MIẾU AN ĐÀ, PHƯỜNG ĐẰNG GIANG, QUẬN NGÔ QUYỀN
07 04 2023
in trangMiếu An Đà thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng được công nhận là DTLSVH cấp thành phố năm 2009. Đây là ngôi miếu cổ thờ hai vị thánh mẫu, một vị là tùy tướng của nữ tướng Lê Chân, một vị là Hoàng phi thời hậu Lê.
Miếu An Đà thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng được công nhận là DTLSVH cấp thành phố năm 2009. Đây là ngôi miếu cổ thờ hai vị thánh mẫu, một vị là tùy tướng của nữ tướng Lê Chân, một vị là Hoàng phi thời hậu Lê.
Tương truyền, vị tùy tướng của nữ tướng Lê Chân tham gia đội hướng binh, không rõ tên húy, theo nữ tướng Lê Chân giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Nam Hán, bà lập nhiều chiến công và hy sinh trong khi đánh giặc. Bà được an táng tại gò Cao ấp Đà Cụ, đó là nơi sau này nhân dân lập miếu An Đà, miếu được tồn tại từ đó cho đến nay. Bà được các triều đại vua ban tặng sắc phong. Hiện nay, miếu còn giữ được sắc phong của vua Duy Tân (năm 1911), vua Khải Định (năm 1924) được nhân dân suy tôn là Thành Hoàng làng. Vị Hoàng phi Nguyễn Thị Kim vốn là hoàng phi của vua Lê Chiêu Thống, sau khi vua Lê Chiêu Thống và con trai chết hoàng phi đã uống thuốc độc tự tử quan dân đều thương cảm, kính phục. Vua Gia Long sai dựng bia mộ, ban tặng: An Trinh tuẫn tiết Nguyễn Thị Kim. Tương truyền, Hoàng phi sau khi tuẫn tiết đã báo mộng cho dân Đà Cụ được thờ bà.
Miếu An Đà là công trình tín ngưỡng tâm linh của làng An Đà, xưa thuộc tổng Đông Khê, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương. Nhân dân địa phương thường gọi miếu An Đà với tấm lòng kính trọng và tự hào là miếu cổ An Đà. (Đền Hai Bà)
An Đà trước đây là thôn Đà Cụ, xã An Biên, tổng Đông Khê, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương. Năm 1909 được thành lập một làng mới và có tên là An Đà. Tên An Đà được ghép từ tên địa phương cũ thôn Đà Cụ với xã An Biên. Xã An Biên là vùng đất có từ rất xa xưa gắn với tên tuổi và sự nghiệp của nữ tướng Lê Chân trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh đuổi bọn giặc Đông Hán sau 40 năm công nguyên. Nữ tướng Lê Chân đã trở thành thánh mẫu và là thành Hoàng của làng An Biên. Mảnh đất An Đà trước kia nằm dọc bờ sông Lạch Tray, đông giáp Đông Khê, tây giáp Hàng Kênh. Làng chỉ có hơn 120 suất đinh sống bằng nghề chài lưới. Làng gồm 6 dòng họ như: họ Phan, họ Đặng, họ Phạm và 3 dòng họ Nguyễn. Dòng họ Phan, Đặng đến sớm nhất, họ Đặng từ Hàng Kênh chuyển sang. Các dòng họ Phan, Đặng ở đây đến nay 18 đời tức gần 550 năm.
Trước năm 1945 xã An Đà có một đình, một chùa, một miếu song do sự thăng trầm của lịch sự hiện nay địa phương chỉ còn một miếu và một chùa. Song dấu tích cổ còn in ấn dấu ấn của người xưa để lại chỉ còn ở ngôi miếu An Đà.
Miếu cổ An Đà có kiến trúc tuy đơn giản nhưng cùng với những đồ tế khí, tài sản có giá trị là đồ đồng, đồ gỗ, đồ sứ như chuông khảm, tượng của hai vị nữ thần, bát điểu, bát hương mang đậm kiến trúc cuối Lê đầu Nguyễn, khuôn viên được xây dựng trên 500m2 gắn liền với lịch sử hình thành trang An Biên xưa. Miếu cổ đã trải qua nhiều lần tu tạo để bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa. Lễ hội miếu An Đà được tổ chức vào ngày 13,14,15 tháng giêng và Lễ Thánh hóa vào ngày 11,12,13 tháng 10 âm lịch hàng năm đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong và ngoài nước. Đây là một trong những công trình có giá trị cao về văn hóa tâm linh và là niềm tự hào của người dân Đằng Giang.
Hiện nay hậu cung và một số công trình phụ trợ của ngôi miếu cổ đã bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng đã được UBND thành phố cho phép được tu sửa. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để sửa chữa, tu tạo công trình này hiện còn rất khó khăn. Ban Quản lý các DTLSVH phường Đằng Giang và Ban khánh tiết miếu An Đà mong muốn và trân trọng đón nhận, xin vinh danh tất cả những tình cảm và sự đóng góp, ủng hộ về vật chất của các tổ chức, cá nhân có lòng thiện tâm để tu tạo lại ngôi miếu cổ. Đây là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức đối với hai vị hiển thánh linh thần đang được thờ phụng tại miếu An Đà, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng đã được UBND thành phố xếp hạng.
Thành đoàn Hải Phòng