ĐÌNH TỪ VŨ, PHƯỜNG HÀNG KÊNH, QUẬN LÊ CHÂN

04 03 2024

in trang

Đình Từ Vũ, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân có lịch sử hình thành từ lâu đời (thế kỷ XVII - XVIII), gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất, con người nơi đây. Đình là nơi linh thiêng người dân địa phương tôn thờ ngài Thành hoàng Vũ Chí Thắng, người vốn là vị tướng quân vừa có tài, vừa có đức dưới trướng của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, góp công lớn trong chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3, đánh tan quân xâm lược Mông - Nguyên năm 1288.

1. Tên gọi di tích

Đình làng là công trình tâm linh, tín ngưỡng quan trọng của người dân mỗi làng quê Việt Nam. Đình được xây dựng không chỉ nhằm chắc năng là nơi hội họp của chính quyền địa phương, hay là không gian để tổ chức hè đình đám, diễn xướng sinh hoạt văn hóa dân gian mà còn là không gian linh thiêng nhất để tôn thờ thành hoàng làng, những vị thần có công lao to lớn đối với đất nước, nhân dân. Đình Từ Vũ, phường Hàng Kênh ra đời cũng nằm trong những quy luật chung với những chức năng cơ bản đó.

Tên gọi được thống nhất trong hồ sơ di tích là: Đình Từ Vũ, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

2. Địa điểm

Đình Từ Vũ tọa lạc tại địa chỉ số 63 đường Hồ Sen – Cầu Rào 2, cách trung tầm thành phố Hải Phòng 1.9 km. Từ trung tâm thành phố (Nhà hát thành phố) để đến di tích nhanh nhất chúng ta có thể đi theo qua tuyến đường Mê Linh và Hồ Sen.

3. Phân loại di tích

Căn cứ Luật di sản vă hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản vă hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009:

Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu về di tích để phân loại di tích theo quy định tại Điều 11, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bỏ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa xác định Đình Từ Vũ, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng thuộc loại hình Di tích lịch sử.

4. Nhân vật, sự kiện lịch sử, đặc điểm của di tích.

4.1. Nhân vật, sự kiện lịch sử

Đình Từ Vũ tôn thờ Bản thổ Thành hoàng của làng Hàng Kênh là Vũ Chí Thắng. Thần tích về Ngài Vũ Chí Thắng được tóm lược như sau: Vũ Chí Thắng còn gọi là Vũ Vạn Thắng, ông sinh năm sinh năm 1253, mất năm 1325. Ông sinh ra và lớn lên tại thôn Nam, làng Hàng Kênh, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nay là phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Thuở nhỏ Vũ Chí Thắng nổi tiếng khôi ngô, tuấn tú, khẳng khái khác thường. Ông là người có chí lớn, ham mê đọc sách, học tập binh pháp. Ông lại có sức khỏe hơn người nên tinh thông cả văn chương lẫn võ nghệ. Ông thường đi khắp nơi trên đất nước vẽ bản đồ, ghi đủ tên núi, tên sông, chú thích cả đường thủy, đường bộ, đường cái, tắt trên bản đồ rồi treo trên tường để hàng ngày nghiên cứu, ghi nhớ. Năm Thiệu Bảo thứ tư (1282). nghe tin quân Nguyên rục rịch sang xâm lược nước là lần thứ hai, ông bàn với các bạn cùng chí hướng ra gánh việc đời, gìn giữ đất nước: "Lúc này hả chẳng phải lúc chúng ta diệt thủ, cứu nước sao?"

Khi ấy, Trần Quốc Tuấn - Quốc công Tiết chế thống lĩnh quân đội, ban hịch chiêu mộ nhân tài giúp nước Vũ Chí Thắng đến ra mắt Hưng Đạo Vương dâng kế phá giặc, được Vương tin dùng. Ông được làm việc bên cạnh Hưng Đạo Vương. Mỗi khi bàn việc quân, ông đều tham gia ý kiến hay, được Hưng Đạo Vương khen ngợi. Vương tiến cử vua Trần, vua hài lòng và phong cho ông chức Chỉ huy sứ, ủy thác cho ông chăm nom, bố trí doanh trại, đồn lũy, trấn giữ vùng ven biển Hải Đông. Đầu năm 1285, quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ 2, Vũ Chí Thắng trực tiếp chỉ huy và tham gia nhiều trận đánh lớn. Có 1 lần ông cho quân đóng giả quân Nguyên, ban đêm trà trộn vào trại giặc rồi đốt lớn làm hiệu trong đánh ra, ngoài đánh vào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Vũ Chí Thắng là tướng quân vừa có tài, vừa có đức. Lúc làm việc nơi màn trướng, ông là người tham mưu giỏi. Khi ra trận ông luôn đứng hàng đầu, chiến đấu mưu trí và anh dũng. Ông tham gia nhiều trận phục kích tiêu diệt nhiều quân địch. Vũ Chí Thắng còn lập công lớn trong các trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Thăng Long, Vạn Kiếp. Đầu năm 1288, quân Nguyên lại phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ ba. Vũ Chí Thắng đã có những dự đoán tài tình về việc di chuyển quân của địch. Ông hiến kế chặn giặc trên sông Giá buộc Ô Mã Nhi phải cho thuyền xuôi dòng Bạch Đằng lọt vào trận địa cọc và mai phục của quân ta. Ô Mã Nhi cùng đội quân xâm lược bị tiêu diệt hoàn toàn. Đất nước thanh bình, ông lưu dân các nơi đến mở mang, khai khẩn điền địa giúp cho người dân có đời sống ấm no, hạnh phúc. Ngày 18 tháng giêng năm 1325, ông mất, hưởng thọ 72 tuổi. được vua khen thưởng và phong chức Điện tiền chỉ huy sứ kiêm Chưởng cấm binh và được tham dự triều chính. Khi tuổi cao về hưu trí nơi quê nhà, ông đã bỏ tiền của để tập hợp, tổ chức Khi qua đời, ông đã hiển thánh trong lòng nhân dân, được người dân lập đền thờ, suy tôn làm Phúc thần của làng. Trong đạo sắc phong của vua Duy Tân năm thứ ba (1909) có đoạn ghi: “Sắc chỉ cho xã Hàng Kênh, huyện Hải An, tỉnh Hải Phòng... Trước đây đã ban cho Vũ Công, chức Chỉ huy sứ là bậc thần, trải qua các tiết lễ đều có sắc phong ban để phụng thờ...”.

 

Trong thời gian gần đây qua nghiên cứu, đối chiếu tài liệu lịch sử của một số địa phương như: Dư Hàng, Hàng Kênh, Xích Thổ... mới tìm hiểu được rõ, Ngài Thành hoàng Vũ Chí Thắng còn được phụng thờ tại đình Xích Thổ là do những người dân họ Nguyễn, làng Hàng Kênh đến nơi đây khai hoang, mở địa, nên đã mang theo Thành hoàng của quê hương mình đến nơi ở mới để thờ. Hiện tượng người dân di cư mang theo Thành hoàng đến vùng đất mới để thờ rất phổ biến đối với người dân đồng bằng Bắc bộ thời xưa.

4.2. Đặc điểm của di tích

Qua nghiên cứu, đối sánh nội dung 3 tấm văn bia có niên hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799), Thiệu Trị 5 (1854), Thành Thái 6 (1894) hiện còn lưu giữ tại đình; tài liệu kiểm kê di tích năm 1977 của Bảo tàng Hải Phòng và tổng hợp ý kiến của các thành viên Chi hội Khoa học lịch sử quận Lê Chân, lời kể của các cụ cao niên trong BQL di tích đình thì đặc điểm lịch sử của di tích Đình Từ Vũ được tóm tắt như sau.

Đình Từ Vũ được khởi dựng từ năm Đinh Sửu 1697 đến năm Kỷ Mão 1699 thì khánh thành. Ban đầu dân làng gọi nơi đây là Từ Vũ mới mục đích chính là thờ các vị tiên hiền, tiên nho, tri ân các vị đỗ đạt trong làng, đề cao sự học của địa phương. Năm 1975, Từ Vũ bị xuống cấp, hư hỏng nên dân làng đã quyên góp công, của để trùng tu lại.

Năm 1845, Từ Vũ được trùng tu lần 2, lúc này di tích quay hướng Tây có kiến trúc kiểu chữ Nhị với 5 gian 2 chái Tiền tế và 3 gian hậu cung, và Từ Vũ cũng được đổi tên thành Đình Vũ.

Năm 1853, vua Tự Đức sắc phong Đức Vương Ngô Quyền làm Thành Hoàng của 17 xã thuộc 6 tổng trong đó có Hàng kênh và Dư Hàng. Thành hoàng của làng Hàng Kênh lúc bấy giờ là ngài Vũ Chí Thắng được dân làng rước ra thờ tại Đình Vũ. Từ đấy, Đình Vũ có chức năng của một ngôi đình thờ Thành hoàng làng.

Năm 1894, trùng tu Đình Vũ nguyên bản như khi nâng cấp vào năm 1845.

Từ sau năm 1960, khu vực ngoài sân Đình Từ Vũ lúc bấy giờ mới xây thêm hai căn nhà là trụ sở làm việc của Đoàn múa rối Hải Phòng. Đến năm 2018, khi dự án tuyến đường Hồ Sen – Cầu Rào 2 khởi động, các hộ dân trong di tích và trụ sở của đoàn rối cũng được di dời đi, trả lại vẻ phong quang, tĩnh mịch cho đình.

Tròn 100 năm sau đợt trùng tu cuối cùng, tháng 7 năm 1994, ông Đặng Đình Lượng làm trưởng ban tu tạo và bà Nguyễn Thị Nguyệt tổ chức quyên góp tu tạo lại Từ Vũ hết 273 triệu. (Hội Đồng Vũ võ chi 1/3 kinh phí). Thành lập ban quản lý, ông Đặng Đình Lái làm trưởng ban, Ông Vũ Lã Thỉ là phó ban, ông Đoàn Như Kiến là phó ban. Cũng trong thời gian này thì ban quản lý di tích cùng nhân dân đã thống nhất đổi tên đình Vũ thành Đình Từ Vũ để tránh trùng tên với di tích Đình Vũ tọa lạc tại Phường Tráng cát, Quận Hải An.

Năm 2005 – 2007, Dân làng tổ chức sửa chữa lớn ngôi đình có diện mạo như ngày nay (Theo thông báo của ban quản lý đình Từ Vũ tháng 3 năm 2011) tháng 8/2020, Đình Từ Vũ xây sửa lại khuôn viên vào cổng, đến 10/10/2020 làm lễ khánh thành để định có quy mô như hiện nay.

5. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích

Lễ hội đình Từ Vũ được diễn ra trong ba ngày, ngày 16,10 7,18 tháng giêng âm lịch. Trước ngày hội mọi công việc chuẩn bị cho lễ hội được tiến hành cẩn thận, chu đáo đặc biệt người ta lựa chọn trai tráng sức khỏe, đức độ ruớc kiệu Thành Hoàng Vũ Chí Thắng.

Lễ hội đình Từ Vũ được diễn ra trong ba ngày, ngày 16,17,18 tháng giêng âm lịch. Trước ngày hội mọi công việc chuẩn bị cho lễ hội được tiến hành cẩn thận, chu đáo đặc biệt người ta lựa chọn trai tráng sức khỏe, đức độ rước kiệu Thành Hoàng Vũ Chí Thắng.

Phần lễ: bao gồm các nghi thức, nghi lễ, tế lễ….

Sáng 16 tháng Giêng phải tổ chức hội thơ Từ Vũ, hội thơ này tồn tại hơn 30 năm nay và việc tổ chức hội thơ Từ Vũ vào sáng 16 tháng một đã thành thông lệ đẹp hằng năm.

Sáng ngày 17 tháng Giêng bắt đầu vào hội, dân làng làm lễ cáo ít, xin trình bày với thành hoàng để mở hội và tiến hành tế lễ theo Phật giáo, cũng cần phải cúng chúng sinh.

Ngày 18 tháng Giêng là ngày hội chính, ngày hội lớn của làng, phải tiến hành làm các nghi thức, nghi lễ truyền thống, các đội tế tiến hành tổ chức tế thần. Điều đáng nói ở đây là có hội Từ Vũ để hằng năm nhân ngày giỗ thánh, những người đỗ đạt về làng tổ chức tế, đền ơn công đức của ngài và tổ tiên của mình.

Chiều tối ngày hôm đó giã đám, dân làng tổ chức lễ tạ và kết thúc lễ hội đúc rút kinh nghiệm, ăn vị thần, sắp xếp đồ thờ tự về vị trí ban đầu.

Ngoài ra trong một năm tại đình Từ Vũ còn tổ chức các tiết lễ như:

Ngày 18/4: Lễ vào hạ;

Ngày 18/7: Lễ ra hạ;

Ngày 18/12: Lễ tất niên.

6. Khảo tả di tích

Đình Từ Vũ tọa lạc trên thửa đất 540.2 m² phải gần khu dân cư. Đình quay hướng tây, phía trước mặt có con đường ngồi xe chạy qua. Tổng thể công trình di tích gồm có nghi môn, tường bao, đình và một số công trình phụ trợ. Trong đó đình là công trình chính của bố cục mặt bằng kiểu chữ Nhị với 5 gian 2 chái Tiền tế và ba gian Hậu cung.

7. Một số di vật, cổ vật tiêu biểu thuộc di tích

Đình Từ Vũ hiện nay còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật như:

- Tượng và ngai thờ: Tượng và ngai liền, sơn son thếp vàng. Tượng thần tượng ngài Vũ Chí Thắng sơn thếp vàng, 2 tay đặt úp, chân đi hài mũi cong; đâu đội mũ cánh chuồn; trán mũ chạm lưỡng long chầu nhật; Lớp áo thếp vàng, ngực chạm mặt hổ phù; ô bổ tử tròn chạm lân; đai lưng đen, chạm khắc hoa chanh; Ngai thờ: 2 cạnh bên chạm lộng rồng dài thân uốn khúc tạo vành ngai. Ngai và tượng đặt trên bục gỗ, 2 bên bục chạm nổi lên; mặt trước chạm hoa lá, cúc dây; chân quỳ dạ cá. Niên đại thế kỷ XIX-XX.

- Kiếm thờ: Kiếm thờ kim loại, đầu kiếm cong về một phía. Thân vỏ chạm nổi, các ô đề tài tứ linh; giữa thân có đai; chạm nổi cuốn thư, ngọc báu. Đốc kiếm tạo tác dạng “phượng xoè cánh”, tay cầm cong. Niên đại thế kỷ XIX-XX.

- Kiệu bát cống: Chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng, tạo tác mang phong cách nghệ thuật TK XVIII, có sửa chữa một phần, mang phong cách nghệ thuật TK XIX. Tay đòn tạo tác chạm khắc hình tượng rồng, đầu và đuôi rồng mang phong cách nghệ thuật Lê Trung Hưng; các đao mác nhọn, kéo dài từ đầu ra gáy, đao mác dài thân; đuôi to, mập mạp. Thân tay đòn chạm khắc một số hình tượng rồng kích thước nhỏ. Bành kiệu tạo tác mang phong cách nghệ thuật TK XIX − XX; 2 bên tay kết hợp chạm nổi, chạm lộng đề tài cá chép, rồng đuôi đốm lửa. Lưng chạm nổi tứ linh. Đế chạm lộng đề tài ở bốn mặt; hình tượng diệp hoa long, phượng, hoa chanh, mặt hổ phù. Chân quỳ dạ cá. Niên đại thế kỷ XVIII-XIX.

- Bia đá: Bia đá niên hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799), chạm 2 mặt; trán chạm chìm lưỡng long chầu nhật. Diềm thân không trang trí hoa văn.

8. Giá trị của di tích

8.1. Giá trị lịch sử văn hóa

Đình Từ Vũ, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân có lịch sử hình thành từ lâu đời (thế kỷ XVII - XVIII), gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất, con người nơi đây. Đình là nơi linh thiêng người dân địa phương tôn thờ ngài Thành hoàng Vũ Chí Thắng, người vốn là vị tướng quân vừa có tài, vừa có đức dưới trướng của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, góp công lớn trong chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3, đánh tan quân xâm lược Mông - Nguyên năm 1288.

Lúc làm việc nơi màn trướng, ông là người tham mưu giỏi. Khi ra trận ông luôn đứng hàng đầu, chiến đấu mưu trí và anh dũng. Ông được phong đến chức “Điện tiền Đô chỉ huy sứ” kiêm “Chưởng cấm binh”. Khi tuổi cao về hưu trí nơi quê nhà ông đã bỏ tiền của để tập hợp, tổ chức lưu dân các nơi đến mở mang, khai khẩn điền địa giúp cho người dân có đời sống ấm no, hạnh phúc. Khi qua đời, ông hiển thánh trong lòng nhân dân, được người dân lập đền thờ làm Phúc thần.

Bên cạnh đó, đình còn là không gian thiêng nơi cộng đồng dân cư Hàng Kênh tổ chức lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian... Có thể nói, lễ hội Đình Từ Vũ với ý nghĩa cao đẹp là tưởng nhớ vị tướng tài có công với nhân dân, đất nước đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Ngày hội đình đã trở thành lời nhắc nhở, thúc giục biết bao thế hệ từ già trẻ, gái, trai, cả những người con xa quê hương đều trở về thành kính ngưỡng vọng. Điều đó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của người dân Hàng Kênh.

8.2. Giá trị khoa học, thẩm mĩ:

Đình Từ Vũ còn bảo lưu được hệ thống khung gỗ chịu lực bằng gỗ lim; trên các bộ vì nóc, vì nách, bảy hiên được chạm lộng, chạm bong kênh tinh xảo các đề tài tứ linh, tứ quý, mang phong cách tiêu biểu của nghệ thuật chạm khắc gỗ triều Nguyễn thế kỷ 19.

Trong đình hiện còn lưu giữ được kiệu bát cống, thần tượng, bia đá, cầu đá...có niên đại từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Những cổ vật này góp phần quan trọng để nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật của ngôi đình nói riêng, là tư liệu thực tế sống động để các nhà nghiên cứu mỹ thuật và tạo hình tiếp tục nghiên cứu về nghệ thuật trang trí truyền thống trong các kiến trúc cổ truyền thống.

9. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích

- Công trình còn giữ được hầu như nguyên vẹn kết cấu kiến trúc từ khi khởi

dựng lại tại vị trí mới năm 1845, quy mô kiến trúc trung bình với 5 gian 2 hai chái Tiền tế, 3 gian Hậu cung đã đáp ứng tốt hoạt động đón tiếp nhân dân đến dâng hương, tổ chức các nghi lễ, nghi thức trong lễ hội truyền thống hàng năm.

- Điện thờ được bố trí khoa học, đảm bảo được tính linh thiêng và thẩm mỹ  Thủ nhang di tích và cộng đồng người dân địa phương vẫn duy trì được hoạt động tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm. Khuôn viên di tích được quy hoạch gọn gàng, cảnh quan môi trường sạch, đẹp, có nhiều cây xanh lâu năm.

10. Một số hình ảnh Đình Từ Vũ hiện nay:

 

 

 

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke