ĐÌNH VĂN XÁ, XÃ QUỐC TUẤN, HUYỆN AN DƯƠNG

25 10 2023

in trang

Đình Văn Xá được xây dựng từ khá lâu, muộn nhất là vào thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX). Theo truyền ngôn, với 36 suất đinh được huy động đến đời vua Duy Tân thứ 3, năm Kỷ Dậu (1909), đình Văn Xá chính thức được cất nóc và trở thành ngôi nhà chung trong mọi hoạt động của làng và tồn tại đến ngày nay, là chỗ dựa về đời sống tinh thần của mỗi người dân địa phương.

Đình Văn Xá tọa lạc thôn Văn Xá, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương,  thành phố Hải Phòng.

Đình Văn Xá được xây dựng từ khá lâu, muộn nhất là vào thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX). Theo truyền ngôn, với 36 suất đinh được huy động đến đời vua Duy Tân thứ 3, năm Kỷ Dậu (1909), đình Văn Xá chính thức được cất nóc và trở thành ngôi nhà chung trong mọi hoạt động của làng và tồn tại đến ngày nay, là chỗ dựa về đời sống tinh thần của mỗi người dân địa phương.

Đình Văn Xá thờ ba vị Thành hoàng của làng, đó là Quý Minh, vị tướng thời Hùng vương và hai chị em Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn, con vua Mai Hắc Đế, thế kỷ VIII. Hiện nay trong đình còn lưu câu đối ghi lại việc thờ tự các vị:

Quý Minh nguyên soái đại danh thùy vũ trụ

Bạch Đế, Kiều Nương nghĩa cử trúc thanh cao

Quý Minh là vị thần có nguồn gốc từ thời vua Hùng dựng nước và được rất nhiều địa phương ở đồng bằng Bắc Bộ tôn thờ nơi đình, miếu.

Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn là hai chị em, con của Mai Thúc Loan, người châu Hoan. Vào năm 713, Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa đánh đổ chính quyền đô hộ nhà Đường, giành lại độc lập dân tộc. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Mai Thúc Loan lên ngôi vua (sử cũ thường gọi là Mai Hắc Đế). Năm 722, tức 10 năm sau cuộc khởi nghĩa, nhà Đường đem một đạo quân lớn do viên tướng Dương Tư Húc chỉ huy sang đánh chiếm nước ta, cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan thất bại. Số tướng lĩnh còn lại đã tôn Mai Kỳ Sơn lên nối ngôi cha (sử cũ thường gọi là Bạch Đầu Đế), tiếp tục duy trì cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Lực lượng của Mai Kỳ Sơn còn chiếm giữ được 2 vùng Đông và Nam của phủ Tống Bình (Hà Nội ngày nay) được vài năm. Đến cuối năm 727, sau hơn 2 tháng đánh dẹp, nhà Đường mới phá vỡ được căn cứ cố thủ của Mai Kỳ Sơn và Mai Thị Cầu ở Nhu Điều và Điều Yêu (Quốc Tuấn ngày nay), Mai Kỳ Sơn đã anh dũng hy sinh,

Mai Thị Cầu tuẫn tiết để không bị rơi vào tay giặc. Ngày nay, ở trên bờ một lạch thoát triều cũ đổ ra sông Lạch Tray của xã Quốc Tuấn còn hai ngôi miếu nhỏ (dân gọi là miếu Một và miếu Hai), tương truyền là nơi an táng hai vị.

Tư liệu thần tích về Mai Thị Cầu và Mai Kỳ Sơn cho biết, Mai Thúc Loan có người bạn thân là Phạm Ngọc Giao, người làng Kiều Yêu Thượng. Do có thâm giao nên con gái của Mai Thúc Loan là Mai Thị Cầu đã kết hôn với con trai của Phạm Ngọc Giao là Phạm Ngọc Quỳnh. Còn Mai Kỳ Sơn thì lấy Hoàng Thị Đang, người làng Nhu Kiều cùng thuộc xã Quốc Tuấn ngày nay. Đây chính là căn nguyên lịch sử khiến cho cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan vào thế kỷ VIII có liên quan đến vùng đất Quốc Tuấn ngày nay. Vì vậy, sau khi cả hai chị em hy sinh vì nước, dân làng đã lập đình, miếu để phụng thờ và suy tôn làm Thành hoàng làng.

Hiện nay, tại đình Văn Xá còn lưu giữ được nhiều sắc phong của các vua nhà Nguyễn ban cho địa phương được phụng thờ hai ngài.

Đình Văn Xá được xây dựng theo hướng Tây Nam, trước mặt là sông Lạch Tray uốn khúc, bên kia là ngọn núi Phướn thuộc xã Trường Sơn, huyện An Lão. Đình xây tường hồi bằng gạch vồ lớn, mạch vữa trát nổi hình vỏ măng trông cổ kính, trầm mặc. Bộ mái đình được lợp hoàn toàn bằng loại ngói ta hai lớp, hai đầu đao cong đắp mô típ rồng chầu phượng vũ, bờ nóc đắp biểu tượng lưỡng long chầu nguyệt. Đầu bờ nóc đắp đôi kìm ngậm bờ nóc.

Đình có kiến trúc theo kiểu chữ công truyền thống với 5 gian tiền tế, 3 gian ống muống (nhà cầu) và 3 gian hậu cung.

Toà tiền đường có kết cấu khung chịu lực từ các bộ vì tạo thành 3 gian 2 chái. Liên kết kiến trúc là các vì nóc, vì nách. Vì nóc được thiết kế kiểu thuận chồng rường. Trên các cấu kiện của vì nóc được trang trí dầy đặc, tỉ mỉ các hoạ tiết hoa văn như: Hoa lá cách điệu, mây cụm, biểu tượng hổ phù. Vì nách có kết cấu kiểu chồng rường, hoa văn trang trí rồng mây, long mã, quy sen, cá chép hoá rồng, cua, nghê dạng nghê gảy đàn.

Toà hậu cung có 3 gian. Kiến trúc có phần đơn giản hơn toà tiền đường nhưng cũng được chạm khắc các đề tài đậm chất nghệ thuật truyền thống. Vì nóc mái có kết cấu kiểu chồng rường. Trên các con rường chạm nông đề tài rồng đàn, rồng ổ. Tất cả đã góp phần làm cho toà công trình thêm phần linh thiêng, sinh động.

Trải qua thời kỳ chiến tranh, nhân dân trong thôn đã 02 lần tu sửa đình. Năm 1989, trùng tu 3 gian ống muống. Năm 2002, đại tu toàn bộ 11 gian, thay hoành rui, lợp lại ngói đình. Năm 2020, Thành phố công trợ kinh phí 300 triệu nên đã lợp lại 02 xối đình, 3 gian ống muống, trát lại trong và ngoài tường đình. Cùng với nhân dân trong thôn, Ban quản lý di tích đã tô tạc tượng, khám, ngai và các đồ thờ tự trong đình. Đến nay, khung cảnh đình Văn Xá đã khang trang, tố hảo.

Trải thời gian lịch sử, đình Văn Xá còn bảo tồn được nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng như: Tượng ba vị Thành hoàng làng, Kiệu bát cống, Hai bức cuốn thư, Bia đá “Hậu đình Văn Xá”, Sáu đạo sắc phong,…

Hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống đình Văn Xá trong hai ngày, từ ngày 14 đến 15 tháng 2 âm lịch. Trong lễ hội có tổ chức rước thánh từ đình đến các miếu và ngược lại. Sau đó thực hiện các nghi thức nhập tịch, tế tạ. Công việc này chủ yếu thực hiện ở đình làng.

Bên cạnh các nghi thức, nghi lễ thành kính, trang nghiêm, trong không gian đình Văn Xá, cộng đồng còn tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Chọi gà, cờ người, cầu thùm, đập niêu...

Kể từ khi được xây dựng và trùng tu đến nay, đình Văn Xá luôn là một công trình tâm linh tín ngưỡng quan trọng và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân địa phương. Ngôi đình không chỉ là chốn linh thiêng phụng thờ các vị Thành hoàng mà còn là nơi hội tụ giá trị nhiều mặt về lịch sử, văn hoá, giáo dục, những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương.

Với những giá trị tiêu biểu trên, đình Văn Xá đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xếp hạng di tích lịch sử văn hoá tại Quyết định số 178/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2005.

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke