KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT ĐỀN THỜ TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM.

24 02 2023

in trang

Khu di tích lịch sử- văn hóa đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, một địa chỉ hấp dẫn trong Tuor “Du khảo đồng quê” của thành phố Hải Phòng, nơi khắc hoạ rõ nét cuộc đời, sự nghiệp của Danh nhân, nhà học giả, nhà tiên tri, nhà triết học nổi tiếng, ngôi sao sáng chói trên bầu trời đất Việt ở thế kỷ XVI.

THAM QUAN TOUR DU LỊCH QUA ỨNG DỤNG VR360https://trienlam.mobifone.vn/vr-tour/trang-trinh-nguyen-binh-khiem/

         Sử sách còn ghi: Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình vọng tộc. Thuở nhỏ, ông học rất giỏi. Song do xã hội lúc đó nhiều biến động, nên mãi đến năm 45 tuổi ông mới dự thi. Liên tiếp 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu, giành học vị cao nhất-Trạng Nguyên và được vua Mạc bổ chức Hiệu thư ở Viện Hàn Lâm rồi chuyển sang chức Đại học sĩ Toà Đông Các, sau thăng Tả thị lang Bộ Hình rồi Tả thị lang Bộ Lại, tước Trình Quốc Công. Làm quan được 8 năm, triều Mạc bất ổn, ông dâng sớ vạch tội 18 lộng thần nhưng không được vua chấp thuận. Mùa thu năm Nhâm Dần (1542), ông từ quan về quê dựng Am Bạch Vân mở trường dạy học. Suốt từ đó cho tới tuổi ngoài 90 ông vẫn làm nghề dạy học, xây dựng con người vì sự tồn vong của dân tộc. Cho đến mùa Đông năm Ất Dậu (1585), Ông lâm bệnh nặng và mất, thọ 95 tuổi. Lễ tang ông được tổ chức rất long trọng. Vua Mạc đã cử Phụ chính triều đình Úng Vương Mạc Đôn Nhượng dẫn đầu các quan đại thần về dự. Tháng giêng năm sau (1586) vua lại ban cấp cho làng Trung Am 3000 quan tiền, 100 mẫu ruộng để lập đền thờ ông. Tại Đền có gắn biển đề dòng chữ vua ban: Mạc Triều Trạng Nguyên Tể Tướng Từ- một danh hiệu truy tặng danh dự cao quý.

Sau đó cuộc thế đổi thay, đền đổ nát. Đến năm Vĩnh Hựu (1735) đời Lê Ý Tông dân làng mới trích ruộng công bán đi để có thêm tiền mua gạch xây đền. Năm Minh Mạng thập tứ (1833), đền bị phá rồi lại được xây lại.

Đền thờ Danh nhân Văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm

Ngôi đền hiện nay được xây dựng đời Bảo Đại, do một Thượng thư trí sĩ người Vĩnh Bảo cùng dân sở tại hưng công. Tại rường đình còn khắc chìm dòng chữ “Bảo Đại Mậu Thìn niên- Mạnh đông Hoàng đại nhật” ghi lại thời gian tôn tạo ngôi đền vào mùa đông năm 1928.

Đền quay hướng Đông, kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường và 2 gian hậu cung. Các mảng điêu khắc, chạm trổ với mô típ trang trí hình rồng, phượng, hoa lá cách điệu, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Tại đền, còn lưu giữ được một số di vật có giá trị, đáng kể phải nói đến hàng loạt các bức đại tự, các đôi câu đối với nội dung ca ngợi quê hương và tài năng, đức độ của Trạng Trình.

Đặc biệt, bức đại tự gian trung tâm thờ chữ cũ: “An Nam Lý Học” câu nói của người xưa, dựa theo sắc phong của vua đời trước tặng cụ, dẫn lời viên sứ thần đầu thời Thanh là Chu Xán ca ngợi Nguyễn Bỉnh Khiêm là người am hiểu sâu sắc khoa lý học: “An Nam Lý Học hữu trình tuyền”.

 Dưới bức đại tự là đôi câu đối thể hiện quan điểm, nhận thức rằng: dân là gốc của nước đồng thời tỏ rõ tấm lòng yêu nước, thương dân của ông:

Cổ lai quốc dĩ dân vi bản

Đắc quốc ưng tri tại đắc dân

(Từ xưa đến nay, nước lấy dân làm gốc

Được nước là nhờ được lòng dân)

Với lòng ngưỡng mộ Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngôi đền thờ Ông luôn được nhân dân gìn giữ, tu bổ. Năm 1991, Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Từ năm 1999 đến nay, được sự quan tâm của Trung ương và thành phố, khu di tích ngày càng được mở rộng và quy hoạch với diện tích rộng 12,43 ha. Nhiều hạng mục, công trình có giá trị được phục dựng, đầu tư, hoàn thiện và đưa vào sử dụng, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu du khách về dâng hương, tưởng niệm Danh nhân. Tiêu biểu như: Đền thờ Song Thân Trạng Trình, Chùa Song Mai, Đền thờ Bà Minh Nguyệt, Am Bạch Vân, Núi Sấm, Bút Kình Thiên... Năm 2013, nhà lưu niệm được bổ sung, chỉnh lý. Tại đây, trưng bày, giới thiệu những di cảo của ông còn để lại, như các tác phẩm: Bạch Vân Am thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi, Sấm ký…và gần 200 đầu sách của các tác giả viết về ông. Đó là những di sản vô giá trong kho tàng văn hóa dân tộc và cũng là những hiện vật hết sức có giá trị minh chứng cho toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của ông. Tại đây còn lưu giữ phiến đá xanh có khắc 3 chữ: “Trường Xuân Kiều”, dấu tích còn lại của cây cầu “Trường Xuân” do Nguyễn Bỉnh Khiêm đề chữ.

Năm 2015, với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.

Lễ đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt

Bên phải đền là quảng trường được hoàn thành năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 415 năm ngày mất của Danh nhân. Trung tâm quảng trường là tượng đài Danh nhân cao 5.7m, nặng 8.5 tấn làm bằng chất liệu đá granit. Tượng trong tư thế ngồi, tay cầm bút, tay cầm sách trầm tư về nhân tình thế thái. Sau tượng Cụ là hai bức phù điêu hoành tráng, thể hiện nổi bật hai tiêu đề “Hào quang tỏa sáng đất Trung Am - Nam Đàn sinh thánh, Hải Phòng tiếp bước cha anh”.

Quảng trường

Cạnh đó là chùa Song Mai cổ tự, tương truyền do Nguyễn Bỉnh Khiêm xây dựng năm 1556 (niên hiệu Thuận Bình, triều Lê Trung Tôn), là nơi tu hành của bà Minh Nguyệt, thứ phu nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nơi đây, tuần tiết nhị kỳ, dân làng và du khách thập phương đến tụng kinh niệm phật, cầu phúc, cầu tài, nghe những câu chuyện về mối tình của Trạng Trình với người con gái Đồ Sơn đẹp người, đẹp nết lại giỏi thơ văn.  Ngôi chùa từ lâu đã trở nên nổi tiếng trong vùng.

 Chùa Song Mai cổ tự

Sau đền chính là Am Bạch Vân, nơi mà nhiều học giả xưa nay đánh giá là trường đại học tư thục lớn nhất và là một thi xã tiêu biểu của đất nước đương thời. Chính tại đây, ông đã trực tiếp đào tạo nhiều Trạng nguyên khác và để lại cho đời một đội ngũ trí thức kiệt xuất như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, Đinh Thời Trung, Trương Tuân, Nguyễn Quyện...

Am Bạch Vân

Xa hơn một chút là Quán Trung Tân. Quán cổ được xây dựng năm 1542 đời Mạc Phúc Hải (niên hiệu Quảng Hòa thứ hai). Quán do Nguyễn Bỉnh Khiêm vẽ kiểu, bỏ tiền nhà ra làm nền, sai học trò đôn đốc việc xây dựng, lại tạo bia rất lớn. Ông tự soạn bài văn bia nổi tiếng để truyền bá tư tưởng Trung Tân, tức là biết đỗ đúng bến, không làm gì thái quá, không làm gì bất cập trong hành xử, giữ điều thiện. Đây là bài tản văn hiếm hoi và rất nổi tiếng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nội dung văn bia có nhiều lượng thông tin quý giúp ta hiểu thêm về thân thế, tư tưởng của nhà triết học, nhà thơ, nhà sư phạm lỗi lạc ở thế kỷ XVI của nước ta. Quán cổ Trung Tân, một trong 14 cổ tích của xứ Đông đã thu hút đông đảo sĩ phu các triều đại đến thăm và đọc bia. Đến đời Cảnh Hưng (1740-1786) quán đã hư, bia đã mờ nhưng người đến thăm vẫn đông trong đó có cả các quan nên dân phải phục dịch vất vả. Do đó, sau này khi quán đổ dân không tu tạo nữa. Năm 2000, nhân kỷ niệm 415 năm Ngày mất của Danh nhân, quán và bia mới được phục dựng, hàng ngày tấp nập người ra vào ngắm dòng Tuyết Giang, đọc “bia ký”, lòng không khỏi tự hào về một vị quan thanh liêm, một nhà nho ưu thời mẫn thế, lấy chí trung là chí thiện.

Khuôn viên trước và sau đền

Quần thể khu di tích Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã và sẽ là tâm điểm của tuyến du lịch Quốc gia đang được nhiều hãng lữ hành quan tâm đưa vào chương trình du lịch. Khu di tích đã vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Nông Đức Mạnh, đồng chí Lê Khả Phiêu, đồng chí Trần Đức Lương, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc… về thăm. Hàng năm, hàng vạn lượt đoàn khách trong và ngoài nước đến đây tham quan, chiêm ngưỡng, đặc biệt là giới trí thức, học sinh, sinh viên. Năm 2009, UBND huyện Vĩnh Bảo thành lập Ban quản lý di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Quyết định số 2411/QĐ-UBND, trực thuộc UBND huyện Vĩnh Bảo.

Học sinh tham quan, trải nghiệm

 

Lễ hội đền Trạng Trình

Lễ hội đền Trạng Trình là lễ hội cấp huyện, được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 27-29/11 âm lịch hàng năm). Những năm chẵn đều do thành phố tổ chức để hướng tới nâng cấp thành lễ hội cấp thành phố. Lễ hội diễn ra hết sức trang trọng, phần hội có nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn. Tại đây các loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền của Vĩnh Bảo được phô diễn như: đốt Pháo bông, đánh Pháo đất, thả diều, đua thuyền, đấu vật, đu sòng, kéo co, múa rối nước, múa rối cạn, hát múa chèo…Ngoài ra còn tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như: Làng vui chơi, làng ca hát; giao lưu văn nghệ các làng văn hóa; bình thơ; đánh bóng chuyền, cờ người…Tổ chức hội chợ bày bán nhiều sản phẩm độc đáo của quê hương như: thuốc lào Vĩnh Bảo, rượu Trạng Trình, mắm Đợn Tân Liên, bánh trôi Liên Am…và những món ăn dân dã đậm đà tình quê luôn làm hài lòng du khách.

Nguồn: UBND Huyện Vĩnh Bảo

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke