ĐÌNH VĂN CÚ, XÃ AN ĐỒNG, HUYỆN AN DƯƠNG

25 10 2023

in trang

Đình Văn Cú thuộc thôn Văn Cú, xã An Đồng, ngôi đình được mang tên chính địa danh nơi cộng đồng dân cư đã xây dựng nên, đó là làng Văn Cú. Đình Văn Cú được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2005.

Đình Văn Cú thuộc thôn Văn Cú, xã An Đồng, ngôi đình được mang tên chính địa danh nơi cộng đồng dân cư đã xây dựng nên, đó là làng Văn Cú. Đình Văn Cú được xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2005.

Văn Cú là vùng đất có con người đến sinh cư lập nghiệp từ trước thời tự chủ của nước ta, tức là trước thế kỷ X. Bởi theo thần tích của địa phương, thế kỷ X Văn Cú là một trang ấp ổn định, nên sinh ra hai vị Đỗ Minh, Đỗ Quang, tướng triều Đinh, sau này hai ông là Thành hoàng làng.

Văn Cú (文 句), theo Hán tự được hiểu mở rộng là quê hương có văn chương, văn học. Xã Văn Cú xưa kia có 1 đình, 2 miếu, miếu Đống Đa, miếu Đống Trúc, nơi thờ hai vị Thành hoàng làng và 1 văn chỉ, nhưng văn chỉ hiện đã bị hủy hoại. Quê hương Văn Cú rất khác biệt với mọi địa phương khác là không có chùa, vì người dân nơi đây thực hiện theo lời nguyền của các Ngài Thành hoàng làng. Chính vì vậy người dân trong vùng mới có câu ca:

Bao giờ Văn Cú có chùa

Bạch Mai có miếu thì vua đi cày

Đình Văn Cú thờ hai vị Thành hoàng là hai anh em song sinh Đỗ Quang và Đỗ Minh. Tính theo âm lịch, ngày mừng thắng trận của hai Ngài, 12 tháng 2. Những chữ nhất thiết phải cấm dùng và cấm phát âm là Quang và Minh.

Đình Văn Cú, tương truyền được khởi dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ XVII- XVIII. Do binh lửa chiến tranh và thăng trầm của lịch sử ngôi đình đã bị xuống cấp, chỉ còn lại một phần hậu cung. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, người dân xây dựng lại ngôi đình trên nền đất cũ. Đình Văn Cú nằm trên khu đất rộng rãi thoáng mát, đình nhìn về hướng Nam, hướng đắc địa về phong thủy, phù hợpđể Thành hoàng ngự tại đình nghe được lời dân tâu bày để phù giúp. Trước đình có hồ nước trong mát, hình chữ nhật khá rộng, hồ nước theo phong thủy là nơi tích phúc của dân làng Văn Cú. Trong khuôn đình có hai cây cổ thụ, cây gạo và cây mít, hai cây đã có tuổi trên 200 năm và đã được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam”. Riêng cây mít tại đình Văn Cú, đây là cây mít duy nhất của thành phố Hải Phòng được công nhân là cây di sản Việt Nam. Cây mít theo tiếng Phạn là Butđa, phiên âm ra tiếng Việt là Bụt, tức là Phật. Bởi vậy cây mít thường hay được trồng ở chùa, gỗ mít già người ta thường tạc tượng Phật, lấy gỗ làm cột của chùa. Vậy nên như có duyên Phật, thánh định sẵn nên cây mít đã trường tồn ở đình Văn Cú cũng như có Phật tại làng Văn Cú rồi. 

Đình Văn Cú có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ công, gồm 5 gian đại bái, 2 gian ống muống và 3 gian hậu cung, cũng là cung cấm. Đình xây theo thức đầu hồi bít đốc, trụ đấu tay ngai, mái chảy, lợp ngói mũi truyền thống. Hệ thống cửa chính tòa đại bái gồm ba gian, gian trung tâm rộng, gian bên hẹp hơn một ít. Cửa đóng theo cửa cổ, cửa thùng khung khách, gian giữa 6 cánh, hai gian bên 4 cánh. Hai tường bao che phía trước gian hồi và hồi đình, xây gạch, giữa trổ cửa sổ hình chữ nhật để lấy thêm ánh sáng vào trong đình. Tay ngai là phần tường xây kéo dài từ hồi đình ra phía trước khoảng gần 2 m. Ngoài cùng của tay ngai xây trụ biểu, còn gọi là trụ đèn. Trụ biểu xây đế kiểu quả bồng, thân trụ tạo khung câu đối, trong đắp câu đối chữ Hán, đầu trụ đắp đèn lồng, đỉnh trụ đắp nghê chầu vào cửa đình. Trên mái đình đắp, vẽ trang trí theo thức truyền thống, đỉnh giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu bờ nóc đắp kìm, các bờ chảy đắp khung chạy xuôi xuống dưới, trong khung đặt hàng hoa chanh kép. Hàng đấu trên bờ chảy hạ thấp dần xuống chân mái ngói. Trên vỉ ruồi của tường hồi, phía ngoài đắp nổi hình hổ phù hàm thư. 

Đình Văn Cú trải qua thăng trầm của lịch sử, binh lửa chiến tranh nhưng vẫn còn bảo tồn được một số cổ vật có giá trị về lịch sử, mỹ thuật.

Lễ hội làng Văn Cú ngoài phần tế lễ dâng hương, còn có những trò chơi thi đấu dân gian như: đấu vật, đu tiên, bắt vịt, hát ca trù, hát chèo sân đình... Nhưng đặc biệt, bao giờ lễ hội làng cũng có trò chơi chọi gà. Theo truyền thống của dân làng đây là trò chơi để tưởng nhớ công ơn của hai vị Thành hoàng làng. Trong đó có Ngài Đỗ Minh là vị thánh được ví như thần kê, sinh thời ông rất giỏi nuôi dưỡng và luyện gà chọi, gà của ông đã đánh thắng được gà sứ Tầu như trong thần tích nêu ở trên. (Về lễ hội đấu gà chọi của đình làng Văn Cú là một di sản văn hóa phi vật thể rất độc đáo, đặc sắc sẽ được viết một bài riêng trong sách)

Đình Văn Cú một công trình di tích tưởng niệm hai vị danh tướng trung quân của triều Đinh, thế kỷ X. Công trình di tích cũng là nơi ghi dấu ấn lịch sử của quê hương Văn Cú, vùng đất cổ được hình thành trên một ngàn năm. Với những giá trị lịch sử văn hóa, những di sản văn hóa vật thể đặc sắc đang được người dân địa phương bảo tồn, gìn giữ, chắc chắn đình Văn Cú sẽ là điểm đến hấp dẫn của người dân trong và ngoài thành phố Hải Phòng.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke