ĐÌNH TRUNG HÀNH, PHƯỜNG ĐẰNG LÂM, QUẬN HẢI AN

19 06 2023

in trang

Đình Trung Hành là nơi linh thiêng người dân địa phương tôn thờ đức Vương Ngô Quyền làm Thành hoàng làng, người đã có những đóng góp to lớn vào tiến trình lịch sử dân tộc. Chiến công hiển hách của ông đánh bại quân Nam Hán xâm lược trong trận Bạch Đằng năm 938 đã kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc Việt Nam

Đình Trung Hành tọa lạc tại phố Trung Hành, phường Đằng Lâm, Quận Hải An, thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km. Đình có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời. Theo lời kể của các cụ cao tuổi, cùng những phế tích kiến trúc của đình xưa như tảng kê chân cột, thêm bậc đá cho biết đình Trung Hành được dụng muộn nhất vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII, XVIII), cách ngày nay trên, dưới 300 năm.

Đình Trung Hành toạ lạc trên một khu đất bằng, gần khu dân cư. Đình quay theo hướng Đông ghé Nam, mặt trước đình có hồ nước, là nơi “tụ thuỷ, tụ phúc” cho công trình.

Năm 1954 đình được sử dụng làm trường học cho con em trong làng.

Những năm 1968 – 1972 đình là nơi bộ đội đóng quân, hợp tác xã sử dụng sân đình làm sân kho.

Năm 1984 đình bị đổ do một trận giông lốc mạnh.

Năm 1993 nhân dân Trung Hành cùng chính quyền địa phương góp công sức dựng lại đình bằng vữa vôi có quy mô 3 gian tiền tế, hai gian hậu cung.

Đến năm 2018, được sự đồng ý chủ trương của UBND phường Đằng Lâm, nhân dân làng Trung Hành đã đồng tâm, đồng thuận đóng góp công đức, kêu gọi con em xa quê hướng tâm công đức để phục dựng lại ngôi đình có quy mô như hiện nay.

Đình xưa có bố cục mặt bằng kiểu thức chữ Đinh truyền thống, gồm 5 gian 2 chái tiền tế và 2 gian hậu cung. Hệ thống khung chịu lực được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, cột cái tại đình có đường kính lên đến 0.62 m, hai bên có ván sàn; hệ mái làm kiểu thức chéo đao tàu góc, lợp ngói mũi hài.

Tổng thể công trình di tích gồm có hồ đình, nghi môn, tường bao, đình, nhà khách và nhà bia. Trong đó, đình là công trình chính có bố cục mặt bằng hình chữ Đinh gồm hai phần Tiền tế và Chuôi vồ. Toà Tiền tế có mặt bằng hình chữ nhật, gồm 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc mái trang trí đề tài lưỡng long chầu nhật. Nền Tiền tế cao hơn nền sân 0.8m, thềm hiện 5 gian phía trước lát đá xanh giật cấp để tạo bậc lên xuống. Bộ khung chịu lực của Tiền tế được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, kết cấu bởi 8 bộ vì kiểu vì 4 hàng chân cột, các cột được kê trên chân tăng bằng đá xanh với đế vuông, mặt tròn chạm cánh sen xung quanh, phần cổ trang trí các hình tròn nhỏ như chuỗi hạt. Vì nóc Tiền tế được làm thống nhất theo kiểu “chồng rường giá chiêng"; vì nách làm kiểu “chồng rường trụ trốn”. Liên kết dọc Tiền tế là hệ thống xà nối các bộ vì với nhau thành hệ khung vững chắc, thân xà bảo trơn không trang trí.

Chuôi vồ đình Trung Hành gồm ba gian, xây tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài. Hệ thống khung chịu lực của toà Chuôi vồ gồm 4 vì gỗ, kết cấu được tạo cơ bản đồng nhất giống Tiền tế với vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”; vì nách làm kiểu “chồng rường trụ trốn”. Bộ vì thứ hai (từ trong ra) được lắp cửa ra vào tại hệ thống các cột làm giới hạn ngăn cách giữa bên ngoài và gian Hậu cung - không gian thờ Thành hoàng phía trong.

Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc của đình cơ bản phỏng theo đề tài truyền thống Việt với hình rồng, đấu sen, chạm khắc hoa văn lá lật, vân xoắn, trên má các con rường, xà, quá giang …

Mặc dù mới được hoàn thành năm 2018 song đình Trung Hành được xây dựng trên cơ sở kiến trúc truyền thống với nguyên liệu chính là gỗ lim. Đình có quy mô kiến trúc rộng lớn, bề thế, với cách xây dựng theo thức cổ truyền mái ngói đao cong đã góp phần làm cho ngôi đình mang dáng vẻ của đình làng truyền thống. Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp, sự uy nghi và linh thiêng cho di tích, giúp di tích trở thành ngôi nhà chung, là chốn sinh hoạt văn hoá tinh thần của cộng đồng dân cư địa phương nơi di tích tọa lạc.

Hiện nay, Đình còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật như: bia đá, chân tảng kê cột, khám thờ, long ngai, kiệu bát cống ….

Đình là nơi linh thiêng người dân địa phương tôn thờ đức Vương Ngô Quyền làm Thành hoàng làng, người đã có những đóng góp to lớn vào tiến trình lịch sử dân tộc. Chiến công hiển hách của ông đánh bại quân Nam Hán xâm lược trong trận Bạch Đằng năm 938 đã kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc Việt Nam. Công lao của Ngô Quyền đã được viết trong nhiều nguồn chính sử. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được”. Ngô Sĩ Liên, Nhà Sử học nổi tiếng thời Lê khẳng định: “Tiền Ngô (vương) nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương”. Nhà Sử học thế kỷ XVIII Ngô Thì Sĩ gắn chặt sự nghiệp trung hưng đất nước của Ngô Quyền với kỳ tích anh hùng của ông ngoài cửa biển Bạch Đằng. Phan Bội Châu tôn vinh Ngô Quyền là vị “Tổ trung hưng nước ta”, chỉ đứng sau “Thủy tổ dựng nước là Hùng Vương”...

Bên cạnh đó, đình Trung Hành còn là không gian thiêng nơi cộng đồng tổ chức lễ hội truyền thống của địa phương. Trong một năm, tại đình Trung Hành, Ban quản lý đình cùng nhân dân địa phương tổ chức kỷ niệm ngày thánh hoá vào ngày 17, 18 tháng Giêng cũng là ngày lễ hội truyền thống của làng. Lễ hội đình Trung Hành không những là dịp để dân làng tri ân, tôn vinh, tưởng nhớ tới ngài Thành hoàng đức vương Ngô Quyền; kính cáo những công việc đã thực hiện được trong năm, cầu mong sự che chở, ban phúc, lộc, thọ cho dân làng.

Hàng năm cứ vào ngày 10 tháng tư Âm lịch Ban khánh tiết cùng nhân dân tổ chức Lễ Kỳ an cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mọi nhà, mọi người ấm no, hạnh phúc.

Trong lễ hội, bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ những nghi lễ truyền thống như rước kiệu, tế lễ thì các trò chơi dân gian như chọi gà, đập niêu, cờ người, cờ tướng, đấu vật, bắt vịt... vẫn được người dân duy trì, thực hành và phát huy. Các trò chơi dân gian tạo ra sự vui tươi, phấn khởi cho nhân dân; tái tạo không gian văn hóa truyền thống, tăng thêm tinh thần gắn kết cộng đồng cho nhân dân địa phương, đồng thời, bồi đắp tình yêu và lòng tự hào về những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước cho lớp lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Trung Hành hôm nay.

 

Thành đoàn Hải Phòng

Thong ke