ĐÌNH VẬT CÁCH HẠ - XÃ NAM SƠN - HUYỆN AN DƯƠNG

26 10 2023

in trang

Đình Vật Cách Hạ, thuộc thôn Vật Cách Hạ, xã Nam Sơn, mang tên chính địa danh nơi cộng đồng dân cư đã sản sinh ra nó. Đình Vật Cách Hạ được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2014. Vật Cách Hạ (物格下), theo Hán tự có nghĩa: vùng đất ở phía dưới có mọi vật chuẩn mực, hợp lẽ. Theo các tư liệu lịch sử của địa phương, làng Vật Cách Hạ được chia tách thành xã riêng từ làng Vật Cách. Đình làng Vật Cách Thượng thờ vị Thành hoàng Nguyễn Trung Thành. 


Đình Vật Cách Hạ, thuộc thôn Vật Cách Hạ, xã Nam Sơn, mang tên chính địa danh nơi cộng đồng dân cư đã sản sinh ra nó. Đình Vật Cách Hạ được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2014. 

Vật Cách Hạ (物格下), theo Hán tự có nghĩa: vùng đất ở phía dưới có mọi vật chuẩn mực, hợp lẽ. Theo các tư liệu lịch sử của địa phương, làng Vật Cách Hạ được chia tách thành xã riêng từ làng Vật Cách. Đình làng Vật Cách Thượng thờ vị Thành hoàng Nguyễn Trung Thành. 

Làng Vật Cách Hạ trước đây có 1 đình, đình thờ Ngài Nguyễn Trung Thành, 1 chùa, chùa tên chữ là “Sùng Bảo” (崇 寳) và 1 miếu, miếu thờ Ngài Nguyễn Trung Quốc, miếu cổ bị hủy hoại đã lâu, hiện nay miếu được xây dựng lại trong khuôn viên đình làng. 

Theo truyền ngôn của các vị cao niên trong làng, thuở ban đầu đến khai hoang lập ấp Vật Cách Hạ có hai vị họ Hoàng và họ Nguyễn. Hai vị sau là khởi thủy tổ của hai dòng họ ở nơi đây, được dân làng Vật Cách Hạ tôn vinh là tiên công của làng và phối thờ tại đình làng. 

Theo bản thần tích, thần sắc của làng Vật Cách Hạ được chức dịch làng xã khai báo về trên, năm 1938, hiện đang được lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam, đình làng Vật Cách Hạ thờ hai vị Thành hoàng: Ngài Nguyễn Trung Thành và Ngài Nguyễn Trung Quốc. Thân thế và sự nghiệp của vị Thành hoàng thứ nhất, Ngài Nguyễn Trung Thành, Ngài Thành hoàng thứ 2, Nguyễn Trung Quốc.

Đình Vật Cách Hạ tương truyền được xây dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII, do binh lửa chiến tranh, thăng trầm của lịch sử, ngôi đình đã bị hủy hoại. Năm 2007, đình được người dân địa phương dựng lại trong khuôn viên nhà văn hóa của làng. Đình Vật Cách Hạ nằm bên cạnh đường trục thôn, con đường to rộng trải nhựa sạch đẹp. Trong khuôn viên đình có miếu thờ vị Thành hoàng Nguyễn Trung Quốc, đình nằm sát với ngôi chùa Sùng Bảo, tạo thành một quần thể công trình di tích, văn hóa, trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của dân làng Vật Cách Hạ. Quần thể các công trình rất tiện lợi trong quản lý, bảo vệ, tương tác, hỗ trợ tốt với nhau trong mọi hoạt động của cộng đồng dân cư. Bởi vậy, hệ thống các công trình văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của người dân Vật Cách Hạ đang trở thành một mô hình tốt được áp dụng, thực hiện tại nhiều thôn, làng ở ngoại thành Hải Phòng. 

Đình Vật Cách Hạ có quy mô kích thước khiêm tốn, đình nhìn về hướng Nam, xa xa là dòng sông Rế, dòng sông cổ xưa, nguồn cung cấp nước ngọt cho thành phố Hải Phòng hiện nay. Trước đình là khoảng sân khá rộng. Từ sân đình được lát bằng gạch bát đỏ, bước lên đình qua năm bậc cấp. Bậc cấp cũng được lát gạch cùng loại với sân đình, tạo nên sự đồng mầu hài hòa. Trên sân, trước gian trung tâm của tòa đại bái đình, đặt bộ tam sự lớn, gồm lư hương và hai cây đèn đều bằng đá, để mọi người thuận tiện, thành kính dâng hương lễ thánh, hạn chế việc thắp hương trong nội thất đình, bảo đảm sự trong sạch trong di tích. Đình Vật Cách Hạ có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ đinh, đại bái có ba gian chính, hai gian dĩ và ba gian hậu cung cũng là cung cấm. Đại bái mái chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi. Trên mái đại bái được trang trí đắp vẽ theo các mô típ truyền thống, như: đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm, đuôi kìm uốn thành những vòng tròn đồng tâm, trông như những đám mây tụ, biểu tượng cho ước vọng mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp. Trên khúc nguỷnh của mái đắp con sô, các góc đao cong, đắp tổ hợp rồng chầu, phượng múa, lân cưỡi trên mây. Đại bái cấu tạo ba gian cửa chính, cửa đóng theo kiểu cổ, cửa thùng khung khách, thượng song, hạ bản. Cửa gian trung tâm rộng hơn, có sáu cánh, hai gian bên mỗi gian bốn cánh. Phần tường xây bao phía trước của hai gian dĩ đắp phù điêu đề tài tứ linh khá sinh động. Trên phần chắn phong phía trước cửa gian trung tâm treo bức đại tự trong có bốn chữ Hán lớn: “Đình Vật Cách Hạ” (亭物格下). 

Hệ khung chịu lực của tòa đại bái làm bằng bê tông cốt sắt, gồm ba bộ vì chính, vì bốn hàng chân cột, vì nóc cấu trúc thuận chồng hai con, vì nách thuận chồng ba con. Trên các con thuận đắp lá guột, đấu kê thuận đắp nổi hoa sen cách điệu. Các bộ vì được liên kết chặt chẽ với nhau qua hệ thống xà đai chắc khỏe. Sau nhà đại bái là hậu cung, và cũng là cung cấm. Nhà hậu cung một gian theo kiểu chuôi vồ, mái chảy sang hai bên, nhưng công trình được làm tách rời với nhà đại bái. Kiểu xây dựng này dễ thi công và để khắc phục tình trạng đình thường bị mưa dột tại các xối nơi mái của hai nhà đại bái và hậu cung giao nhau. Tuy nhiên xây dựng kiểu này làm kiến trúc cổ truyền bị biến dạng và giảm đi những giá trị kiến trúc nghệ thuật dân gian truyền thống. Hậu cung có ba cửa, cửa chính ở giữa lớn và hai cửa nách nhỏ hơn, cửa chính ít khi mở, vào hậu cung chủ yếu qua cửa nách. Nhà hậu cung không cấu tạo vì, hoành gác lên tường hồi phía trước và sau. 

Trải qua thăng trầm của lịch sử đình Vật Cách Hạ bị hủy hoại nên đồ thờ tự tế khí cũng mất mát, thất lạc theo. Tuy nhiên sau khi xây dựng khôi phục lại đình, người dân địa phương đã công đức cúng tiến vào đình khá đầy đủ đồ thờ như: thần tượng, long khám, nhang án, câu đối, đại tự, bát biểu, chấp kích, cửa võng…

Trước đây tính theo âm lịch, vào ngày 2 tháng 2, ngày sinh của Đức thánh Trung Thành, ngày 12 tháng 11 ngày hóa của Ngài, dân làng tổ chức lễ hội. Nhưng ngày 2 tháng 2 là ngày lễ hội làng được tổ chức lớn nhất trong năm. Trong lễ hội có tế lễ, rước thánh quanh làng. Phẩm lễ dâng thánh, do cai đám lấy từ lợi tức cấy ruộng công của làng để sắm, gồm có: xôi, thịt lợn, thịt gà, bánh giầy, rượu… Các vị chức dịch, quan viên trong làng xã cắt cử theo hằng năm để tham dự tế, Mạnh bái phải là các vị có chức sắc lớn và không phạm tang trở trong năm. Ngoài tế lễ, hội làng còn có các trò chơi thi đấu như: đấu vật, đu tiên, đánh cờ người, hát ca trù, hát chèo sân đình… Ngày nay, người dân địa phương đang từng bước kế thừa, phát huy những nét đẹp văn hóa trong lễ hội do tiền nhân để lại.

Đình Vật Cách Hạ nằm trong khu trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của địa phương, là nơi giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho mọi người. Đình Vật Cách Hạ cùng với các di tích của xã Nam Sơn sẽ làm phong phú, đa dạng, những giá trị lịch sử văn hóa cho quê hương, một xã đứng trong tốp đầu có nhiều di tích được xếp hạng của thành phố Hải Phòng.

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke