ĐÌNH VẬT CÁCH THƯỢNG - DI TÍCH CỔ HUYỆN AN DƯƠNG

18 01 2023

in trang

Đình Vật Cách Thượng, thuộc thôn Vật Cách Thượng, xã Nam Sơn. Đình Vật Cách Thượng cũng như bao ngôi đình ở làng, xã người Việt là nơi để dân làng tinh tuyển, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Đình Vật Cách Thượng mang chính tên địa phương nơi cộng đồng đã sản sinh ra nó, được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2014.

Xuất phát từ trung tâm thành phố Hải Phòng đi theo những đường phố khác nhau, du khách về thị trấn An Dương, từ đây đi tiếp qua cây cầu Rế khoảng 2 km, vượt qua ngã tư nút giao của Quốc lộ 5 và Tỉnh lộ 351, nhìn bên phải đường thấy cổng làng Vật Cách Thượng, đi vào làng hỏi thăm sẽ được người dân chỉ tới di tích.   

Vật Cách Thượng (物格上), theo Hán tự nghĩa là vùng đất phía trên, có mọi vật chuẩn mực, hợp lẽ. Con người và mảnh đất Vật Cách Thương được hình thành muộn nhất vào thời Ngô Vương Quyền. Bởi theo thần tích, thời Lý Thánh Tông (1054 - 1072), Ngài Nguyễn Trung Thành, sau khi cha, mẹ qua đời đã từ làng Cam.

Lộ về trang Vật Cách ở với nghĩa phụ là chồng của người cô ruột. Sau này, Nguyễn Trung Thành hy sinh, vua nhà Lý ban sắc phong cho làng Vật Cách thờ ông làm Phúc thần. 

Làng Vật Cách Thượng được hình thành từ bãi bồi của dòng sông Cấm. Xưa làng có 1 đình, 1 chùa (chùa có tên chữ là Kim Liên) và 1 văn chỉ, nhưng văn chỉ hiện nay không còn. Làng Vật Cách Thượng xưa nằm ở bên sông, có vị trí trên bến, dưới thuyền, đời sống dân cư sầm uất. Thời thuộc Pháp, làng nằm bên cạnh hai quốc lộ lớn là: đường 5 và 203 (sau đổi thành 351). Đặc biệt, làng có ga xe lửa trên tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội và sân bay dã chiến của thực dân Pháp. 

Theo  thần  tích  về  Ngài  Nguyễn  Trung  Thành  do  Đông  các  Đại  học  sĩ Nguyễn Bính soạn niên hiệu Hồng Phúc, năm đầu (1572), thời điểm đó chỉ có xã Vật Cách. Sau này, qua tư liệu như: Bia đá “Tiên Nghênh kiều” (Cầu Đón Tiên), dựng niên hiệu Chính Hòa thứ 25 (1704), hiện đang bảo tồn tại đình Đồng Giới, thị trấn An Dương, ghi các cá nhân, tập thể công đức trùng tu cây cầu, trong đó ghi 6 vị là người xã Vật Cách và 3 người xã Vật Cách Thượng, đều trong huyện Giáp Sơn (lúc đó Vật Cách thuộc huyện Giáp Sơn), phủ Kinh Môn. Hai bia “Tiên Nghênh kiều” sau này dựng niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718) và niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 4 (1732), chép người các xã Vật Cách, xã Vật Cách Thượng, riêng bia năm 1732 ghi tập thể xã Vật Cách Hạ. Như vậy qua thần tích cùng những thông tin ở bia đá nêu trên, có thể thấy thuở ban đầu chỉ có một xã Vật Cách, sau do dân số đông, đất đai mở rộng, nên đến khoảng cuối thế kỷ XVII, mới tách thành hai xã Vật Cách Thượng và Vật Cách Hạ. Vật Cách Thượng và Vật Cách Hạ mang ý nghĩa thâm thúy, nghĩa là hai vùng đất ở trên và ở dưới, cũng có thể hiểu Vật Cách Thượng là vùng đất ban đầu và Vật Cách Hạ là vùng đất sau, nhưng có cùng chung nguồn gốc. Vật Cách Thượng xa xưa là xã thuộc huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Đến thời Minh Mạng nhà Nguyễn hình thành cấp tổng, năm 1837 thành lập phủ Kiến Thụy. Năm 1889, thành lập tỉnh Hải Phòng, năm 1902 đổi là tỉnh Phù Liễn, năm 1906 đổi là tỉnh Kiến An. Niên hiệu Duy Tân (1907- 1916), Vật Cách Thượng thuộc tổng Quỳnh Hoàng, huyện An Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An.

Đến thời đất nước ta hòa bình năm 1955, thành lập xã Nam Sơn, Vật Cách Thượng trở thành một thôn trong xã. Đình làng Vật Cách Thượng thờ Thành hoàng Nguyễn Trung Thành. Theo “Lý triều Trung Thành Đại vương, Ngọc phả lục” do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn, Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền tái tuân Tiền Lý chính bản phụng sao, thân thế, sự nghiệp của ông được tóm tắt như sau: 

Nguyễn Trung Thành quê tại ấp Cam Lộ, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương, nên người dân gọi ông là Đức Thánh Cam Lộ, (hiện nay là tổ dân cư Cam Lộ, thuộc phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng). Ông sinh ngày 2 tháng 2, thân phụ ông tên là Vượng, thân mẫu tên là Định. Gia đình ông Vượng thuộc  dòng  dõi  danh  hiển, lại am tường về phong thủy. Nguyên  quán  ông  Định  ở đạo  Sơn  Nam,  thấy  đất  ấp Cam  Lộ  đẹp  nên  gia  đình ông  di  chuyển  về  Cam  Lộ. Hai ông bà Vượng làm nhiều việc  đức,  việc  thiện  nhưng hiềm một nỗi tuổi đã gần 50 mà chưa có con nối dõi.

Một lần giữa trưa trong lúc nhàn rỗi, bà dựa vào lan can nhà nằm ngủ, trong giấc chiêm bao, mộng thấy mình được  lên  trên  trời  và  gặp được Tiên ông. Tiên ông nói với bà rằng gia đình bà đã tích  được  nhiều  thiện,  đức nên  được  thiên  đình  cho tiên đồng nhập gia môn để làm  con  của  gia  đình,  cho tên  của  đứa  trẻ  là  Trung Thành. Trung Thành sẽ là người làm được nhiều việc lớn và có danh tiếng trong thế gian. Sau đó bà Định mang thai, qua mười hai tháng, vào ngày 2 tháng 2 năm Bính Tý, bà sinh được một người con trai. Khi lâm bồn, hương thơm lan tỏa cả phòng. Đứa trẻ sinh ra tướng mạo đường đường, phong tư lẫm liệt. Nhớ lời Tiên ông dặn, ông bà đặt tên cho người con trai là Trung Thành. Trung Thành mới năm tuổi đã hiểu được âm luật. Năm ông mười sáu tuổi, cha mẹ đều qua đời. Trung Thành cư tang cha mẹ ba năm. Sau đó, Trung Thành chuyển về ở với người cô ruột là Nguyễn Thị Bích lấy chồng ở trang Vật Cách và nhận ông Trần Bá Nghi, chồng của cô Bích làm nghĩa phụ. Trần Bá Nghi là vị tiên công, có nhiều công lao lập nên làng Vật Cách. Trung Thành dồn sức học tập, luyện rèn, năm hai mươi bốn tuổi văn chương thông triệt, am hiểu nho giáo, võ nghệ tinh thông, thao lược. Thời gian đó, vua Lý Thánh Tông hạ chiếu tổ chức thi tuyển tại kinh thành để tìm người hiền tài. Ông Thành lên kinh ứng thi, vua Thánh Tông nhìn thấy ông, đã thấy là kỳ nhân, vua hỏi ông ứng đối trôi chảy. Vua nói rằng “Trời đã cho ta người tài để giúp nước”, phong cho ông chức: “Gián nghị Đại phu”. Sau ba năm được thăng chức “Trung Lang tướng”. Hai năm sau, Chiêm Thành sang xâm lược nước ta. Vua thân làm tướng đi đánh giặc, phong cho ông làm “Tả tâm Phúc, Quản xuất toàn quân lương hướng”, luôn được hầu cận bên vua. Sau khi thắng giặc, bắt được vua Chiêm là Chế Củ, vua thăng cho ông là “Bình Chương sự”. Ông được vua yêu mến, đồng liêu kính phục. Quốc gia vô sự, ông xin về Cam Lộ, Vật Cách, mở tiệc khoản đãi nhân dân. Ông cho tiền dân Vật Cách để mua ruộng, ao làm của công. Ông xin nhà vua cho Vật Cách là đất hộ nhi, được miễn trừ tô thuế, phu dịch. Ông xuất tiền giúp người nghèo đói, cô đơn, từ đó dân được ân huệ lớn của ông. Sau vài tháng về triều, vua Thánh Tông băng hà, theo di chiếu, ông cùng quần thần phù giúp Thái Tử Càn Đức lên ngôi, lấy niên hiệu Thái Ninh. Vào mùa đông năm Thái Ninh thứ nhất (1072)(*), quân Chiêm kết hợp cùng với quân Tống sang xâm lược nước ta. Ông xin vua đi đánh giặc, ông cùng với Lý Thường Kiệt tổ chức chiến đấu, đánh bại quân xâm lược. Ông được vua trọng thưởng lớn, thăng chức “Điện tiền Đại Lý quốc sự”, được cùng vua bàn quốc sự. Tháng mười mùa Đông năm Tân Tỵ, niên hiệu Long Phù thứ nhất (1101), tại châu Diễn, Lý Giác làm phản, cầu cứu Chiêm Thành sang xâm lược nước ta. Vua cử Nguyễn Trung Thành cùng Lý Thường Kiệt đi đánh giặc. Ông được cử làm tướng tiên phong chỉ huy đoàn quân quyết tử, gồm năm ngàn tướng sỹ cùng trên một trăm chiến thuyền chặn đánh giặc ở tuyến đầu. Đoàn quân của ông đã thu hút lực lượng địch và phá thế mạnh của giặc ngay từ khi chúng mới vào bờ cõi nước ta. Trong trận chiến ác liệt với kẻ thù trên chiến trường, mặc dù trong lúc gian nguy, nhưng để tập trung lực lượng địch, ông kiên quyết không cho báo quân tiếp viện. Quân giặc vây kín bốn phía mà không thể nào bắt được ông. Biết không thể phá được vòng vây của giặc, quyết không để sa vào tay kẻ thù, ông đã rút gươm tự tận, đó là ngày 12 tháng 11. Kẻ thù khiếp sợ trước cái chết anh hùng của ông, nên đã làm lễ an táng cho ông trên gò đất cao tại Chàng Sơn. Được tin ông hy sinh anh dũng, vua Lý rất thương xót, bèn tự làm soái, cầm quân cùng Lý Thường Kiệt, tiến đánh giặc Chiêm. Quân Chiêm đại bại, đất nước khải hoàn, vua thương cảm Trung Thành - một danh tướng trung nghĩa, bậc vĩ nhân thiên cổ, ban tặng sắc phong “Trung Thành Đại Vương”, lệnh cho rước sắc về quê hương Cam Lộ, lập đền phụng thờ. Đồng thời cấp đạo sắc chuẩn cho trang Vật Cách, lệnh cho nhân dân tu sửa gia thất cũ của ông làm nơi thờ tự Ngài. Đến niên hiệu Trùng Hưng (1285- 1293 ) thời Trần, Trần Quốc Tuấn phụng mệnh đánh giặc Nguyên Mông đến cầu tại đền thờ Ngài Trung Thành. Đánh thắng giặc, vua Trần gia tặng mỹ tự: “Hộ quốc Cương nghị”. Niên hiệu Hưng Long thứ 21(1313 ) vua gia tặng mỹ tự: “Anh uy Quả đoán”. Lê Thái tổ đánh giặc Minh, đi qua đền thờ Ngài tại Vật Cách, đêm ngủ mộng thấy Ngài về xin âm phù giúp vua diệt giặc.

Sau khi đại định thiên hạ, Lê Lợi sắc phong tặng mỹ tự: “Phù tộ trợ thuận”, ban cho 100 quan tiền cổ để sửa sang, trang hoàng điện thờ, lệnh cho các quan địa phương đến tế lễ cầu mưa, cầu tạnh, rất linh ứng. Trải qua thời gian, Ngài Trung Thành vẫn âm phù cho quốc thái, dân an. Nhân dân hương hỏa thờ phụng Ngài không bao giờ dứt. Các triều vua kế tiếp sau này phong cho Ngài: “Trung Thành Đại Vương Thượng đẳng thần”. Thống kê trong vùng có tới 12 làng, xã lập đền thờ Ngài Nguyễn Trung Thành, như: Cam Lộ, Vật Cách Hạ, Lương Quán, Xích Thổ…

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke