ĐÌNH TRỰC CÁT, PHƯỜNG VĨNH NIỆM, QUẬN LÊ CHÂN
24 05 2023
in trang
Trong hệ thống các di tích tôn thờ đức Ngô Vương Quyền ở Hải Phòng có đình Trực Cát, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân. Ngày nay, đình Trực Cát đã được phục dựng trên cơ sở những tư liệu, hiện vật được sưu tầm, lưu giữ tại di tích. Điều đó thể hiện sự biết ơn sâu sắc của các tầng lớp, các thế hệ người dân nơi đây đối với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 nói chung và lòng thành kính đối với đức Ngô Vương Quyền nói riêng.
Ngoài tôn thờ vị thành hoàng là Đức Ngô Vương, di tích còn thờ phối Đức Thánh Phạm Tử Nghi (Đức Thánh Niệm).
1. Tên gọi di tích và lược khảo địa chí địa phương
1.1. Tên gọi di tích
Đình Trực Cát là công trình kiến trúc văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của nhân dân phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
Xưa kia là đình Trực Cát thuộc xã Trực Cát, tổng Trực Cát, huyện An Hải. Trước năm 1945, là xã Trực Cát, tổng Trực Cát, huyện Hải An, tỉnh Kiến An. Năm 1949, thực dân Pháp quyết định mở rộng sân bay Cát Bi, phần lớn đất đai của làng Trực Cát thuộc tổng Trực Cát nằm trong vùng quy hoạch. Do vậy, dân làng phải chuyển tới nơi ở mới là địa bàn phường Vĩnh Niệm hiện nay. Ngôi đình cũng được dỡ, mang theo cùng dân làng. Sau khi ổn định nơi ở mới, vào năm 1951, dân làng dựng lại ngôi đình tại địa bàn phường Vĩnh Niệm ngày nay. Để nhớ về quê cũ, dân làng vẫn lấy tên tổng Trực Cát để đặt cho ngôi đình. Do vậy, đình Trực Cát là tên gọi của di tích này.
1.2. Đôi nét lược khảo địa lí địa phương
Vĩnh Niệm là một phường thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, được thành lập tháng 5 năm 2003, phía Bắc giáp phường Dư Hàng Kênh và Nghĩa Xá; phía đông giáp phường Kênh Dương, phía Nam giáp sông Lạch Tray (sông Niệm). Tính đến năm 2016, dân số khoảng hơn 22.000 người, gồm 32 tổ dân phố (từ tổ 01 – 32).
Là một vùng đất được hình thành từ khá sớm, ban đầu Vĩnh Niệm là vùng đất hoang vu với những đầm lầy, sú vẹt, lau sậy mọc um tùm. Cư dân các nơi dần dần đến khai khẩn đất hoang, lập nên làng xóm. Trước năm 1813, xã Vĩnh Niệm thuộc tổng An Dương, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Sau năm 1813 xã Vĩnh Niệm chia làm 3 xã: Niệm Nghĩa, Nghĩa Xá và Đôn Nghĩa. Theo danh sách làng xã năm 1901, tổng An Dương có 8 xã: Vĩnh Niệm, An Dương, Đôn Nghĩa, Tê Chử, Hoàng Mai, Niệm Nghĩa và Trang Quán. Như vậy thời gian này Nghĩa Xá còn là thôn.
Trước năm 1945, thuộc địa bàn tổng Đông Khê, huyện Hải An, tỉnh Kiến An. Vĩnh Niệm là vùng đất tập hợp cư dân của nhiều dòng họ lớn như họ Đặng, họ Bùi, Hà, Phạm, Trịnh, Nguyễn... Dòng họ Phạm có từ đời nhà Trần, với những nhân vật nổi tiếng là Phạm Hữu Điều, Phạm Tử Nghi. Dòng họ Đặng, tương truyền thuộc dòng dõi Thám Hoa Đặng Ma La (người làng Trúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Đông - nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội). Ông được vua Trần ban lộc điền ở vùng Vĩnh Niệm, Dư Hàng Kênh nên đưa con cháu về đây dựng nghiệp. Cụ tổ họ Nguyễn là Nguyễn Quý Công Tỉnh, người kẻ chợ (thuộc Hà Nội) tìm về Vĩnh Niệm, sinh sống tại làng Đôn. Cư dân ngày một đông đúc, hình thành nên thôn xóm. Đến thời thứ 3 của dòng họ Nguyễn, con cháu tìm tới vùng bãi ven sông, khai khẩn đất hoang, lập nên Trại Niệm, cư dân nhiều nơi đến tụ cư hình thành nên xóm mới.
Vĩnh Niệm xưa khá rộng, từ cầu Rào qua Lán Bè (dân thường gọi là Niệm Trên) tới sông đào Thượng lý (cầu An Dương). Trong quá trình đô thị hóa, đất đai thuộc Vĩnh Niệm bị thu hẹp dần và trở thành một phường của quận Lê Chân ngày nay.
Dù ở nhiều nơi đến hội cư, mỗi miền quê một phong tục khác nhau, nhưng người dân Vĩnh Niệm vẫn bảo lưu và giữ gìn nét văn hóa tốt đẹp của cộng đồng làng xã với những những công trình tôn giáo, tín ngưỡng: đình làng, lăng, miếu tôn thờ những người anh hùng có công với làng với nước, như: Lăng Đôn (còn gọi là lăng Đức Ông), đình Niệm và nhiều ngôi miếu thờ Nam Hải đại vương Phạm Tử Nghi; chùa Linh Quang (chùa Đôn); chùa Hải Ninh (chùa Đồng Thiện); đình Trực Cát thờ Ngô Vương Quyền. Ngày nay, những di tích này đều được trùng tu, tôn tạo khang trang và tạo nên một quần thể di tích hấp dẫn đối với du khách tham quan, thưởng lãm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư trong vùng, góp phần thúc đẩy sự phát triển, kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
2. Địa điểm và đường đi đến di tích
2.1. Địa điểm di tích
Đình Trực Cát, phố Vĩnh Tiến, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
2.2. Đường đi đến di tích
Từ trung tâm Nhà hát thành phố, có thể đi bằng nhiều đường và nhiều loại phương tiện đường bộ khác nhau để đến di tích. Để thuận tiện nhất có thể đi theo tuyến phố: Cầu Đất - Lạch Tray - Nguyễn Văn Linh - Hồ Sen Cầu Rào 2, đến ngã tư cắt đường Thiên Lôi rẽ phải, đến ngã ba Gốc Găng rẽ phải tiếp theo đường Thiên Lôi đi khoảng 200m, đến địa chỉ 666 Thiên Lôi rẽ trái là đến di tích. Di tích nằm trên phố Vĩnh Tiến, cách mặt đường Thiên Lôi khoảng 50m, cách UBND xã Vĩnh Niệm khoảng 300m, cách trung tâm thành phố khoảng 3,5km về phía tây nam.
3. Phân loại di tích
Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009.
Căn cứ Điều 11 Nghị định 98/2010/NĐ-CP, ngày 21/9/2010 của Chính phů.
Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu của nhóm cán bộ Phòng nghiệp vụ di tích Bảo tàng Hải Phòng tại di tích.
Chúng tôi xác định đình Trực Cát, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng thuộc loại hình Di tích lịch sử.
4. Đặc điểm lịch sử của di tích và nhân vật lịch sử được thờ
4.1. Đặc điểm lịch sử di tích
Đình Trực Cát xưa được khởi dựng khoảng thế kỷ XIX, XX thuộc địa bàn xã Trực Cát, tổng Trực Cát, huyện Hải An, tỉnh Kiến An. Quy mô kiến trúc ngôi đình khá bề thế, bố cục mặt bằng hình chữ "đinh" (J) với 5 gian đại đình và 3 gian hậu cung. Kết cấu kiến trúc kiểu ván sàn lòng thuyền, chéo đao tàu góc. Kết cấu bộ khung chịu lực gồm 6 bộ vì gỗ lim. Các cột cái là những thân cây gỗ lim một người ôm không xuể.
Làng Trực Cát xưa có một đình, một chùa và một miếu. Đình thờ thành hoàng là Đức Ngô vương Quyền; miếu thờ Đức Thánh Phạm Tử Nghi.
Năm 1949, thực dân Pháp có kế hoạch mở rộng sân bay Cát Bi, buộc phần lớn cư dân làng Trực Cát phải di dời đến nơi ở mới là địa bàn phường Vĩnh Niệm ngày nay.
Trước khi dân làng chuyển đi, việc khó khăn là làm sao phải chuyển được cả những công trình, đình, chùa, miếu để dựng lại nơi ở mới. Do vậy các vị chức sắc đại diện các cụ cao niên trong làng đã họp bàn và quyết định bốc thăm để có thể nhận được một trong ba loại hình là đình, chùa hoặc miếu mang theo về nơi lập làng mới thờ cúng. Kết quả là làng Trực Cát bốc thăm được ngôi đình và dỡ mang theo về dựng lại ở nơi ở mới thuộc địa bàn phường Vĩnh Niệm ngày nay.
Để nhớ về quê hương cũ, dân làng vẫn lấy tên tổng cũ là Trực Cát đặt tên cho ngôi đình sau này. Ngôi đình làng Trực Cát, xã Vĩnh Niệm được dựng lại bằng vật liệu gỗ của ngôi đình cũ vào năm 1951, với quy mô kiến trúc như thuở ban đầu và rước tượng thần hoàng là Đức Ngô Vương Thiên tử (Đức Ngô Vương Quyền) về thờ như trước.
Tiếc thay, ngôi đình chỉ tồn tại đến năm 1963 thì bị tháo dỡ, toàn bộ vật liệu dùng xây dựng trường học.
Năm 2012, đình Trực Cát được nhân dân và chính quyền địa phương phục dựng lại bằng ngồn kinh phí xã hội hóa.
Ngôi đình hiện nay tọa lạc giữa khu dân cư bên đường Vĩnh Tiến thuộc các tổ dân phố 25, 26, 27 và 28 phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
Đình hướng Nam như xưa, đình có quy mô kiến trúc khá bề thế, diện tích khuôn viên rộng gần 1000m. Đình có bố cục mặt bằng hình chữ "Nhất", gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, đấu trụ hồi văn, tay ngai trụ biểu. Kết cấu bộ khung chịu lực bằng vật liệu bê tông cốt thép mái lợp ngõi mũi, toàn bộ hoành, rui và hệ thống cửa bằng vật liệu gỗ tứ thiết, sân và nền đình lát gạch Giếng Đáy, xung quanh xây tường bao bảo vệ.
4.2. Nhân vật lịch sử được thờ tại di tích
* Thân thế của nhân vật lịch sử:
Theo nội dung bản Thần tích lưu giữ tại đình Cấm tức đình Gia Viên, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng ghi rõ: Ngô Quyền sinh ra trong một danh gia vọng tộc, đời đời làm quan ở đất Đường Lâm. Tương truyền ông tổ 4 đời của Ngô Quyền là Ngô Xuân, người đã chiêu mộ hàng trăm thủ hạ theo Triệu Quang Phục tiếp tục sự nghiệp anh hùng của Lý Bí chống quân Lương. Ông lập nhiều chiến công được phong làm Thổ tù và được cha truyền con nối chức tước.
Cha Ngô Quyền là Ngô Mân làm Châu mục châu Đường Lâm. Thần tích đình Gia Viễn ghi chép cụ thể Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Ngọ (Dương lịch 06/02/898). Ngay từ nhỏ, ông tỏ ra là một người trí dũng song toàn. Sử cũ mô tả, ông vẻ người "Khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc” (Đại Việt sử ký toàn thư). Thuở nhỏ, ông sống ở quê với cha mẹ và được cha dạy cho các thuật bắn cung nỏ, sử dụng gươm giáo, các điều bí mật về binh pháp. Ngô Quyền lớn lên trong lúc đất nước vừa mới giành được quyền tự chủ. Ông đã tiếp nối đời cha ông về việc khẳng định quyền tự chủ, kiên quyết giành và giữ nền độc lập dân tộc. Ông sớm bộc lộ tài năng kiệt xuất và đã trở thành một vị tướng tài được nhân dân kính mến, quân sĩ khâm phục.
* Sự nghiệp anh hùng của nhân vật lịch sử:
Ngô Quyền ngày càng nổi lên như một hào trưởng hùng mạnh ở vùng Giao Châu khiến cho Dương Đình Nghệ, người hào trưởng đứng đầu vùng châu Ái mến phục và đã mời Ngô Quyền về làm nha tướng cho mình. Gửi gắm nhiều hy vọng ở người hào trưởng đất Đường Lâm, ông đã gả con gái yêu của mình là Dương Phương Lan cho Ngô Quyền. Sau lại giao cho trấn giữ Châu Ái, vùng đất quê hương phên dậu của họ Dương. Còn Dương Đình Nghệ tiến quân ra tiến đánh thành Đại La, tiếp tục sự nghiệp của họ Khúc, củng cố chính quyền và xưng là Tiết Độ Sứ.
Năm 937, Dương Đình Nghệ bị viên thuộc tướng là Kiều Công Tiễn giết hại để đoạt chức Tiết Độ Sứ.
Tháng 10 năm 938, Ngô Quyền nghe tin chủ soái Dương Đình Nghệ bị giết hại đã đem quân từ Ái Châu ra tiến đánh Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn tự thấy thế cô, lực yếu bèn cho người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Nam Hán lúc bấy giờ là Lưu Cung, nhận thấy đây là một cơ hội thuận lợi bèn giao cho con trai là Vạn Vương Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ thống lĩnh đại quân nhằm đánh chiếm nước ta, dưới chiêu bài cứu giúp Kiều Công Tiễn. Còn Lưu Cung tự mình chỉ huy một cánh quân tiến sau đến đóng ở sát vùng biên giới nước ta để làm kế thanh viện và tiếp ứng cho Hoằng Tháo khi cần thiết.
Trước nguy cơ họa xâm lăng của nhà Nam Hán, Ngô Quyền, người đại diện chân chính của dân tộc ta lúc đó đã thực sự trở thành trung tâm đoàn kết, quy tụ mọi nguồn sức mạnh của đất nước, kiên quyết và khẩn trương bước vào cuộc kháng chiến cứu nước.
Cuối tháng 12 năm 938, đoàn binh thuyền quân Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy từ Quảng Đông (Trung Quốc) vượt biên sang xâm lược nước ta. Là một viên tướng trẻ hung hăng nên chủ quan khinh địch, Hoằng Tháo vội vàng thúc đại quân tiến thẳng về phía cửa biển Bạch Đằng.
Sau khi tiêu diệt xong tên phản bội Kiều Công Tiễn, chiếm lại được thành Đại La, Ngô Quyền đã gấp rút kéo đại quân xuống vùng cửa biển Bạch Đằng, nơi quân giặc Nam Hán sẽ tiến vào nước ta. Sau khi khảo sát trận địa ở vùng cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã lựa chọn kế sách mà "Đại Việt Sử ký toàn thự đã ghi chép lại là: "Hoằng Tháo là một đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Kiều Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vót nhọn, đầu bịt sắt, cắm ngầm trước ở cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào thoát". Đó là một kế hoạch đánh giặc kiên quyết, mưu trí, giàu sức sáng tạo và đầy lòng tự tin. Chính Ngô Quyền đã khẳng định điều đó với tướng lĩnh của mình "Không kể gì hơn kế ấy cả". Định kế rồi, ông bèn cho dựng nên trận địa cọc để đón đánh quân thù.
Ngày 07 tháng Chạp năm 938, Hoằng Tháo tiến quân vào sông Bạch Đằng, nơi có trận địa cọc đã dựng sẵn, Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi thủy triều bắt đầu rút, đầu cọc bịt sắt nhô lên, Ngô Quyền bèn huy động toàn lực tiến quân ra đánh với sự dũng cảm và sáng tạo của các binh tướng tài năng như Nguyễn Tất Tố, Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc và người con cả là Ngô Xương Ngập. Quân Nam Hán trước, sau đều bị chặn đánh quyết liệt. Các thuyền đâm phải cọc sắt chìm đắm vô số. Chủ tướng Hoằng Tháo và đội quân xâm lược Nam Hán đã bị vùi xác xuống dòng sông Bạch Đằng. Cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Nam Hán đã hoàn toàn thất bại. Cuộc kháng chiến chống xâm lược của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng Ngô Quyền đã kết thúc thắng lợi rực rỡ.
Trong khí thế bừng bừng của chiến thắng, đầu mùa xuân năm sau, năm 939, Ngô Quyền kéo đại quân trở về Cổ Loa. Ông quyết định đóng đô ở đây để tỏ ý tiếp tục sự nghiệp dựng nước của An Dương Vương nước Âu Lạc xưa. Khẳng định quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc vừa giành lại được sau hơn 10 thế kỷ đấu tranh Bắc thuộc. Tại Cổ Loa, Ngô Quyền quyết định bỏ chức Tiết Độ sứ của phong kiến phương Bắc và tự xưng Vương, đặt ra các chức quan văn, võ, quy định các nghi lễ trong triều và sắc phục của quan lại các cấp.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 được ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một chiến công chói lọi, một dấu mốc lịch sử quan trọng là chấm dứt vĩnh viễn nền thống trị hơn ngàn năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của dân tộc ta.
Ca ngợi chiến công của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938, nhà sử học Lê Văn Hưu ở thời Trần thế kỷ XIII đã viết: "Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước, xưng vương làm cho người phương Bắc lại không dám sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã được nối lại".
Dưới ngọn cờ của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền, nhân dân các làng xã ở Hải Phòng, đặc biệt là ở những địa phương Ngô Quyền đã từng đến chiêu mộ quân sỹ, khảo sát trận địa, nơi tập kết quân lương, nơi chỉ huy mặt trận tiền phương đóng đại bản doanh và nhất là nơi diễn ra trận thủy chiến năm 938 đều suy tôn Ngô Quyền là một bậc đức vua có công rất lớn. Chính vì vậy, cho đến tận ngày nay, dù chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã trôi qua hơn 1000 năm song hình ảnh của vua Ngô Quyền, các tướng lĩnh là những người có công vẫn luôn hiển hiện một cách rất rõ nét ở trên vùng đất này. Đó chính là hệ thống các di tích thờ đức Ngô Vương và hàng loạt các lễ hội rất nổi tiếng được tổ chức hàng năm để kỷ niệm về chiến thắng Bạch Đằng cũng như Ngô Vương Quyền. Các triều đại phong kiến đều có những ghi chép cũng như ban sắc phong, cho phép nhân dân các làng, xã ở Hải Phòng lập đền, miếu để tôn thờ đức Ngô Vương. Trong đó có đạo sắc phong của triều Vua Tự Đức thứ 6 (1853), phong cho 17 xã ở vùng An Dương xưa (nay thuộc các quận, huyện An Dương, Hải An, Ngô Quyền, Lê Chân và một số địa phương trong thành phố Hải Phòng) phụng thờ Ngô Vương. Đó là các xã: Đông Khê, Phụng Pháp, Hàng Kênh, Dư Hàng, An Biên, Vĩnh Lưu, Hạ Đoạn, Đoạn xá, Vạn Mỹ, Trực Cát, Đồng Xá, Cát Bi, Gia Viên, Lạc Viên, Thượng Lý, Hạ Lý, An Chân.
(Sắc phong bản chính hiện đang được bảo quản, lưu giữ tại đình Đông Khê, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng).
Trong hệ thống các di tích tôn thờ đức Ngô Vương Quyền ở Hải Phòng có đình Trực Cát, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân. Ngày nay, đình Trực Cát đã được phục dựng trên cơ sở những tư liệu, hiện vật được sưu tầm, lưu giữ tại di tích. Điều đó thể hiện sự biết ơn sâu sắc của các tầng lớp, các thế hệ người dân nơi đây đối với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 nói chung và lòng thành kính đối với đức Ngô Vương Quyền nói riêng.
Ngoài tôn thờ vị thành hoàng là Đức Ngô Vương, di tích còn thờ phối Đức Thánh Phạm Tử Nghi (Đức Thánh Niệm).
Do những nguyên nhân khách quan như đã trình bày ở phần trên. Khi chuyển đến nơi ở mới là xã Vĩnh Niệm, nhân dân đã lập lại ban thờ, bài vị nhân vật lịch sử này để thờ phối tại di tích, đây cũng là nhân vật có công lao to lớn phò vua giúp nước dưới triều nhà Mạc.
5. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại di tích:
Theo bản thần tích, thần sắc hiện lưu giữ tại Viện thông tin khoa học xã hội Hà Nội kê khai năm 1938 thì hàng năm cứ vào những ngày sự lệ, dân làng Trực Cát lại tổ chức tế lễ tại đình. Lễ hội được tổ chức vào các ngày âm lịch hàng năm: Ngày 12 tháng 3 lễ Thánh đản ; Ngày 18 tháng Giêng lễ Thánh hóa; Ngoài ra còn tế Xuân thu nhị kỳ vào 15 tháng 2 (lễ kỳ phúc) và 14 tháng 9 (lễ com mói).
Phẩm lễ dâng cúng thành hoàng thường là xôi, gà, lợn, hoa quả, giầu (trầu), rượu ... khi tế lễ xong, đầu lợn biếu Chánh, phó tổng tân cựu; Chánh, phó lý tân cựu, ruột và cổ lợn biếu hương trưởng, vệ binh, còn chia từ 18 tuổi giờ (trở) lên mỗi người nắm xôi, miếng thịt.
Trong việc làm ăn cũng như trong lễ hội phải kiêng chữ “quyền” và tiếng “quyền” đọc là “quờn”.
Phần hội có tổ chức các trò chơi dân gian như: Tổ tôm điếm, đấu vật, đánh cờ người, cờ tướng, hát đúm... Vào dịp lễ hội, mọi người thường tụ hội về đình đông đủ, tỏ lòng tri ân tới các vị thành hoàng, những người anh hùng có công với làng với nước, cầu mong cho “mưa thuận gió hòa”, “nhân khang vật thịnh”, mùa màng bội thu.
Lễ hội là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân làng Trực Cát xưa và các tổ dân phố phường Vĩnh Niệm ngày nay, có tác dụng động viên mọi người cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày thêm giầu đẹp.
6. Khảo tả di tích
Đình Trực Cát hiện nay tọa lạc trên một khu đất khá rộng và vuông vức, tổng diện tích khuôn viên gần 1000 m2, bên trục đường Vĩnh Tiến. Đình có bố cục mặt bằng hình chữ "Nhất", với tòa đại đình 5 gian bề thế. Đình hướng Nam, hướng mà theo phong thủy được gọi là hướng "vượng" có thể đem lại nguồn sinh khí tốt lành cho cộng đồng dân cư.
Tòa đại đình 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, đấu trụ hồi văn, tay ngai trụ biểu lợp ngói mũi, nền và sân đình lát gạch Giếng Đáy. Bờ nóc đắp đôi kìm và lưỡng long chầu cuốn thư. Bức cuốn thư được tạo ở trung tâm bờ nóc, trên cuốn thư đắp nổi 3 chữ Hán: Đình Trực Cát.
Kết cấu bộ khung chịu lực làm bằng vật liệu bê tông cốt thép, chắc, khỏe. Vì nóc tạo kiểu "chồng rường giá chiêng" vì nách kiểu "chồng rường đấu sen". Trên các thanh rường và đấu kê tạo cánh sen, đề tài hoa lá thiêng.
Nghi môn được xây kiểu tứ đồng trụ, đỉnh trụ tạo kiểu đèn lồng, thân trụ vuông, đế kiểu quả bồng truyền thống. Xung quanh khuôn viên đình được xây tường bao bảo vệ. Nhìn tổng thể, đình Trực Cát tuy mới được phục dựng, song vẫn kế thừa được phong cách kiến trúc và mỹ thuật truyền thống, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Thiết chế thờ tự trong nội thất đình được bài trí trang nghiêm, chu đáo, với gian trung tâm đặt khám thờ thần tượng vị thành hoàng (Đức Ngô Vương Quyền); gian bên tả thờ phối Đức Thánh Niệm (Phạm Tử Nghi) và gian bên hữu là ban thờ các anh hùng liệt sỹ. Các gian thờ đều bài trí đầy đủ hoành phi, câu đối, cửa võng, nhang án, bát biểu... Nội dung các đại tự, câu đối đều ca ngợi công lao của vị thần được tôn thờ tại di tích.
7. Một số di vật tiêu biểu của di tích
Trải qua thời gian, thiên tai, chiến tranh, ngôi đình cổ xưa chỉ còn trong ký ức của dân làng. Ngày nay, nhiều đồ thờ tự tế khi đã bị thất lạc hoặc hủy hoại chỉ còn sót lại một vài chân tảng đá xanh kế cột đình. Các chân tảng kê cột có đường kính = 40cm, tạo kiểu trên tròn, đế vuông, niên đại khoảng thế kỷ 18, 19.
Sác phong: Hiện chỉ còn một số sắc phong sao lại từ Viện thông tin khoa học xã hội Hà Nội: 1, Sắc Thành Thái nguyên niên (1889)
2, Sắc Duy Tâm tam niên (1909)
3, Sắc Khải Định cửu niên (1924)
4, Sắc Tự Đức lục niên (1853)
Đặc biệt là bản sắc phong đời vua Tự Đức 6 (1853), ban cho 17 làng xã được tôn thờ Đức Tiền Ngô Vương, bản chính hiện còn lưu giữ tại đình Đông Khê, quận Ngô Quyền.
Một số hiện vật khác như: tượng Đức Ngô Vương, bài vị hoành phi, đại tự, câu đối, cửa võng, nhang án, bát biểu... đều do nhân dân mới cung tiến.
8. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích:
Đình Trực Cát là công trình kiến trúc văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của cộng đồng dân cư địa phương. Đình tôn thờ vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, ngài đã có công đánh đuổi giặc Nam Hán xâm lược, bảo vệ, giữ gìn non sông đất nước khi hóa, hiển linh phù nước, giúp dân, công lao to lớn của ngài mãi được người đời tưởng nhớ, phụng thờ. Trải qua thời gian thăng trầm của lịch sử, ngôi đình làng xưa chỉ còn lại trong ký ức của các cụ cao niên, nhưng với những hiện vật còn lưu giữ đến ngày nay cũng đủ minh chứng về sự tồn tại của ngôi đình xưa trên vùng đất này.
Ngôi đình Trực Cát hiện nay, tuy mới được xây dựng lại, song điều đó thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đã có ý thức bảo tồn, trùng tu, tôn tạo nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của cộng đồng cư dân nơi đây.
Ngoài ra, tại di tích, nhân dân còn bảo lưu được một không gian lễ hội truyền thống khá phong phú qua nghi lễ tôn vinh, tưởng niệm các vị anh hùng có công với làng với nước.
Đình Trực Cát, phường Vĩnh Niệm sau khi được xếp hạng sẽ tạo ra một quần thể di tích cùng với đình Niệm, lăng Đôn, chùa Đồng Thiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
9. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích
Hiện nay, đình đã được trùng tu, tôn tạo khang trang, chắc chắn, di tích còn lưu giữ được một số những hiện vật có giá trị và được bảo quản khá tốt;
Di tích hiện đã có ban quản lý lâm thời, tuy nhiên cần phân công, phân nhiệm cụ thể hơn cho các thành viên ban quản lý để chăm sóc di tích được chu đáo hơn;
Tại di tích còn thiếu vắng bóng cây lâu niên, cần bổ sung cây xanh như cây đa, cây si tạo bóng mát cho công trình.
10. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích
Để bảo vệ, gìn giữ và phát huy tốt giá trị di tích, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
10.1. Chính quyền địa phương cần phối hợp với các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và các đoàn thể, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là Luật Di sản văn hoá ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009 cho mọi tầng lớp nhân dân.
10.2. Cần kiện toàn Ban quản lý di tích, có cơ chế chính sách hợp lý để động viên, khích lệ những người trực tiếp trông coi, bảo vệ di tích.
10.3. Công tác thu, chi tài chính phải được công khai, minh bạch.
10.4. Thường xuyên kiểm tra các hoạt động tại di tích, nhằm kịp thời ngăn chặn những hủ tục mê tín, dị đoan, hoặc thương mại hóa lễ hội tại di tích.
10.5. Hàng năm cần kiểm tra định kỳ đối với từng hạng mục công trình của di tích, kịp thời có phương án chống mối mọt, chống dột, chống sập.
10.6. Cần khôi phục lại lễ hội truyền thống và các trò chơi dân gian.
10.7. Công tác trùng tu, tôn tạo cần có sự bàn bạc thống nhất giữa chính quyền và nhân dân. Quá trình thực hiện phải theo đúng quy trình, thủ tục của Luật Di sản văn hoá; hồ sơ tu bổ phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tránh tình trạng tu bổ tự phát, manh mún, chắp vá, phá vỡ cảnh quan di tích, làm mất giá trị của di tích.
10.8. Công tác phòng chống cháy nổ phải được quan tâm thường xuyên, không để các vật liệu dễ cháy nổ trong di tích, phải trang bị các bình cứu hỏa nhằm ngăn chặn kịp thời không cho đám cháy bùng phát.
Trên đây là những đề xuất nhằm bảo vệ, gìn giữ di tích một cách lâu dài, góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền của nhân dân.
11. Kết luận
Thông qua đôi nét về lịch sử xây dựng, kiến trúc vật chất, nội dung thờ tự, những cổ vật, di vật hiện còn tại di tích. Đình Trực Cát thực sự là một di sản văn hóa có giá trị cần được bảo vệ và phát huy.
Chúng tôi trân trọng đề nghị Hội đồng Tư vấn xét duyệt di tích thành phố xem xét, trình UBND thành phố xét, quyết định xếp hạng đình Trực Cát, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng là Di tích lịch sử.
12. Tài liệu tham khảo
- Đại Việt sử ký toàn thư (tập 1) - Nxb Văn hóa -Thông tin 2004;
- Địa chí Hải Phòng - Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng 1990;
- Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Niệm - Nxb Hải Phòng 1999;
- Tài liệu ghi chép, khảo sát điền dã tại địa phương của tác giả;
- Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng - Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng - Nxb Hải Phòng 1998.
Thành đoàn Hải Phòng