước Đại vương Thượng đẳng thần. Nhớ ơn công đức của hai ông, nhân dân thôn Nhân Giả lập miếu thờ, ngàn năm hương khói, tưởng niệm.
Miếu Nhân Giả được xây dựng từ rất sớm, trải qua thử thách của thời gian, của khí hậu và nhất là sự tàn phá của chiến tranh nhưng đến nay ngôi miếu vẫn còn tồn tại và đã đi sâu vào đời sống tinh thần, tình cảm của nhân dân. Quy mô miếu không lớn nhưng quang cảnh và bài trí nội thất khá đẹp. Mặt tiền nhìn ra cánh đồng làng thẳng cánh cò bay. Bố cục miếu kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Bộ khung gỗ gần như nguyên vẹn, chắc khỏe. Ở đây ta không bắt gặp những đầu đao uốn cong, những cột gỗ lực lưỡng mà nó ẩn sâu những giá trị riêng ở các đề án trang trí trong di tích, trên các bức cửa võng, cuốn thư, câu đối, các sạp thờ, ngai thờ. Tập trung hơn cả là đề tài “tứ linh”, biểu tượng của bốn Thiên Vương trấn giữ bốn phương trời với những mô típ “Lưỡng Long Chầu Nguyệt”, “Phượng Hàm Thư”, “Sư tử hí cầu”, “Nghê chầu phượng múa”... và hàng loạt các loại hoa lá cách điệu. Với lối chạm kênh, bong hình, chạm nổi, tất cả đều rất công phu, trau chuốt và đạt đến trình độ nghệ thuật cao. Đáng kể nhất là hình tượng rồng vì trong vùng cư dân nông nghiệp, con người tin rồng đem lại cho trái đất sự phì nhiêu và những cơn mưa mát mẻ. Tiếp đó là những con kỳ lân được thể hiện đầu rồng, mặt hổ, đuôi ngựa và chân trâu, toát lên sự thông thái tinh khôn, mưu mẹo và sự vững chãi. Cùng với rồng, lân, phượng cũng chiếm đa số, là biểu tượng của sự ấm áp, đạo đức và cái đẹp, nó tiền báo sự thịnh vượng và thành đạt. Còn hình tượng rùa ở đây xuất hiện không nhiều nó chỉ được thể hiện ở một số di vật nói lên ước muốn trường thọ và giàu có của con người. Tất cả đều là những sản phẩm của các thế hệ tiền nhân để lại, chứa đựng những mong ước thiết tha, vừa thánh thiện vừa đời thường, vừa thiêng liêng của bao thế hệ con người.


Ngoài giá trị lịch sử tôn thờ nhân vật có công với dân với nước, miếu Ba Vua còn lưu giữ khá nhiều cổ vật có giá trị nghệ thuật và lịch sử như kiệu bát cống (3 cỗ), kiệu rước, long đình, đại tự, cuốn thư, long ngai, bài vị, bảo kiếm nhang án. Đặc biệt là những cổ vật có liên quan đến điển tích, uy phong của các vị thành hoàng như thần phả, sắc phong. Qua các tư liệu này có thể xác định được sự biến thiên địa lí, lịch sử làng xã cũng như “mĩ tự” dành cho người đương thời. Đây chính là nguồn tư liệu chính xác phục vụ công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.


Hội làng diễn ra từ ngày mùng 10 đến 12/3 âm lịch hằng năm (ngày sinh của Phùng Lực). Những năm phong đăng hòa cốc, nhân dân còn tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Chạp âm lịch, là ngày thánh Phùng Lực hóa, ngày mùng 10/10 giỗ hai thánh Lý Cương, Lý Bảo, 10/8 ngày sinh của Lý Cương Lý Bảo. Vào những ngày này dân làng Nhân Giả và du khách trong vùng lại hội tụ về, mang theo hương hoa, lễ vật vừa để thăm quê vừa dự lễ hội để gửi gắm, bộc lộ những ý nguyện thầm kín thiêng liêng hoặc tự thể hiện mình trong các hoạt động tế lễ, vui chơi, giao tiếp.
Miếu Ba Vua là một trong những di tích lịch sử văn hóa tôn thờ các nhân vật lịch sử thời Hùng Vương và thời Lý, luôn được nhân dân bảo vệ và giữ gìn để tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công nào chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông gấm vóc từ nghìn đời. Đó là một hoạt động có ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với toàn thể nhân dân, là động lực tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, cùng cố niềm tin cho cộng đồng cùng nhau hướng tới tương lai xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh, to đẹp hơn.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke