ĐÌNH CHI LAI - CỤM DI TÍCH NẰM DƯỚI CHÂN NÚI VOI HÙNG VĨ

29 12 2022

in trang

Đình Chi Lai nằm chênh vênh giữa chốn sườn non, nhìn xuống dòng Lạch Tray uốn khúc, vùng này mảnh đất hữu tình, một bên là đồi núi trập trùng, một bên là ruộng đồng xanh ngắt, thoang thoảng hoa trái ngọt ngào. Nơi đây gắn liền với dấu tích lịch sử thời nhà Mạc, nhà Nguyễn.

Núi Voi An Lão, Hải Phòng là một quần thể núi đá, nhấp nhô, khúc khuỷu, có vị trí địa lý l06° 34’7 ” Kinh Đông 20° 50’30” Vĩ Bắc nằm trên địa bàn 02 xã An Tiến và Trường Thành, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 20 km về phía Tây Nam. Người ta gọi đây là Núi Voi bởi núi mang hình dáng một con voi khổng lồ đang nằm, sừng sững, uy nghi, đột khởi giữa vùng đồng bằng, làng xóm xanh tươi, trù phú in bóng xuống dòng sông Lạch Tray hiền hòa.

   Núi Voi, An Lão là một trong những địa điểm khảo cổ học lớn ở miền ven biển Đông Bắc nằm giữa hành lang Đông Tây. Nhiều hiện vật tiêu biểu cho thời kỳ văn hóa Đông Sơn tìm được ở Núi Voi chứng minh người cổ ở đây xuất hiện rất sớm, có niên đại cách ngày nay khoảng 3000 – 4000 năm. Những kết quả thám sát đó của các nhà khảo cổ học đã được khai quật tại Hang Mặc Hóc của quần thể di tích dang thắng Núi Voi, thuộc địa phận xã Trường Thành là chứng minh khẳng định Núi Voi, An Lão, Hải Phòng là một di chỉ khảo cổ học, là cái nôi của thời tiền sử và sơ sử, là một vùng đất cổ, có truyền thống lích sử văn hóa lâu đời. Dưới thời Hai Bà Trưng, ​​nữ tướng Lê Chân đã chọn núi Voi An Lão để xây dựng căn cứ, chiêu mộ nghĩa quân, tích lũy lương thực để đánh giặc.

Các núi đá cheo leo của Núi Voi Hải Phòng

Núi Voi còn được xem như một thành luỹ bảo vệ thành phố Cảng trong suốt đường dài lịch sử kháng chiến của ông cha ta, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Về thắng cảnh thì Núi Voi khá độc đáo với sơn thuỷ, hữu tình với nhiều hang động kỳ thú, núi đồi quần tụ, rừng cây tươi tốt trải dài trên sườn đồi.

 Khu di tích lịch sử danh thắng Núi Voi nổi tiếng với những công trình kiến ​​trúc cổ (đình, chùa, đền, miếu) được các bậc tiền nhân khởi dựng từ thời nhà Lý  - thế kỷ thứ XI, XII, được sử sách ghi lại cùng thời với tháp Tường Long (Đồ Sơn) hình thành nên như một trong những trung tâm phật giáo đô hội sầm uất nhất của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, núi Voi là trận địa phòng không quan trọng bảo vệ cửa ngõ Tây Bắc Hải Phòng. Đình và Chùa Chi Lai là cụm di tích nằm ngay phía chân Núi Voi thuộc thôn Chi Lai, xã Trường Thành thuộc quần thể di tích lịch sử danh thắng Núi Voi - di tích quốc gia được Bộ Văn hóa xếp hạng ngày 28/4/1962 theo Quyết định số 313-VH/VP. Đây cũng là một trong những di tích được xếp hạng di tích quốc gia sớm nhất của thành phố Hải Phòng.

Đình Chi Lai nằm chênh vênh giữa chốn sườn non, nhìn xuống dòng Lạch Tray uốn khúc, vùng này mảnh đất hữu tình, một bên là đồi núi trập trùng, một bên là ruộng đồng xanh ngắt, thoang thoảng hoa trái ngọt ngào. Nơi đây gắn liền với dấu tích lịch sử thời nhà Mạc, nhà Nguyễn. Cảnh đẹp nên thơ của Núi Voi, đã được người xưa truyền tụng qua những câu ca cho đến tận ngày nay:

Gập ghềnh, đỉnh thấp, đỉnh cao

Bàn cờ, hang đá, kênh Triều, Mạc xưa

Cảnh Long hoa bốn mùa thanh tịnh

Đình Chi Lai trung chính sườn non

Bốn bề chân núi dân thôn

Tiếng thiều, tiếng trúc véo von đi về.

          Đình Chi Lai là một công trình kiến ​​trúc cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ XIX với kết cấu chính gỗ lim. Đình có bố cục chữ Đinh gồm gian tiền đường và hậu cung, mái lợp ngói mũi hài (giới thiệu chi tiết hơn về cấu trúc của đình: Sân lát gạch thế nào? Gian tiền đường gồm 3 gian hay 5 gian,...). Đình thờ Đức Cao Sơn là thành hoàng làng, một vị tướng tài ba của vua Hùng Duệ Vương, vị sơn thần bất tử và linh ứng trong cảnh quan huyền thoại của người Việt. Là người đã có công dựng nghiệp và dựng làng ở vùng này. Và chính nơi đây ngày 29/9/1959, đồng chí Trường Chinh lúc đó là Tổng bí thư của Đảng đã về thăm và viết để lại bút tích nhắc nhở nhân dân ta giữ gìn tích lịch sử này.

Bên cạnh Đình Chi Lai là Chùa Chi Lai (tên chữ là Linh Sơn Tự). Các nhà sử học tìm thấy dấu vết của các vật liệu làm đình chùa ở đây thuộc kiến trúc thời Trần, như con rồng, núi sen, ngói mũi bằng, đất nung... Hiện tại chùa còn lưu giữ được văn bia thời Vua Bảo Đại ghi rõ tên chùa là Linh Sơn, bản tự trụ trì là Thích Quảng Trung, hiệu Đức Minh. Chùa Chi Lai trong kháng chiến cũng là địa điểm liên lạc của du kích với nhân dân địa phương. Đội nữ du kích Núi Voi trong kháng chiến chống Mỹ đã hàng ngày lên trận địa trên đỉnh núi để trực chiến và đã lập chiến công. Du kích trong kháng chiến chống Pháp cũng nhận được nhiều đồ tiếp tế của nhân dân, bí mật đưa qua con lợn đất để trong chùa, trong giỏ đựng thức ăn... và những tài liệu quan trọng của trung tâm chỉ huy. Sử sách đã ghi chép lại những câu đối phản ảnh lên tinh thần đó:

“Bước đến sân chùa tôi nguyện giữ vững niềm tin, giữ vững cảnh Phật

Đứng trên đỉnh núi ta thề, không giết được giặc không về Núi Voi”

     

      Ven sườn núi là đồi chè Chi Lai, một đặc sản nổi tiếng của quê hương An Lão đã đi vào câu ca “Chè Chi Lai - Khoai Tiên Hội”. Trải qua biến cố thăng trầm của thời gian và lịch sử, ngôi chùa Linh Sơn và ngôi Tổ Đường đã bị xuống cấp nghiêm trọng và đã được trùng tu, tôn tạo năm 2018. Chùa có kiến trúc hình chữ Công, trồng diêm 8 mái gồm có gian hậu cung, gian giữa và gian tiền đường.

Đình - Chùa Chi Lai hiện nay không chỉ là cơ cở sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, văn hoá tâm linh còn là trường học, là cơ sở giáo dục cho mọi người hướng thiện, nuôi dưỡng đời sống tâm linh và đóng góp xây dựng nếp sống đạo đức hiền hòa cao đẹp cho con người theo chiều hướng thánh thiện. Đồng thời, nó còn đáp ứng được những nhu cầu tín ngưỡng, thờ phụng, lễ bái, tu học, sinh hoạt xã hội của mọi tầng lớp nhân dân.

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke