KHU TƯỞNG NIỆM VƯƠNG TRIỀU MẠC

13 02 2023

in trang

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhà Mạc là một trong những triều đại nắm triều chính ngắn chỉ với 66 năm (1527 – 1592) nhưng đã để lại cho đời sau nhiều dấu ấn, bí ẩn và hàng loạt chứng tích lịch sử trên dải đất duyên hải Bắc Bộ. Nổi bật hơn cả là vùng đất Dương Kinh xưa tức Kiến Thụy ngày nay (Hải Phòng) được xem là kinh đô đầu tiên của người dân vùng biển do nhà Mạc dựng lên.

Khu di tích vương triều Mạc - xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng).

Theo Toàn thư và Đại việt thông sử, Mạc Đăng Dung (1483 – 1541) người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là thôn Đương Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), là cháu 7 đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần. Sinh ra ở vùng biển, thuở thiếu thời, Mạc Đăng Dung làm nghề đánh cá, nhưng lại có trí dũng hơn người. Trong cuộc thi tuyển dũng sĩ đời vua Lê Uy Mục tại Giảng võ đường Thăng Long, ông đã trúng Đô lực sĩ xuất thân - Võ Trạng nguyên, được sung quân Túc vệ. Trong giai đoạn này, triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, Mạc Đăng Dung được giao trấn thủ Hải Dương. Vua Lê Chiêu Thống ở kinh thành Thăng Long bị quân khởi nghĩa của Nguyễn Kính nổi loạn, uy hiếp. Mạc Đăng Dung mang quân về kinh thành cứu giá, một mình dẹp loạn, được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công...

Năm 1527, ông được triều Lê phong làm thái sư An Hưng Vương. Tháng 6 năm 1527, ông được Lê Cung Hoàng nhường ngôi vua, lập ra nhà Mạc với niên hiệu Minh Đức. Học theo nhà Trần, trị vì được 2 năm, đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh - tức Mạc Thái Tông, lui về làm Thái thượng hoàng, xây dựng Dương Kinh tiểu kinh đô thứ 2 của nhà Mạc đồng thời là đô thị ven biển đầu tiên của nước ta lúc bấy giờ.

Dưới triều Mạc, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam có nhiều thành tựu được lịch sử ghi nhận. Đó là thời thịnh trị của chợ búa, cảng thị sầm uất, văn hóa dân gian nở rộ. An ninh trật tự, kỷ cương nghiêm minh. Về kinh tế, nhà Mạc đã có chính sách khuyến nông, ưu tiên cấp ruộng đất cho binh lính, chú trọng khẩn hoang, lập làng, đắp đê. Nhà Mạc không theo chính sách “trọng nông, ức thương” như thời Lê sơ, mà có chính sách rất cởi mở với nội thương và ngoại thương, phát triển sản xuất hàng hóa, thông thương thị trường nội địa với nước ngoài. Sản phẩm gốm hoa lam của nhà Mạc ở Bát Tràng, ở Nam Sách độc đáo, tinh xảo, xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Một số nghề thủ công mỹ nghệ như tạc tượng, đúc chuông được khuyến khích phát triển.

Về văn hóa, nhà Mạc luôn chú trọng chính sách thi cử, đào tạo nhân tài cho đất nước (kể cả đối với phụ nữ). Cứ 3 năm mở một kỳ thi Hội. Tổng cộng tổ chức được 22 khoa thi, lấy đậu 485 tiến sĩ, 11 trạng nguyên, 12 bảng nhãn, 19 thám hoa (chỉ đứng sau thời vua Lê Thánh Tông). Tiêu biểu là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, “ngôi sao Khuê” của thế kỷ XVI. Thời đó, Mạc Đăng Dung cho xây dựng Dương Kinh ở Cổ Trai, quê hương ông một hệ thống cung điện, lầu các, trường học như: Các Dương tự; điện Tường Quang, Phúc Huy; phủ Quốc Hưng; mả Lăng, đồn binh, kho lương… với quy mô đồ sộ. Để Dương Kinh trở thành “đô thị ven bến xứ Đông”, nhà Mạc cho xây dựng một số thương cảng trên bến dưới thuyền làm nơi giao lưu hàng hóa trong và ngoài nước như: Lỗ Minh Thị, An Quý, Do Nha… gắn với việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhiều di tích, nhất là chùa chiền ở Cổ Trai và vùng lân cận.

Vương triều Mạc tồn tại trong thời gian 65 năm trước khi bị lực lượng phong kiến nhà Trịnh với danh nghĩa phù Lê đánh bật ra khỏi Thăng Long năm 1592. Nhà Mạc đã trải qua 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527 - 1529), Mạc Đăng Doanh (1530 - 1540), Mạc Phúc Hải (1541 - 1546), Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561) và Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592).

Bên trong Khu tưởng niệm

Ngoài những thành tựu về kinh tế, văn hóa xã hội nhà Mạc còn nổi tiếng với thanh “Định Nam Đao” – vũ khí liền thân của Thái tổ Mạc Đăng Dung khi người còn làm quan võ dưới triều vua Lê. Thanh đao khi xưa nặng 32 cân dài 2.55m nhưng do thời gian bị chôn vùi dưới lòng đất hơn 100 năm. Thanh đao giờ nặng 25.6 cân.

Ngày 15/1/2020 thanh đao của Thái tổ đã được Thủ tướng chính phủ công nhận : “Bảo vật quốc gia”.

 

Hiện nay Định Nam Đao được thờ tại Di tích KTN Vương Triều Mạc làm linh khí cho KTN Vương Triều Mạc.Đây là niềm vinh dự, là niềm tự hào của không chỉ người dân Hải Phòng nói chung và đặc biệt là người dân huyện Kiến Thụy nói riêng vì nơi đây là nơi sinh ra và lớn lên của vị vua đầu tiên của Vương triều Mạc.

Vùng đất Kiến Thụy là nơi phát tích Vương triều Mạc, là nơi có truyền thống học hành và thời nào cũng có người đỗ đạt cao, giữ những trọng trách của quốc gia, của thành phố. Việc khai bút đầu xuân tượng trưng cho sự khởi đầu tốt đẹp của mọi hoạt động, với mục đích gửi gắm tâm tư, nguyện vọng về một năm mới hạnh phúc và thành công. Mùng 6 tháng Giêng hàng năm, tại Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc thường diễn ra lễ khai bút đầu xuân, với sự tham gia của hàng trăm học sinh giỏi, học sinh tiêu biểu trên địa bàn thành phố và đông đảo người dân, du khách gần xa. Lễ khai bút được thực hiện sau nghi thức rước "thần bút" về trước đền thờ các chư vị tiên đế Vương triều Mạc. 

Lễ khai bút đầu xuân

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke