ĐÌNH VĂN PHONG, THÔN VĂN PHONG, XÃ ĐỒNG THÁI, HUYỆN AN DƯƠNG

25 10 2023

in trang

Đình Văn Phong thuộc thôn Văn Phong, xã Đồng Thái, ngôi đình được mang tên chính địa danh quê hương nơi cộng đồng dân cư đã sản sinh ra nó. Đình Văn Phong được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2008.


Đình Văn Phong thuộc thôn Văn Phong, xã Đồng Thái, ngôi đình được mang tên chính địa danh quê hương nơi cộng đồng dân cư đã sản sinh  ra nó. Đình Văn Phong được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2008.

Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, du khách đi theo các tuyến phố khác nhau khoảng 6 km về xã An Đồng, sau đó hỏi về thôn Văn Cú, rồi sang Văn Phong chỉ là một đoạn đường ngắn khoảng 1 km. Đình Văn Phong nằm bên tuyến đường liên xã An Đồng, Đồng Thái và sang các xã khác của huyện An Dương.

Văn Phong xa xưa có tên là Hoa Phong, đến đời vua Thiệu Trị, nhà Nguyễn (1841-1847), do kiêng tên húy mẹ của nhà vua, nên đổi thành Văn Phong

Văn Phong (文風),theo Hán tự có nghĩa là quê hương có phong tục, nếp sống văn hóa. 

Văn Phong cũng như nhiều làng xã khác của huyện An Dương, người dân có truyền thống cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất và yêu quê hương, đất nước. Truyền thống đó được kế thừa từ thời Ngài Thành hoàng Cao Tuấn, nhà Đinh thế kỷ X, lập dựng trang ấp cho tới ngày nay. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, người dân Văn Phong đã đóng góp một phần to lớn. Tổng kết hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược bảo vệ nền độc lập của đất nước, làng Văn Phong có 1 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 32 liệt sĩ và nhiều thương, bệnh binh.

Trong nhiều năm trở lại đây, người dân Văn Phong đã sáng tạo trong lao động sản xuất, chuyển đổi canh tác từ trồng lúa sang trồng hoa, cây cảnh, nên đời sống đã tiến bộ vươn lên. Năm 2019, thôn Văn Phong đã đạt danh hiệu đơn vị nông thôn mới. Hiện nay với mô hình nhân rộng sản xuất trồng hoa, cây cảnh, Văn Phong đang phấn đấu đạt danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu. 

Đình Văn Phong thờ vị Thành hoàng có tên hiệu Bác Nghiên, tên húy là Tuấn. Ông Tuấn đi theo Đinh Bộ Lĩnh về với sứ quân Trần Lãm, hợp tác với các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Lê Hoàn đồng tâm hiệp lực dẹp các sứ quân cát cứ. Năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Nhà vua đặt quan chế, triều nghi, phong thưởng cho các công thần. Nguyễn Bặc được phong Đinh Được Công, Lưu Cơ làm Chánh đô hộ, Cao Tuấn làm Phó Đô úy được hưởng thực cấp 50 hộ, lại miễn tô thuế cho trang Văn Cú, từ đó dân trang được no đủ, thường ca ngợi ông Tuấn có đức như núi, tựa bể xuân. Ông Tuấn thường nói: “Chúng ta mong sao tên tuổi mãi được lưu truyền, làm được nhiều phúc để báo ơn vua, đền nợ nước”. Ông Tuấn khi làm quan được vua, quan yêu quý, kính trọng, được vua ban cho nhiều bổng lộc, nên có biệt hiệu là Từ Tường. Khi thấy trong triều có kẻ nhòm ngó ngôi báu, ông bèn xin từ quan về quê nhà. Vào một hôm ông mở đại tiệc khoản đãi nhân dân, trong lúc đại tiệc ông cho dân làng 100 lạng bạc và dặn rằng: “Quan hưu không có gì nhiều, tặng dân làng để đền đáp công lao đóng góp của dân làng đã theo giúp. Sau này mong được dân thờ cúng”. Nói xong ông bỏ hai bộ sách vào tay áo rồi đi về phía núi Yên Tử, sau đó không biết ra sao. Hôm đó là ngày 25 tháng Chạp, lúc đó có 3 người ở khu Cú Đoài theo sau, đến nơi tìm nhưng không thấy dấu vết gì, chỉ thấy trên trời có áng mây vàng hình như cái lọng che trên đỉnh núi, một lúc sau biến thành 5 sắc rồi tan biến, mấy người đi theo kể rõ câu chuyện cho người dân ấp Đoài. 

Đình làng Văn Phong  xưa được xây dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ XVII- XVIII, nhưng đã bị hủy hoại qua thăng trầm của lịch sử. Đình Văn Phong hiện nay được xây dựng trên khu đất của ngôi đình xưa, một khu đất rộng, cao thoáng mát, nhìn về hướng Đông Nam. Phía trước đình là hồ nước lớn. Theo phong thủy, hồ nước là nơi tích phúc của dân làng. Trước sân đình là nghinh môn đình, được xây kiểu cột đồng trụ. Từng cặp cột đồng trụ xây tương tự nhau và đăng đối qua đường thần đạo, hai cột lớn tượng cho trời ở trong, hai cột nhỏ ở ngoài tượng cho đất. 

Đình Văn Phong có kiến trúc mặt bằng kiểu chữ nhị, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, cũng là 3 gian cung cấm. Đình làm bằng vật liệu hiện đại, bê tông cốt sắt, kết hợp với vật liệu truyền thống. Từ sân đình lát gạch đỏ phẳng đều, bước qua 5 bậc cấp là lên hiên đình. Tòa tiền tế đình Văn Phong, mái chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi truyền thống. Trên mái tòa tiền tế đắp trang trí các đề tài truyền thống như: đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm, khúc nguỷnh đắp con sô, góc đao đắp tổ hợp rồng chầu, phượng múa. Tòa tiền tế có 3 gian cửa chính, cửa bằng gỗ, đóng theo kiểu cổ, cửa thùng khung khách, gian giữa sáu cánh, hai bên mỗi gian bốn cánh, kiểu thượng song hạ bản. Trên bản cửa chạm khắc khá tinh xảo với đề tài tứ quý, tùng, cúc, trúc, mai, hoa quả sang, quý. Tường bao che phía trước gian hồi tiền tế trổ cửa sổ hình tròn, trong đặt tấm đan hoa thoáng hình chữ thọ cách điệu để lấy ánh sáng thêm vào trong đình. 

Đình Văn Phong là công trình văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, nơi bảo tồn các giá trị truyền thống của người dân Văn Phong. Công trình là chứng tích đánh dấu lịch sử hào hùng có từ hàng ngàn năm của người dân địa phương. Đình Văn Phong như tượng đài tôn vinh bậc anh hùng, hào kiệt có công dẹp loạn cứu dân, góp phần to lớn xây dựng nên nhà nước Đại Cồ Việt của dân tộc Việt Nam. Cùng với các ngôi đình khác trong vùng như đình Văn Cú, đình Vân Tra, đình Kiến Phong... tạo nên quần thể di sản văn hóa rất có giá trị chứng minh một thời lịch sử anh hùng của người dân An Dương trải ba triều đại huy hoàng: Đinh, Lý, Trần trong lịch sử Việt Nam.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke