ĐÌNH VĨNH LẠC - NƠI LƯU GIỮ CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
28 02 2023
in trang
Đình Vĩnh Lạc còn gọi là “ Đình Chín Gian” thuộc thôn Vĩnh Lạc, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Đình thờ đức Thành hoàng làng Thái úy Lý Thường Kiệt, được xây dựng trên nền tảng của nghệ thuật điêu khắc đình làng Việt Nam. Dân làng Vĩnh Lạc xây dựng ngôi đình nhằm tưởng niệm, ghi nhớ công lao vị tướng tài của vương triều Lý thế kỷ XI – XII.
Cho đến nay đình Vĩnh Lạc vẫn giữ được một số hoạt động sinh hoạt cộng đồng luôn gắn với ý thức truyền thống dân tộc qua các lễ hội hàng năm và định kì.
Cứ vào các ngày 13,14,15 tháng 3 âm lịch hàng năm, Đình Vĩnh Lạc tổ chức lễ hội nguyện cầu Linh thần cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc. Lễ hội chính được tổ chức 5 năm một lần thu hút được đông đảo con dân cháu làng, du khách thập phương về tham dự và cầu phúc.
* Quá trình xây dựng đình Vĩnh Lạc
Đình Vĩnh Lạc được soạn vào thời Hậu Lê, đời vua Kính Tông, niên hiệu Hoàng Định (1601 – 1619). Khi có chủ trương dựng đình, làng đã cử 10 cụ già vào tỉnh Thanh Hóa mua lại ngôi nhà của một chúa Trịnh. Từ lúc rời làng đến khi mua được nhà gỗ về dựng đình mất 3 năm.
Đặt trong hệ thống di tích truyền thống của thành phố Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung, đây là di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, là công trình cổ kính tôn thờ anh hùng dân tộc, đức Thành Hoàng làng Thái úy Lý Thường Kiệt. Ông đã dừng chân, đóng quân tại trang An Lạc (thuộc Vĩnh Bảo ngày nay), chuẩn bị binh, lương đi tiễu phạt giặc Chiêm Thành. Về sự kiện này, bản thần phả hiện lưu tại Bảo tàng Hải Phòng cho biết: “Trong thời gian một ngày, đại quân của Lý Thường Kiệt đã hành quân tới tỉnh Hải Dương, địa phận Hồng Châu. Theo đường thủy, đại quân đã đến Giang Phần (Sông Hóa ngày nay). Thấy phong cảnh nơi này đẹp đẽ, nhân dân hòa hợp, phong tục thuần lương, ông quyết định đóng quân tại đây. Biết tin nhân dân bản trang đã đem, lợn, trâu, gạo, rượu đến ủng hộ. Thấy nhân dân có lòng tốt, ông liền hạ lệnh kén người trong trang được hơn 30 người để bổ sung vào đội quân của triều đình đi đánh giặc. Sau khi Thái úy Lý thường Kiệt qua đời, dân làng Vĩnh Lạc đã lập miếu ngàn năm hương khói phụng thờ”.
* Kiến trúc và thiết trí ngôi đình
Đình Vĩnh Lạc (đình Chín Gian) tọa lạc trên khuôn viên đất rộng thoáng và bằng phẳng. Mặt tiền của đình hướng Tây Nam, phía trước có dòng Hóa Giang chảy qua đã đem lại nguồn sống, nguồn sinh khí tốt lành, thịnh vượng cho cộng đồng dân cư làng Vĩnh Lạc.
Đình được làm từ gỗ gụ vân, mái lợp ngói mũi hài, xung quanh bưng toàn bộ bằng ván gỗ. Phần sân đình có ba cổng, bên phải là cổng Tấn điền (thêm ruộng đất), bên trái là cổng Tấn lộc ( phát tài lộc), giữa là cổng Lạc phú ( giàu có vui vẻ).
Đình có bố cục mặt bằng hình chữ Nhị (OEN) gồm: tiền tế 9 gian và hậu cung 3 gian. Tòa tiền tế được thiết kế theo kiểu “chéo đao tầu góc”. Bốn đầu đao được tạo hai giải vân mây uốn cong tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát, vươn cao cho công trình. Tòa hậu cung mang nét kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Hệ thống bộ khung chịu lực tòa tiền tế dựng trên 40 cột gỗ gụ ít gặp trong các di tích; Cột cái có kích thước khá lớn, đường kính 170cm. Nóc tiền tế được thiết kế kiểu “vì kèo cọc báng” thể hiện sự kết hợp khéo léo, hài hòa của kiến trúc thời Lê với nghệ thuật chạm khắc, hình tượng trang trí Nguyễn (thế kỷ XIX) và còn được giữ nguyên vẹn đến ngày nay.
Về trang trí trên các thành phần, cấu kiện kiến trúc tòa tiền tế mang tính điểm xuyết, trọng tâm, chấm phá. Đầu dư chạm thủng đầu rồng mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Tại các con rường, kẻ, nghé bẩy, bẩy, đấu được trang trí chạm nổi các đề tài quen thuộc trong kiến trúc gỗ cổ truyền như: hoa lá lật, vân mây xoắn, cánh sen.
Ngoài ra đình còn lưu giữ được rất nhiều đồ thờ tự, sắc phong, bi ký, thượng thờ là cổ vật rất có giá trị, có niên đại từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX. Đây thực sự là bộ sưu tập phong phú làm giàu thêm giá trị di sản văn hóa của đình.
Với giá trị về lịch sử, kiến trúc và di sản hiện còn được lưu giữ, đình Vĩnh Lạc được tôn vinh, xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào ngày 09/03/2017.
Thành đoàn Hải Phòng