Đình Tuy Lạc, Xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên
04 01 2024
in trang
Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Thành phố Đền Tuy Lạc, xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng Đền Tuy Lạc thờ vị thần Phổ Độ. Tương truyền, ngài vốn người châu Ái (vùng đất tương ứng với địa phận tỉnh Thanh Hóa ngày nay), ngài sống ở thời Trần (thế kỷ XIII) làm nghề chài lưới. Trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng vào năm 1288, ngài đã cùng với dân binh Thủy Triều tham gia đội quân nhà Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Sau khi ngài mất, được triều đình sắc phong là “Đoan túc tôn thần” và truyền nhân dân địa phương lập đền thờ tự. Thần được thờ bằng Bài vị tại gian Hậu cung của đền.
DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH TUY LẠC, XÃ THỦY TRIỀU, HUYỆN THỦY NGUYÊN
Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Thành phố Đền Tuy Lạc, xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng Đền Tuy Lạc thờ vị thần Phổ Độ. Tương truyền, ngài vốn người châu Ái (vùng đất tương ứng với địa phận tỉnh Thanh Hóa ngày nay), ngài sống ở thời Trần (thế kỷ XIII) làm nghề chài lưới. Trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng vào năm 1288, ngài đã cùng với dân binh Thủy Triều tham gia đội quân nhà Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Sau khi ngài mất, được triều đình sắc phong là “Đoan túc tôn thần” và truyền nhân dân địa phương lập đền thờ tự. Thần được thờ bằng Bài vị tại gian Hậu cung của đền.
Đền Tuy Lạc nằm trên địa bàn làng Tuy Lạc, xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Địa bàn này xưa là xã Tuy Lạc, tổng Kênh Triều, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An; trước đó là huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Cùng với đình Tuy Lạc, đây là một trong hai di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Thành phố trên địa bàn xã Thủy Triều. Đền nằm trong khuôn viên rộng 1.333,8m2; tuy nhiên các công trình kiến trúc xây dựng đều có quy mô nhỏ. Ngoài nhà chính điện và hậu cung; tòa giải vũ được xây dựng theo lối mở (không có cửa và tường bưng ỏ vị trí mặt tiền) mà trực tiếp thông ra sân đền; nội môn được tạo bởi hai trụ biểu tạo cho đền thêm vẻ cổ kính, thâm nghiêm. Hiện vật của đền gồm: bát nhang, hộp sắc, bài vị và long ngai, bộ bát biểu, biển rước… đều có niên đại đầu thế kỷ thứ XX. Đáng chú ý, tại đền hiện còn lưu giữ được 2 đạo sắc phong cho Phổ Độ, vào các năm 1911 phong “Phổ Độ chi thần”, đạo sắc được ban nhân vua Duy Tân 40 tuổi; đạo sắc thứ 2 vào năm 1924, phong thần thêm mỹ tự là “Đoan túc tôn thần” nhân dịp vua Khải Định 40 tuổi. Lễ Đại kỳ phúc đền Tuy Lạc được tổ chức từ ngày mùng 18 đến ngày 20 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Lễ hội diễn ra chủ yếu với các nghi lễ kính tế, dâng hương nhằm cầu an, cầu phúc cho dân làng; đây cũng là dịp để nhân dân địa phương bày tỏ lòng thành kính, tri ân đến vị tiền nhân đã có công với dân với nước./. Phòng VH&TT TH
Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Thành phố Đình Tuy Lạc, xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng Xã Thủy Triều gồm hai làng Tuy Lạc và Kinh Triều (Kênh Triều), xưa thuộc địa bàn tổng Kênh Triều, huyện Thủy Nguyên, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Hiện nay, địa phương còn bảo lưu được nhiều công trình văn hóa có giá trị như chùa Cổ Lôi, chùa Liên Hoa, đình - đền Tuy Lạc, đình - miếu Kinh Triều… Đình Tuy Lạc thờ vị Thành hoàng Quý Minh Đại vương; đây là vị thần theo tín ngưỡng dân gian của người Việt nên thần tích của thần tùy địa phương cũng có những dị biệt. Theo truyền thuyết dân gian, ngài sinh vào thời Hùng Duệ Vương (vua Hùng thứ 18), là anh em của đức thánh Cao Sơn, người Hồng Châu (phần đất tương ứng với địa phận các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và thành phố Hải Phòng ngày nay). Tương truyền, khi Hùng Duệ Vương ra chiếu tìm người tài, hai vị Cao Sơn và Quý Minh bèn đến chầu; vua phong Quý Minh làm chức “Đô chỉ huy sứ Tướng quân”. Khi Thục Phán An Dương Vương dấy quân xâm lược, vua Hùng đã sai hai anh em đem quân đi bình giặc. Thắng trận trở về, nhà vua đã ban cho dinh ấp, sau khi ngài mất được sắc phong là Thượng đẳng thần, truyền cho nhân dân xây dựng đền, miếu để thờ tự. Tại một số địa phương lại cho rằng Quý Minh, Cao Sơn và Sơn Tinh là hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ, tức anh em của Hùng Vương. Ngài là thủy thần, chịu trách nhiệm cai quản vùng sông nước đã giúp Sơn Tinh đánh dẹp Thuỷ Tinh. Hai anh em của ngài là Sơn Tinh và Cao Sơn là các sơn thần chịu trách nhiệm cai quản vùng rừng núi. Vì vậy khác với Sơn Tinh và Cao Sơn thường được thờ ở những vùng núi cao thì thần Quý Minh thường được thờ ở những vùng trũng, đồng bằng hoặc ven biển. Đình Tuy Lạc không chỉ là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng mà còn là một Di tích Lịch sử gắn với truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân xã Thủy Triều nói riêng và huyện Thủy Nguyên nói chung.
Thực hiện Chỉ thị ngày 19/01/1948 của Trung ương Đảng về “Phá hội tề”, đầu tháng 10/1948, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ huyện Thủy Nguyên mở rộng họp ở thôn Mỹ Cụ (xã Chính Mỹ) đã đánh giá tình hình chung và quyết định mở đợt “Tổng phá tề trừ gian” tiến công đồn giặc, phát động chiến tranh du kích trên quy mô toàn huyện. Đêm 24 rạng ngày 25/10/1948, cuộc tổng phá tề chính thức bắt đầu và nhanh chóng lan ra khắp các địa phương của huyện. Với tinh thần quyết tâm giết giặc, phá đồn thù, các chi bộ Đảng, Ủy ban kháng chiến hành chính ở các xã đã nhanh chóng giải tán các hội tề, giam giữ những tên gian ác ở 82 thôn, xã. Một số địa phương, quân và dân ta còn tiến hành lập trụ sở, treo cờ đỏ sao vàng, trong đó có ngôi đình làng Tuy Lạc, xã Thủy Triều. Sau đó để trả thù, đình Tuy Lạc đã bị thực dân Pháp đốt phá. Để lưu giữ một di tích gắn với lịch sử truyền thống, nhân dân địa phương đã hưng công góp của phục chế lại ngôi đình. Tuy kiến trúc cũ không còn, nhưng đình vẫn còn lưu giữ 2 cây thạch thiên đài trụ niên đại thế kỷ XVIII và một bệ sen đá có niên đại thế kỷ XVI - XVII khẳng định thời vàng sơn của một trong những ngôi đình cổ kính của huyện Thủy Nguyên. Đình Tuy Lạc đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố vào năm 2005. Hàng năm, hội đình Tuy Lạc được tổ chức từ ngày mùng 10 đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch, lễ hội là dịp để nhân dân bày tỏ lòng biết ơn đối với vị thần bản mệnh của địa phương đồng thời còn góp phần nhắc nhở các thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc. Bên cạnh đó, trong ngày hội, dân làng Tuy Lạc cũng tổ chức lễ mừng thượng thọ và trao quà cho các bô lão đã lên tuổi 90 của địa phương.
Đây là hoạt động ý nghĩa thể hiện truyền thống kính trọng người cao tuổi của dân tộc. Việc tổ chức ngày lệ làng (lễ hội làng) gắn với lễ mừng thượng thọ cho các cao niên cũng là một trong những phong tục tập quán tốt đẹp vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác tại khắp các làng quê của huyện Thủy Nguyên.
Thành đoàn Hải Phòng